Ngày 15 tháng 7 năm 2020 là kỷ niệm 610 năm chiến thắng oanh liệt của liên quân Ba Lan-Litva đánh bại quân Thập tự tại trận Grunwald. Chiến thắng Grunwald ngày 15 tháng 7 năm 1410 là niềm tự hào dân tộc của Ba Lan.
Grunwald là cuộc chiến quy mô nhất lịch sử trung cổ châu Âu (tiếng Ba lan: Bitwa Pod Grunwaldem), là màn kết cho xung đột chủ quyền lãnh thổ dai dẳng giữa các dân tộc trung đông châu Âu (các dân tộc dân tộc Sla-vơ) với láng giềng phía tây bắc Âu (dân tộc Đức) với đội ngũ dòng Thập tự quân hùng hậu, tự tin và dũng mãnh. Trận chiến cũng đánh dấu sự kết thúc của việc bành trướng dọc theo bờ biển phía đông biển Baltic của Thập tự quân. Chiến thắng khải hoàn tại Grunwald cũng đã đánh dấu việc liên minh Ba Lan-Litva trở thành một lực lượng hùng mạnh nhất Châu Âu.
Ảnh trái: tượng đài Chiến thắng Grunwald được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 550 năm của trận chiến Grunwald (năm 1960), bao gồm cột đá granit với khuôn mặt của hiệp sĩ khắc ở 4 hướng, 11 cột thép tượng trưng cao 30 mét, quốc kỳ Ba lan, cờ hiệu của liên quân Ba Lan-Litva. Ảnh phải: gần đó là một sơ đồ bằng đá thể hiện vị trí của các đội quân trước trận chiến. (Ảnh của tác giả.)
Các hiệp sĩ Tơ-tông (tiếng Ba lan: Krzyżacy, tiếng Anh: Teutonic Knights) là những kỵ binh thánh chiến với chiếc áo choàng màu trắng có in hình cây thánh giá màu đen, thường được biết đến dưới tên „Thập tự quân”. Đầu tiên họ là giáo binh đoàn gốc gác Đức, được lập ra từ cuối thế kỷ 12 với mục đích trợ giúp các Kitô hữu hành hương đến Thánh địa. Trong thời kỳ Trung Cổ họ tiến hành các cuộc thập tự chinh chống lại các nước láng giềng không theo Kitô giáo. Trong thời kỳ thịnh vượng nhất, họ đã kiểm soát toàn bộ phía đông khu vực biển Baltic.
Năm 1386, người cai trị vương quốc Litva-Jogaila (thời kỳ 1377-1434) kết hôn với Nữ hoàng Jadwiga của Ba Lan, cải đạo Thiên Chúa, trở thành vua Ba Lan lấy vương hiệu là Władisław II Jagiełło (thời kỳ 1386-1434). Sau khi Jadwiga qua đời (năm 1399) ông trở thành người duy nhất trị vì Ba Lan. Đại Hoàng tử Vytautas, em họ của Jagiełło trở thành người trị vì Litva (thời kỳ 1392-1430, sau thời kỳ trị vì ngắn của Skirgaila-em trai của Jagiełło (1886-1892)). Lễ cải đạo của Jagiełło chính thức đưa Litva trở thành nước theo Thiên Chúa giáo. Ba lan và Litva hợp nhất trở thành hợp quốc Ba lan-Litva, và là đối thủ mạnh của nhà nước Thập tự. Vào tháng 8 năm 1409 Ulrich von Jungingen-Đại Thống lĩnh của quân Thập tự đã tuyên chiến chống lại Ba Lan. Vào mùa đông năm 1409, Jagiełło và Vytautas đã được thống nhất một kế hoạch tấn công quân Thập tự, được hạn định vào giữa mùa hè năm 1410.
Trận chiến diễn ra trên lãnh thổ của nhà nước Thập tự quân khi đó, trên vùng đồng bằng giữa ba ngôi làng: Grünfelde (Grunwald) ở phía tây, Tannenberg (Stębark) ở phía đông bắc và Ludwigsdorf (Łodwigowo, Ludwikowice) ở phía nam. Nơi này cách thủ đô Warszawa hiện nay khoảng 180km về phía tây bắc. Jagiełło đã đề cập đến địa điểm này bằng tiếng Latinh la „Grunenvelt”, các nhà biên niên sử Ba Lan sau này đã giải thích từ Grunenvelt là Grünwald, có nghĩa là "rừng xanh" trong tiếng Đức. Người Litva sau đó dịch tên này là Žalgiris. Do đó, có ba tên thường được sử dụng cho trận chiến, tiếng Đức: Schlacht bei Tannenberg (Tannenberg là "đồi thông"), tiếng Ba Lan: bitwa pod Grunwaldem, tiếng Litva: Žalgirio mūšis.
Số lượng quân tham gia trận chiến rất khác nhau từ các nguồn khác nhau. Số liệu được công nhận rộng rãi là 39.000 liên quân Ba lan-Litwa và 27.000 quân Thập tự. Mặc dù ít hơn rất nhiều, quân Thập tự có lợi thế về huấn luyện quân sự và trang thiết bị các loại súng thần công có thể bắn đạn chì và đá, đặc biệt là với lực lượng kỵ binh thiện chiến mang áo giáp nặng. Cả hai lực lượng đều có thêm quân đội từ một số vùng đất khác, bao gồm cả nhiều lính đánh thuê tham gia trận chiến. Tổng cộng có 22 nhóm chủ yếu là người Đức tham gia đội quân Thập tự. Phía liên quân Balan-Litva bao gồm cả người Tác ta, Armenia, Séc, Hungari, Moravia và Bohemia. Lính đánh thuê từ Bohemia tham chiến vào cả hai bên chiến tuyến.
Sau gần một tháng tập hợp quân đến từ các ngả, lực lượng liên quân Ba Lan-Litva cùng tiến về hướng Marienburg là thủ phủ của quân Thập tự (thời kỳ 1309-1466), hiện nay là thành phố Malbork của Ba Lan.
Sáng sớm ngày 15 tháng 7 năm 1410, cả hai đội quân đã gặp nhau tại vùng giáp ranh 3 làng nói trên và dàn trận trong một khu vực rộng khoảng 4 km2. Phía Thập tự quân chờ phía Ba lan-Litva khai trận trước. Nhưng phía Balan-Litva trì hoãn. Thập tự quân nỗ lực bắn pháo oanh tạc, nhưng không có tác dụng. Lực lượng kỵ binh thiện chiến mang áo giáp nặng đứng ở trước chiến tuyến trên cánh đồng trống bị thiêu đốt trong nắng mặt trời mùa hè. Von Jungingen, trong sự tuyệt vọng để khiêu kích phía Balan-Litva hành động, đã gửi hai thanh gươm cho Jagiełło và Vytautas với mục đích xúc phạm họ là họ phải cần hai gươm này để bắt đầu chiến đấu.
Đến trưa, cuộc chiến bắt đầu, Kỵ binh Thập tự nhanh chóng thành công khi đụng độ với kỵ binh Litva ở phía bên phải, truy đuổi càn quét quân Litva ra khỏi chiến trường. Rồi họ quay trở lại tham gia vào cuộc chiến khốc liệt chống lại quân Ba Lan phía bên trái. Một lần nữa quân Thập tự chiếm thế thượng phong. Vua Jagiełło suýt bị bắt hoặc bị giết trong cuộc chiến do von Jungingen trực tiếp tham chiến. Vào thời điểm quan trọng này, các kỵ binh Litva sống sót từ trận chiến đầu đã quay trở lại chiến trường và tấn công quân Thập tự từ phía sau. Sau khi Đại thống lĩnh von Jungingen (bị gươm đâm xuyên qua cổ họng) và nhiều các chức sắc cao cấp tử trận, quân Thập tự rút lui về ở trại của họ. Nỗ lực cố thủ phía sau xe ngựa của họ nhanh chóng thất bại. Sau khoảng 10 giờ chiến đấu, quân Thập tự tan tác hoàn toàn. Không có số liệu cụ thể về thương vong, nhưng số dự đoán là 8.000 quân Thập tự bị giết tại trận và 14.000 bị bắt, trong khi thiệt hại về người phí Balan-Litwa là khoảng 5000 quân.
Tuy nhiên, sau chiến thắng vang dội, lực lượng Ba Lan-Litva lại trì hoãn cuộc tấn công vào Marienburg. Vì vậy quân Thập tự có cơ hội củng cố lực lượng. Dưới sự chỉ huy của Heinrich von Plauen, quân Thập tự đẩy lui được cuộc tấn công và trấn thủ cuộc vây hãm Marienburg gần 2 tháng. Ngày 19 tháng 9 lực lượng Ba lan-Litva đã ngừng bao vây và trở về nhà. Vào tháng 10, quân Thập tự dễ dàng tái chiếm hầu hết tất cả các pháo đài bị liên quân giành trước đó. Sau những trận chiến ngắn ngủi khác, cả hai bên đã đồng ý đàm phán. Ký kết hòa bình được ký vào tháng 2 năm 1411 tại Thorn (thành phố Torun hiện nay).
Dữ liệu và kỷ vật lịch sử của trận chiến Grunwald được trưng bày trong bảo tàng Grunwald.
Chiến thắng Grunwald là bài học lịch sử quan trọng trong các trường phổ thông. Rất nhiều đoàn học sinh đến thăm chiến trường Grunwald theo các chương trình ngoại khóa do các trường tổ chức. (Ảnh của tác giả.)
Chiến thắng oanh liệt tại Grunwald đánh dấu sự khởi đầu của suy giảm sức mạnh của Thập tự quân. Dù là vẫn giữ được phần lớn lãnh thổ, danh tiếng của Thập tự quân bị phá hủy dẫn đến sự tan rã sau này. Và quan trọng nhất là Grunwald đã đánh dấu việc hiệp quốc Ba Lan-Litva trở thành cường quốc ở Châu Âu. Đặc biệt sau chiến thắng này, dưới triều đại của vua Jagiełło, biên giới Ba Lan được mở rộng, khởi đầu cho thời kỳ hoàng kim của Ba Lan.
Chiến thắng Grunwald là biểu tượng quốc gia, một phần không tách rời trong ý thức dân tộc của nhiều thế hệ người Ba Lan, và cũng là một trong những bài học lịch sử quan trọng nhất trong chương trình giáo dục phổ thông.
Ảnh trái: đài kỷ niệm chiến thắng Grunwald tại quảng trường Matejko ở Krakow được khánh thành năm 1910, nhân dịp kỷ niệm 500 năm trận chiến tại Grunwald, phần còn lại của tượng đài sau khi bị Đức phá hủy năm 1939 hiện được trưng bày tại Grunwald. Ảnh phải: tượng đài Grunwald mới ở Krakow được tái tạo và khánh thành vào năm 1976. (Ảnh của tác giả.)
Ba Lan hàng năm tổ chức kỷ niệm chiến thắng Grunwald vĩ đại vào tháng 7, với các nghi lễ lớn tại các điểm văn hóa trên cả nước với sự hiện diện của đại diện nhà nước Ba Lan và Litva. Đặc biệt luôn có cuộc tái diễn trận chiến lịch sử diễn ra trên mảnh đất Grunwald lịch sử với người tham gia trận chiến cũng như khán giả đến từ nhiều nơi trên thế giới. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 600 năm, cuộc tái hiện trận chiến lớn nhất được tổ chức với khoảng 2.200 người tham gia đóng vai kỵ binh và 3.800 người đóng vai những người nông dân phục vụ trại binh và đã thu hút khoảng 200.000 khán giả.
Chiến thắng Grunwald cũng được coi là chiến thắng vĩ đại của người dân Belarus. Trong 40 đơn vị Litva tham chiến tại trận Grunwald thời đó, có tới 28 đơn vị đến từ các vùng đất thuộc lãnh thổ Belarus ngày nay.
Tái diễn trận chiến lịch sử diễn ra trên mảnh đất Grunwald lịch sử được tổ chức hàng năm vào tháng 7 với đông đảo người tham gia trận chiến và khán giả đến từ nhiều nơi trên thế giới.
(Ảnh từ Internet.)
Những người đang sống, làm việc, và học tập tại Ba lan, hay khách du lịch đến Ba lan vào dịp tháng 7, đặc biệt là các bạn trẻ, hãy dành chút thời gian đến thăm Grunwald để chứng kiến trận chiến Grunwald lịch sử qua màn tái hiện. Màn tái hiện trận chiến lịch sử nhân dịp kỷ niệm 410 năm đã được lên kế hoạch hoàng tráng vào tháng 7 năm nay (2020), nhưng sẽ phải hoãn đến năm sau (2021). Nhưng ngay cả khi không vào dịp tháng 7, không được là khán giả của màn tái hiện, các bạn cũng sẽ có được những hình dung lý thú khi dạo bước tại địa điểm lịch sử này, qua những cánh đồng lúa mì vàng rực rỡ, hay trên cánh đồng cỏ xanh ngút tầm mắt, và đặc biệt là dạo bước trong rừng thông rì rào gió mát lạnh, nơi quân của vua Jaggełło ẩn mình trước khi ra trận.
Ý kiến bạn đọc