Alexander Blok: Vầng mặt trời lịm tắt

Đăng lúc: Thứ bảy - 07/08/2021 15:54 - Người đăng bài viết: admin
7/8/2021 là kỉ niệm 100 năm ngày mất của thi hào Nga Aleksandr Blok, nhà thơ lớn nhất của phong trào tượng trưng Nga ở thời kỳ phát triển cực thịnh của nó. Sáng tác của A. Blok là một trong những hiện tượng xuất sắc nhất của nền thơ ca Nga sau Pushkin, Nekrasov, Chuttsev.

 

Alexandr Blok

 

Đầu thế kỷ 20 ở “thế kỷ Bạc” trên bầu trời thi ca Nga bừng sáng lên với những ngôi sao lớn nối tiếp nhau xuất hiện: Đó là Aleksandr Blok, Anna Akhmatova, Sergei Esenin…, trong đó Aleksandr Blok (1880 - 1921) - nhà thơ của buổi giao thời lịch sử, có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với toàn bộ nền thơ ca hiện đại Nga, chiếm vị trí chủ soái trong phái trẻ tượng trưng Nga đầu thế kỷ 20. 

 

Xuất thân từ giới thượng lưu đại trí thức, A. Blok sinh ra và lớn lên ở đất đế đô Saint-Petersburg, trung tâm văn hóa và văn minh của nước Nga cuối thế kỷ 19. Từ những ngày còn thơ bé Blok đã thích làm thơ, ở tuổi hoa niên chàng trai Aleksandr đã say mê làm thơ, đến tuổi trưởng thành đã bộc lộ một tài năng xuất sắc của nhà thơ tương lai có thiên hướng đi sâu vào nội tâm và những tình cảm riêng tư của nhân vật trữ tình.

 

Sự nghiệp đồ sộ của A. Blok có thể tạm chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn I nổi bật với tập thơ Thơ về người đàn bà kiều diễm (1903), dành tặng người vợ của ông, Lyubov Mendeleeva, con gái của nhà hóa học huyền thoại Dimitry Mendeleev, thể hiện tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa tượng trưng Nga. Giai đoạn II miêu tả thế giới khủng khiếp. Giai đoạn III là giai đoạn Blok toàn tâm toàn ý hiến dâng cuộc đời mình cho đề tài Tổ quốc và nước Nga, trong đó phải kể đến với trường ca Trừng phạt và trường ca Mười hai

 

Minh họa trường ca Mười hai bởi Yury Annenkov. Ảnh: rbth.com

 

Từ tập thơ Thơ về người đàn bà kiều diễm 1903 đến trường ca Mười hai năm 1918, nhà thơ đã trải qua một chặng đường dài đấu tranh tư tưởng giữa xu hướng trừu tượng của chủ nghĩa tượng trưng và xu hướng hiện thực. Điều đó nhen nhóm từ những bài thơ trữ tình thời trẻ của A.Blok, tuy có những bài còn mang chất lãng mạn thần bí, nhưng khi viết về cuộc đời thực tại thì tình cảm tự nhiên của con người trong thơ vẫn dậy lên, dồn dập, khỏe khoắn. Ước mơ lãng mạn trong thơ A.Blok là sáng tạo nên những biểu tượng gắn với sợi dây của thực tại đời thường. 

 

Ngày 9 tháng Giêng năm 1918, chỉ hơn hai tháng sau Cách mạng tháng Mười, Aleksandr Blok đã viết bài báo “Trí thức và cách mạng” giãi bày những mâu thuẫn nội tâm của ông khi quyết tâm đứng về phía cách mạng, trở thành nhà thơ – công dân và đoạn tuyệt với “thế giới mù sương của chủ nghĩa tượng trương”. Mặc dù đã có chuyển biến trong ý thức sáng tác về những vấn đề của đất nước và thời đại, song ý thức A.Blok vẫn còn băn khoăn “một mặt nhà thơ chào đón cách mạng, một mặt lại e sợ nó”. Mở đầu bài viết “Trí thức và cách mạng” A. Blok đã viết: “Tôi nghe thấy xung quanh mình những âm thanh “Nước Nga sẽ diệt vong”. “Nước Nga không còn nữa”, “Đời đời tưởng nhớ nước Nga ”. Nhưng trước mặt tôi là nước Nga – một nước Nga mà các nhà văn vĩ đại của chúng ta đã nhìn thấy trong những giấc mơ sợ hãi và được báo trước; là Petersburg mà Dostoevski đã từng nhìn thấy; là nước Nga mà Gogol gọi là cỗ xe tam mã đang vun vút lao nhanh. Nước Nga là cơn bão tố (…). Nước Nga đã phải chịu những nỗi thống khổ, bị lăng nhục, bị chia cắt; nhưng từ những sự bị lăng nhục ấy nước Nga sẽ trở thành một nước Nga mới - và theo kiểu mới – nước Nga sẽ trở thành một nước Nga vĩ đại. Trong dòng ý nghĩ và linh cảm từng xâm chiếm tôi mười năm trước đây là một tình cảm lẫn lộn về nước Nga: nỗi buồn, nỗi sợ hãi, sự sám hối và niềm hy vọng”. 

 

Với tư cách của một người nghệ sĩ, A. Blok viết tiếp: “Sự nghiệp của người nghệ sĩ, nghĩa vụ của người nghệ sĩ – là nhìn thấy điều mình dự định làm, lắng nghe tiếng âm nhạc rền vang trong ‘không trung gió giật từng hồi’. Dự định là phải làm gì đây? Phải làm lại tất cả. Phải tổ chức sắp xếp sao cho tất cả mọi thứ đều trở nên mới mẻ, sao cho cuộc sống giả dối, bẩn thỉu, tẻ nhạt, tồi tệ của chúng ta trở thành cuộc sống công bằng, trong sạch, vui vẻ và tươi đẹp. Khi những ý định được ẩn giấu từ ngàn xưa trong tâm hồn loài người, trong tâm hồn nhân dân - những ý định như thế đang làm đứt tung những gông xiềng trói buộc và như dòng thác cuồn cuộn cuốn phăng đi những con đập chắn nước, tràn phủ lên bờ - đó gọi là cách mạng. Ôn hòa ít hơn, nhiều hơn, thấp hèn hơn – thì đó gọi là sự nổi loạn, bạo loạn, đảo chính. Nhưng cái đó gọi là cách mạng”.   

 

Sự chuyển biến này đã dọn đường cho sự ra đời của trường ca Mười hai - đỉnh cao trong sáng tác của Blok, được ông hoàn thành một mạch vào tháng Giêng năm 1918. Con số 12 ở đây là mười hai chiến sĩ cận vệ trong bản trường ca, tượng trưng cho “những người nghèo đói, rách rưới” thuộc tầng lớp dân nghèo thành phố bị cuốn hút vào phong trào sôi động, họ cầm súng trong tay xuống đường, bị lôi cuốn bởi ý tưởng của thế giới mới và họ hùng dũng bước đi với tư thế của những chủ nhân mới của đất nước. 

 

Bước qua màn đêm tối và bão tuyết, ưỡn ngực đón lấy giá băng, họ bước đi lên phía trước quyết đánh đuổi con chó hoang cụp đuôi lầm lũi – biểu tượng cho thế giới cũ. Họ sẵn sàng đón nhận mọi điều hướng về lá cờ đỏ thắm trước mắt, cùng tiến bước dưới lá cờ đỏ dẫn đầu đoàn quân. Xuyên suốt bản trường ca là những hình ảnh dữ dội như trận gió, cơn giông, cơn rét thấu xương – những hình tượng mà Blok ưa thích nhất và thường dùng khi muốn truyền đạt cảm xúc hoặc tâm trạng chờ đợi những biến cố phi thường. Ông kể về thời điểm mình sáng tác trường ca như sau: “trong và sau khi kết thúc Mười hai, mấy ngày liền, tôi cảm thấy về mặt thể xác và thính giác có tiếng ầm ầm rất lớn quanh tôi – đó là tiếng ầm liên tục nối tiếp nhau (hẳn đó là tiếng ầm của sự đổ vỡ thế giới cũ)” (Ghi chép Mười hai, 1920). Đến tận bây giờ, trường ca 12 với những hình ảnh biểu tượng sâu sắc mà mơ hồ vẫn khiến cho những nhà phê bình không ngừng tranh cãi về những ẩn ý mà Blok muốn gửi gắm. 

 

Blok đã đón nhận cách mạng với tất cả nhiệt huyết để rồi ông nhận lấy sự thất vọng, như một bi kịch của cá nhân khi những người Bolsheviks lên nắm quyền và kiểm soát sự tự do ngôn luận. Mặc dù chính quyền dùng cái tên của Blok như một công cụ tuyên truyền, nhưng ông luôn nghĩ rằng thơ ca đích thực không phục vụ cho lợi ích của ai cả. Với Blok, chỉ những người thực sự tự do trong tâm tưởng mới có thể trở thành nhà thơ. Mọi sự kiểm duyệt sẽ đều bất lực trước khởi nguồn vĩ đại đó của thơ ca. “Hãy để những người muốn định hướng thơ ca cho mục đích của riêng họ, xâm phạm vào sự tự do bí ẩn của thơ ca, ngăn cản thơ ca thực hiện nghĩa vụ huyền bí của nó, phải chứng kiến sự khinh miệt khủng khiếp nhất”.   

 

Ở cuối cuộc đời, nỗi tuyệt vọng, trầm cảm trước thực tại khiến ông mất đi sự sống động, cạn kiệt cảm hứng sáng tác. Ông ra đi sau nhiều ngày tuyệt thực. Nhà thơ Vladislav Khodasevich viết rằng Blok ra đi vì “ông không thể sống nổi nữa”.  Sau đám tang của ông, nhà thơ Anna Akhmatova viết lên bia mộ ông, mô tả ông là “Vầng dương của chúng tôi, lụi tắt trong đau đớn”. 

 

Với 41 tuổi đời, trong đó thực sự chỉ hơn hai mươi năm cống hiến cho Thơ, Aleksandr Blok đã để lại cho đời một khối lượng thơ đồ sộ và những bài thơ tình yêu lung linh còn lại mãi với thời gian. Thơ tình yêu của Blok là thơ say đắm trong chiều sâu của suy ngẫm trí tuệ khiến khi ta đọc lên là không thể chỉ đọc có một lần. Thơ về đề tài Tổ quốc của Blok là những vần thơ đằm thắm được viết nên với ý thức trách nhiệm cao của một nhà thơ-công dân. 

 

Blok đã trở thành nhà thơ của nước Nga, sống với đời sống của nước Nga, nhà thơ của nhân dân khi ông thực sự hướng cái mộng mơ, cái trữ tình hòa chung nhịp thở với cuộc sống và thời đại, như V. Maiakovsky đã từng nói: “ Tác phẩm của Aleksandr Blok là cả một thời đại thơ ca, thời đại của một quá khứ chưa xa. Là một nghệ sĩ tượng trưng nổi tiếng nhất, Blok đã có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến toàn bộ nền thơ ca hiện đại”. 

 

Thơ A. Blok được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ngày nay khi nước Nga đang vững bước vào thế kỷ 21 đầy sôi động của một nước công nghiệp phát triển, thơ A.Blok vẫn mãi mãi là người bạn tâm tình của người dân Nga hôm nay và của triệu triệu bạn đọc ngoài biên giới nước Nga. Ở Việt Nam ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 giới văn chương đã coi A.Blok là thi bá của nước Nga đầu thế kỉ 20; năm 1983 Nhà xuất bản Văn học đã ấn hành tập thơ “THƠ A. Blok – X. Exenin”, trong đó hơn 40 bài thơ của A. Blok và trường ca Mười hai đã được dịch sang tiếng Việt với sự đánh giá trân trọng “Blok và Exenin là hai ngôi sao sáng trên nền thơ ca Nga, trên nền thơ Xô viết và trên nền thơ nhân loại” (Tế Hanh). 

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Hòa

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 15
  • Hôm nay: 2173
  • Tháng hiện tại: 12821
  • Tổng lượt truy cập: 25657710