Feynman nghĩ về trí tưởng tượng trong khoa học và văn học

Đăng lúc: Thứ bảy - 31/12/2022 22:08 - Người đăng bài viết: admin
Trong quãng thời gian ngắn ngủi ở Caltech, tiến sĩ Leonard Mlodinow đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với Richard Feynman và hiểu thêm về con người ông. Các cuộc trao đổi này đã được ghi âm trực tiếp và trở thành nguồn cảm hứng để Mlodinow viết cuốn “Cầu vồng của Feynman”. Dưới đây là trích đoạn một số suy nghĩ của Feynman về sự khác biệt giữa trí tưởng tượng trong khoa học và văn học.

 

Trí tưởng tượng trong khoa học

“Trong một số trường hợp, việc tìm ra bài toán để giải có thể là kết quả của một trí tưởng tượng và rất sáng tạo. Còn việc giải nó thì không cần phải có cùng kỹ năng như thế. Nhưng trong toán và vật lý lại có những bài toán rơi vào tình huống ngược lại. Đó là những bài toán thuộc loại như hiển nhiên, nhưng giải thì cực khó, các kỹ thuật và phương pháp vào thời gian đó cũng như thông tin mà mọi người biết còn rất ít. Trong trường hợp này lời giải là chuyện của trí thông minh.

Một ví dụ rất hay là thuyết tương đối và hấp dẫn – cũng tức là thuyết tương đối rộng của Einstein. Với thuyết tương đối, rõ ràng là nó phải bằng cách nào đó kết hợp được thuyết tương đối hẹp, lý thuyết cho rằng ánh sáng truyền với một tốc độ c hữu hạn nào đó, với hiện tượng hấp dẫn. Nhưng cậu không thể có điều đó – mà cụ thể là cậu không thể kết hợp lý thuyết hấp dẫn cũ của Newton với các tốc độ vô hạn và thuyết tương đối giới hạn các tốc độ. Do vậy, bằng cách nào đó, cậu phải sửa đổi lý thuyết hấp dẫn hiện có.

Bây giờ hãy trở lại bài toán mà tôi đang nghiên cứu. Nó hoàn toàn hiển nhiên đối với mọi người. Chúng ta đã có một lý thuyết toán học gọi là sắc điện động lực học lượng tử, được coi là có thể giải thích các tính chất của proton và neutron và nhiều nữa… Ở đây bài toán đã rõ ràng nhưng lời giải thì rất khó. Phải dùng rất nhiều mảnh ghép của trí tưởng tượng mới tìm ra lý thuyết này, người ta nhận ra nhiều hình mẫu và rồi dần dần khám phá ra nhiều chuyện và cuối cùng là các hạt quark, và sau đó đang cố gắng tìm ra một lý thuyết đơn giản nhất. Như vậy là có cả một lịch sử khá dài để tạo ra bài toán này. Phải mất nhiều thời gian chúng ta mới tới được đây, nhưng cũng luôn phải nhớ tới nhiều thất bại.

Bây giờ tôi vẫn đang làm việc về bài toán hắc búa này, mà lại ở tuổi xế chiều rồi. Điều trước tiên tôi thử làm với bài toán là tìm ra một phương pháp toán học nào đó để giải nó, giải một số phương trình. Nhưng làm thế nào đây? Phải bắt đầu như thế nào để hình dung ra nó? Có lẽ là do độ phức tạp của bài toán quyết định. Trong trường hợp này, tôi đơn giản là thử tất cả. Tôi mất hai năm trời để vật lộn với hết phương pháp này đến phương pháp khác. Mà có lẽ hiện giờ tôi vẫn đang thử – tôi đã thử rất nhiều các phương pháp khác nhau nhưng đều không có kết quả, và một khi phương pháp này không có kết quả tôi sẽ chuyển sang thử phương pháp khác. Đến đây, sau khi đã thử tất cả, tôi ý thức được rằng tôi không thể làm thế được nữa. Mọi thủ thuật của tôi đều không mang lại kết quả.

Rồi sau đó tôi nghĩ, thôi được, nếu như mình hiểu được một cách đại thể câu chuyện ở đây thì nó có thể ít nhiều gợi ý được cho mình loại toán học nào mình có thể thử. Thế là tôi dành nhiều thời gian để suy nghĩ về cách nó vận hành, tất nhiên là một cách đại thể thôi.

Ở đây cũng có một số vấn đề về tâm lý. Trước hết, trong những năm gần đây, tôi chỉ làm những bài toán khó gặm nhất. Tôi rất thích các bài toán hóc búa. Những bài toán mà không ai giải được, và do đó cơ may mà tôi giải được nó cũng không cao. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy rằng tôi đã có địa vị, có học hàm giáo sư, nên tôi không còn băn khoăn về chuyện tiêu phí thời gian để làm việc cho một dự án dài lâu.

Một nhà văn hay một họa sĩ có thể tưởng tượng ra điều gì đó và chắc chắn có thể không thỏa mãn với nó về mặt nghệ thuật hay thẩm mỹ, nhưng điều đó không cùng một cấp độ tinh tế và tuyệt đối mà nhà khoa học xử lý. Đối với nhà khoa học, vị Thượng đế Thực nghiệm này có thể phán, ‘Đẹp đấy, anh bạn, nhưng nó không thực tế’. Đó là sự khác biệt rất lớn.

Một khía cạnh tâm lý tiếp theo, đó là tôi cần nghĩ rằng, vì một lý do nào đó mà tôi có một chút may mắn hơn những người khác. Trong thâm tâm tôi biết rằng rất có thể cái lý do ấy là sai, và có thể cái thái độ đặc biệt mà tôi có vì nó là do những người khác nghĩ ra. Tôi không quan tâm; có thể tôi đã tự lừa dối mình khi nghĩ rằng tôi có nhiều cơ may hơn. Rằng tôi có gì đó để đóng góp. Nếu không tôi cũng có thể chờ đợi một ai khác làm điều đó, bất kể là ai.

Nhưng cách tiếp cận của tôi không bao giờ y hệt như của ai đó khác. Tôi luôn nghĩ tôi có một đường dẫn dắt bên trong nên luôn thử theo một cách khác. Và tôi nghĩ đó là bởi vì tôi thử một cách khác nên thành công. Những người khác không có cơ may nào. Điều đó là thái quá. Nhưng tôi đã chuẩn bị cho mình đạt tới sự thái quá đó. Tôi luôn coi nó giống như những người châu Phi khua chiêng gõ trống vang trời khi họ ra trận để tự kích thích mình. Tôi tự nhủ và thuyết phục mình rằng bài toán này là có thể giải được theo phương pháp của tôi còn những người khác đã làm không đúng. Lý do là họ không hiểu rằng họ đã làm không đúng. Và tôi định sẽ làm điều đó theo một cách khác. Tôi tự nhủ mình như vậy và dần lấy được sự hăng hái.

Sở dĩ phải như vậy là vì khi có một bài toán khó, người ta sẽ phải làm việc lâu dài và cần phải kiên nhẫn. Để kiên nhẫn, bạn phải khẳng định được với mình rằng nó đáng để làm việc nặng nhọc như vậy, rằng bạn nhất định sẽ đến được đâu đó. Mà đấy cũng là một loại tự lừa dối mình.

Với bài toán cuối cùng này, tôi đã sẵn sàng tự lừa dối mình. Tôi chưa tới đâu cả. Tôi cũng chưa thể nói cách tiếp cận của tôi là rất tốt. Trí tưởng tượng đang khiến tôi thất bại. Tôi đã hình dung ra nó sẽ vận hành như thế nào về mặt định tính, nhưng không thể hình dung ra sự vận hành của nó về mặt định lượng. Khi bài toán cuối cùng được giải quyết, thì đó hoàn toàn là nhờ trí tưởng tượng. Khi đó sẽ có một điều gì đó thật quan trọng về cái cách thức tuyệt vời mà nó đã được làm. Nhưng đơn giản là tất cả đều nhờ vào trí tưởng tượng và sự kiên trì nữa”.

Trí tưởng tượng trong nghệ thuật

“Một lần, trong một khoảng thời gian ngắn, bản thân tôi đã tính tới chuyện viết tiểu thuyết. Tất nhiên là tôi có những bài thuyết trình; nghĩa là tôi nói và người ta ghi âm lại. Đó là lối thoát dễ nhất. Thế cho nên tại một bữa tiệc ở khoa tiếng Anh, tôi có hỏi, cho vui thôi, một vị giáo sư rất thân thiện mà tôi kính trọng, là viết tiểu thuyết như thế nào, và ông ấy trả lời, ‘tất cả những gì anh cần làm là hãy viết đi’.

Feynman từng muồn học theo Truyện cổ Grimm.

Tôi kiếm được cuốn Truyện cổ Grimm. Có thể nói rằng viết những truyện này không khó lắm… họ có thể làm bất cứ thứ gì họ muốn bởi họ có đủ các thiên thần, các loại quỷ, và những thứ đại loại như thế. Vì vậy họ có thể làm bất cứ thứ gì họ muốn, lại còn có đủ thứ pháp thuật nữa. Nên tôi đã nói, ‘Tôi sẽ viết một truyện như thế cho mà xem’.

Nhưng tôi không thể làm được gì ngoài việc kết hợp những cái mà tôi đã đọc. Thật không may là tôi cảm thấy rằng khi kết hợp lại như thế tôi chẳng nhận được một cốt truyện thật sự khác biệt, chẳng có cái gì đó thông minh, bất ngờ, trong khi của người ta, truyện tiếp sau vẫn có những bất ngờ, không giống như các truyện khác. Nó vẫn có những loài quỷ quái trong đó, nhưng bản chất của cốt truyện, cái kết thúc bất ngờ thì lại rất khác… Tôi nghĩ rằng tôi không có đủ trí tưởng tượng để tạo ra một truyện mới thật hay.

Nói thế không có nghĩa là tôi không có trí tưởng tượng tốt. Thực tế, tôi nghĩ làm những thứ mà nhà khoa học làm, nghĩ ra hoặc tưởng ra những cái ở đó thì khó hơn nhiều so với tưởng tượng một cuốn tiểu thuyết, tức là tưởng tượng những cái không có ở đó. Để thực sự hiểu được vạn vật vận hành ở một thang nhỏ hoặc một thang lớn như thế nào, hóa ra nó khác với bạn nghĩ đến nỗi phải cần tới rất nhiều, rất nhiều trí tưởng tượng mới thấy được nó! Chúng ta cần rất nhiều trí tưởng tượng để mô tả nguyên tử, để hình dung ra là có các nguyên tử và chúng có thể hoạt động ra sao. Hoặc như lập ra được Bảng tuần hoàn các nguyên tố, chẳng hạn.

Nhưng trí tưởng tượng của nhà khoa học khác với của nhà văn ở chỗ, nó có thể kiểm tra được. Một nhà khoa học tưởng tượng một cái gì đó và sau đó Thượng đế phán ‘sai’ hoặc ‘ít nhất cho đến lúc này là tốt’. Mà Thượng đế chính là thực nghiệm, và Thượng đế có thể phán, ‘Ồ không, nó không phù hợp’. Bạn nói, ‘Tôi tưởng tượng nó vận hành như thế này. Và nếu đúng như thế thì bạn sẽ quan sát thấy điều đó’. Rồi sau đó, những người khác quan sát, và họ không thấy. Thế là bạn đã phỏng đoán sai. Trong viết văn, bạn không có điều đó.

Không giống như toán học hay khoa học, văn chương không phải một khối kiến thức mở rộng dần và mọi thứ được xếp lại với nhau, mà là một con quái vật khổng lồ được nhiều người cùng nhau dựng nên, trong đó có sự tiến bộ.

Một nhà văn hay một họa sĩ có thể tưởng tượng ra điều gì đó và chắc chắn có thể không thỏa mãn với nó về mặt nghệ thuật hay thẩm mỹ, nhưng điều đó không cùng một cấp độ tinh tế và tuyệt đối mà nhà khoa học xử lý. Đối với nhà khoa học, vị Thượng đế Thực nghiệm này có thể phán, ‘Đẹp đấy, anh bạn, nhưng nó không thực tế’. Đó là sự khác biệt rất lớn.

Giả sử rằng cũng có vị Thượng đế Thẩm mỹ vĩ đại nào đó. Và rồi bất cứ khi nào vẽ một bức tranh, bất kể là bạn thích nó nhiều tới mức nào, nó làm cho bạn thỏa mãn ra sao, thậm chí nếu nó đôi khi có làm cho bạn không thỏa mãn đi nữa, thì dù sao bạn cũng nên gửi nó tới vị Thượng đế Thẩm mỹ vĩ đại và Ngài sẽ phán, “Nó đẹp” hoặc “Nó xấu”. Sau đó một thời gian, vấn đề đối với bạn là bạn cần phát triển cảm giác thẩm mỹ sao cho phù hợp với đánh giá đó, chứ không phải là những tình cảm cá nhân của bạn về nó. Điều đó tương tự hơn với các loại sáng tạo mà chúng ta có trong khoa học.

Ngoài ra, không giống như toán học hay khoa học, văn chương không phải một khối kiến thức mở rộng dần và mọi thứ được xếp lại với nhau, mà là một con quái vật khổng lồ được nhiều người cùng nhau dựng nên, trong đó có sự tiến bộ. Liệu bạn có thể nói, ‘Mỗi một ngày chúng ta sẽ trở thành các nhà văn tốt hơn bởi vì chúng ta đã được xem tất cả những cái mà người ta đã viết trước đó?’. Rằng chúng ta viết tốt hơn là bởi vì những người khác đã chỉ cho chúng ta cách làm điều này hay điều nọ trước đó, nên bây giờ chúng ta có thể tiếp tục và đi xa hơn? Đó chính là cách trong toán học và khoa học. Ví dụ, tôi đã đọc cuốn Madame Bovary mà tôi thấy rất tuyệt. Tất nhiên, đó không gì khác mà chỉ là mô tả về một con người bình thường thôi. Tôi không chắc lắm về kiến thức lịch sử của mình, nhưng tôi nghĩ Madame Bovary là tiểu thuyết khởi đầu viết về những người bình thường. Tôi nghĩ rằng nếu tiểu thuyết của những người khác viết cũng giống như vậy thì tôi sẽ rất thích thú. Nhưng tiểu thuyết hiện đại, người ta không còn viết với sự lão luyện và những chi tiết như thế nữa. Tôi có đọc lướt qua một số cuốn và thấy không thể chịu nổi…

Thật may là tôi đã tìm được chỗ của tôi trong vật lý. Đó là cuộc đời tôi. Đối với tôi, vật lý vui hơn bất cứ thứ gì khác, nếu không tôi không thể làm nó”.□

———-

* Trích trong cuốn “Cầu vồng của Feynman” của Leonard Mlodinow, dịch giả Phạm Văn Thiều chuyển ngữ và NXB Trẻ ấn hành.


Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 106
  • Khách viếng thăm: 35
  • Máy chủ tìm kiếm: 71
  • Hôm nay: 382
  • Tháng hiện tại: 70421
  • Tổng lượt truy cập: 25621003