Ban nhạc Queen của Anh là một trong những ban nhạc có số lượng băng đĩa âm nhạc bán chạy nhất thế giới. Cuối năm 2018, bộ phim với tiêu đề “Bohemian Rhapsody” (cũng là tên của một bài hát của ban nhạc) được phát hành, thể hiện lại những năm hình thành và phát triển của ban nhạc. Bộ phim đã có thu về hơn 900 triệu đô la trên toàn thế giới, khiến nó trở thành bộ phim tiểu sử âm nhạc có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Bài viết này chọn viết về bài hát nổi tiếng của ban nhạc Queen “I Want to Break Free”, nhân dịp sinh nhật John Richard Deacon (ngày 19 tháng 8 năm 1951), là tác giả của bài hát, và kỷ niệm sinh nhật của Freddie Mercury (ngày 5 tháng 9 năm 1946), cố ca sĩ chính của ban nhạc Queen, người đã thể hiện xuất sắc bài hát này.
Bìa đĩa đơn bài hát “I want to break free” của ban nhạc Queen với ảnh ca sĩ chính Freddie Mercury.
“I want to break free” là một bài hát trong album phòng thu với tiêu đề “The Works” phát hành ngày 27 tháng 2 năm 1984. Bài hát cũng được phát hành như đĩa đơn ngày 2 tháng 4 năm 1984.
Bài hát do John Deacon-người chơi guitar âm trầm (bass) của nhóm sáng tác năm 1983, theo cách cánh nam giới nhìn nhận về phong trào giải phóng phụ nữ. Ý tưởng chính của bài hát nằm trong tiêu đề của nó „Tôi muốn được giải thoát”.
I want to break free
I want to break free
I want to break free from your lies
You're so self satisfied, I don't need you
I've got to break free
God knows, God knows I want to break free
…
Tôi muốn được giải thoát
Tôi muốn được giải thoát
Tôi muốn được giải thoát khỏi những điều dối trá của anh (*)
Anh tự thoả mãn với bản thân mình, nhưng tôi không cần anh nữa
Tôi phải tự giải thoát
Chúa cũng biết, Chúa cũng biết tôi muốn được giải thoát
…
Có 3 phiên bản của bài hát. Trong album, bài hát dài 3 phút 20 giây. Phiên bản trong đĩa đơn dài 4 phút 21 giây vì có thêm phần dạo đầu 40 giây chủ yếu trên đàn phím điện tử kết hợp với bộ trống và chiêng. Phiên bản kéo dài là 7 phút 16 giây với việc kéo dài đoàn mở đầu và đoạn kết, dành cho đĩa than kích cỡ lớn, cũng như sau này ghi lại trên đĩa CD năm 1991.
Bìa album phòng thu “The Works” của ban nhạc Queen (đĩa than) phát hành ngày 27 tháng 2 năm 1984.
Bài hát được biết đến là do video rất khác lạ. Trong đoạn mở đầu, cả bốn thành viên ban nhạc ăn mặc như phụ nữ, nhại lại các vai diễn trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Coronation Street” của Anh, Freddie Mercury trong vai bà nội trợ Bet Lynch đang đưa đẩy một máy hút bụi, John Deacon trong vai bà góa Ena Sharples đang đọc báo, Brian May trong vai bà nội trợ Hilda Ogden vừa ngủ dậy trong váy ngủ, Roger Taylor trong vai cô học sinh Suzie Birchall. Đoạn sau của video có một đoạn múa với đoàn Ballet Hoàng gia Anh, và vì nó mà Mercury đã cạo đi bộ ria mép trứ danh của mình.
Video được quay vào ngày 22 tháng 3 và ngày 4 tháng 5 năm 1984 tại phòng quay Limehouse Studios. Theo May kể lại, ý tưởng rất lạ đời bắt chước các bà phụ nữ trong phim “Coronation Street” là của bạn gái của Taylor thời đó. Còn theo Taylor, trước đó cả nhóm đã thực hiện một số video rất nghiêm túc và hoành tráng, cho nên họ muốn có gì đó vui nhộn, để mọi người thấy rằng họ không phải lúc nào cũng nghiêm túc thế, mà còn có thể cười nhạo mình nữa.
Bốn thành viên ban nhạc Queen nhại vai phụ nữ trong phim truyền hình nhiều tập Coronation Street. Từ trái sang phải Roger Taylor, Brian May, Freddie Mercury và John Deacon (nhại nhân vật Suzie Birchall, Hilda Ogden, Bet Lynch, Ena Sharples).
Sau khi phát hành vào năm 1984, bài hát đã được đón nhận nồng nhiệt ở Châu Âu và Nam Mỹ. Đĩa đơn chiếm vị trí số ba ở Anh và rồi nhận được đĩa bạc, nó nằm trong số 10 bài hát đứng đầu các bảng xếp hạng ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ Latinh, và giữ vị trí thứ nhất tại Áo, Bỉ, Ha lan. Ở một số nước như Nam Phi hay Nam Mỹ, bài hát còn được coi là một quốc ca của cuộc chiến chống áp bức. Nhưng tại Mỹ, video bài hát bị cấm trong suốt thập kỷ, do chuyện mặc quần áo kiểu khác giới gây rất nhiều tranh cãi. Trong khi đó chuyện đó lại không gây bắt cứ sự kỳ thị nào, vì chuyện mặc quần áo kiểu khác giới rất phổ biến trong các phim hài của Anh. Chỉ sau khi nó được dùng cho chiến dịch quảng cáo cho Coca-Cola C2 thì nó mới được phổ biến rộng rãi ở Mỹ.
Bài hát này được trình diễn trong hầu hết các buổi biểu diễn trên sân khấu của nhóm Queen. Mercury thường xuyên xuất hiện đúng như hình ảnh trong video, đội tóc giả màu đen với tóc đánh bồng lên, đeo hoa tai màu hồng, mặc áo màu hồng, váy da màu đen bóng vào đeo ngực giả. Sau đó Mercury mới cởi bỏ dần đồ trong khi hát.
Freddie Mercury (tên khai sinh là Farrokh Bulsara) là ca sĩ chính của ban nhạc Queen. Ông được coi là một trong những ca sĩ chính vĩ đại nhất trong lịch sử nhạc rock với giọng hát 4 quãng tám, từ những âm trầm sâu lắng, rồi âm trung nhẹ nhàng sôi động, rồi âm cao hoàn hảo vươn tới những âm cao vút trong trẻo và tinh túy. Ông luôn thể hiện phong cách hết sức sôi nổi trên sân khấu, luôn có sắc thái biểu cảm phù hợp cho từng từ, và đặc biệt là ông có sức hút mãnh liệt lôi cuốn các khán giả hào hứng tham gia hát với ông.
Mercury đã tới thành phố Montreux bên hồ Geneva, ghi âm album “Jazz” – album phòng thu thứ 7 của ban nhạc Queen, phát hành ngày 10 tháng 11 năm 1978. Ông rất yêu thích nơi đây, nên từ đó cho đến khi qua đời (năm 1991), Mercury đã đến thăm Montreux rất nhiều lần. Ông từng nói “Nếu bạn muốn yên tĩnh cho tâm hồn bạn, hãy đến Montreux”. Ông sống trong căn hộ tại ngôi nhà có tên “Duck house” ngay bên bờ hồ Geneva với tầm nhìn ra hồ. Ông mua phòng thu “Mountain Studio”. Album cuối cùng của nhóm Queen với tiêu đề “Made in Heaven” cũng được thực hiện tại phòng thu ở Montreux. Ảnh hồ Geneva được lấy làm ảnh bìa của album.
Để tưởng nhớ thời gian Mercury đã ở Montreux, năm 1996 (nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày ông mất), một tượng đồng của ông được khánh thành đứng trên bờ hồ Geneva. Một điều rất đặc biệt là lúc nào cũng có hoa tươi những người hâm mộ đặt cạnh bức tượng ông. Bắt đầu từ năm 2003, vào dịp cuối tuần của tuần đầu tháng 9, nhân dịp sinh nhật Mercury, người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đã tụ tập ở Thụy Sĩ và tham gia "Ngày tưởng niệm Freddie Mercury tại Montreux".
Tượng đồng Freddie Mercury bên bờ hồ Geneva ở thành phố Montreux, Thụy sĩ. (Ảnh của tác giả.)
Nhân dịp sinh nhật 70 tuổi của Mercury, năm 2016, ngôi nhà đầu tiên của gia đình ông (**) ở London đã được gắn tấm bảng màu xanh „di sản của Anh”. Brian May, nhạc sĩ của nhóm Queen đã tham gia buổi khánh thành này.
Brian May, nhạc sĩ của nhóm Queen trong buổi lễ khánh thành tấm bảng màu xanh „di sản của Anh” gắn trên tường ngôi nhà đầu tiên của gia đình Mercury ở London.
Nhân dịp sinh nhật John Richard Deacon (ngày 19 tháng 8 năm 1951), tác giả của bài hát, và kỷ niệm sinh nhật của Freddie Mercury (ngày 5 tháng 9 năm 1946), cố ca sĩ chính của ban nhạc Queen, chúng ta hãy nghe bài hát và cảnh quay sôi động này:
https://www.youtube.com/watch?v=f4Mc-NYPHaQ
Chú dẫn:
(*) Ban nhạc Queen là ban nhạc nam, nên lẽ tất nhiên người hát là chỉ nam giới. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở trong video các thành viên ban nhạc Queen đóng nhại vai bốn phụ nữ trong phim, vậy nếu dùng từ „I” ý chỉ người hát là nhân vật nữ, (tiếng anh, ngôi thứ nhất, nghĩa là “tôi” hay “em”), thì „you” sẽ là chỉ nam giới (tiếng anh, ngôi thứ hai, nghĩa là “anh”).
(**) Ngôi nhà đầu tiên của gia đình Mercury tại Anh ở 22 Gladstone Avenue, Feltham, TW14 9LL, London.
Ý kiến bạn đọc