Kinh đô Hoa Lư: Sự thật và hư ảo?

Đăng lúc: Thứ sáu - 31/12/2021 19:41 - Người đăng bài viết: admin
Tuế nguyệt như thoa, hơn một ngàn năm đã phủ một lớp sương mờ hư thực lên kinh đô Hoa Lư xưa với những câu chuyện kể về Đinh Bộ Lĩnh từng cưỡi trâu chơi trận giả, nơi một người phụ nữ mơ thấy hoa sen rồi đậu thai, sinh ra Lê Hoàn... Liệu nỗ lực của các nhà khảo cổ học có đủ để đưa 42 năm lịch sử đầy bí ẩn của dân tộc từ dưới lòng đất ra ngoài ánh sáng?

 


PGS.TS Tống Trung Tín, chủ trì cuộc khai quật năm 1998, và TS Nguyễn Ngọc Quý, chủ trì cuộc khai quật năm nay (lần lượt thứ 3, 4 từ trái sang), trao đổi với nhau tại hiện trường khai quật.

Phần lịch sử đứt đoạn

 

“Mọi người đừng bước qua đây. Mảng nền vừa được phát hiện, chỉ cần vài dấu chân giẫm lên là những dấu tích lịch sử quý giá này sẽ biến mất!”, TS. Lê Hồng Kiên và TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) liên tục nhắc nhở các đồng nghiệp của mình trong một dịp hiếm hoi đoàn khai quật tại cố đô Hoa Lư mở cửa đón các chuyên gia khảo cổ đến tham quan hố khai quật vào tháng 11 vừa qua.


Ở khu vực trung tâm của hố, TS. Nguyễn Ngọc Quý, người chủ trì cuộc khai quật lần này tại Kinh đô Hoa Lư của Viện Khảo cổ học, đang say mê mô tả về một kinh đô lộng lẫy dựa trên những phát hiện của nhóm trong suốt tám tháng qua. Nếu không được lắng nghe và tận mục sở thị những gì mà các nhà khảo cổ học tìm thấy, thật khó để mường tượng được kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X vì kinh thành này chỉ hiện diện đầy mơ hồ qua các dòng ghi chép ít ỏi trong các bộ sử cũ, có phần tách rời và ít liên hệ với sự rực rỡ của các triều đại nối tiếp sau đó.


Đã ít ỏi thì chớ, những thông tin từ các nguồn sử liệu thậm chí còn không nhất quán và rất trái ngược nhau. Đại Việt sử ký toàn thư đã mô tả vua Đinh Tiên Hoàng “lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi”1đến đời vua Lê Đại Hành thì xây dựng thêm nhiều cung điện nhà cửa, “cột giác vàng bạc”, “mái lợp ngói bạc”2nhưng sử liệu từ sứ giả nhà Tống lại khiến các nhà nghiên cứu rơi vào cảnh hoang mang khi cho biết kinh thành này rất nhỏ bé và nghèo nàn với một vài nếp nhà tranh, lều gỗ: “Trong thành không có cư dân, chỉ có mấy chục đến trăm khu nhà tre lợp cỏ, để làm quân doanh. Còn phủ thự thì nhỏ hẹp”.3

Ai đúng? Ai sai? Giờ đây khi mọi thứ đã hóa thành tro bụi, những lầu son gác tía đã vùi sâu vào lòng đất, rất khó để xác định rằng có hay không một kiến trúc hoàng gia bề thế, lộng lẫy từng thực sự tồn tại ở vùng đất này.


Nỗ lực đầu tiên nhằm khám phá các tàn tích bên dưới lớp đất dày ở Hoa Lư là vào năm 1969, khi các nhà khảo cổ học Việt Nam đặt những nhát cuốc đầu tiên khảo sát quy hoạch không gian, tìm kiếm những bức tường thành nhằm xác định vị trí chính xác của khu vực kinh đô Hoa Lư. Các cuộc khai quật sau đó đã tiếp tục vén mở dần diện mạo của kinh thành Hoa Lư xưa với những lớp tường thành thiên tạo và nhân tạo kiên cố, nhiều kiến trúc quy mô to lớn được trang trí cầu kỳ. Dựa vào những dòng trong chính sử, “Giáp Thân, Thiên Phúc năm thứ 5 [984], dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột giác vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía Đông là điện Phong Lưu, phía Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Bộc, mái lợp ngói bạc2, các nhà khảo cổ học đã suy đoán núi Phi Vân (Đại Vân) thuộc khu Thành Ngoại là trung tâm của kinh đô Hoa Lư thế kỷ X khi bao quanh nó là rất nhiều cung điện. Dựa vào đó, năm 1998, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật về phía Nam đền thờ vua Lê, cũng đồng thời là khu đất bằng phẳng giữa hai ngôi đền vua Đinh và Vua Lê, nằm liền kề với núi Phi Vân. Quyết định này đã mở ra một bước ngoặt lớn: Dưới độ sâu 0,95m, nhóm khảo cổ phát hiện được vết tích nền móng cung điện thời Đinh - Tiền Lê cùng với các hiện vật như gạch “Giang Tây Quân”, gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, ngói nóc, ngói âm dương, ngói ống phủ diềm hoa chanh, ngói mũi lá…


Khi đã có được một hình dung khái quát về không gian phân bố, các đợt khai quật tiếp theo, đặc biệt là cuộc khai quật năm 2010 do TS. Nguyễn Văn Đoàn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) chủ trì, đã tiến đến khu vực trung tâm và phát lộ ra thêm nhiều những vết tích mới. Từ vết tích này cùng với các đoạn tường thành được phát hiện trước đó, các nhà khảo cổ cho rằng khu trung tâm của kinh đô Hoa Lư được bao bọc bởi dãy núi Phi Vân ở phía Tây, dãy núi Hang Quàn ở phía Đông, đồng thời được bảo vệ bởi hai tường thành nhân tạo: tường Vầu chắn về phía Nam, tường Chẹm chắn mặt Bắc.



Viên gạch có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” được tìm thấy tại hố khai quật ở cánh đồng nằm giữa Đền Vua Đinh và Đền Vua Lê.

Cứ như thế, những cuộc khai quật ở Hoa Lư đưa ra các diễn giải nối tiếp nhau nhưng “hệt như thầy bói sờ voi”, PGS.TS Tống Trung Tín, Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, người chủ trì cuộc khai quật năm 1998, ví von, “Tôi làm một tí, anh Đoàn (TS. Nguyễn Văn Đoàn), anh Nga (TS. Đặng Công Nga - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình) làm một tí, mỗi nơi lại phát hiện thêm một vài điểm mới”, song những phát hiện ấy lại càng hé lộ thêm về một lòng đất cố đô Hoa Lư còn nhiều ‘bí ẩn’ cần được khai phá.

 

Chắp nối những mảnh ghép

 

“Chúng tôi may mắn được thừa hưởng tất cả kết quả nghiên cứu của các thầy đi trước”, TS. Nguyễn Ngọc Quý nhấn mạnh câu nói này nhiều lần trong cuộc trò chuyện với Tia Sáng ở hố khai quật của nhóm anh tại cánh đồng giữa đền Vua Đinh và Vua Lê.


Phải đến hơn 10 năm sau kể từ cuộc khai quật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Khảo cổ học mới tiếp tục công việc khai quật tại khu vực di tích Cố đô Hoa Lư. Căn cứ vào kết quả cuộc khai quật từ trước đến nay, vào tháng 3/2021, nhóm của TS. Nguyễn Ngọc Quý đã quyết định mở thêm các hố khai quật và hố thăm dò xung quanh đền Vua Đinh và đền Vua Lê, từ đó phát hiện các dấu tích kiến trúc nền móng cung điện xuất lộ trên một không gian rộng lớn tính từ khu vực ngòi Chẹm (cổng Bắc di tích) qua khu Đền Đinh, Đền Lê đến cánh đồng Nội Trong với tổng chiều dài gần 700m. Hóa ra, “khu vực nội đô của kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X có quy mô và không gian phân bố các công trình kiến trúc rộng hơn nhiều so với những hình dung của chúng ta từ trước đến nay”, TS. Quý hé lộ.


Không chỉ có không gian phân bố rộng, kinh đô Hoa Lư còn được quy hoạch, xây dựng một cách quy củ, trật tự: Thành Hoa Lư gồm hai khu vực Thành Nội và Thành Ngoại. Thành Nội khả năng là khu doanh trại nên không phát hiện các công trình kiến trúc kiên cố được xây bằng gạch, ngói. Thành Ngoại gồm hai khu vực Cấm thành và Hoàng thành. Cấm thành có diện tích gần 40ha. Bức tường ngăn cách giữa Cấm thành và Hoàng thành là tường Ngòi Chẹm, nằm dọc theo và liền kề dòng chảy của Ngòi Chẹm về phía Nam của thôn Yên Thành. Tại đây, cuộc khai quật vào năm 1991 do TS. Đặng Công Nga đứng đầu đã từng tìm thấy móng bè có kết cấu từ hàng trăm cây gỗ lớn rất vững chắc và đoạn tường thành chạy theo đường Đông - Tây có kỹ thuật xây dựng công phu, tường được xây cả hai mặt Bắc và Nam, dày tới 3,4m, được xếp từ các hàng gạch chữ nhật đều đặn. Có lẽ vì Cấm thành có vị trí cực kỳ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của vua, hoàng tộc,... nên tường thành nơi đây được xây dựng công phu, khác với ở các khu vực còn lại.



Thuyền tán thuốc với đầu trang trí hình cá hóa long, phát hiện mới về nghệ thuật trang trí thế kỷ X. 


Cuộc tìm kiếm của các nhà khảo cổ học dần đi sâu vào tìm hiểu các sự kiện và hoạt động đã từng diễn ra trong quá khứ. Tiến vào trung tâm nơi cánh đồng Lũy Dung, khoảng giữa Đền Vua Đinh và Đền Vua Lê, nhóm khai quật của TS. Nguyễn Ngọc Quý đã nhận diện được ba lớp kiến trúc thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau nằm chồng xếp lên nhau với lớp nền, móng kiến trúc vững chắc, nền đất sét đắp dày trung bình 30cm, gồm đất sét, mảnh gạch, sành thuộc thế kỷ thứ 10 và trước đó. “Lúc đầu, chúng tôi cho rằng đây là các lớp kiến trúc lần lượt thuộc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê”, TS. Nguyễn Ngọc Quý nhớ lại. Tuy nhiên, để chắc chắn, các nhà khoa học đã đề xuất mở rộng khu vực khai quật, và tại vị trí này, họ đã nhận diện được các nền kiến trúc một cách rõ ràng. Lúc này, nhóm mới ‘vỡ lẽ’ ra rằng ba nền kiến trúc ấy chỉ thuộc hai giai đoạn thời Đinh và thời Tiền Lê.


Nhưng không hiểu vì lý do gì, sau một thời gian sử dụng, nhà Đinh đã xóa bỏ phần kiến trúc cũ và xây dựng một nền điện mới. “Giai đoạn hai [thời kỳ nhà Đinh], nhà Đinh đã mở rộng nền cung điện và tận dụng lại các viên gạch thời Đại La”, TS. Quý phân tích. Nhà Tiền Lê tiếp tục phát triển trên nền cung điện này ở giai đoạn ba.

Chỉ trong 42 năm tồn tại ngắn ngủi, nhà Đinh và nhà Tiền Lê đã nhiều lần tu sửa, xây mới cung điện. Chỉ riêng rìa phía Tây của cung điện mới trong giai đoạn hai của thời nhà Đinh đã dài 25m, thậm chí “phần rìa phía Bắc chúng tôi đo được 35m chiều dài nhưng chưa tìm thấy điểm kết thúc”, TS. Quý mô tả. Đã có chuyện gì xảy ra? Lý do nào khiến nhà Đinh quyết định mở rộng cung điện với quy mô lớn như vậy? Vì sao nhà Tiền Lê quyết định xây mới hoàn toàn? “Đó là những câu hỏi lớn mà chỉ khảo cổ học mới có thể bóc tách được, sẽ cần phải có thêm những nghiên cứu để làm rõ vấn đề này”, PGS.TS Tống Trung Tín nhận định. Dù vậy, là người đã từng tiến hành các cuộc khai quật lớn đầu tiên tại khu vực cố đô Hoa Lư, ông cho rằng việc nhóm nghiên cứu phân ra được các giai đoạn phát triển của di tích - hai thời kỳ dưới thời nhà Đinh, nối tiếp bởi một giai đoạn dưới thời Tiền Lê - đã là một điều “rất tuyệt vời rồi, bởi đây là công việc rất khó” mà bản thân nhóm khai quật của ông năm 1998 chưa thể làm được. “Phát hiện lần này đã gợi mở nhiều vấn đề hấp dẫn”.


Bên cạnh việc bóc tách thành công các công trình kiến trúc liên hoàn theo các giai đoạn liên tục xây dựng, mở rộng từ nhà Đinh tới Tiền Lê, nhóm nghiên cứu còn phát hiện thêm một điểm thú vị trong cách thức xây dựng cung điện. Vì hai nền cung điện được xây dựng trên nền đất yếu nên người xưa xếp lên rất nhiều lau sậy để chống lầy lún và gia cố thêm một lớp đất sét, bên trên lớp đất sét là một lớp chạc mỏng bằng đá ong. Phía rìa ngoài cung điện có thêm những hàng cọc gỗ để gia cố thêm cho nền bên trong. Từ đây, chúng ta đã có thể hình dung về bóng dáng của một đô thành quy hoạch hết sức nghiêm cẩn, bài bản cùng cách thức xây dựng sáng tạo phù hợp với vị trí địa lý đặc thù của khu vực.

 

Dấu tích vàng son trước thời Lý

 

Những cuộc khai quật tại kinh đô Hoa Lư không chỉ bác bỏ những nhận định mà theo PGS.TS Tống Trung Tín có phần “miệt thị dân tộc ta” của sứ giả nhà Tống, mà còn nhằm phác họa lịch sử giai đoạn thế kỷ X đầu Công nguyên, một giai đoạn quan trọng nhưng còn mờ tỏ của dân tộc, là giai đoạn ‘bản lề’ cho bước phát triển huy hoàng của văn hóa, văn minh Đại Việt, như lời của GS.TS Trần Quốc Vượng từ cách đây hàng chục năm: “Thăng Long khởi đầu từ Hoa Lư”.


Xuyên suốt các cuộc khai quật, dù các vết tích kiến trúc mà các nhà khảo cổ học phát hiện chỉ còn đoạn móng tường, gia cố nền… song vẫn cho phép chúng ta hình dung phần nào sự phát triển kiến trúc và nghệ thuật trang trí đương thời. Hầu hết các kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê đều được xây/lát bằng gạch vuông và gạch chữ nhật. Cuộc khai quật trước đây đã phát hiện được những lớp kiến trúc được trang trí tinh xảo: nền lát gạch trang trí sen, phượng, mái trang trí sen, uyên ương, các loại ngói, đầu trang trí với nhiều biến thể để gắn phù hợp với các vị trí kiến trúc cụ thể.



Khu vực khai quật giữa Đền Vua Đinh và Đền Vua Lê nhìn từ trên cao.

“Trong số đó, tôi đặc biệt chú ý đến ngói sen”, PGS.TS Tống Trung Tín lưu ý, Trước đây các nhà sử học vẫn cho rằng ngói sen xuất hiện đầu tiên vào thời Lý - Trần, nhưng những phát hiện tại Hoa Lư đã giúp khẳng định rằng “ngói sen có ngay từ thời Đinh, và là phong cách đặc trưng của thời kỳ ấy”.

Ngói sen không phải là sự kế thừa duy nhất từ thời Đinh - Tiền Lê sang Lý - Trần. Trong quá trình khai quật, “chúng tôi cũng nhận thấy phong cách nghệ thuật của Đại Việt bắt đầu nảy nở từ thế kỷ X thông qua những viên gạch hoa sen, trang trí uyên ương, những tượng vịt, v.v”, TS. Nguyễn Ngọc Quý cho rằng phong cách trang trí nghệ thuật ấy vẫn tiếp tục phát triển ở thời Lý, thời Trần.


Cuộc thám hiểm tìm về quá khứ hơn 10 thế kỷ trước tiếp tục trở nên hấp dẫn hơn khi nhóm khai quật của TS. Nguyễn Ngọc Quý phát hiện được một thuyền tán thuốc với đầu trang trí hình cá hóa long. “Đó là một dấu tích nghệ thuật rất mới. Trước đây chúng ta cứ ngỡ hình tượng cá hóa long xuất hiện đầu tiên vào cuối thời Trần, vậy mà hóa ra nó đã có từ thời Đinh - Tiền Lê”, PGS.TS Tống Trung Tín bày tỏ sự ngạc nhiên trước bước ngoặt đáng chú ý trong lần khai quật mới nhất. Phát hiện này góp phần xác minh nghệ thuật trang trí hình rồng đã xuất hiện từ thế kỷ X.


Các cuộc khai quật đồng thời cũng tìm thấy thêm những loại đồ gốm thời Đinh - Tiền Lê với dòng gốm men trắng, xám nhạt; những đề tài trang trí trên mặt gạch hoa sen và chim phượng thể hiện rất rõ ràng và nghiêm ngặt quan niệm về âm dương: Vuông - tròn, đực - cái (chim phượng một con trống cường tráng, một con mái nhỏ nhắn), động vật - thực vật (chim phượng - hoa dây, hoa sen - bướm)... Có thể nhận thấy nghệ thuật Hoa Lư đã thoát khỏi khuôn mẫu của nghệ thuật Bắc thuộc và bắt đầu hình thành những yếu tố mới định hình cho nghệ thuật Đại Việt ở các giai đoạn sau.


Nghệ thuật trang trí, kiến trúc ở kinh đô Hoa Lư ở thời kỳ này còn có sự đan xen với những nền văn hóa khác. Bên cạnh sự xuất hiện đa dạng của các loại đồ sứ Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong nền cung điện thời Tiền Lê một sân rộng được lát kỹ lưỡng bằng gạch nung đỏ với các họa tiết hoa sen, uyên ương. Theo TS. Quý, kỹ thuật chế tạo loại gạch, ngói đất nung này mang nét đặc trưng của các vương quốc phía Nam, đặc biệt là Champa, với màu đỏ, độ nung vừa phải, khác với những loại gạch còn lại được sử dụng tại khu vực này.


Điều này phù hợp với mốc thời điểm năm 982, vua Lê Đại Hành đã mở những cuộc Nam chinh đầu tiên, chiếm được kinh đô Indrapura và giết vua Parameshvaravarman; sau một năm thì ông trở về kinh sư cùng nhiều quân sĩ, thợ thủ công, nhạc sư Champa. Theo chính sử, năm 984, vua Lê Đại Hành cho dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế, điện Phong Lưu, điện Tử Hoa, điện Bồng Lai, điện Cực Lạc, lầu Đại Vân, điện Trường Xuân, điện Long Bộc; lộng lẫy đến mức sử thần Ngô Sĩ Liên cả chê “làm cung điện thì lấy vàng, bạc mà trang sức”. Để xây dựng một công trình hoành tráng nhường ấy cần rất nhiều không gian, có lẽ đây chính là lý do nhà Tiền Lê đã xóa bỏ toàn bộ những công trình kiến trúc trước đó của thời Đinh, mở rộng khu vực cung điện. Chiếu theo sự phù hợp giữa chính sử và hiện trường khai quật, nhóm nghiên cứu đã “mạo muội đặt ra giả thuyết” rằng khu vực khai quật này có liên quan đến những cung điện được đề cập bên trên, đặc biệt là điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Phi Vân.


Nếu thực sự đã từng có một kiến trúc hoàng gia lộng lẫy đến nhường ấy thì hẳn tay nghề của những người thợ, kiến trúc sư xưa kia đã đạt đến tầm điêu luyện, là bước chuẩn bị tiền đề để xây dựng những công trình kiến trúc bề thế đạt đến đỉnh cao nghệ thuật sau này như điện Kính Thiên, hành cung Tức Mặc - Thiên Trường, hay thậm chí xa hơn là đỉnh cao nghệ thuật Cửu Trùng Đài.

 

Vẫn còn những bỏ ngỏ

 

Nước Đại Cồ Việt, thành Đại Cồ Việt, ngói Đại Cồ Việt, nghệ thuật Đại Cồ Việt, gốm men Đại Cồ Việt… đã hiện lên qua những nét cuốc của các nhà khảo cổ học. Kinh đô Hoa Lư lúc bấy giờ là kinh đô đẹp lộng lẫy của thời đất nước đang có khát vọng vươn lên.


Những bí ẩn về kinh đô Hoa Lư đã dần được khơi tỏ, nhưng thực ra mỗi sự lý giải lại dẫn đến thêm nhiều câu hỏi và các cuộc tranh luận không dứt. Đơn cử như trường hợp của viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch xây thành Đại Việt) được phát hiện trong cuộc khai quật năm 1998. “Những viên gạch này không nằm trên thành bia hay nơi nào lộ ra ngoài, mà lại xây trong nền móng, trong tường thành. Cứ một đoạn tường lại cài một viên vào, như vậy thì ai nhìn thấy được?”, PGS.TS Tống Trung Tín chia sẻ đầy hứng khởi về phát hiện của nhóm ông cách đây hơn 20 năm, dù vậy ông cũng thừa nhận rằng vào thời điểm đó ông chưa thể nào xác định viên gạch có từ triều đại nào. Cuộc khai quật gần đây của TS. Nguyễn Ngọc Quý đã cho rằng gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” xuất hiện đầu tiên vào thời Tiền Lê. Và nếu đúng như vậy thì theo PGS. TS Tín, liệu đây “có phải là một cách thể hiện chủ quyền dân tộc trong một thời kỳ vô cùng nhạy cảm?”. Ông cho rằng nhóm khai quật cần làm rõ thêm để đưa ra khẳng định cuối cùng, bởi tất cả những kết luận cho đến hiện nay vẫn chỉ là dự đoán.


Đó không phải là câu hỏi duy nhất, các nhà khảo cổ còn phải đối diện với những câu hỏi lớn hơn: Vì sao khu vực sân nền được phát hiện qua đợt khai quật năm 2021 lại có cốt nền cao hơn hẳn các kiến trúc đã tìm thấy trước đó trong khu vực? Phải chăng nó có vị trí hoặc vai trò gì đặc biệt? Liệu nó có phải điện Bách Bảo Thiên Tuế đã từng được đề cập trong chính sử?


Bên cạnh những câu hỏi đó, bản thân việc ghi nhận khu vực nội đô của kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta từng tưởng tượng cũng là một phát hiện kéo theo nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Trên thực tế, không gian phân bố di tích được nhóm khai quật ghi nhận có thể rộng gấp ba lần so với khu vực khoanh vùng bảo vệ Khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện nay. “Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có diện tích gần 10ha là đất di tích được bảo vệ. Phần còn lại, chủ yếu là ở khu cánh đồng Nội Trong vẫn là khu vực đất thổ canh, thổ cư, đất nghĩa trang và đất dịch vụ du lịch”, TS. Nguyễn Ngọc Quý bày tỏ sự lo lắng. Trong tổng số gần 22,5ha diện tích đất ở khu Nội Trong, hiện có khoảng 6,5ha đất thuộc dự án dịch vụ du lịch đã bị đào múc xâm hại, dẫn đến di tích ở đây bị tác động đáng kể. Phần diện tích còn lại là đất ruộng, đất thổ cư và đất nghĩa trang của người dân xã Trường Yên, tuy nhiên “quá trình cư trú, sinh hoạt của người dân hiện đại đã và đang xâm hại rất mạnh đến các di tích vốn từ lâu đã là các phế tích còn lại rất ít ỏi trong lòng đất.”


Vì lẽ đó, nhóm khai quật đã mạnh dạn đề xuất tỉnh Ninh Bình “cần dừng lại tất cả các hoạt động xây dựng nhà cửa, chôn cất mồ mả, đào múc ao hồ ở khu vực này. Trong tương lai, cần có kế hoạch di dời các hộ dân hiện đang cư trú lẫn trong phạm vi di tích đến khu vực khác”. Đề nghị này chắc chắn sẽ vấp phải nhiều khó khăn và cần sự thấu hiểu từ người dân, nhưng lúc này, trong khi chờ đợi, TS. Nguyễn Ngọc Quý và các đồng nghiệp vẫn đang tiếp tục cuộc khai quật của mình tại các hố khai quật ở Cố đô Hoa Lư. Cuộc thám hiểm để lần mở vết tích kinh đô xưa vẫn đang diễn ra, vì “chúng tôi tin rằng mỗi ngày lại là một nhận thức chi tiết hơn về di tích”, như lời tâm sự đầy lạc quan của TS. Nguyễn Ngọc Quý. □

----

Tài liệu trích dẫn:

[1] Đại Việt Sử ký toàn thư (bản in Nội các quan bản) - tập I, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, tr. 214.

[2] Đại Việt Sử ký toàn thư (bản in Nội các quan bản) - tập I, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, tr. 227.

[3] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch - Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn, tr.27.


Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 49
  • Khách viếng thăm: 43
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 301
  • Tháng hiện tại: 70340
  • Tổng lượt truy cập: 25620922