Từ năm 1902 đến năm 1909, Tề Bạch Thạch cùng với bạn bè của mình ngao du sơn thủy, thăm thú thưởng ngoạn phong cảnh và con người ở các vùng đất khác nhau.
Bức “Ba tiêu thư ốc” hay “Lục thiên quá khách”.
Trong 8 năm đó, ông đến tận Thiểm Tây, về Hà Bắc, xuống Giang Tây, thăm 6 tỉnh Giang Tô, đi Quảng Tây, Quảng Đông. Ông vượt sông Hoàng Hà, Trường Giang, đến Châu Giang, thăm Động Đình Hồ, Hoa Sơn, Tung Sơn, Lư Sơn... Đó là quãng thời gian mà Tề Bạch Thạch gọi là “ngũ xuất, ngũ quy”, năm lần ra đi, năm lần trở về, trong cuộc đời của ông.
Năm 1910, sau 5 chuyến ngao du “ngũ xuất, ngũ quy”, Tề Bạch Thạch ở nhà chuyên tâm vẽ tranh. Trong năm này ông có hai bức tranh vẽ về ngôi nhà trong vườn chuối. Bức thứ nhất nằm trong bộ tranh “Thạch Môn nhị thập tứ cảnh” (Hai mươi bốn cảnh ở Thạch Môn), có tiêu đề “Tiêu song dạ vũ” (Cửa sổ bên hàng chuối đêm mưa). Bức tranh này lấy chủ đề truyền thống trong hội họa và thi ca cổ điển của Trung Quốc, và chưa vượt qua hoàn toàn bút pháp cổ điển miêu tả chi tiết của lối vẽ “công bút”. Bức tranh thứ hai nằm trong tập tranh “Tá sơn đồ quyển” (Quyển tranh tá sơn). Bức tranh này dường như chỉ là một phần phác thảo, vẽ ngôi nhà ẩn hiện trong một vườn chuối. Những tàu lá chuối không còn được vẽ chi tiết như ở bức “Tiêu song dạ vũ”, và chúng đan xen vào nhau cho cảm giác về một vườn chuối um tùm xanh biếc, đúng với tinh thần của lối vẽ “tả ý”.
Tập “Tá sơn đồ quyển” nguyên gốc có 52 bức tranh, nhưng phần lớn đã thất lạc, chỉ còn 22 bức được lưu giữ ở Viện Hội họa Bắc Kinh. Năm 1958, một năm sau khi Tề Bạch Thạch mất, Bộ Văn hóa Trung Quốc trưng bày di sản các sáng tác của Tề Bạch Thạch, trong đó có bức tranh “Ba tiêu thư ốc” (Phòng sách trong vườn chuối) nằm trong bộ tranh “Tiêu song dạ vũ”. Năm 2011 bức “Ba tiêu thư ốc” được bán đấu giá ở Bắc Kinh với giá 93,15 triệu tệ (khoảng 14 triệu USD), là bức tranh của Tề Bạch Thạch có giá cao nhất tính đến lúc bấy giờ. Bức “Ba tiêu thư ốc” vẽ một ngôi nhà trong vườn chuối um tùm trên nền hai đỉnh núi phía xa. Bức tranh được vẽ theo lối “tả ý”, đúng với phong cách tranh của Tề Bạch Thạch “vừa giống, vừa không giống” thực, bởi vì theo Tề Bạch Thạch vẽ “không giống thì dối đời, mà giống thì mị đời”. Màu mực nhạt tả ý ánh xanh biếc của các cây chuối, dành phần lớn khoảng trắng miêu tả những tàu lá chuối chiếm hết không gian, vây quanh ngôi nhà với nét bút ngưng trọng, thể hiện dùng trắng để tôn đen, dùng nhạt để tôn đậm. Hai đỉnh núi có màu sắc khác nhau, nét bút khoáng đạt, hồn nhiên, bỏ qua hoàn toàn bút pháp “công bút” truyền thống, thể hiện ý tứ núi non diễm lệ mà thuần phác ở một vùng biên viễn xa xôi. Đặc biệt, trên bức tranh có đề thơ của Tề Bạch Thạch và khoản đề. Bài thơ có nội dung như sau:
Mang Hài nan vong An Nam đạo
Vị ái ba tiêu phi học thư
Sơn lĩnh do nghi thức quá khách
Bán xuân nhân tại họa trung cư
Tạm dịch:
Móng Cái khó quên đường đất Việt
Vì yêu vườn chuối viết ngưng thành
Đỉnh non ngờ tưởng quen du khách
Suốt nửa mùa xuân ở giữa tranh
Khoản đề trên bức tranh viết: “Tôi từng đến Việt Nam, từ Đông Hưng qua chiếc cầu sắt, bên cạnh đường đi có vạn gốc chuối vây quanh ngôi nhà. Lấy đưa vào tập ‘Tá sơn đồ’”. Như vậy, bức “Ba tiêu thư ốc” chắc chắn là bức tranh vẽ phong cảnh vườn chuối ở Móng Cái mà Tề Bạch Thạch từng viết trong tự truyện của mình.
----------
Tài liệu tham khảo: Tề Bạch Thạch toàn tập, Nhà xuất bản mỹ thuật Hồ Nam (1996) và các tài liệu lưu trữ trên mạng internet.
Ý kiến bạn đọc