Trong Tractatus, Wittgenstein viết: “điều chúng ta không thể nói ra, chúng ta phải bỏ qua trong im lặng”. Có lẽ vì thế, văn chương đương nhiên là nghệ thuật của ngôn từ, nhưng đương nhiên cũng là nghệ thuật của sự im lặng.
Nhà thơ Louise Glück. Nguồn: NYP
“Thế hệ của tôi, phần lớn những thi sĩ tôi ngưỡng mộ đều thích độ dài. Nói thế ý tôi là họ thích viết những câu dài, những đoạn stanza dài, những bài thơ dài, những bài thơ bao gồm một chuỗi mở rộng những sự kiện.”, Louise Glück mở đầu một bài tiểu luận mang tên “Sự gãy vỡ, sự gián đoạn, sự im lặng”, xuất bản lần đầu năm 1993 trên tạp chí The American Poetry Review. Bà tự nhận mình thuộc về “một thế hệ nghi ngờ tính trữ tình, sự ngắn gọn, sự lường gạt của thời gian ngưng đọng. Và thiếu kiên nhẫn với cái đẹp”. Glück không phủ nhận sự tham vọng của những người đồng nghiệp, nhưng bà tranh luận về “tham vọng ấy”, và với Glück, “những đoạn giản lược, những điều không nói, những gợi ý, những sự im lặng hùng hồn có chủ đích”, chúng cũng giàu có theo cách của riêng mình.
Bài tiểu luận ấy, Glück bắt đầu từ một bài thơ về tượng Apollo không đầu của Rilke, rồi bàn về những bậc thầy thơ Mỹ: John Berryman, George Oppen, T.S.Eliot, cách họ trốn tránh, cách họ ngắt quãng, cách họ kiệm lời, cách họ ngụ ý thay vì khuếch đại. Glück không nói về mình, nhưng không nghi ngờ gì cả, đó là một tuyên ngôn của Glück trên tư cách một nhà thơ – danh xưng mà bà bảo phải “cẩn trọng”, và đó là “một khao khát, không phải một nghề nghiệp. Hay nói cách khác: không phải một danh từ cho tấm hộ chiếu”.
Bài thơ đầu tiên trong tập thơ đầu tay Firstborn (Đứa con đầu lòng) của Louise Glück mang tên Chuyến tàu Chicago:
Ngang qua tôi là cả một chuyến đi
Gần như không chuyển động: chỉ một Quý ông và sự cằn cỗi của mình
Hộp sọ gác trên tay trong khi đứa bé
Gối đầu giữa hai chân mẹ và yên giấc. Thuốc độc
Thay cho không khí tràn vào.
Và họ ngồi – như thể tê liệt trước cái chết
đã đóng đinh họ vào nơi đó. Đường ray uốn về phương nam
Tôi thấy đũng quần cô đập… con rận bám vào tóc bé.
Một khung cảnh im lặng đến độ có thể nghe tiếng đập trên đũng quần người phụ nữ, nhưng tiếng “đập” (nguyên tác: pulsing) là tiếng trái tim đứa bé gối đầu giữa hai chân mẹ đang đập, hay tiếng run lên của đứa bé khi con rận bám vào – điều ấy không được nói. Dù Glück có nói rằng một người viết “không thể ngồi im lặp lại chính mình”, nhưng Chuyến tàu Chicago có lẽ đã báo trước rất nhiều điều có thể tìm trong thơ Glück, một không gian đời sống ở ngay đây nhưng không bao giờ lộ diện toàn vẹn, với đấy những nếp gấp li ti giấu dưới đó những thứ mà con người không thể biết.
Sự im lặng ấy có ở muôn nơi trong thơ Louise Glück: nơi một nghệ sĩ thổi sáo, tự hỏi Tôi đang ở đâu bây giờ?, trong một người độc giả đọc xong trang cuối cùng của cuốn sách và tự hỏi những nhân vật ấy đi đâu cả rồi, những con người đã từng quá ư giống như là có thật?; nơi một vị quốc vương được một người đọc chỉ tay tiên đoán rằng những điều vĩ đại đang ở trước mắt ngươi, hoặc ở sau lưng ngươi, nhưng có gì khác chứ, ngay giờ đây ngươi là đứa trẻ nắm tay ta, mọi thứ khác chỉ là giả định và giấc mộng; hoặc đơn giản hơn nữa, nơi cách bà để một ô trống ______ nơi đáng lẽ ra là tên một thành phố - nhưng bà khước từ sự chi tiết hóa và hiện hữu hóa.
Ở Glück, ngay cả sự gặp gỡ, sự đối thoại, sự tương tác cũng không thể hơ tan khối tuyết im lặng đóng băng. Trong một bài mang tên Utopia, bà viết:
Khi tàu đỗ lại, người đàn bà nói, con phải lên tàu. Nhưng làm sao con biết, đứa trẻ hỏi, đây đúng là chuyến tàu ấy? Nó sẽ đúng là chuyến tàu ấy, người đàn bà nói, vì đúng lúc rồi. Một chiếc tàu vào ga; đám mây khói xám phun ra từ ống khói. Mình sợ quá, đứa trẻ nghĩ, giữ chặt những bông tulip vàng mà nó sẽ tặng bà mình. Mái tóc nó bện chặt để chống chọi với cuộc hành trình. Rồi, không nói một từ, nó lên tàu, từ đó phát ra một âm thanh kỳ lạ, không phải bằng thứ ngôn ngữ như nó nói, mà là một thứ gì đó giống với một tiếng rên hay một tiếng khóc.
Đó là một thí dụ điển hình về việc những nhân vật của Glück bắt gặp nhau trong cuộc đi của mỗi người, và không gì được giải quyết qua những cuộc nói chuyện nhát gừng, không gì được làm sáng rõ, không câu trả lời nào đem lại nghĩa lí, cuối cùng từ ngữ lại rút vào bên trong họ. Có vô số những cuộc gặp như thế trong thơ Glück. Một cuộc hành trình được báo trước, có một người thấy không thể bước tiếp lên cầu thang, liền dừng lại giữa chừng, nhìn ra ô cửa ngoài đường phố, rồi khi anh gần như gục vào giấc ngủ thì một đứa bé đi ngang qua, thốt lên rằng có một người chết trên cầu thang, bà của đứa bé nói ‘Chúng ta cần phải để chú ấy ngủ’, và khi nhận ra khi quay lại người đàn ông có lẽ đã biến mất, đứa bé ghé vào tai anh, thì thầm lời cầu nguyện tiếng Hebrew cho người đã chết. Trong Một sự im lặng được diễn tả sắc sảo, một người rời bỏ cuộc tình ngẫu nhiên gặp một bà già kể cho cô câu chuyện vô nghĩa về những đêm trăng nghe Madame of Figaro và những đêm không trăng cũng không có Madame of Figaro. Trong Averno, những con người ngồi bên nhau trong căn bếp, bị thôi miên bởi tuyết, và hỏi nhau những điều mà chỉ những người bạn mới hỏi nhau, những mong kẻ kia hiểu về mình, song thất bại. Trong Phong cảnh, một người đàn ông cất tiếng gọi những điều mình không nhìn thấy. Trong Tuyết, một người cha đặt con lên vai mình, để không phải nhìn thấy nó, và họ cùng nhìn vào cái thế giới trống rỗng họ đang tiến vào, trong khi tuyết quay cuồng quanh họ - ngay cả khi đã sát bên nhau về thể xác, ngôn từ vẫn rúc vào đâu đó, ở rất rất sâu.
Các tập thơ của Louise Glück. Nguồn: DW
Sự im lặng như một chủ đề thơ và sự im lặng như một phương thức viết hòa vào nhau, trong Glück. Đôi khi, sự im lặng là chủ nhân của không gian thơ Glück, và con người và sự tồn tại của con người chỉ là khách trọ.
Tôi đứng trên ban công.
Trên tay phải cầm một ly Scotch
bên trong hai viên đá đang tan.
Sự im lặng đã thâm nhập vào tôi.
Nó giống như là đêm, và kí ức – chúng như những ngôi sao
ở chỗ chúng cố định, dù dĩ nhiên
nếu một ai đó có thể nhìn chúng như những nhà thiên văn học
người đó sẽ thấy chúng là những ngọn lửa không lụi tắt, như lửa của địa ngục.
Tôi đặt chiếc ly lên lan can sắt.
[Trích ‘Nửa đêm’ – Midnight]
Một đoạn thơ thú vị bởi nó là nơi Louise Glück thực hiện một động tác thú vị: cố gắng cắt nghĩa sự im lặng bằng ngôn từ. Nhưng trong ngôn từ của bà, lại tràn ngập những sự im lặng khác: khi dòng suy nghĩ đến cao trào thì bất ngờ dừng lại, và nhân vật trữ tình quay về với trạng thái vô ngôn cùng một hành động không mang ý nghĩa – “tôi đặt chiếc ly lên lan can sắt”.
Trả lời phỏng vấn, Louise Glück cho biết trước khi viết được một nửa tập Descending figure, tập thơ thứ ba của mình, bà nhận thấy thật rõ ràng là ‘thơ tôi không có tính tự sự. Thực tế, chúng không có hành động. Ý tôi là sẽ thật là một chuyện lớn đấy nếu có ai đó giơ cánh tay của mình lên trong những bài thơ của tôi’. Và dẫu cho từ sau đó đã bắt đầu kéo nhân vật ra ngoài trạng thái đông đặc của họ, bà vẫn tin rằng những bài thơ hay nhất mà bà viết sẽ vẫn luôn như thế, với ‘một bầu không khí run rẩy của những sự kiện quan trọng sắp xảy ra xung quanh họ’.
Sắp xảy ra nhưng không bao giờ thực sự xảy ra. Ngay cả khi mượn tích từ thần thoại, thứ chất liệu tràn trề cốt truyện và hành động, thơ Louise Glück vẫn luôn kẹt lại trong một vùng sương của tính bất động. Như trong hai bài thơ cùng tên Persephone: Người du lãng, hai bài thơ về nàng Persephone trong thần thoại Hy Lạp, không phải một tường thuật kịch tính về cuộc du lãng qua địa ngục và mặt đất của nàng Persephone, mà là những mảnh vụn suy nghĩ về một tù nhân hoàn toàn bị động không thể nhìn thấy toàn bộ sự tồn tại của mình, luôn nằm dưới bàn tay một ai đó khác. Và bà viết:
Nàng nhìn thấy gì? Một sáng
đầu xuân, tháng Tư. Lúc này
Cuộc đời nàng đang bắt đầu – không may thay,
nó sẽ là
một cuộc đời ngắn ngủi. Nàng rồi sẽ biết,
Chỉ hai người trưởng thành: tử thần và mẹ.
Không ở đầu và cũng không ở kết, Persephone ở lưng chừng của đời nàng, và hiếm có thi sĩ nào có thể nắm bắt cái lưng chừng như Louise Glück, như bất ngờ ngó vào cửa sổ và quan sát đời một người từ giữa và kết thúc cũng ở giữa.
Nàng Persephone trong tranh của Dante Gabriel Rossetti (1828-1882). Nguồn: Christie’s
Năm 2020, người ta mong chờ một cây bút nữ được xướng tên cho giải Nobel Văn học. Dẫu biết mọi sự so sánh đều vô nghĩa, nhưng giả sử nếu so Louise Glück với Margaret Atwood, một cái tên mà nhiều năm qua, người ta luôn mong muốn giải được trao cho bà, thì chiến thắng của Nobel năm nay không chỉ là chiến thắng của phái nữ mà còn là chiến thắng của văn chương thuần túy và cái đẹp thuần túy. Louise Glück nói bà sinh ra trong thế hệ mà người ta đã “thiếu kiên nhẫn với cái đẹp”, và trong lí do viện hàn lâm chọn bà, họ có nhắc đến cụm từ “cái đẹp mộc mạc”. Chiến thắng của Louise Glück rất quan trọng đối với văn chương, bởi trong thứ thi ca trữ tình của Glück, văn chương không bị lạm dụng thành một điều gì khác, nó chỉ là nó, trong sự im lặng mênh mông, Glück kiên tâm đợi cái đẹp từ từ hiển lộ, không thúc giục, không gồng gánh, không đào bới, không xới tung tất cả để tìm kiếm một điều gì hay một phán quyết gì.
Nó dường như trở ngược về với lí do đầu tiên mà người ta cần có nghệ thuật:
Nhà soạn nhạc đầu tiên
Chỉ có thể nghe cái ông có thể viết
[Kí ức mùa xuân – W.S.Mervin, theo bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng]
Nó không ra đời vì ai cả, cũng không phục vụ cho ai cả, không nhắm đến sự thức tỉnh nào cả, nó ra đời vì người làm nên nó muốn có nó trên đời.
Và, sự trở về với im lặng chẳng phải cũng là sự trở về với bản chất văn chương ư? Học giả Vanessa Guignery từng phát hiện ra, trong Giấc mộng đêm hè, Nick Bottom, người đóng vai diễn Pyramus đã nói: ‘Tôi thấy một giọng nói’. Câu thoại ấy, nó gói gọn trải nghiệm của một người đọc, bởi sách là một khối im lặng, tất cả mọi tiếng ồn trong đó, ngay cả ở những cuốn sách hoạt náo nhất, cũng đều thuộc về một khối im lặng mà thôi. Thế giới chưa bao giờ ồn ào hơn thế và nó sẽ ngày một trở nên ồn ào hơn, và trong cái thế giới người ta liên tục phải “lên tiếng” vì một chủ nghĩa, một lí tưởng, một niềm tin nào đó, văn chương cũng phải nhập cuộc, nó cũng phải gào thét, phải ầm ĩ, phải xôn xao, phải náo nhiệt, phải sục sôi, để được lắng nghe, để át lấy những tiếng ồn khác. Nhưng Louise Glück và những văn sĩ, thi sĩ như bà chọn cách giảm âm lượng của mình (tờ New Yorker còn gọi bà là ‘người thì thầm’), đôi khi giảm về im lặng.
Quá nhiều lần
Mẹ đã phạm lỗi sai ấy
trong tình yêu, cho rằng
những âm thanh hoang dại là
tâm hồn đang phơi lộ chính mình
[…]
Dù tiếng khóc ấy mang nghĩa gì,
chúng cũng đến và đi
dù mẹ ôm con hay không ôm con,
dù mẹ có đó hay không có đó.
Tâm hồn thì im lặng.
Nếu nó có nói
nó nói trong những giấc mơ.
[Trích ‘Đứa trẻ khóc òa’ – Child crying out]
Có lẽ nào ta cũng nhầm lẫn khi cho rằng những thứ gào rú mới là văn chương, trong khi sự thực, chúng sẽ ‘đến và đi’, điều ở lại – tâm hồn – thì im lặng?
Ý kiến bạn đọc