Nhà thơ Lâm Quang Mỹ: Chuyến du hành ngược thời gian

Đăng lúc: Thứ bảy - 06/02/2016 10:09 - Người đăng bài viết: admin

Cuốn “Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ XI - XIX”

 

Ở nơi xứ người, có một nhà thơ, hằng ngày vẫn miệt mài làm công việc thầm lặng: dịch thơ Việt ra tiếng Ba Lan. Ông nói, ông sẽ dành quãng thời gian còn lại cho công việc này, để làm cầu nối giữa hai nền văn hóa. 

Lần nào ông về Việt Nam, tôi cũng may mắn được trò chuyện với ông, được chứng kiến sự tâm huyết của ông trong việc giới thiệu văn chương Việt ra nước ngoài. Ông chỉ sợ, sức khỏe không còn đủ cho những dự định dài hơi của mình. Lần này, ông mang về cuốn sách được in bằng bìa cứng, trang trọng - "Tuyển Thơ mới Việt Nam 1932-1941" bằng tiếng Ba Lan.

Gần 4 năm trời lặng lẽ, gác lại mọi công việc cá nhân, nhà thơ Lâm Quang Mỹ dồn sức cho dịch phẩm này. Đây không phải là cuốn sách dịch đầu tiên của nhà thơ Lâm Quang Mỹ. Cách đây bốn năm, một tuyển tập thơ đồ sộ, "Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ XI-XIX" cũng được dịch sang tiếng Ba Lan. Lần đó, khi mang cuốn sách ra giới thiệu, cả Hội Nhà văn Ba Lan ngỡ ngàng trước một lịch sử văn chương lâu đời và phong phú của Việt Nam. Cuốn sách được bình chọn là "sách của năm" ở Ba Lan năm 2010. Không hiểu sao, trong thời buổi ai cũng bận rộn mưu sinh nơi xứ người, mà Tiến sĩ vật lý, nhà thơ Lâm Quang Mỹ lại dành thời gian và tâm huyết của mình làm công việc nhọc nhằn này.

 

 

 

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ được bạn bè trìu mến gọi là Tiến sĩ Việt mang thơ đi hát rong ở xứ người.


Ông cười: "Khi đó, bước chân vào thư viện Ba Lan, tôi rất ngạc nhiên khi văn học của các nước như Philippines, Hàn Quốc… đều được giới thiệu một cách hệ thống. Còn Việt Nam thì hoàn toàn vắng bóng. Sự tự ái dân tộc trỗi dậy. Việt Nam có lịch sử 1000 năm văn chương, vậy tại sao lại vắng bóng trên văn đàn thế giới. Tôi bắt đầu công việc của mình từ đó, muốn giới thiệu một cách hệ thống nền thơ hàng ngàn năm của chúng ta cho bạn bè Ba Lan". 

Ông Milosz Kamil Manaterski, nhà thơ, Tổng Biên tập báo điện tử Hội Nhà văn Ba Lan, Ủy viên Hội đồng giám định chất lượng văn học của Hội Nhà văn Ba Lan đánh giá: "Tôi đã viết giới thiệu cuốn "Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ XI đến XIX" và cho đó là một sự kiện thơ. Sáu tháng sau, tôi đã biết chắc chắn rằng, cuốn Tuyển tập đã tự bảo vệ được vị trí là cuốn sách quan trọng nhất trong năm 2010... Đây là một bản dịch rất hay, nó hàm chứa cái đẹp trong thơ của các nhà thơ lớn Việt Nam.

Nhắc lại sự khác biệt ngôn ngữ của hai nước ở đây có lẽ không cần thiết. Lâm Quang Mỹ và Pawel Kubiak đã chắt lọc hết những gì hay trong tiếng Ba Lan để cho thơ thực sự là thơ, cái đẹp thực là đẹp và đồng thời không làm giảm đi những nét độc đáo trong văn hóa và văn chương Việt". Ông đã mang cuốn thơ cổ ấy đến những lễ hội thơ, những trường học để đọc và giới thiệu với bạn bè thế giới về gia tài phong phú của thơ cổ Việt Nam. Ông không còn nhớ bao nhiêu lần, âm vang của "Nam Quốc Sơn Hà", của những bài thơ của Lý Thường Kiệt, của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương đã mang lên một cách đầy kiêu hãnh lên trên mọi nẻo đường Ba Lan.

 

 

"Tôi dựa vào cuốn ''Thi nhân Việt Nam'' của Hoài Thanh, Hoài Chân, nhưng trong đó chưa đầy đủ nên tôi phải tìm hiểu, chọn lọc từ nhiều nguồn tài liệu khác, tôi chủ động hoàn toàn trong việc lựa chọn tác phẩm với một cảm thức chung của phong trào thơ mới là tinh thần lãng mạn. Cuốn sách có sự hiện diện đầy đủ của nhiều gương mặt, thậm chí có những gương mặt vừa lạ vừa quen, như Nguyễn Thị Manh Manh, Lưu Kỳ Linh, Mộng Huyền, Hằng Phương".Không dừng lại ở đó, "tham vọng" của nhà thơ Lâm Quang Mỹ là sẽ giới thiệu một cách hệ thống thơ Việt sang tiếng Ba Lan. Có tới 4 năm trời ông gần như ở ẩn, rời xa cả con người sáng tác của mình để dồn tâm sức cho cuốn thơ dịch "Tuyển Thơ mới Việt Nam 1932-1941". Cuốn sách dày dặn, được lựa chọn kỹ càng. Ông bổ sung khá nhiều tác giả không được nhắc đến trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân.

Tỷ mẩn lựa chọn, với một tinh thần làm việc kỹ càng, đầy trách nhiệm, cuốn sách dịch "Tuyển Thơ mới Việt Nam 1932-1941" giới thiệu 42 nhà thơ với 144 tác phẩm. Cũng trong quãng thời gian gần 4 năm đó, nhà thơ Lâm Quang Mỹ dừng lại mọi công việc riêng của mình. Bởi ông quan niệm: "Dịch nghĩa là sáng tác lần 2 bằng một ngôn ngữ khác. Người dịch phải hòa cảm xúc của mình vào bài thơ. Tôi gần như phải dừng công việc sáng tác, gột bỏ toàn bộ những cảm xúc riêng của mình để sống trọn vẹn với tác phẩm. Ngày xưa những ý thơ của các cụ cứ vấn vương trong đầu hàng tháng trời. Nhưng bây giờ, tôi có thể thoát ra khỏi nó trong 6-7 ngày. Tôi luôn bị ám ảnh bởi những tứ thơ, ý thơ, có những ý thơ giày vò mình hằng ngày khiến mình không sáng tác được".

Cuốn sách được in dày dặn, trang trọng. Ông làm công việc lặng lẽ đó, không vì điều gì, ngoài tâm huyết muốn giới thiệu với bạn bè Ba Lan vốn văn hóa của dân tộc mình. Nhiều bạn bè trong Hội Nhà văn Ba Lan có ý trách khéo ông, sao không dành tâm sức cho việc dịch văn học Ba Lan sang tiếng Việt, bởi ông cũng là một thành viên của Hội Nhà văn Ba Lan. Lý do vì sao, có lẽ nhà thơ Lâm Quang Mỹ hiểu hơn ai hết. Bởi ông yêu đất nước ngàn năm văn học này, ông yêu đến máu thịt từng gốc rễ ông cha. Nên dù có rời xa Việt Nam hơn 30 năm nay, ăn cơm Tây, uống rượu Tây, nói tiếng Tây, thì trong tâm hồn ông, vẫn thao thiết nỗi nhớ quê, nhớ gốc rễ của mình. Dịch thơ Việt sang tiếng Ba Lan cũng là cách ông giải tỏa được nỗi nhớ thương luôn đau đáu trong tâm hồn những con người xa xứ như ông.

Nhưng nhà thơ Lâm Quang Mỹ dịch thơ Việt sang tiếng Ba Lan không phải chỉ để lấp đầy khoảng trống trong các thư viện Ba Lan, để rồi những cuốn sách đó sẽ nằm im lìm trong các giá sách thư viện. Ông, kẻ hát rong của thơ ca ấy, sẽ mang thơ Việt đi trên mọi nẻo đường Ba Lan, đất nước của những lễ hội thơ, để đọc và giới thiệu với bạn bè.

Khi tôi viết bài này, thì ở bên kia, nơi đất nước Ba Lan xa xôi, nhà thơ Lâm Quang Mỹ đang mang cuốn sách của mình đọc trong các lễ hội thơ ở Ba Lan. Ở đó, những bài thơ tình tứ, mang âm hưởng phương Tây của Xuân Diệu, hay những câu thơ hồn hậu đậm chất quê của Nguyễn Bính… sẽ vang lên trên mọi quảng trường thơ ở Ba Lan.

Cuốn “Tuyển thơ mới Việt Nam 1932-1941”.

Người Ba Lan vốn dĩ yêu thơ, nhưng họ bị cuốn hút bởi lối trình diễn hát thơ đầy cảm xúc và tình yêu với thơ của Lâm Quang Mỹ. Ông luôn được coi là "vị khách đầy vẻ hấp dẫn, bởi vì ông giới thiệu thơ mình, thơ đất nước mình với một trái tim đầy nhiệt huyết, với hình thức hát thơ khiến nhiều người ngẩn ngơ. Các buổi biểu diễn của ông luôn thu hút rất đông người xem, người nghe và trở thành ngày hội thật sự của thơ trữ tình, của nét lạ phương Đông xa xôi và của sự kết nối không gian nằm bên ngoài khu vực ảnh hưởng của văn hóa châu Âu". Ông D.T Lebioda Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật “Temat”.

Miệt mài dịch, với sự hỗ trợ của một người bạn thơ, hiểu và yêu văn hóa Việt - Pawel Kubiak - ông lại lọ mọ đi xin kinh phí để in. Ông muốn, những tác phẩm đó phải được in một cách trang trọng nhất. Vì thế, thay vì bìa mềm, ông đã bỏ thêm tiền để in bìa cứng, thay vì 500 bản in ông đã in tới 700 bản. Vì ông muốn tận dụng mọi cơ hội cho văn học Việt ra thế giới. Thế mà, chừng ấy vẫn chưa đủ. Ông tiếc rằng, giá như mình có thể làm được nhiều hơn thế, có thể dịch thơ Việt sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Với những ngôn ngữ đó, văn học Việt sẽ mở rộng cánh cửa ra thế giới  hơn.

Tôi vẫn hình dung, con người thơ bé nhỏ, gầy guộc, mà trong đầu chứa hàng trăm túi thơ ấy, đang rong ruổi trên mọi nẻo đường ở xứ người để đọc thơ, giới thiệu thơ Việt với bạn bè thế giới. Hành trình đó của ông chưa bao giờ dừng lại. Một hành trình khổ ải và đơn độc. Tôi hỏi ông, có bao giờ mỏi mệt? Ông chỉ cười. Ông biết, trong hành trình này ông sẽ lặng lẽ. Và ông chọn sự lặng lẽ đó. Nhưng những gì ông nhận được lớn hơn tất cả. Đó là những bài thơ của các nhà thơ Việt Nam từ cổ chí kim đang được vang lên, được bạn bè quốc tế đón nhận một cách trân trọng. Gia tài đó, lớn hơn tất cả. Và vì thế, hành trình của ông sẽ không còn đơn độc.

Ông sẽ dịch tiếp những bài thơ của các nhà thơ nữ. Nước Việt có nền thơ nữ phong phú và lâu đời, chắc hẳn sẽ là một phát hiện thú vị với bạn bè quốc tế. Ông đã vượt qua khe cửa hẹp của những mưu cầu cá nhân, những mối quan hệ thân sơ để đưa văn chương Việt, một cách hệ thống và đầy đủ ra thế giới. Ông đang thực hiện một chuyến du hành ngược thời gian, để tìm về những giá trị xưa. Đó cũng là cách ông kết nối với hiện tại, với bạn bè năm châu.

Khánh Linh


Nguồn tin: Que Viet

Share/Save/Bookmark
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 1497
  • Tháng hiện tại: 71536
  • Tổng lượt truy cập: 25622118