|
|||||||
Những điểm yếu của sĩ phu ViệtĐăng lúc: Thứ năm - 24/03/2016 14:26 - Người đăng bài viết: admin
Bài viết này nói về thất bại của giới sĩ phu Việt trong dẫn dắt quá trình văn minh hóa dân tộc, tạo hình mẫu cho sự phát triển của các nhóm người khác.
Viết chữ ngày xuân. Nguồn: yeunhiepanh.net Trong suốt chiều dài lịch sử, những sĩ phu Việt Nam tinh hoa nhất hầu hết nếu không phải là tất cả, đều là những người học giỏi, giỏi thơ văn, đọc sách nhiều, trí nhớ tốt, nhưng cũng thường chỉ ở mức tầm chương trích cú. Viễn kiến và trí tuệ, hiểu biết của họ khó có thể nói là sâu rộng, nếu không muốn nói là đôi khi viển vông, sáo rỗng. Vì vậy, mặc dù sau khi đỗ đạt, tất cả đều ra làm quan, nhiều người được giữ những vai trò trọng trách trong triều đình, tham dự vào các quyết định quan trọng của đất nước nhưng họ chỉ có vai trò duy trì nguyên trạng một thể chế lạc hậu, không đủ năng lực và tầm vóc tiến hành những cuộc cải cách quan trọng và phát triển nền văn minh của dân tộc lên những vị thế mới. Những sĩ phu này đều là những người có đạo đức, trong sạch, sống thanh bạch, liêm khiết, và đa phần thương dân. Khi bất bình với xã hội, không chấp nhận đám quan tham, một vài nhân vật dũng cảm nhất đều gửi các góp ý, kiến nghị với triều đình. Nhưng nếu vua không nghe theo thì họ chỉ biết than thở, làm thơ ngâm vịnh, hoặc treo ấn, từ quan, về quê hay lên núi tránh xa vòng thị phi. Họ luôn tự bằng lòng với cách hành xử đó, coi cách sống đạm bạc, trong sạch, giữ khí tiết… là tiêu chuẩn cao quý nhất của nhà Nho, của bậc sĩ phu, chứ không coi việc mưu sự và nỗ lực làm mọi cách đến cùng để làm được việc hữu ích cho dân cho nước là mục tiêu cao cả nhất. Giới sĩ phu lẽ ra có thể làm gì? Điều lẽ ra họ phải làm, dù trong vai trò là quan chức trong bộ máy, hay khi không được trọng dụng và trở thành người trí thức tự do, là luôn chủ động nỗ lực sáng tạo ra những tri thức vượt trội, những kiến giải, những giải pháp về sự phát triển, để đóng góp cho dân tộc, như phát minh ra chữ viết, đề ra những quan điểm tiến bộ về cải cách luật pháp, cải cách giáo dục, cải cách hành chính hay những biện pháp về kinh tế, giao thông,… Cao hơn, họ có sứ mệnh và trách nhiệm phải xây dựng các học thuyết phát triển cho dân tộc, soạn ra các tư tưởng và giải pháp cụ thể về phát triển quốc gia chứ không chỉ viết những bản kiến nghị chung chung lên triều đình. Tất nhiên, tôi nghĩ không thể đòi hỏi giới sĩ phu từ hàng trăm năm trước phải có được những tư tưởng canh tân hiện đại như thời nay, nhưng mỗi thế hệ đều có một sứ mệnh riêng cần phải hoàn thành. Sứ mệnh đó tương ứng với điều kiện phát triển cho phép của từng thời đại. Tôi xin tạm hình dung như sau: Thế hệ Chu Văn An, Nguyễn Trãi là những học giả, trí thức của thế kỷ 11-13, nhờ nền độc lập dân tộc và sự hưng thịnh của văn hóa khi đó với tinh thần độc lập cao và ý chí tách ra khỏi Trung Hoa có sứ mệnh phải phát minh ra chữ viết cho người Việt và đưa chữ viết đó trở nên thông dụng trong dân chúng.
Và giả sử như các thế hệ trí thức trước thành công, nếu khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, thế hệ các sĩ phu của thế kỷ 19 như Nguyễn Khuyến (1835-1909) có thể tỉnh táo, có tư tưởng canh tân hơn nhờ các lý thuyết, kiến thức và tư duy độc lập được thừa hưởng sẽ chủ động tiếp cận với văn minh phương Tây, thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình dịch thuật, viết sách và phổ biến văn minh phương Tây, về khoa học, về tư tưởng, về thiết chế… bằng chữ Việt cho người Việt. Nếu giới sĩ phu Việt thế hệ đó thực hiện được những sứ mệnh lịch sử như vậy thì đông đảo người dân sẽ có tri thức, và nhờ đó dân tộc có điều kiện và cơ sở để phát triển một nền văn minh hiện đại không kém hơn so với Nhật Bản đương thời. Tuy nhiên, sau những thất bại đó, giới sĩ phu Việt Nam đã lại liên tục lỡ nhịp ở các bước chuyển văn minh, và mỗi lần lỡ nhịp này lại dẫn tới những lần lỡ nhịp tiếp theo. Treo ấn về quê ở ẩn chưa hẳn là cách hành xử đúng Tôi nghĩ rằng, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào hai nhóm người: những người cầm quyền (giới lãnh đạo) và những người có tư tưởng, kiến thức (giới học giả). Giới học giả thường có năng lực hành động yếu, trong khi giới lãnh đạo có năng lực hành động tốt thì kiến thức lại không đủ sâu rộng. Vì vậy, chỉ khi nào có sự kết hợp giữa hai nhóm người này và sự hợp tác chặt chẽ giữa họ mới tạo động lực cho sự phát triển. Khi giới cầm quyền không đủ kiến thức, còn giới học giả không thực sự có tư tưởng tiến bộ, hoặc không có phương pháp chủ động, tích cực, đúng đắn để thuyết phục và phối hợp với giới cầm quyền, thì quốc gia sẽ dễ sa vào những thất bại. Chính vì vậy, theo tôi, vì không được nhà cầm quyền tin dùng, hành động treo ấn từ quan, về quê ở ẩn của những vị quan, những sĩ phu mà xưa nay vẫn được khen ngợi, được coi là biểu hiện cho khí phách kẻ sĩ, thực ra phải bị coi là sự thất bại, là cách hành xử sai lầm, thể hiện họ không đủ ý chí và sự khôn ngoan để tìm các giải pháp khác nhằm theo đuổi mục tiêu cải cách đất nước. Họ dễ dàng từ bỏ sứ mệnh và trách nhiệm của tầng lớp được coi là tinh hoa của đất nước, rồi dễ dàng đổ lỗi và quy mọi trách nhiệm cho triều đình và giới quan lại, mà họ là một phần trong đó. về những sĩ phu trong lịch sử Việt Nam, tôi chỉ thấy một vài nhân vật như Nguyễn Công Trứ và Ngô Thì Nhậm đã thoát khỏi khuôn mẫu đạo đức “treo ấn từ quan”, nỗ lực tìm cách vượt qua mọi bước thăng trầm để có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Nhưng đáng tiếc là cho đến nay, những điều đáng trân trọng đó ở họ vẫn không được ca ngợi nhiều như cách hành xử “về quê ở ẩn” của Chu Văn An hay Nguyễn Trãi.
Tác giả bài viết: Nguyễn Cảnh Bình
Nguồn tin: Tia Sáng
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc