|
|||||||
Thầy dạy sử uyên bác ít người biết tớiĐăng lúc: Chủ nhật - 22/02/2015 19:13 - Người đăng bài viết: admin
Nguyễn Triệu Luật được coi như cha đẻ của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, người đề xuất “gây lấy một cái trường của ta” để nâng cao văn hóa dân tộc, một thầy dạy sử uyên bác…Ông ít được lớp người trẻ tuổi và trung tuổi ở Việt Nam biết đến, mặc dù tên của ông đã từng được đặt cho một con đường tại Sài Gòn từ rất lâu.
Nguyễn Triệu Luật (1903 - 1946) là tác giả của các cuốn tiểu thuyết về lịch sử: Hòm đựng người, Bà chúa chè, Ngược đường Trường thi… và nhiều tiểu luận, tạp luận báo và tạp chí đương thời. Tại cuộc tọa đàm diễn ra tại Hà Nội vừa qua, những nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa như Phạm Toàn, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Triệu Căn... cho rằng việc còn ít người biết đến Nguyễn Triệu Luật là một thiếu sót lớn của những người làm sách giáo khoa phổ thông thời gian qua. Cha đẻ của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc đã nhận định Nguyễn Triệu Luật được coi như cha đẻ của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. Ông cũng nhận xét về cuộc đời Nguyễn Triệu Luật như sau: “Thứ nhất, ông là nhà nho yêu nước hiện đại. Thứ hai, ông là nhà sử học viết tiểu thuyết lịch sử hơn là nhà tiểu thuyết lấy đề tài lịch sử để viết. Nguyễn Tuân, Giản Chi có nói: đọc Nguyễn Triệu Luật thấy phần tiểu thuyết hư cấu ít hơn phần chính sử. Vì vậy, đọc văn ông người ta thấy đấy là sự thực lịch sử. Nguyễn Triệu Luật đã làm cho những nhân vật xưa, những cảnh ngộ xưa sống lại, sinh động. Nó khác với các tiểu thuyết của A. Duma. Chính vì vậy, Nguyễn Tuân nhận định người viết tiểu thuyết lịch sử tốt nhất là Nguyễn Triệu Luật vì ông vừa là nhà sử học, vừa là nhà văn. Hai cái đó trộn vào với nhau, khiến cho sách của Nguyễn Triệu Luật rất có giá trị”. “Bổn phận của ta là phải gây lấy một cái trường của ta” Theo PGS Trần Thị Băng Thanh thì Nguyễn Triệu Luật quan niệm dân tộc có một nền văn hóa riêng, trước hết thể hiện ở ngôn ngữ. Nhưng văn học giới nước ta lúc đó đã sinh ra những “quái trạng” và chịu những cái ách, đó là tư tưởng sùng ngoại, sính ngoại, “ngoại chủng hóa” có nguy cơ tự biến thành một “giống lai”! Hệ quả trong quá trình “Tây hóa” đó là hàng ngày hàng giờ tâm hồn Việt, tính cách Việt bị bào mòn tiêu hao dần. Để chống lại điều đó, để truyền bá, cổ súy nâng cao văn hóa dân tộc, Nguyễn Triệu Luật đặt niềm tin trước hết vào sự nghiệp giáo dục: “Hết thảy những ai lấy cái tương lai tinh thần của giống nòi làm sự băn khoăn tha thiết trên mọi băn khoăn tha thiết” phải thấy “Bổn phận của ta là phải gây lấy một cái trường của ta” - bài viết "Làm sao mà gây được một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam?", đăng trên Tao đàn số 5, 1 Mai 1939. Thực ra đây là vấn đề rất lớn phải đặt ở quy mô quốc gia, nhưng bấy giờ triều đình đã không lo, không thể tự quyết, cho nên “Cái trường của ta” mà thực chất là giới trí thức yêu nước đương thời phải tự nguyện gánh vác. Nguyễn Triệu Luật đã nhân danh “Cái trường của ta” đề xuất những vấn đề quan trọng cụ thể… Thứ nhất là cách đối đãi với các nền văn hóa ngoại nhập. Theo ông, đối với các nền văn hóa ngoại nhập, về kỹ xảo cơ khí, tư tưởng triết học, học thuật, ta có thể thu nhận mà “không hại gì cho cá tính của ta”, bởi “tính cách phổ thông” của các bộ môn khoa học ấy. Tuy nhiên, muốn thu nhận chúng thì tốt nhất phải dịch ra Tiếng Việt.
Thứ hai là trên lĩnh vực trí tuệ, học giới và giáo giới nước nhà phải phá bỏ cái “quái trạng” ngoại chủng hóa. Quan sát cách dạy Tiếng Pháp đương thời, Nguyễn Triệu Luật cho rằng dùng phương pháp trực thụ để dạy, luyện mãi thì thành công, nhưng lại không đủ bản lĩnh để bảo vệ lối tư duy, “phô diễn” Việt nên kết quả là “cái óc Việt Nam cứ lùi bước dần dần cho đến khi bị tiêu hẳn”. Bổn phận thứ ba mà Nguyễn Triệu Luật đặt ra cho “cái trường của ta” là nâng cao trình độ cho “dân trí thức”. Có lẽ ông là người rất sớm đặt vấn đề phải được nâng cao trình độ giới trí thức. Theo ông, họ có hai phần. Phần thứ nhất ít hơn, là nhóm tinh hoa, chừng độ một hai phần nghìn, bao gồm những người trước tác, văn sĩ, học giả. Nhóm này cần được đào tạo để trước tác, để trở thành những nhà giáo, những nhà ngôn ngữ gìn giữ và truyền bá văn hóa dân tộc mà trước hết là “cái lối tư duy Việt”, “quốc hồn”, tinh thần Việt, để sáng tác được những tác phẩm tầm cỡ. Đối với phần (dân trí thức) còn lại, đông hơn, ông rất coi trọng việc nâng cao văn hóa cho họ, mà trước hết phải trang bị cho họ một tri thức phổ thông, tuy không cao xa gì nhưng nếu thiếu nó thì “đừng mong có văn hóa”. Thực hiện nhiệm vụ này, theo ông, là phải dạy những kiến thức cơ bản nhất về địa lý, sử ký, hóa học, vật lý học, số học, sinh vật học, tâm lý học “để gây lấy cái trí thức phổ thông của dân đọc sách”, mà phải dạy bằng quốc văn. Có lẽ Nguyễn Triệu Luật là người rất sớm đề xuất ý kiến các trường trong nước ta, từ trung học tới tiểu học, các môn khoa học, sử học, địa lý đều dạy bằng Tiếng Việt hết; các loại sách thuộc loại tư tưởng đều dịch hết ra Tiếng Việt và “bắt” học trò phải học; Tiếng Pháp chỉ học như một ngoại ngữ thứ nhất. Và như vậy một công việc cấp bách của giáo dục lúc ấy là biên soạn bộ Giáo trình cơ sở bằng Tiếng Việt cho các môn học. Đề xuất này của Nguyễn Triệu Luật được đưa ra từ năm 1939, mãi mấy năm sau (1944) Hoàng Xuân Hãn mới hoàn thành, thường được gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn. Vẫn cần phải học “người của một thời” Những ý tưởng về giáo dục của Nguyễn Triệu Luật quả thật đã không chỉ có ý nghĩa đối với thời đại ông. PGS Trần Thị Băng Thanh nhấn mạnh: "Những vấn đề ông đặt ra cho việc gây dựng một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam, trong đó đặc biệt là những vấn đề của giáo dục, cách đây đã trên 70 năm. Có những việc đã được giải quyết, có những đề xuất đã bị thời gian vượt qua, nhưng những ý tưởng cốt lõi vẫn còn nguyên giá trị, kể cả tính thời sự của vấn đề". Nhưng một điều khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên nữa là ngay từ khi còn rất trẻ, Nguyễn Triệu Luật đã hoạt động với tinh thần tự nhiệm, gánh vác công việc của đất nước. Ông đã biên dịch và viết những bài báo về tâm lý học rất có giá trị, mà bài đầu tiên đăng trên tờ Nam Phong vào năm 1924, khi ông mới 21 tuổi. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai thì lý giải "Sự xui khiến của bản năng sinh tồn của dân tộc khiến cho thời đó xuất hiện những con người rất trẻ, tài hoa, cưỡng lại xu thế". "Ngày nay có cần giới trẻ trưởng thành nhanh như thế hệ Nguyễn Triệu Luật không? Bài học Nguyễn Triệu Luật là bài học rất lớn của văn hóa Việt. Và cả bài học từ câu chuyện Thánh Gióng: Nếu giới trẻ Việt Nam không sớm trưởng thành thì sẽ mất hết" - ông Nguyễn Khắc Mai khẳng định. GS Bùi Trân Phượng thêm ý kiến: "Yếu tố quan trọng để thời kỳ đó xuất hiện những con người rất trẻ tuổi và tài hoa là sự tự do tư duy để suy nghĩ khác với những con người cùng thời – nghĩ khác, nói khác, làm khác - nên nói được sự thật. Đó là bài học của Nguyễn Triệu Luật mà chúng ta nên học cho xứng đáng".
Chi Mai Nguồn tin: Vietnamnet
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc