Trận chiến Grunwald năm 1410 qua bút vẽ của Jan Matejko

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/08/2020 13:34 - Người đăng bài viết: admin
Chiến thắng lịch sử vĩ đại Grunwald năm 1410 được thể hiện sống động trong bức tranh khổ lớn do Jan Matejko vẽ năm 1878 với tiêu đề „Trận chiến tại Grunwald” (tiếng Balan: Bitwa pod Grunwaldem). Đây là kiệt tác của Matejko được biết đến rộng rãi nhất và cũng là một trong những bức tranh truyền cảm hứng nhất, góp phần quảng bá và duy trì tiếng tăm của chiến thắng Grunwald trong tâm thức người Ba Lan.

Bức tranh sơn dầu trên vải „Trận chiến tại Grunwald” do Jan Matejko vẽ năm 1878, có kích thước 4.26 mét chiều rộng và 9.87 mét chiều dài, hiện trưng bày tại Bảo Tàng quốc gia Warszawa. (Ảnh: Internet.)

Matejko đã thể hiện trên bức tranh cảnh cuối của trận chiến Grunwald diễn ra vào ngày 15 tháng 7 năm 1410, khi cuộc chiến khốc liệt vẫn tiếp diễn nhưng ở thời điểm bước ngoặt quan trọng nhất là khi làn sóng chiến thắng đã nghiêng về phía liên quân Ba Lan-Litva và khi Đại thống lĩnh quân Thập tự tử trận. Bức tranh là tổng thể các phần khác nhau trong trận chiến. Bố cục bức tranh gồm phần trung tâm (gồm một nhóm sự kiện bố trí kiểu quanh một vòng tròn) và hai phần "cánh" để phát triển câu chuyện kéo dài theo thời gian và không gian với nhiều mối quan hệ tương quan giữa các nhân vật.
Nổi bật ở chính giữa tranh là Đại hoàng tử Litva-Vytautas, không mặc áo giáp, mà trong áo choàng màu đỏ, trên đầu đội mũ phụng vụ có gắn thánh giá, cưỡi con ngựa đen với khí thế hùng dũng, tay trái với khiên, tay phải giơ cao thanh kiếm thể hiện cử chỉ chiến thắng. Bên phải ngay cạnh Vytautas là hiệp sĩ Macin từ Wrocimowice, tay trái đang giơ kèn thổi, tay phải đang giương cao cờ hiệu của vương quốc Ba Lan tung bay trong gió là biểu tượng chiến thắng.
Một cảnh trọng tâm khác ở giữa tranh mô tả Đại thống lĩnh Ulrich von Jungingen với trang phục Thập tự cưỡi con ngựa trắng. Ngã nghiêng trên ngựa, với vẻ mặt kinh hoàng ông đang tự vệ trước sự tấn công của hai chiến binh bộ. Một chiến binh đang chĩa mũi giáo thánh (a) vào ông, chiến binh thứ hai một tay nắm giữ ông, một tay tay cầm rìu đang chuẩn bị vung lên và có mũ chùm đầu và trang phục như một đao phủ. Đây là hai nhân vật tượng trưng mà Matejko đưa vào bức tranh của mình. Theo tài liệu lịch sử, von Jungingen đã tử trận trong trận đấu với kỵ binh trên chiến trường. Giữa Vytautas và von Jungingen là cuộc chiến giành giật cờ hiệu của Đại thống lĩnh Thập tự. Mikołaj Skunarowski (hay Skunaczewski), một hiệp sĩ Ba lan đang vung kiếm và giành giật cờ hiệu trong tay lính Thập tự. Bên trái Mikołaj là hiệp sĩ Zyndram từ vùng Maszkowice, người đang giương gươm phía trên đầu von Jungingen.
Ở bên phải Vytautas, trếch xuống dưới là hiệp sĩ người Séc Jan Žižka (mặc áo giáp), chỉ huy 3 đội quân Bohemia đồng minh của quân Ba lan, đang đặt chân trái lên đối thủ đã ngã xuống là hiệp sĩ Đức Heinrich von Schwelborn (áo xanh, tóc đỏ, tay trái đang giơ lên trước mặt), chỉ huy quân từ vùng Tuchola. Žižka đang vung gươm giáng đòn chí mạng vào kẻ thù. Nhưng Žižka cũng đang bị đe dọa bởi một nhân vật xảo quyệt (đội mũ giáp, có râu trong bộ quần áo tối màu, bên trái Žižka) có vẻ đang rình rập để đâm vào ngang hông của Žižka. Đằng sau Žižka chếch lên trên bên phải (bên phải hiệp sĩ Marcin đang cầm cờ) là Zawisza Czarny, một hiệp sĩ huyền thoại từ Garbów (trong áo choàng màu xanh-tím, cầm giáo), chỉ cần một cú đánh đã làm Johan von Wenden, một hiệp sĩ người Đức chỉ huy quân từ Gniew, rơi khỏi ngựa, chỉ nhìn thấy đầu đội mũ giáp màu vàng, trếch phía bên phải đầu của nhân vật khác là von Salzbach (miêu tả ở phần dưới). Ngay bên phải cạnh Zawisza, người đội mũ giáp sáng bóng là hiệp sĩ Ba lan khác Domarat Grzymalczy từ Kobylany. Ở giữa tranh phía dưới là vị chỉ huy vĩ đại Kuno von Liechtenstein (mặc áo choàng màu xanh), hiệp sĩ người Đức, đang hấp hối trên mặt đất, mũ giáp rơi bên cạnh, được cho là chết vì danh dự. Ngay bên phải cạnh Liechtenstein là Konrad VII White, hoàng tử xứ Oleśnica, được Matejko miêu tả là một kẻ phản bội (bị bắt làm tù binh trong trận chiến). Anh ta cầm trong tay trái cây quyền trượng hướng về phía Hoàng tử Vytuatas. Đó là một trong ba cây chùy còn lại của Đại học Jagiełłonia, ám chỉ nguồn gốc thân cận với vua, vì thủa nhỏ được nuôi dưỡng trong cung hoàng gia của vợ Jagiełło, nhưng khi lớn lên lại đứng về phía Thập tự quân chiến đấu chóng lại Jagełło. Ở giữa tranh phía trên cùng, trên bầu trời giữa những đám mây là thánh Stanisław, người bảo trợ của Ba Lan, đang theo dõi trận chiến.
Phần bên trái tranh là hoàng tử Kazimierz V của Szczecin (mặc áo giáp màu vàng đội mũ có lông chim công), phóng con ngựa đen đang vội vã đến trợ giúp Thống lĩnh, đang quay người lại giơ kiếm chống lại sự tấn công của Jakub Skarbek, hiệp sĩ Ba Lan từ Góra (bên trái Kazimierz, người đầu đội mũ có vành đỏ và choàng áo đỏ). Quân của Skarbek (ngay dưới chân Skarbek) đang nắm giữ cương ngựa của Kazimierz V. (Trong thực tế, Kazimierz V là người Sla-vơ, nhưng lại là đồng minh của Thập tự, và bị Skarbek bắt giữ.) Cũng ngay bên trái von Jungingen (trang phục Thập tự cưỡi con ngựa trắng) là Werner von Tettingen (người có râu), thủ lĩnh của quân Thập tự ở Elbląg (cạnh thủ phủ của quân Thập tự ở Marienburg, chứng kiến Đại thủ lĩnh đang bị tấn công đến chết. Ở góc trên bên trái, trại của quân Thập tự và các ngôi nhà ở làng Stębark đang bốc cháy sau trận chiến.
Tâm điểm phần bên phải của bức tranh là hiệp sĩ Đức Marques von Salzbach (đầu trần, râu quai nón đỏ, mặc áp giáp sáng bóng đang ngã nghiêng từ con ngựa đen), một chỉ huy của Thập tự quân ở Brandenburg bị bắt giữ bởi chiến binh có vẻ ngoài hoang dã được xác định là người Tatar hoặc người Cossack. Bên phải von Salzbach trếch lên trên là Heinrich von Plauen (áo choàng có sọc trắng, đội mũ giáp). Von Paulen không tham gia trận Grunwald, mà sau đó đã tổ chức phòng thủ thành công ở Marienburg, và trở thành Đại thống lĩnh Thập tự sau đó. Matejko miêu tả von Paulen chạy trốn khỏi trận chiến để tổ chức phòng thủ. Gần rìa bức tranh phía bên phải là hiệp sĩ Ba lan Jan Długosz từ Niedzielska (bên phải von Plauen). Ông là bố của nhà sử học đầu tiên Jan Długosz (b), tham gia trận chiến trong đội quân cờ hiệu vùng Wielun. Matejko thêm nhân vật này vào bức tranh để tỏ lòng tôn kính nhà sử học mà ông sử dụng tài liệu để vẽ bức tranh.
Góc trên bên phải là nhóm của vua Władysław Jagiełło và những người thân cận, trong đó có Zbigniew Oleśnicki, một trong những cố vấn của Jagiełło (sau này trở thành Giáo chủ Krakow), Zygmunt Korybut (sau là Phó Nội chính của triều đình), Công tước Masovia. Trên mặt đất dưới chân Oleśnicki là thi thể của hiệp sĩ người Đức Dippold Kikeritz, người đã tận dụng cơ hội để tấn công Jagiełło nhưng đã bị đoàn tùy tùng của vua triệt hạ. Theo lịch sử, Jagiełło là tổng chỉ huy trận chiến, nhưng không tham gia trực tiếp vào trận đấu mà đứng quan sát và chỉ huy trên một ngọn đồi (hiện nay là đồi Jagiełło cách chiến trường Grunwald khoảng 1km). Vytautas là phó tổng chỉ huy chiến trận, đồng thời là tổng chỉ huy của đội quân Litva, trực tiếp tham gia chiến trận và chỉ huy liên quân Balan-Litva.
Matejko bắt đầu vẽ bức tranh này từ năm 1872. Ông dựa trên ghi chép lịch sử của Jan Długosz, chẳng hạn như Vytautas là nhân vật nổi bật trong bức tranh vì ông trực tiếp tham gia trận chiến. Nhưng Matejko cũng đưa thêm vào tranh một số yếu tố hư cấu, vì ông muốn bức tranh là một tổng thể lịch sử, chứ không phải chỉ là trình bày đúng như sự thật lịch sử. (Ngay cả ghi chép lịch sử của Jan Długosz cũng chứa một số yếu tố không chính xác). Matejko đi thăm tận nơi chiến trường. Ông đã vẽ nhiều phác thảo, thậm chí tự dựng lại nhiều hình mẫu lịch sử, sưu tập rất nhiều vũ khí cổ từ thời điểm trận chiến để phục vụ cho việc vẽ bức tranh này.


Một phần phác thảo bằng bút chì, chiếc khiên của Đại thống lĩnh quân Thập tự được xây dựng lại, các vũ khí cổ (giáo mác) được sưu tầm do Matejko dùng để vẽ bức tranh „Trận chiến tại Grunwald” (lưu giữ tại Bảo tàng Jan Matejko tại thành phố Kraków (c).

Jan Alojzy Matejko (1838-1893) là họa sĩ lịch sử Ba Lan nổi tiếng nhất. Ông là tác giả của hơn ba trăm bức tranh sơn dầu và hàng trăm bức vẽ và phác họa. Ông nhận rất nhiều giải thưởng quốc gia và thế giới. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Học viện Mỹ thuật lâu đời nhất của Ba Lan (ban đầu là một phân ngành của Khoa Văn học của Đại học Jagiellonia năm 1818, trở thành Trường Mỹ thuật (Szkoła Sztuk Pięknych) năm 1873, và Học viện Mỹ thuật năm 1900). Năm 1979, học viện được mang tên Jan Matejko (Akademia Sztuk Pięknych im. Jana Matejki w Krakowie). Tên ông cũng được đặt cho quảng trường trong trung tâm thành phố Krakow nơi có Tượng đài kỷ niệm Grunwald.
Matejko đặc biệt nổi tiếng với những bức tranh sự kiện chính trị và quân sự Ba Lan lịch sử vẽ sơn dầu trên vải khổ rất lớn. Ngoài bức tranh „Trận chiến Grunwald” kể trên, còn có nhiều bức tranh khác hiện trưng bày tại rất nhiều bảo tàng, như „Sự cung kính của người Phổ (Hołd Pruski (1882), khổ 3.88m x 7.85m), „Trận chiến tại Racławice” (Bitwa pod Racławicami/Kościuszko pod Racławicami (1888), khổ 4.50m x 8.90m).

Hai tác phẩm „Sự cung kính của người Phổ (1882) và „Trận chiến tại Racławice” (1888) của Matejko được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Krakow (d).

Trong thời gian phát xít Đức chếm đóng Ba Lan trong thế chiến II, rất nhiều tác phẩm được cất giấu. Bức họa “Trận chiến tại Grunwald” và “Sự cung kính của người Phổ” là hai bức họa bị truy lùng ráo riết nhất trong danh sách các tác phẩm văn hóa trong chương trình phá hủy có hệ thống của phía Đức. Goebbels (e) đã treo giải thưởng 10 triệu mác tiền Đức cho ai tìm thấy hoặc cung cấp tin tức về hai bức tranh này. Một số chiến sĩ Ba Lan hoạt động bí mật đã bị quân Đức bắt và giết khi họ không tiết lộ vị trí cất giấu các bức tranh dù bị thẩm vấn và tra tấn. Sau khi chiến tranh kết thúc, các bức tranh đã trở về các bảo tàng, được khôi phục và bảo dưỡng để hiện nay chúng ta có thể chiêm ngưỡng.


Tòa nhà chính của Học Viện Mỹ thuật mang tên Jan Matejko và bức tượng kỷ niệm trận thắng tại Grunwald tại quảng trường Matejko (trái) và bức tượng Matejko (phải) ở Krakow (f)

Nhiều người Việt những thế hệ từ cuối 3X đến khoảng đầu 6X (hiện nay ở tuổi U90-U60) hẳn còn nhớ niềm hưng phấn khi xem bộ phim nổi tiếng của Ba Lan „Hiệp sĩ Thập tự” (hay „Hiệp Sĩ”) công chiếu tại Việt nam trong những năm 60-70 thế kỷ trước. Bộ phim này dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Ba Lan nổi tiếng Hendryk Sienkiewicz (g). Đỉnh cao ở cuối cuốn tiểu thuyết cũng như trong bộ phim là chiến thắng lừng lẫy của liên quân Ba Lan-Litva tại Grunwald năm 1410. Sienkiewicz đã xây dựng lại tiến trình của trận chiến theo mô tả của Jan Długosz cũng như dưới ảnh hưởng của bức tranh của Jan Matejko.

 

Chú dẫn:

(a) Ngọn giáo thánh (Włócznia Świętego Maurycego) là ngọn giáo nghi lễ thời trung cổ được coi là phù hiệu lịch sử đầu tiên của quyền lực của triều đại cầm quyền lịch sử đầu tiên của Ba Lan (từ khoảng năm 960).

(b) Jan Długosz (1415-1480) là một linh mục người Ba Lan, biên niên sử, nhà ngoại giao, quân nhân, được coi là nhà sử học đầu tiên của Ba Lan. Ông cũng là thư ký của giám mục Zbigniew Oleśnicki của Kraków-người đã là cố vấn của vua Jagełło trong trận chiến Grunwald.

(c) Bảo tàng Jan Matejko (Dom Jana Matejki - Muzeum Narodowe w Krakowie), Floriańska 41, 31-019 Kraków.

(d) Bảo tàng quốc gia Krakow ở Sukienice (Galeria Sztuki Polskiej XIXw. w Sukienicach), Rynek Główny 3, 31-042 Kraków.

(e) Paul Joseph Goebbels là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Đức Quốc xã (1933-1945), một trong những cộng sự thân thiết và tận tụy nhất của Adolf Hitler.

(f) Từ trung tâm Krakow (Rynek Główny), đi dọc phố Florianska vuông góc với bên trái nhà thờ St. Mary, sẽ qua Bảo tàng Matejko (ở số 41), rồi qua cổng thành cổ-Barbican ở cuối phố Florianska sẽ đến quảng trường Matejko (plac Jana Matejki). Bức tượng Matejki (khánh thành năm 2013 nhân dịp kỷ niệm 175 năm ngày sinh của ông và 120 năm ngày ông mất) ở phía bên trái ngay cạnh Barbican.

(g) Henryk Adam Aleksander Pius Sienkiewicz (1846-1916) là nhà văn Ba Lan đầu tiên đạt giải Nobel văn học năm 1905 cho tiểu thuyết „Quo Vadis”. Sách của ông được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim. Bộ phim „Hiệp sĩ Thập tự” („Krzyżacy”) của điện ảnh Ba Lan dựa trên tiểu thuyết của Sienkiewicz được công chiếu lần đầu tiên ngày 15 tháng 7 năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 550 năm chiến thắng tại Grunwald. Bộ phim được đề cử giải Oscarcho phim tiếng nước ngoài hay nhất và lập kỷ lục về số lượt người xem ở Ba Lan (hơn 32 triệu người, lớn hơn cả số dân số Ba lan thời đó). 

 

Tác giả bài viết: Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân
Nguồn tin: (Sưu tầm và dịch. Ảnh: của tác giả).

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 2169
  • Tháng hiện tại: 12817
  • Tổng lượt truy cập: 25657706