Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sắp xếp, quy hoạch các trường đại học theo ngành
- Thứ tư - 24/05/2017 07:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để khảo sát, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo nhà nước xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập vừa qua, một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ GD&ĐT đưa ra là kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập trên cơ sở chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực sự nghiệp; có chính sách khuyến khích ưu đãi cao hơn đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp ngoài công lập ở vùng sâu, vùng xa.
Sắp xếp lại đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không có vai trò thiết yếu, hoạt động không hiệu quả, không đạt được mục tiêu đặt ra, chất lượng kém, thường xuyên phải bù chi phí...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành Giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn.
Với quan điểm như vậy, theo Bộ trưởng Nhạ, nhiệm vụ đầu tiên là quy hoạch lại, rà soát lại toàn bộ cơ sở đào tạo giáo dục.
Đối với bậc mầm non, phổ thông, đã xây dựng các chuẩn, quy chuẩn một cách hợp lý trên cơ sở tiếp cận thực tế.
“Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là các chuẩn, quy chuẩn và quản lý nhà nước, hướng dẫn các địa phương chứ không làm thay quy hoạch” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với các trường ĐH, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc quy hoạch không theo hướng hành chính, không quy hoạch theo tư nhân hay công lập mà theo hướng quy hoạch ngành, để làm sao hợp lý với yêu cầu của một ĐH hay cụm ĐH, vùng, mà ở đó tập trung nguồn lực để đào tạo tốt nhất.
Bộ trưởng Nhạ cho hay, việc quy hoạch thực hiện theo hướng mở, động. Hiện Bộ đang xây dựng các chuẩn, quy chuẩn để từ đó đưa ra những quan điểm về quy hoạch. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ đề án quy hoạch các trường. Đây sẽ khung quy định có một khung để không những kiểm soát các trường mới mà còn rà soát, sắp xếp lại các trường đang có.
"Cách tiếp cận không theo hướng hành chính mà là cạnh tranh, các trường tự điều chỉnh. Như vậy, chúng ta sẽ có một mạng lưới các trường ĐH hợp lý, chứ không phải tính đến theo quy chuẩn đầu dân hoặc những chỉ số có tính chất lý thuyết” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Riêng với các trường sư phạm, Bộ trưởng Nhạ nêu ra một thực tế kéo dài khoảng 5 - 7 năm nay là, các trường này gần như không được quan tâm đúng mức và đúng tính chất của trường sư phạm, dẫn đến trường phải tự xoay sở một cách yếu ớt như: đầu vào trường sư phạm không được tốt; trong quá trình đào tạo, tổ chức cũng chưa được đầy đủ; khi ra trường, sinh viên vào được các trường phổ thông rất khó khăn, nên học sinh học sư phạm ít, chất lượng thấp; khi ra trường vào đúng ngành không nhiều, đây là một sự lãng phí lớn...
Theo Bộ trưởng, việc rà soát, quy hoạch chuẩn các trường sư phạm theo hướng rà soát sắp xếp lại hệ thống, tập trung vào một số trường sư phạm quốc gia, trọng điểm để đầu tư. Còn các trường CĐ sư phạm hay khoa sư phạm các nơi sẽ là vệ tinh để thực hiện đào tạo lại đội ngũ giáo viên các tỉnh. Đây là nhiệm vụ vô cùng lớn của ngành.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, hướng của Bộ GD&ĐT là sư phạm phải gắn với giáo viên, với trường phổ thông chứ không phải thông qua thị trường, để trong quá trình đào tạo bồi dưỡng và quá trình sử dụng giống như là trường y và bệnh viện.
"Đây là mối quan hệ trực tiếp, chất lượng, giảm được khâu trung gian. Nhu cầu của người học gắn với người sử dụng, từ đấy tạo nguồn thu cho các trường sư phạm" - Bộ trưởng Nhạ nói.