Các bảng xếp hạng có phải là khuôn vàng thước ngọc?
- Thứ sáu - 08/06/2018 16:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các sinh viên đang tổng hợp vật liệu mới tại phòng thí nghiệm tự chủ của TS Trần Đình Phong, Đại học KH&CN Hà Nội. Ảnh: Loan Lê.
(a) Ban đầu, bản thân việc xếp hạng có mục đích ‘tử tế’ và ‘lương thiện’, nhằm (i) cung cấp thông tin tham khảo trung thực, khách quan để phục vụ cộng đồng, phục vụ người học, phục vụ xã hội trong việc đánh giá và lựa chọn trường đại học; (ii) tạo ra ‘sân chơi’ bình đẳng, công khai, định lượng, khả tín giữa các trường đại học để không ngừng nâng cao chất lượng đại học. Người hưởng lợi miễn phí là học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh, cộng đồng, chính phủ, toàn xã hội; nên về bản chất đó là một thứ dịch vụ công (public services) miễn phí, hoàn toàn không có yếu tố thương mại. Khi tham gia xếp hạng, các trường không phải đóng bất kỳ một loại phí hay lệ phí nào, và ai muốn sử dụng các thông tin trong các bảng xếp hạng thì cứ thế mà sử dụng, không phải trả tiền.
Ngày nay, thời thế đã đổi thay, hình như câu châm ngôn ‘không ai cho không ai cái gì’ đã hiện hình trong không ít bảng xếp hạng, những cái tốt đẹp thuở sơ khai đã dần bị biến dạng, trở thành trò chơi của giới quản lý, chứ không phải chỉ phục vụ cho mục tiêu đào tạo và khoa học như ‘cái thuở ban đầu’. Người ta có thể dễ dàng chứng minh các tiêu chí, chỉ số, trọng số của bất kỳ tổ chức xếp hạng nào (thường đồng thời là các cơ quan truyền thông) đều vừa thiếu tính khoa học vừa không hợp lý. Có người đã cảnh báo rằng cách xếp hạng hiện nay có thể gây hại cho khoa học và giáo dục nhiều hơn là lợi ích mà chúng mang lại.
Vì chạy theo mục đích thương mại, nên các tổ chức xếp hạng uy tín ngày nay đã kiếm bội tiền nhờ các dịch vụ khác, đánh thẳng vào các trường đại học muốn tham gia xếp hạng: phí tư vấn, phí tổ chức tập huấn, phí các loại dịch vụ khác. Bạn chỉ việc liên hệ với đại diện của QS, THE về việc bạn muốn nâng hạng, bạn sẽ biết ngay cái giá phải trả cho sự nổi tiếng. Không ai dám chắc là, không có tình trạng trường có chất lượng kém hơn lại được xếp thứ hạng cao hơn vì họ có nhiều tiền, và khi ấy việc xếp hạng trở thành cuộc đua khôn cùng của những ‘anh nhà giàu’.
Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng trao đổi cùng sinh viên nước ngoài trong một khóa học ngắn hạn. Nguồn ảnh: ĐH Tôn Đức Thắng.
(b) Xếp hạng đại học do đó liên quan mật thiết đến việc phân tầng, xếp hạng theo nhóm, theo sứ mệnh, mục tiêu, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của một trường đại học. Các bảng xếp hạng được coi là có uy tín cao hiện nay đều được xây dựng để xếp hạng cho các trường đại học Âu-Mỹ và các trường đại học ở các châu lục khác nhưng theo mô hình Âu-Mỹ (như Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore), theo tiêu chí ‘university’ của thế giới. Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có nhiều khác biệt với thông lệ chung của các nước phương Tây, và nhìn chung là còn khá lộn xộn. Dĩ nhiên, cũng có một số trường đại học đã hội đủ tiêu chuẩn và điều kiện để được gọi là đại học (university), nhưng số đông thì chưa. Các trường đại học của Việt Nam đa số có cơ cấu và chức năng không hoàn chỉnh, xuất phát điểm là các trường đơn ngành, hoặc vốn là trường đa ngành nhưng sau đó bị đơn ngành hóa; nhưng dù đơn hay đa gì, thì đều tự xưng là đại học trong tiếng Việt và tiếng Anh; số trường hội đủ các điều kiện và tiêu chuẩn để được gọi là đại học theo các chuẩn mực phương Tây chưa nhiều. Các trường đại học nghiên cứu đúng nghĩa lại càng hiếm hơn nữa, đúng hơn là chưa có; đa phần vẫn là các trường đại học nhưng ‘không thèm’ nghiên cứu (theo đúng nghĩa của từ này). Về quản trị, các trường đại học phương Âu-Mỹ về cơ bản là các trường tự trị (autonomy, hay như cách dịch của ta thì gọi là tự chủ); còn chúng ta mới lò dò những bước đi đầu tiên của quá trình ‘tập’ làm tự chủ, còn mang nặng tính hình thức và đối phó, còn đang lùng bùng và chưa rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn giữa trường đại học với các thiết chế bên ngoài (bộ chủ quản, bộ Giáo dục & Đào tạo, bộ KH&CN, bộ Tài chính; tóm lại là mối quan hệ giữa trường đại học với nhà nước) và giữa 3 thiết chế đồng tồn tại trong một trường đại học (đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu). Những ‘đặc thù’ này của Việt Nam hoàn toàn xa lạ với tinh thần tự chủ của các trường đại học Âu-Mỹ. Nghĩa là giữa hệ thống đào tạo Âu-Mỹ và hệ thống đào tạo Việt Nam không có nhiều sự tương thích.
Thêm nữa, các trường đại học ở Việt Nam hiện nay có nhiều loại: trường công, trường tư thục, trường dân lập, trường có yếu tố nước ngoài, trường hoàn toàn của nước ngoài; trường công lại chia ra trường tự chủ, trường chưa tự chủ, trường quốc gia, trường vùng, trường đại học, học viện; ngay trường đại học lại có trường đại học thuộc đại học quốc gia, thuộc đại học vùng và các trường đại học ‘độc lập’. Các loại trường đại học này đang được ‘đối xử’ không công bằng cả về qui định quản trị, quản lý và tiền bạc, đầu tư. Có trường được nhà nước đầu tư hàng năm cả ngàn tỷ đồng (không tính đầu tư xây dựng cơ bản), đếm đầu sinh viên ăn tiền, trong khi có trường không nhận được xu nào từ nhà nước để chi cho thường xuyên và chi đầu tư (trường tự chủ hoàn toàn). Trường ‘ngàn tỷ’ công bố hàng năm 500 bài báo trên ISI/Scopus chưa chắc đã ích nước lợi dân bằng trường không lấy xu nào từ tiền thuế của dân nhưng chỉ công bố được 100 bài báo cùng loại! Đấy là còn chưa nói đến trường ‘ngàn tỷ’ có 3000 giảng viên, còn trường kia chỉ có 500 giảng viên. Phải chăng nhà nước không khuyến khích các trường đại học cố gắng cùng nhau vươn tới các đỉnh cao trí tuệ theo các chuẩn mực quốc tế khi tạo ra sân chơi thiên vị? Và như vậy xếp hạng đại học phỏng có động lực gì cho các trường không phải trường ‘ngàn tỷ’?
Vậy là, các bộ tiêu chí được xây dựng cho các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, tự chủ kiểu Âu-Mỹ có thể áp dụng thành công cho đa số các trường đại học đơn ngành, tự chủ giả vờ, dạy là chính, và nghiên cứu khoa học chỉ là một thứ ‘bình hoa trong phòng khách’ kiểu Việt Nam không?
(c) Xét một cách căn cơ hơn, việc xếp hạng bị chỉ trích và phản đối còn là vì bản chất của nó là đơn giản hóa một thực thể phức tạp và vì vậy không thể phản ánh chính xác bản chất, đặc điểm và giá trị thực sự của một trường đại học. Hơn thế nữa, mỗi trường đại học tồn tại trong một không gian lịch sử và văn hóa cụ thể khác nhau, có những sứ mạng và mục tiêu khác nhau, phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của xã hội, vì vậy dùng chung một ‘thước đo’ liệu có ổn? Chính vì vậy, việc chạy đua theo các thứ hạng của bảng xếp hạng mà nhiều nước châu Á đang rơi vào có thể làm tổn hại đến việc phát triển những giá trị chân chính của một trường đại học, mặc dù xét về mặt ‘tiếp thị’ hình ảnh một quốc gia, thứ hạng cao trong bảng xếp hạng vẫn là một điều đáng mong muốn.
(d) Việc xếp hạng có mang lại ảnh hưởng tích cực nhiều hơn là tiêu cực cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam?
Các trường khi tham gia xếp hạng, như một lẽ tự nhiên, tư tưởng ‘chiếu trên chiếu dưới’ sẽ như một lực hút vô hình cuốn vào nó không ít thời gian, công sức, tiền bạc của các trường, của xã hội. Trong cơn sốt xếp hạng, giống như căn bệnh thi gì học nấy, các trường sẽ ùa theo con đường sai lệch: xếp hạng thế nào thì hoạt động thế ấy, xếp hạng trở thành hoạt động chi phối các trường, các trường sẽ chạy theo ‘thành tích’, chạy theo bài báo, làm mọi cách để có những con số thật đẹp thay vì tập trung nguồn lực thực hiện sứ mạng của trường đại học. Nguy hiểm là, cuộc đua thứ hạng này tạo ra một thứ giả khoa học, không phản ánh đúng thực chất chất lượng của một trường đại học. Hiện nay, chưa cần chạy theo các bảng xếp hạng, nghe đâu có người đã sẵn sàng 'nuôi' cả một nhóm nghiên cứu ‘quân thuê tướng mướn’, để hàng năm 'đẻ' ra các bài báo quốc tế, dùng đề đánh bóng thương hiệu phục vụ mục đích tuyển sinh! Thực tế những nghiên cứu đó hầu như không gắn gì với đào tạo và chất lượng sinh viên của trường đại học ấy. Nếu xếp hạng đại học được luật hóa thật, thì có lẽ sẽ kích thích sự phát triển một ‘thị trường mới nổi’, thị trường ‘soldier of fortune’ (lính đánh thuê) trong làng khoa học Việt Nam!
***
Trong một thế giới phẳng, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, việc học lấy cái hay cái tốt trong quản lý khoa học, giáo dục và đào tạo của năm châu bốn biển để áp dụng cho đất nước là việc cần làm và phải làm, nhưng học như thế nào thì lại là câu chuyện khác; học một cách thiếu hệ thống dễ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn; chúng ta đã có nhiều bài học vừa khôi hài vừa cay đắng về việc ‘học’ ấy rồi.
(Còn tiếp)