Câu chuyện của giáo sư mới nộp lương cho vợ được 3 năm
- Thứ năm - 25/02/2016 17:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sáng ngày 25/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo, cán bộ và các nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với ban lãnh đạo, cán bộ và các nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội sáng ngày 25/2 |
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo sơ lược tình hình hoạt động của ĐHQG Hà Nội trong thời gian qua, trong đó có một số thành tích nổi bật như tổ chức thành công 2 đợt thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học, công bố 564 bài báo quốc tế, nằm trong top 200 đại học hàng đầu châu Á…
Lãnh đạo trường cũng đã báo cáo về tình hình triển khai dự án Trường ĐH Việt Nhật – đại học thành viên thứ 7 thuộc ĐHQG Hà Nội. Mục tiêu của việc xây dựng và phát triển Trường ĐH Việt Nhật nhằm trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế và là biểu tượng cho mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Trò chuyện với lãnh đạo và cán bộ, giảng viên của trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá thành tích lọt vào nhóm 190 - 200 trường hàng đầu châu Á là một bước tiến rất quan trọng, nhưng cũng mới chỉ là điểm khởi đầu. Nhà trường cần phải tiến nhanh hơn nữa để làm tiền đề cho mục tiêu công nghiệp hoá thành công.
Về những khó khăn trong việc kêu gọi vốn vay ODA và sự đầu tư của doanh nghiệp tư nhân cho dự án xây dựng Trường ĐH Việt Nhật tại Hoà Lạc, Chủ tịch nước cho rằng cần phải có một cơ chế thoáng để các doanh nghiệp mạnh dạn chi tiền. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam học tập công nghệ của nước bạn để có thể bổ sung, nâng cấp, hiệu đính các trường đại học trong nước.
Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng lắng nghe những đề xuất, tâm tư nguyện vọng của các nhà khoa học về việc tạo điều kiện vật chất, chính sách như thế nào để Việt Nam sớm có nguồn nhân lực tài năng đóng góp cho đất nước…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi lưu bút vào Sổ vàng của ĐHQG Hà Nội |
Trong số các ý kiến, đề xuất của các cán bộ, nhà khoa học có chia sẻ rất chân thật của GS.TSKH Lưu Văn Bôi – cán bộ khoa Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Câu chuyện của Nhà giáo nhân dân này khiến cả hội trường bật cười nhưng đằng sau đó là những trăn trở và mong mỏi của rất nhiều các nhà khoa học khác.
Mở đầu câu chuyện của mình, nhà khoa học có thâm niên 40 năm công tác tại ĐHQG Hà Nội cho biết ông cũng từng làm công tác quản lý như chủ nhiệm khoa, phó tổng biên tập tạp chí khoa học, thời gian rất eo hẹp. “Tôi là chủ nhiệm khoa từ năm 2002 đến năm 2012, và vào năm 2013, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Khoa Hoá học. Tôi có tổng cộng khoảng 120 công trình khoa học, trong đó có 49 công trình đăng quốc tế, 13 bằng sáng chế độc quyền”.
GS cho biết nhiều khi cũng tự hỏi tại sao mình lại làm được như thế. “Tôi thấy rằng, để làm được công tác khoa học ở Việt Nam, thứ nhất là do tôi đã rất tâm huyết, rất cố gắng. Nói để cho mọi người dễ hình dung là cho đến bây giờ, rất ít khi tôi ăn cơm tối với vợ, vì cứ phải 9, 10h tối mới về đến nhà”.
GS Lưu Văn Bôi (đứng) đang phát biêu |
“Tôi thấy mình may mắn khi có một người vợ tốt. Ngày 26/3 tới đây là kỷ niệm 38 năm ngày cưới của vợ chồng tôi, nhưng tôi mới đưa lương cho vợ được 3 năm gần đây nhất thôi.
Thực ra trước đây tôi cũng có đưa, nhưng vì lương quá ít, mình đưa đầu tháng thì đầu tuần mình lại xin để tiêu, nên bà ấy cho mình luôn.
Tới ngày nhận chứng nhận chức danh Giáo sư thì bà ấy tới dự. Hôm đó, ông Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước có công bố các GS bây giờ là chuyên gia cao cấp và lương là trên 8 phẩy. Bà ấy mới tính trên 9 triệu là Nhà nước thu thuế, 8 phẩy là được 10 triệu rồi thì bà ấy phải quản lý. Do đó, tôi bắt đầu đưa thẻ ATM cho bà ấy.
Nhưng thực tế ra thì không phải như vậy. Bởi vì lương từ khi nhận chức danh GS đến giờ lương không thay đổi gì, khoảng độ 6,4 gì đấy. Vì Nghị định 144 của Thủ tướng nghe đâu là chưa được thực hiện, nghe nói là vì đội ngũ đông quá, tài chính khó khăn…”.
Tuy nhiên, theo GS Bôi, thực tế các GS và các nhà khoa học không cần ưu đãi nhiều. “Chúng tôi chỉ cần Nhà nước tạo điều kiện về môi trường tốt hơn và có chế độ chính sách cho phù hợp, để các nhà khoa học yên tâm làm việc, không phải xoay sở kiếm sống, dành toàn tâm toàn ý cho khoa học, để cống hiến nhiều hơn cho đất nước”.
GS Bôi cho rằng để nền khoa học công nghệ của Việt Nam có thể phát triển sánh vai với các nước bạn, ta phải cân bằng giữa 2 yếu tố chính: sự cố gắng của bản thân các nhà khoa học và công tác quản lý các nhà khoa học.
“Tôi nghĩ, để cho khoa học tiến lên được phải có sự đột phá về công tác quản lý. Chất lượng các nhà khoa học Việt Nam không kém. 70% các nhà khoa học nghiên cứu ở nước ngoài không về nước vì họ xin được việc ở đó, nghĩa là chất lượng các nhà khoa học của chúng ta không hề thua kém ai.
Tôi không trách các nhà quản lý, vì họ cũng có quá nhiều mối lo khác. Tôi chỉ muốn nói là chúng ta vẫn còn rất nhiều các nhà khoa học tâm huyết, sẵn sàng hi sinh, phấn đấu và không đòi hỏi gì nhiều cho bản thân. Cho nên, chỉ mong các nhà quản lý đưa ra những chính sách phù hợp, bớt xa rời thực tiễn để khuyến khích các nhà khoa học làm việc, đất nước hội nhập quốc tế”.
Nguyễn Thảo