Chính sách giáo dục ở Pháp và tại Nam Kỳ trước năm 1906: Những điểm đứt gãy
- Thứ ba - 22/09/2020 23:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những cải cách giáo dục của người Pháp ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ đã đặt nền tảng cho sự ra đời của Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise). Nguồn: flickr.
Cùng lúc với những cải cách giáo dục ở chính quốc, các nhà thực dân và các chuyên gia giáo dục thực dân của Pháp cũng bắt đầu thực thi chính sách giáo dục tại Việt Nam. Trong đó, thuộc địa Nam Kỳ sẽ ở trên tuyến đầu của quá trình xây dựng một nền học chính tại Đông Dương, còn quá trình chuyển đổi giáo dục ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ lại diễn ra chậm hơn một mặt do Pháp bình định hai xứ này muộn hơn, mặt khác là hai xứ bảo hộ.
"Pháp hóa trường học" thất bại
Ngay trong buổi đầu bình định Nam Kỳ, người Pháp nhận ra rằng mình phải đối diện với một nền giáo dục Nho học bắt rễ từ hàng ngàn năm trong lịch sử của người Việt và việc phát triển một chế độ giáo dục hoàn toàn mới cho người bản xứ cần phải được tiến hành ngay. Trong thời gian đầu, các đô đốc một mặt phải dựa vào lực lượng giáo sĩ và các trường tôn giáo, cung cấp học bổng, hỗ trợ tài chính cho hoạt động của các trường tôn giáo trước đó, mặt khác tiến hành mở các trường đào tạo thông ngôn cho cả người Việt lẫn người Pháp như các trường Trường Collège d’Adran và Trường Thông ngôn (Collège des Interprètes - từng do Trương Vĩnh Ký làm Chánh đốc học, trường đào tạo giáo viên tiểu học người bản địa như Trường Sư phạm Thuộc địa (Ecole Normale coloniale), đồng thời bắt đầu mở các trường tiểu học thế tục từ năm 1864, phần lớn trong số các trường mới thành lập đó đều do các giáo sĩ phụ trách điều hành. Bên cạnh đó, để xóa bỏ giáo dục cũng như văn hóa truyền thống của người Việt, các Đô đốc cho đóng cửa các trường học truyền thống đồng thời chấm dứt chế độ khoa cử truyền thống kể từ sau kỳ thi Nho học ở Nam Kỳ năm 1864.
Sau khi nền Cộng hòa thứ ba được thành lập năm 1870 ở chính quốc Pháp và Nam Kỳ chính thức trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1874, các nhà thực dân Pháp đã rất hào hứng trong việc xuất khẩu “trường học khai sáng” của nền cộng hòa sang thuộc địa. Để làm được điều đó ngay tại Nam Kỳ, họ sẽ phải dày công “giải Hán hóa” - chuyển Việt Nam từ vùng thuộc ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa sang quỹ đạo ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.
Để khởi động, chính quyền Pháp ban hành Quy chế Giáo dục ngay trong năm 1874 sau đó thành lập Sở học chính Nam Kỳ năm 1879 nhằm tổ chức lại hệ thống học chính và bước đầu xây dựng hệ thống giáo dục công sau 15 năm chinh phục Nam Kỳ. Tuy vậy, hiệu quả của trường công rất hạn chế khi tỉ lệ người đi học tại đây chưa đến 1% dân số, bất chấp việc Le Myre de Viliers - Thống đốc dân sự đầu tiên, được cho là cực kỳ nhiệt thành với công cuộc khai hóa, Pháp hóa thông qua việc xóa bỏ trường Nho học truyền thống, xóa bỏ chữ Hán làm ngôn ngữ giao tiếp và mở trường Pháp - Việt một cách ồ ạt đồng thời kiên quyết chỉ sử dụng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ làm phương tiện giảng dạy. Vào năm 1886, dù dân số Nam Kỳ lúc đó vào khoảng 2 triệu người nhưng rút cục số trường hàng tổng và hàng xã chỉ là 300 trường; số giáo viên người Việt là 503; số học sinh các cấp 18.231. Số lượng trường công quá ít nên chế độ giáo dục bắt buộc không thể thực hiện được, bằng chứng là tỉ lệ người học chưa tới 1% dân số 2 triệu người ở Nam Kỳ.
Thêm một thất bại nữa của chính sách giáo dục ở Nam Kỳ cho đến cuối thế kỷ XIX là không những không thực hiện được mục tiêu thế tục hóa giáo dục như đã định mà còn phải chứng kiến số lượng trường tôn giáo tiếp tục tăng: nếu năm 1886 chỉ có 68 trường với 3.567 học sinh thì năm 1892 đã tăng lên 149 trường với 7.490 học sinh (chiếm khoảng 1/2 số học sinh của cả Nam Kỳ). Thậm chí đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, chính quyền thuộc địa phương buộc phải dùng “thủ thuật” bằng cách “gạt” các trường tôn giáo (cùng các trường dạy chữ Nho truyền thống) sang hệ thống trường tư thì mới tuyên bố được rằng, nền học chính của xứ này đã hoàn toàn mang tính thế tục vào năm 1904.
Trương Vĩnh Ký đang giảng bài ở Trường thông ngôn. Ông là người thành lập tờ báo tiếng Việt đầu tiên, “Gia Định báo”. Ảnh: Báo GD&TĐ.
Mặt khác, chế độ giáo dục miễn phí cũng chỉ được thực hiện trong thời gian đầu cho các trường thông ngôn và trường sư phạm nhằm thu hút người học. Sau đó vì gánh nặng tài chính nên các trường buộc phải thu học phí, thậm chí còn thu ở mức rất cao.
Dù đã viện dẫn nhiều lý do lý giải cho thất bại như thiếu nguồn lực kinh tế, điều kiện ngân sách hạn hẹp, thiếu giáo viên được đào tạo hoặc chất lượng giáo viên rất thấp, v.v.. giới thực dân ở thuộc địa không thể phủ nhận nguyên nhân cơ bản nhất cho thất bại của chính sách “Pháp hóa học đường” tại Nam Kỳ, (sau này là cả ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ từ cuối thập niên 1880-1890 trở đi), nằm phía người dân bản địa.
Trong khi đó, đối lập với "sự tầm thường" của hệ thống giáo dục thực dân, giáo dục truyền thống “giống như một con phượng hoàng phục sinh từ đám tro tàn” trong khung cảnh chung của hệ thống giáo dục thuộc địa, mặc cho cảnh “bị công kích mạnh mẽ ở miền Nam, bị kiềm chế và chèn ép ở miền Bắc và miền Trung” như nhận xét của Trịnh Văn Thảo. Số liệu được ghi lại trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ là minh chứng đầy thuyết phục cho sức sống của giáo dục truyền thống: “Mặc dù bị thu nhỏ tới mức tối thiểu ở Nam Kỳ, nơi chỉ còn 487 trường học chữ Nho, nhà trường Khổng giáo tiếp tục hoạt động mạnh không ngờ ở miền Bắc và miền Trung với 15.000 trường hàng xã, thu nhận 200.000 học sinh, chuẩn bị cho 10.000 thí sinh dự các kỳ thi Nho học. Mặt khác, nhìn vào tỉ lệ trẻ em (so với tổng dân số) được đi học tại các trường thuộc địa ở Việt Nam lúc bây giờ càng có thêm căn cứ để đánh giá “sự tầm thường” của hệ thống giáo dục thực dân: Nam Kỳ: 6/10.000, Bắc Kỳ: 9/10.000 và Trung Kỳ: 5/10.000”.
Thất bại “Pháp hóa trường học” của các Thống đốc Nam Kỳ khiến người Pháp bớt đi một chút tự tin, rút kinh nghiệm và điều chỉnh một cách khôn ngoan hơn thông qua hệ thống trường Pháp cho người bản xứ, thường được gọi là trường Pháp - Việt. Đầu thế kỉ XX, Toàn quyền Paul Beau đi đến quyết định: Cải cách giáo dục vào năm 1906. Có thể nói đây là lần đầu tiên và cũng là trường hợp duy nhất trong toàn xứ Đông Dương, Việt Nam có một hệ thống giáo dục hoàn thiện ba cấp dành riêng cho người bản xứ, bên cạnh hệ thống trường Việt truyền thống và hệ thống trường Pháp.
Đồng hóa ngôn ngữ bất thành
Cũng giống như ở chính quốc, quyết tâm chính trị thứ hai của người Pháp ở thuộc địa là “đồng hóa ngôn ngữ bằng tiếng Pháp”. Họ kỳ vọng sẽ đưa tiếng mẹ đẻ thành phương cách hiệu quả nhất để thay đổi tâm lý của một xã hội thuộc địa, qua đó mang lại “sự tiến hóa” cho người dân thuộc địa của Pháp. Muốn truyền bá tiếng Pháp vào Việt Nam, thực dân Pháp phải vượt qua những lực cản khó nhằn: thứ nhất là vấn đề “giải Hán hóa”, cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ đến chữ Hán và văn hóa Hán; thứ hai, nếu theo lý thuyết của “sứ mệnh khai hóa” thì xã hội thuộc địa bị coi là thấp kém, hạ đẳng, tuy nhiên thực tế hoàn toàn trái ngược, như chính Toàn quyền Đông Dương J. Marie de Lanessan thừa nhận: “Có rất ít nước, kể cả những nước văn minh mà việc học được coi trọng cho bằng ở An Nam… không một làng An Nam nào là không có trường học của nó…”. Hay như TS Nguyễn Xuân Thọ đã viết: “Rất lâu trước khi người Pháp đến, người Việt Nam đã có một nền học riêng và trường đại học riêng của mình. Thật vậy, … năm 1070, thành Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay) đã chứng kiến hoạt động của trường đại học đầu tiên của nó, 30 năm - trước trường Đại học Bologne (Ý) và 80 năm - trước trường Đại học Sorbonne (Pháp)”.
Khoa thi cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn vào năm 1919. Nguồn: belleindochine.free.fr
Sau gần nửa thế kỷ cai trị, người Pháp vẫn lúng túng, thậm chí bế tắc trong truyền bá tiếng Pháp vào Việt Nam. Có thể thấy rõ điều đó qua các cuộc tranh luận gay gắt ở cả chính quốc lẫn thuộc địa, nhất là những tranh luận tại các Hội nghị về thuộc địa trong các năm 1889-1890 và trong thập niên 1900.
Trong khi chưa thể phổ biến rộng rãi ngay tiếng Pháp, một số nhà giáo dục tiêu biểu như Emile Roucoules, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Chaseloup Laubat ở Sài Gòn và là Phó Chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Dương, đề nghị dạy chữ Quốc ngữ với kí tự Latinh sẽ là cầu nối giúp người dân bản xứ tiếp nhận tiếng Pháp nhanh chóng hơn. Emile Roucoules cho rằng “Bất kỳ một biện pháp nào, khi đưa ra thi hành cũng cần một giai đoạn chuyển tiếp”, nhất là đối với việc quảng bá tiếng Pháp một thứ tiếng có hệ chữ viết hoàn toàn khác với hệ chữ viết của thuộc địa lại càng cần phải có giai đoạn chuyển tiếp là chữ Quốc ngữ. Ông chỉ ra ưu điểm lớn nhất của chữ Quốc ngữ so với chữ Nho là dễ học, học nhanh chỉ trong vài tuần, không những thế chữ Quốc ngữ còn giúp hội nhập vào từ ngữ hằng ngày rất nhiều từ tiếng Pháp không có tương đương trong tiếng An Nam. Do vậy, “Dùng chữ Quốc ngữ theo đường hướng chúng tôi đề xướng có lợi điểm tức khắc là không cắt đứt với quá khứ và tạo ra những thói quen tập tục, có thể nói là do áp đặt cũng được, nhưng sẽ được tiếp thu hoàn toàn. Thứ chữ này sẽ là một phương tiện dù chậm nhưng chắc chắn và cần thiết để… từ từ tiêm nhiễm tiếng Pháp không ngừng nghỉ” (Aymonier và cộng sự 2018).
Tuy vậy, nhiều người Pháp khác, với đại diện là Etienne Francois Aymonier, nguyên là Công sứ tại Nam Kỳ, sau này là Giám đốc Trường Thuộc địa ở Paris, lại phản đối vì lo chữ Quốc ngữ tiềm ẩn nhiều yếu tố chính trị, giúp cho chữ Quốc ngữ phát triển là giúp cho người Việt có được một ngôn ngữ, chữ viết hiện đại một cách độc lập. Ông cực lực phản bác giải pháp Quốc ngữ để “giải Hán hóa” bởi chủ trương của ông ta là chỉ có thể giải Hán hóa bằng chính tiếng Pháp. Do đó, ông kiên quyết dạy tiếng Pháp trực tiếp cho cả trí thức lẫn bình dân vì đó “là phương sách chắc chắn nhất, hữu hiệu nhất để đạt được mục tiêu tối hậu” vừa “giải Hán hóa” vừa “biến người Việt thành người Pháp Á châu”: “Trong chương trình giáo dục chính thức, phải bằng mọi cách thay thế tiếng Hán, vốn đang được truyền dạy đến tận cùng thôn xóm hẻo lánh, bằng tiếng Pháp - ngôn ngữ của những kẻ đi chinh phục với mục tiêu là khiến ngôn ngữ này mỗi ngày một lan tỏa rộng rãi”. Aymonier tin tưởng “nội trong vòng ba thế hệ, nước Pháp mới sẽ phát triển một cách tự nhiên tại Á Đông”, ông tranh biện thêm “Nếu chúng ta không từ từ truyền tiếng nói của chúng ta cho dân bị trị, một cách liên tục và đều đặn, ta sẽ luôn chỉ là người ngoài, là người chủ thô bạo, là người mà trong thâm tâm, họ luôn tìm cách đuổi đi, là những người xâm lăng, những kẻ thù. Đông Dương sẽ chỉ hòn sắt buộc vào chân nước Pháp với một sợi dây xích dài 3.000 dặm… Cái chữ Quốc ngữ kia cầm giữ chúng ta ở vị trí là người ngoài, càng ngày càng tiếp thêm sức nặng cho hòn sắt, theo đà tiến triển của tri thức dân sở tại” (Aymonier và cộng sự 2018).
Có một thực tế trớ trêu là mặc cho các nhà thực dân tranh cãi, nền học chính vẫn do đa số các nhà quản trị người Pháp không nói được ngôn ngữ bản địa điều hành còn người Việt vẫn nói tiếng Việt, thậm chí “chỉ chưa đầy một thế hệ kể từ lúc kết thúc thập niên 1870, sự thay thế chữ Nho bằng chữ Quốc ngữ đã đạt được” (theo Osborne 1969: 102). Do nhận thức được sự tiện dụng và lợi ích to lớn của chữ Quốc ngữ, nhiều người Việt đã thúc đẩy nhau học chữ Quốc ngữ, sử dụng chữ Quốc ngữ để làm phương tiện trao đổi, sáng tác văn chương. Và tất yếu việc sử dụng chữ Quốc ngữ cho mục tiêu chính trị đã bắt đầu nhen nhóm ở nhiều tờ báo bằng chữ Quốc ngữ như Gia Định báo (ấn hành năm 1865), Nam Kỳ (1897), hay Nông Cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh Tân văn (1908), mặc dù tất cả đều bị chính quyền Pháp kiểm duyệt gắt gao. Như vậy khía cạnh đồng hóa về ngôn ngữ thông qua giáo dục có thể xem là thất bại.
Thất bại trong chính sách thuộc địa của Pháp ở Algeria cho đến nửa sau thế kỷ XIX tiếp tục lặp lại ở Việt Nam: Thành công rất hạn chế, vừa tốn kém vừa không thể đồng hóa một cách hoàn toàn (theo nghĩa biến người dân thuộc địa thành người Pháp da màu), cũng như việc được trở thành người Pháp (theo luật quốc tịch của Pháp) cũng chẳng hấp dẫn nhiều người dân thuộc địa như các nhà đồng hóa Pháp mong đợi. Thậm chí nó còn có tác dụng ngược: chính sách đồng hóa bị phản bác gay gắt, các Đại hội thuộc địa đều tập trung thảo luận và phê phán coi “‘đồng hóa’ là một trong những từ ngữ nguy hiểm nhất trong từ vựng về thuộc địa” và bị đề nghị thay thế bằng chính sách hợp tác từ khoảng những năm 1890-1900 trở đi với những khuyến nghị là phải tôn trọng các thiết chế bản xứ, các phong tục tập quán và luật pháp của thuộc địa.
Tuy vậy, phát biểu là một chuyện, thực thi tại thuộc địa lại là chuyện khác. Tại Việt Nam, các nhà thực dân, dù chủ trương hợp tác vẫn tin tưởng tuyệt đối vào việc tiếp tục truyền bá tiếng Pháp như là chìa khóa của sứ mệnh khai hóa. Do đó, liên tục vào các năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một loạt các quyết định được thông qua liên quan đến vấn đề ngôn ngữ như quyết định của Hội đồng Giáo dục Nam Kỳ tại cuộc họp ngày 20/9/1897 về việc phổ biến tiếng Pháp đại trà sao cho đến năm 1908 tất cả các văn bản phải viết bằng tiếng Pháp, hay các Nghị định ngày 8/3 và ngày 6/5/1906 liên quan đến việc xóa bỏ chữ Hán. Cuối cùng, đến 1919, triều đình Huế buộc phải tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học, chuyển sang Tây học. □
----
* TS Lý Tường Vân, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội.
Tài liệu tham khảo
1 Số liệu thống kê của cuộc khảo sát do Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp tiến hành năm 1863 (Theo Eugen Weber. 1976. Peasants into Frenchmen: The Modernization of Rural France, 1870-1914. Stanford, CA: Stanford University Press, pp. 67, 71, 73)
2 Thống kê của Paullus và Boinais trong La France en Indochine, Tư liệu Viện Sử học, bản dịch của Nguyễn Gia Phu (Dẫn theo Trần Thị Thanh Thanh. 2014. “Nho học và Giáo dục Công lập ở Nam Kỳ thuộc Pháp thời kỳ 1867-1917”. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh 60: 19-33, tr. 26).
3 J. Besançon (1886). Rapport sur l' enseignement en Indochine. Tư liệu Viện Sử học, bản dịch của Nguyễn Gia Phu (Trần Thị Thanh Thanh 2014: 26).
4 Dẫn theo Trần Thị Phương Hoa. 2020. “Giáo dục Nam Kỳ từ 1861 đến 1904: Phổ biến chữ quốc ngữ và thế tục hóa trường học” (http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/giao-duc-nam-ky-tu-1861-den-1904-pho-bien-chu-quoc-ngu-va-the-tuc-hoa-truong-hoc). Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2020.
5 Có 2 loại trường ở Nam Kỳ: trường bản xứ (3 cấp I, II và III tương đương với trường hàng tổng, hàng quận và hàng tỉnh) và trường Pháp (sử dụng chương trình hoàn toàn của Pháp chính quốc); Ngoài ra còn có một số trường kỹ thuật, dạy nghề.
6 Trịnh Văn Thảo. 2009. Nhà trường Pháp ở Đông Dương. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới, tr. 55.
7 Nguyễn Xuân Thọ. 2018. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897). Hà Nội: Nhà xuất bản Hồng Đức, tr. 541.
8 Aymonier, Etienne Francois và Emile Roucoules. 2018. Chính sách giáo dục của Pháp tại Nam Kỳ cuối thế kỉ XIX. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới. Bài viết của Roucoules, tr. 123-148.
9 Osborne, Milton E. 1969. The French Presence in Cochinchina and Cambodia, Rule and Response (1859-1905). Ithaca and London: Cornell University Press, tr.102.