Chương trình giáo dục phổ thông sắp tới có gì mới?
- Thứ tư - 05/08/2015 14:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Học hết lớp 9 có thể vào cuộc sống lao động
Chương trình giáo dục phổ thông được thiết kế trong12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đa dạng hoá hình thức tổ chức học tập, coi trọng cả dạy học trên lớp và các hoạt động xã hội, trải nghiệm sáng tạo, tập dượt nghiên cứu khoa học.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, Ảnh: Văn Chung. |
Đáng chú ý ở dự thảo là yêu cầu Chương trình giáo dục cấp trung họccơ sở nhằm giúp học sinh duy trì và nâng cao các yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lêntrung học phổ thông, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.
3 phẩm chất, 8 năng lực cơ bản
Xác định điểm yếu của giáo dục hiện hành là quá chú trọng vào trang bị kiến thức, lần đổi mới này, Bộ GD-ĐT đặt thêm mục tiêu “trang bị năng lực cho học sinh”.
Cụ thể, học sinh sẽ được trang bị 3 phẩm chất chính: Sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm.
Đặc biệt, học sinh cần có 8 năng lực chung chủ yếu là: tự học,giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực thẩm mỹ; năng lực thể chất; năng lực giao tiếp; năng lực hợp tác; năng lực tính toán; năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Từng cấp học, lớp học đều có những yêu cầu riêng, cao hơn và bao gồm cả những yêu cầu đối với các cấp học, lớp học trước đó về từng thành tố của các phẩm chất, năng lực. Chẳng hạn các năng lực tổ chức hoạt động, năng lực tổ chức và quản lý cuộc sống, năng lực tự nhận thức và tích cực hoá bản thân, năng lực định hướng và lựa chọn nghề nghiệp.
Tích hợp ở lớp dưới, phân hóa dần ở lớp trên
Ở chương trình giáo dục phổ thông mới này xuất hiện các khái niệm dạy học tích hợp và phân hóa.
Học sinh ở lớp học theo mô hình trường tiểu học mới. (Ảnh: Văn Chung) |
Theo đó, hệ thống các môn học được tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.
Tên của từng môn học được gọi dựa theo các môn học trong chương trình hiện hành, có điều chỉnh để phản ánh tốt nhất nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục của môn học trong từng cấp học, do đó tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học. Chẳng hạn:
Môn học cốt lõi của lĩnh vực giáo dục đạo đức – công dân có các tên:Giáo dục lối sống (tiểu học), Giáo dục công dân (trung học cơ sở) và Công dân với Tổ quốc (trung học phổ thông).
Cốt lõi trong lĩnh vực giáo dục khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) chỉ có 1 môn học Cuộc sống quanh ta (các lớp 1,2,3); tách thành 2 môn học Tìm hiểu Xã hội và Tìm hiểu Tự nhiên (các lớp 4, 5); tương ứng với 2 môn học Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên (trung học cơ sở).
Lên trung học phổ thông, để hài hoà giữa học phân hoá định hướng nghề nghiệp với học toàn diện, môn Khoa học Xã hội cùng với các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học sẽ dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên, môn Khoa học Tự nhiên cùng với các môn Lịch sử, Địa lý sẽ dành cho các học sinh định hướng khoa học xã hội; đồng thời học sinh còn được tự chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng cá nhân.
Tăng môn học tự chọn, giảm môn bắt buộc
Các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc (BB) và môn họctự chọn (TC).
Các môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tuỳ ý: học sinh có thể chọn hoặc không chọn (TC1); tự chọn trong nhóm môn học: học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong chương trình (TC2); tự chọn trong môn học: học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học (TC3). Tỷ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên. Cụ thể:
Giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở):
Các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống/Giáo dục Công dân, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên/Khoa học tự nhiên, Tìm hiểu xã hội/Khoa học xã hội. Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn:
Tự chọn tuỳ ý (TC1) gồm: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (ở lớp 8, lớp 9).
Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: Kỹ thuật/Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
+ Tự học có hướng dẫn là thời gian học sinh tự học trên lớp (để thay thế tự học ở nhà) có sự kèm cặp, giúp đỡ của giáo viên. Hoạt động này chỉ có ở các lớp tiểu học học 2 buổi/ngày.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông):
Có 4 môn học bắt buộc: Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1.
Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn: Tự chọn tuỳ ý (TC1) gồm: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2.
Tự chọn trong nhóm môn học (TC2) gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Nếu chọn môn Khoa học Tự nhiên thì không chọn các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học; nếu chọn môn Khoa học Xã hội thì không chọn các môn: Lịch sử, Địa lý. Các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội chỉ học ở lớp 10 và lớp 11.
Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể thao, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12); Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).
Trong cả cấp học trung học phổ thông, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong chương trình giáo dục. Chương trình dành một thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này.
Trải nghiệm sáng tạo
Một hoạt động giáo dục được nhấn mạnh trong dự thảo là hoạt động trải nghiệm sáng tạo - gồm phần bắt buộc (bao gồm cả các hoạt động tập thể) và tự chọn.
Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo được xây dựng thành các chủ đề mang tính chất mở và tương đối độc lập với nhaugắn với từng lĩnh vực của địa phương, vùng miền đồng thời cũng mang tính đất nước, quốc tế được trường lựa chọn một cách phù hợp nhất.
Đánh giá năng lực của học sinh từ hoạt động trải nghiệm sáng tạo chủ yếu bằng phương pháp định tính thông qua quan sát hành vi và thái độ; bảng kiểm, tự luận và hồ sơ hoạt động,...
Ngoài hoạt động trải nghiệm sáng tạo được nêu trên, trong từng môn học cũng coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học.
- Văn Chung (lược ghi)