Cơ hội phát triển mới của Đại học Đà Lạt

Cơ hội phát triển mới của Đại học Đà Lạt
Tiếp nhận một hệ thống thiết bị thực nghiệm có giá trị nhằm phục vụ công tác đào tạo chuyên ngành công nghệ điện hạt nhân là một niềm vui lớn, đồng thời là một cơ hội quý để Trường Đại học Đà Lạt chuyển mình, tiếp nối truyền thống đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật hạt nhân khởi đầu từ ba mươi năm trước, bước lên một bước phát triển mới góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân của đất nước.

Ngày thứ Tư 26/11/2014 tại Trường Đại Học Đà Lạt (Tp. Đà Lạt) đã tiến hành lễ tiếp nhận chính thức Hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân hiện đại do Hiệp hội kỹ thuật hạt nhân Hàn Quốc (KNA), Tập đoàn Thủy điện, Điện Hạt nhân Hàn quốc (CRI-KHNP) và Đại học Hangyang trao tặng với sự đồng ý của hai Chính phủ Việt Nam và Hàn quốc.

Hệ thống mô phỏng nói trên thực chất là hệ mô phỏng lõi của lò phản ứng hạt nhân thực, tên chính xác là OPR1000 Core Simulator (hay CoSi). Hệ thống gồm máy tính chủ công suất lớn và các máy tính trạm được cài đặt hệ thống phần mềm giả lập bộ phận lõi của lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3, thế hệ lò mới nhất được  phát triển tại Hàn Quốc, công suất 1000 MW. Các lò loại này đang được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân OPR 1.000 MW theo tiêu chuẩn Hàn Quốc.

công nghệ điện hạt nhân

Chuyên gia Hàn quốc thao tác trước hệ mô phỏng lò phản ứng hạt nhân OPR1000 ở Trường Đại học Đà Lạt. Nguồn ảnh: DHDL.

Mô hình mô phỏng này là phiên bản mới nhất với tổng chi phí quá trình nghiên cứu lên đến 2 triệu USD. Hiện tại, đây là thiết bị mô phỏng nổi bật với nhiều ưu điểm đặc biệt, nó cho biết các thông số thực về hoạt động của lò như: thời gian, công suất thay đổi theo vị trí của thanh điều khiển, nhiệt độ, phân bố    công suất, nồng độ axit boric… Người học chỉ cần từ 3 ngày đến 1 tuần là có thể thực hiện quy trình vận hành lò phản ứng trên thiết bị mô phỏng, sau đó dễ dàng chuyển sang thực hiện quy trình đó trên lò phản ứng thực, chẳng hạn lò nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân nằm rất gần Đại Học Đà lạt hoặc trên các lò năng lượng năng lượng loại OPR 1.000 MW đang trong dự án xây dựng ở vùng Ninh Thuận.

công nghệ điện hạt nhân

Viện Nghiên cứu Hạt nhân (Tp. Đà Lạt) với lò phản ứng nghiên cứu đang hoạt động. Nguồn ảnh: Viện NCHN.

Trị giá của Hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân khoảng 500.000 USD này nằm trong gói hỗ trợ không hoàn lại của Tập đoàn Cri-KHNP cho Trường Đại học Đà Lạt. Ngoài hệ thiết bị chính nói trên, đối tác Hàn quốc sẽ gửi tiếp một hệ thiết bị đo đạc bức xạ, cũng là thiết bị cơ bản và quan trọng trong đào tạo công nghệ hạt nhân nói chung và đào tạo chuyên gia về an toàn bức xạ nói riêng.

Do vậy, từ hai ngày trước lễ bàn giao chính thức, tức vào 24/11/2014, hệ thiết bị đã được chuyển đến trường và rồi được lắp đặt và đưa ngay vào vận hành. Và cũng trong ngày này, các đối tác Hàn quốc đã phối hợp với trường Đại học Đà Lạt tổ chức cuộc hội thảo đông đảo và bổ ích về các vấn đề liên quan đến sự phát triển nguồn năng lượng hạt nhân của Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã trình bày kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử của Hàn Quốc như: Quy trình mẫu phát triển nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử. Đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra các thiết bị về năng lượng nguyên tử; để thiết kế và xây dựng nhà máy điện nguyên tử; để vận hành nhà máy điện hạt nhân. Các kinh nghiệm về nội địa hóa công nghệ nhà máy điện hạt nhân... Các chuyên gia còn trình bày khái quát quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, từ công tác khảo sát, đánh giá tác động môi trường đến xây dựng, hoàn thành và vận hành khai thác.

Hệ thống mô phỏng lò phản ứng OPR1000 Core Simulator ngay từ khi mới xuất hiện ở khu thực nghiệm A11 của Đại học Đà Lạt đã chứng tỏ sức hấp dẫn đối với những người quan tâm đến sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt những lớp người liên quan đến quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo quản … nhà máy điện hạt nhân trong một tương lai không xa.

 

Hệ thống thiết bị có giá trị lớn đó hiện nay là duy nhất ở nước ta. Vì vậy, các chủ nhân của Trường Đại học Đà Lạt không chỉ có trách nhiệm bảo quản và sử dụng trong các chương trình đào tạo các trình độ khác nhau của mình; mà còn có nhiệm vụ tạo điều kiện và tổ chức cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu triển khai công nghệ hạt nhân trong cả nước tham gia khai thác, sử dụng có hiệu quả cao nhất.

Hẳn Trường Đại học Đà Lạt có thể thực hiện được vai trò là một mắt xích trong tam giác gồm Trường ĐHĐL (với thiết bị mô phỏng OPR1000 Core Simulator), Viện Nghiên cứu Hạt nhân (với lò phản ứng) và các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong một tương lai không xa. Đây quả là một cơ hội lớn để Đại học Đà Lạt chuyển mình, tiếp nối truyền thống đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật hạt nhân của nhà trường khởi đầu từ ba mươi năm trước, đưa sự nghiệp đào tạo, đặc biệt về đào tạo khoa học công nghệ hạt nhân lên một nấc thang cao mới và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân của đất nước.

công nghệ điện hạt nhân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trường ĐHĐL gần 30 năm trước. Nguồn ảnh: ĐHĐL.

Trong ba mươi năm qua, đặc biệt trong thập niên đầu tiên khốn khó trăm bề khi trường vừa tái lập lại, chỉ với một phòng thí nghiệm trang bị bởi một dự án khiêm tốn của Nguyên tử năng quốc tế IAEA cùng với một nhóm giảng viên trẻ nhiệt huyết với nghề, Đại học Đà Lạt đã biết giang tay đón mời giảng các thầy có tiếng gần xa và đặc biệt đã thu hút được một lớp học sinh ưu tú từ các tỉnh khác nhau về trường học tập.

Và kết quả là Trường đã đào tạo và cung cấp cho ngành năng lượng hạt nhân trên một nửa số biên chế khoa học kỹ thuật. Trong đó, có những người nay đã là cán bộ đầu đàn: 2 phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân (TS. Lương Bá Viên và TS. Nguyễn Trọng Ngọ), Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hạt nhân ở Tp. HCM (TS. Trần Quốc Dũng), Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận (TS. Trần văn Luyến) v.v…

Dĩ nhiên, ở đây không thể điểm tên tuổi các cán bộ trưởng thành từ sinh viên của ĐHĐL nay đã là các Tiến sĩ, giảng viên đang đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo các chuyên ngành vật lý và kỹ thuật hạt nhân của Trường. Càng không thể kể đến những sinh viên thuộc loại xuất sắc của ĐHĐL đã và đang trải qua các cương vị phó hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa…ở Trường; các chức vụ như chủ nhiệm báo nổi tiếng; trưởng, phó cục vụ viện thuộc các bộ; giám đốc hay phó giám đốc các sở, ngành ở trung ương và địa phương v.v …

Với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy được qua những giai đoạn thành công của nhà trường, với sự trang bị hệ thống thiết bị mới có giá trị, hy vọng Trường Đại học Đà Lạt sẽ tận dụng cơ hội mới, thời cơ mới, vươn lên để trở thành một mắt xích quan trọng trong sự nghiệp đào tạo ngành công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam.

Minh Trần 

Nguồn tin: Vietnamnet