Đích đến của tất cả nghiên cứu sinh sau tiến sĩ là tiền?

Đích đến của tất cả nghiên cứu sinh sau tiến sĩ là tiền?
Mục đích làm khoa học của tất cả nghiên cứu sau tiến sĩ có phải là tiền không? Có thể là chưa chắc, nhưng họ phải tính toán làm sao cho đam mê của họ được trả tương đối xứng đáng, để nuôi gia đình và để tiếp tục đam mê.

Rồi chuyện gì sẽ xảy ra với 20% nghiên cứu sinh sau tiến sĩ giành được vị trí giáo sư ở Canada? Tiền chứ còn gì nữa! Mỗi một giáo sư vừa là CEO (tổng giám đốc) phòng thí nghiệm của mình, vừa chính là con bò vắt ra… tiền cho trường.

 

 Ngô Anh Văn (trái), nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Đại học Calgary, Canada – tác giả bài viết.

Ngô Anh Văn (trái), nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Đại học Calgary, Canada – tác giả bài viết.

Ai cũng phải tính toán sao cho đam mê được trả xứng đáng

Ở Canada, số người đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ khá nhiều. Lương cho nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Canada giao động từ 37.000 - 70.000 đô la Canada (CAD). Số người được 70.000 CAD chỉ đếm trên đầu ngón tay trong một năm nào đó, còn lại tính trung bình thì lương cỡ khoảng 47.000 - 48.000 CAD/năm (con số năm 2016).

Mỗi năm Canada chi cỡ 100.000 - 120.000 CAD để đào tạo một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Họ tính, nếu làm sau tiến sĩ quá lâu (trên 5-7 năm) thì công sức mà họ bỏ ra trong những năm đó sẽ không hề được bù lại trong những công việc kế tiếp. Ví dụ, nếu làm sau tiến sĩ cỡ 3-4 năm, rồi có một công việc lương cỡ 120.000 CAD thì là tương đối ổn, xứng đáng công sức. Nhưng nếu làm 5-7 năm, mà lương lại cũng chỉ 120.000 CAD thì là mất công và mất thời gian. Vì số người theo đuổi sau tiến sĩ 5-7 năm thường là nhắm tới vị trí giáo sư, lương cỡ 120.000 CAD, nhưng lại chỉ có 20% số đó giành được vị trí giáo sư.

Con số trên nói lên cái gì? Tiền! Mục đích làm khoa học của tất cả nghiên cứu sau tiến sĩ có phải là tiền không? Có thể là chưa chắc, nhưng họ phải tính toán làm sao cho đam mê của họ được trả tương đối xứng đáng, để nuôi gia đình và để tiếp tục đam mê. Nhưng câu hỏi cuối cùng trong đầu mỗi người đều là: công việc nào sẽ nuôi sống bản thân và gia đình, lo cho tương lai của các con, đi du lịch, chữa bệnh…? Tiến sĩ, phần lớn họ vẫn phải nuôi gia đình, chăm lo cho tương lai con cái họ.

Giáo sư cũng sẽ bị đuổi việc nếu không xin được tiền…

Với mức lương tương đối "ổn" như vậy, thì người làm sau tiến sĩ ở Canada có cảm thấy "ổn" không? Thống kê cho thấy những người làm sau tiến sĩ thường bị áp lực công việc ghê gớm, có tới 40% số người bị quá tải vì công việc, 21% cảm thấy không có đủ hỗ trợ về tài chính lẫn tinh thần.

Rồi thì chuyện gì sẽ xảy ra với 20% nghiên cứu sinh sau tiến sĩ giành được vị trí giáo sư bên này? Tiền chứ còn gì nữa! Bất kỳ giáo sư trường đại học thiên về nghiên cứu ở Bắc Mỹ nào cũng phải cong lưng mà viết dự án xin tiền hàng năm để thuê sinh viên, thuê nghiên cứu sau tiến sĩ, mua thiết bị, đi dự hội thảo, chi tiêu này kia… Mỗi một đô la mà giáo sư xin được từ Chính phủ, thì trường sẽ có được 60 xu. Xin càng nhiều, trường cũng sẽ có càng nhiều tiền.

Mỗi một giáo sư vừa là CEO (tổng giám đốc) của Lab (phòng thí nghiệm) mình, vừa chính là con bò vắt ra… tiền cho trường. Nếu trong 5-6 năm mà giáo sư không xin được đủ tiền, không công bố đủ, không đào tạo sinh viên nào, trường rất có thể sẽ đuổi việc ông giáo sư đó, không có tăng lương gì sất.

Tóm lại, mình chỉ muốn chia sẻ cái chuyện tiền bạc đối với tiến sĩ: Nói chung, nó rất quan trọng, nhiều khi nó là máu huyết đối với họ, gia đình họ, đối với học trò của họ, trường của họ, khoa của họ. Tuy vậy, cho dù có trả lương đủ sống thì cũng chưa chắc đảm bảo năng suất làm việc hiệu quả đối với nhà khoa học trẻ. Nó có nhiều yếu tố khác như sự hỗ trợ về tinh thần, bảo hiểm, mối quan hệ với đồng nghiệp, và cả gia đình… cũng tác động đáng kể tới khả năng sáng tạo và phát hiện cái mới của rất nhiều nhà khoa học trẻ.

Số liệu ở Canada đương nhiên không phản ánh tình hình của nghiên cứu trẻ ở Việt Nam, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của lương bổng, sự hỗ trợ tinh thần và điều kiện làm việc đối với người làm nghiên cứu khoa học.

Tác giả bài viết: Ngô Anh Văn (Nghiên cứu sau tiến sĩ Đại học Calgary, Canada)

Nguồn tin: dantri.com