Đồng chủ nhân giải Tạ Quang Bửu mê toán từ một cuốn sách
- Thứ tư - 26/08/2015 18:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhà khoa học trẻ Phạm Hoàng Hiệp, thứ hai từ phải sang, trong lễ nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu hồi tháng 5. Ảnh: Việt Anh |
Bố là kỹ sư thủy lợi, mẹ là giáo viên, Hiệp có một người em. Thời học trung học, Hiệp ngoài giải khuyến khích trong kì thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, Hiệp bảo mình không có thành tích gì nổi trội.
Năm 2000, chàng trai quê Hải Dương này theo học khoa Toán - tin (Đại học sư phạm Hà Nội) rồi được giữ lại làm giảng viên. Năm 2006, Hiệp bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ tại trường dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Nguyễn Văn Khuê. Hai năm sau, Hiệp bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Umea, Thụy Điển.
Giảng viên sinh năm 1982 tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại trung tâm Toán học quốc tế Trento (Italy), Viện Fourier, Grenoble và Đại học Aix-Marseille (Pháp). Năm 2011, Hiệp được Hội đồng chức danh nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư. Cuối năm 2013, anh bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Đại học Aix-Marseille, Pháp.
Thừa nhận mình là người may mắn, Hiệp bảo được cha mẹ quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Đến khi bắt tay vào chặng đường nghiên cứu sâu hơn, Hiệp cũng nhận được sự giúp đỡ tận tình của hai người thầy là Giáo sư Khuê và Giáo sư người Thụy Điển U. Cegrell cùng các đồng nghiệp khác.
"Vì thế tôi luôn nhắc mình phải kiên trì theo đuổi con đường đã chọn", Hiệp cho hay.
Nói về con đường đến với toán, Hiệp kể: "Một ngày, khi đang học lớp 9, tôi tình cờ đọc cuốn sách về số học mà bố đã mua cho từ rất lâu. Đó lần đầu tiên tôi nhận ra vẻ đẹp của toán và đột nhiên có niềm say mê mới".
Từ thời điểm đó, Hiệp tìm được niềm yêu thích "khác người" là giải những bài toán trong cuốn tạp chí "Toán học và tuổi trẻ". Có những lần cậu mất đến vài ngày để tìm lời giải cho một bài toán khó.
Con đường phía trước dần sáng khi một số bài của Hiệp được tạp chí chọn đăng. Điều này thực sự giúp cậu lý giải một phần ước mơ còn mơ hồ của mình là trở thành bác sĩ, giáo viên hay nhà nghiên cứu khoa học?
"Trong quãng thời gian ấy, tôi đã rèn luyện cho mình cách tự đọc, tự học và suy nghĩ giải quyết các vấn đề", Hiệp nói.
Nói về công trình giành giải thưởng Tạ Quang Bửu mới đây, Hiệp tiết lộ viết chung với Giáo sư Jean-Pierre Demailly, nghiên cứu về một đánh giá chặn dưới tốt nhất có thể của một chỉ số liên quan đến độ kỳ dị của một lớp các hàm nhiều biến trong toán học. Công trình này giúp cho việc hiểu và kiểm soát tốt hơn về độ kỳ dị của các lớp hàm này.
Lý giải về lựa chọn nghiên cứu toán học của mình, trong khi nhiều bạn trẻ khác chọn các lĩnh vực "thời thượng" hơn, Hiệp cho biết mình có rất nhiều hứng thú trong tìm hiểu những tri thức đã có và khám phá ra những tri thức mới.
Hiệp cho rằng khoa học Việt Nam dù đang phát triển nhưng chưa thể so được với các nước tiên tiến, cần có một thời gian nhất định để bắt kịp. Đó cũng là nguyên nhân khiến những người làm nghiên cứu ở trong nước không có môi trường học thuật để trao đổi thường xuyên như ở các nước phát triển.
Theo Hiệp, để các bạn trẻ yêu thích toán học, cần có những người thầy giỏi, giúp họ hiểu kiến thức toán học xuất phát từ đâu, mô tả các hiện tượng, quy luật gì trong thực tế. "Khi các bạn trẻ hiểu được bản chất các kiến thức trong Toán học sẽ thấy được vẻ đẹp và yêu thích nó".
Đề cập tới mục tiêu trong tương lai, Hiệp cho rằng Giải thưởng Fields là một giải thưởng danh giá của cộng đồng Toán học thế giới. Mọi nhà nghiên cứu đều mong muốn được nhận giải thưởng này. Tuy nhiên cũng không vì thế mà cậu mà tạo áp lực cho mình. Hiệp mong rằng bản thân sẽ khám phá được được những tri thức mới của riêng mình trong Toán học.
"Toán học giúp tôi hiểu được mọi thứ một cách có logic, sâu sắc và hệ thống hơn. Toán học cũng giúp tôi gặp được những người thầy, những nhà toán học tiền bối luôn quan tâm, giúp đỡ các thế hệ trẻ trong cộng đồng toán học Việt Nam", Hiệp nói về những gì mình có được trong chặng đường nghiên cứu vừa qua.
Việt Anh