GS.TS Đinh Văn Sơn: Không có khái niệm nhiệm kỳ của GS,PGS
- Thứ tư - 12/04/2017 18:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là quan điểm của GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại trả lời phỏng vấn PV Dân trí về những điểm mới trong Dự thảo về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS,PGS mà Bộ GD&ĐT đưa ra trưng cầu ý kiến.
GS.TS Đinh Văn Sơn
Không có khái niệm tiêu chuẩn quốc tế về chức danh GS, PGS
GS nghĩ sao khi dư luận cho rằng tiêu chuẩn của GS,PGS Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, trong khi đó quy định về tiêu chuẩn công bố quốc tế trong dự thảo mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra còn quá khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng?
Theo quan điểm của tôi không có khái niệm tiêu chuẩn quốc tế về chức danh GS, PGS. Tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được quy định bởi từng quốc gia, thậm chí của từng trường (đối với những quốc gia đã phân quyền việc xét, công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho trường đại học).
Đối với Việt Nam hiện nay, việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp tiêu chuẩn đối với chức danh GS, PGS là hoàn toàn cần thiết khi chúng ta đang phấn đấu từng bước hội nhập quốc tế, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Về quy định các công bố quốc tế đối với ứng viên GS, PGS trong dự thảo mà nhiều người cho rằng còn thấp, theo tôi không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, với bất kỳ một sự đổi mới nào cũng cần phải có thời gian với một lộ trình phù hợp.
Việc từng bước nâng cấp các tiêu chuẩn GS, PGS trong đó có tiêu chuẩn công bố quốc tế, giúp các ứng viên có một thời gian cần thiết để tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện việc đáp ứng các tiêu chuẩn là hoàn toàn hợp lý. Tránh đổi mới, thay đổi một cách đột ngột.
Cần thay đổi quy định hướng dẫn nghiên cứu sinh
Trong dự thảo yêu cầu bắt buộc với ứng viên muốn được công nhận GS thì phải hướng dẫn chính nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, như vậy có hợp lý không thưa GS?
Hướng dẫn nghiên cứu sinh là một trong những nhiệm vụ của giảng viên, các nhà nghiên cứu có trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, trong thực tế, các giảng viên, các nhà nghiên cứu để được hướng dẫn một nghiên cứu sinh còn phụ thuộc vào ngành, lĩnh vực nghiên cứu, thậm chí còn phụ thuộc vào từng cơ sở giáo dục đại học.
Có rất nhiều ngành, lĩnh vực hầu như không có đào tạo tiến sĩ hoặc không đáng kể, không thường xuyên do nhu cầu đào tạo của xã hội. Cùng với đó, rất nhiều trường chưa được phép đào tạo tiến sĩ một số ngành, lĩnh vực nhất định.
Điều này đã gây khó khăn thực sự đối với không ít các ứng viên GS, trong đó có không ít những người thực sự có năng lực, thực sự xứng đáng với chức danh GS.
Có rất nhiều người đã dư thừa tiêu chuẩn chức danh GS rất nhiều năm nhưng vẫn thiếu tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh nên không thể làm hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS.
Vì vậy tiêu chuẩn này nên có sự thay đổi cho phù hợp với thực tế. Trước hết ở một số ngành, lĩnh vực nghiên cứu nhất định.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo đưa tiêu chí sách thành bắt buộc đối với các nhà khoa học vô hình chung cổ vũ cho việc viết sách kém chất lượng, cổ vũ cho việc gian dối, gây cản trở cho những nhà khoa học chân chính. GS nghĩ sao?
Tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Trong quá trình thẩm định hồ sơ của các ứng viên, các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành đều phải tiến hành thẩm định yếu tố pháp lý, chất lượng các sách của ứng viên. Đành rằng có thể có hội đồng nào đó làm chưa khách quan, chưa tốt việc này nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ đi tiêu chuẩn này.
Viết sách là một trong những tiêu chí quan trọng để đáng giá năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học, nhất là sách chuyên khảo. Không thể vì lý do chúng ta làm chưa tốt, chưa khách quan một việc gì thì chúng ta cắt bỏ đi việc đó một cách cơ học.
Theo tôi, thay vì việc bỏ tiêu chuẩn này chúng ta cần thay thế bằng việc chuẩn hoá lại quy định, quy trình thẩm định và xuất bản sách của các tường đại học, cơ sở nghiên cứu cũng như các nhà xuất bản. Đảm bảo nguyên tắc sách đã được phát hành phải có giá trị, chất lượng khoa học thực sự.
Cần danh mục hoá những nhà xuất bản đủ điều kiện được phép xuất bản sách khoa học. Cùng với đó, các hội đồng GS, PGS sẽ phải trách nhiệm và nghiêm túc hơn nữa trong việc thẩm định và tính điểm công trình khoa học cho từng cuốn sách của ứng viên.
Ở Việt Nam đã có quy định rất cụ thể về việc miễn nhiệm chức danh GS, PGS rồi. Khi nào các GS, PGS không tiếp tục thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của GS, PGS hoặc có những vi phạm theo quy định... Khi đó sẽ bị miễn nhiệm chức danh GS, PGS.
Nhiều bất cập trong đãi ngộ
Chúng ta đòi hỏi chất lượng theo chuẩn mực quốc tế, thì cũng cần sớm có những chính sách đổi mới và phù hợp theo chuẩn mực quốc tế trong việc sử dụng và đãi ngộ với các GS và PGS. Ý kiến GS như thế nào?
Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi trách nhiệm và quyền lợi luôn phải song hành và phù hợp với nhau. Vừa qua, Chính phủ đã có sự quan tâm và điều chỉnh chính sách tiền lương đối với các PGS.
Điều này đã có tác dụng tích cực trong việc tạo động lực khuyến khích các giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu phấn đấu tốt hơn nữa trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai việc này cũng còn không ít bất cập, không hợp lý. Ví dụ, việc chuyển hệ số lương cũ của những PGS đã có thâm niên sang hệ số mới không phù hợp, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, chưa công bằng giữa PGS mới được phong với PGS đã được phong cách đây hàng chục năm. Hoặc còn một điểm bất hợp lý nữa là đã có chính sách tiền lương mới cho PGS, nhưng lại không triển khai đối với GS.
Theo như kết quả chuyển đổi hệ số lương vừa rồi thì coi như mặc định PGS, GS là như nhau. Đây là một thực tế bất hợp lý, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần nghiên cứu và xem xét một cách đồng bộ về chế độ đãi ngộ đối với GS, PGS. Gắn chặt giữa trách nhiệm và quyền lợi của họ và đảm bảo công bằng xã hội trong đãi ngộ.
GS, PGS là chức danh khoa học chứ không phải là chức vụ quản lý
Có ý kiến cho rằng, PGS, GS là các chức danh. Chức danh chỉ dùng để nghiên cứu và công bố, khi hết nghiên cứu và công bố thì trả lại chức, chỉ còn chức danh dự, không nên có chức vĩnh viễn. Bởi tình trạng như hiện nay, cứ được công nhận là xong, sau đó chẳng ai quan tâm là họ có hoàn thành nhiệm vụ hay không? họ sử dụng chức danh đó để làm gì. Ý kiến của GS về quan điểm này?
Về vấn đề này, đã có ý kiến cho rằng chức danh GS, PGS không nên là mãi mãi.
Theo tôi, trước hết cần phân biệt và không được đồng hoá chức danh khoa học và chức vụ quản lý. Hiện nay các chức vụ quản lý được bổ nhiệm theo từng nhiệm kỳ, phù hợp với cơ cấu và nhu cầu tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức các cấp.
Điều đó là hoàn toàn hợp lý, cần thiết và phù hợp với sự đổi mới, với nhiệm vụ, chiến lược phát triển của cơ quan, tổ chức.
GS, PGS là chức danh khoa học chứ không phải là chức vụ quản lý trong các cơ quan, tổ chức.
GS, PGS được công nhận và bổ nhiệm căn cứ vào năng lực và sự cống hiến về đào tạo và nghiên cứu khoa học của các giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu tính đến thời điểm được công nhận và bổ nhiệm. Và vì vậy không thể có khái niệm nhiệm kỳ của GS, PGS.
Hơn nữa, ở Việt Nam đã có quy định rất cụ thể về việc miễn nhiệm chức danh GS, PGS rồi. Khi nào các GS, PGS không tiếp tục thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của GS, PGS hoặc có những vi phạm theo quy định... Khi đó sẽ bị miễn nhiệm chức danh GS, PGS.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có quy định rất cụ thể về nhiệm vụ hàng năm của các giảng viên trong đó có nhiệm vụ của các GS, PGS.
Về vấn đề này, theo quan điểm của tôi nếu có xem xét thì nên xem xét những người đã được phong GS, PGS nhưng thực tế đã chuyển sang các lĩnh vực công tác khác, không còn tiếp tục làm giảng dạy và nghiên cứu khoa học nữa.
Không nên bỏ hội đồng chức danh cấp cơ sở
Viện Toán học đề nghị bỏ yêu cầu về tính liên tục của quá trình đào tạo trong dự thảo đối với ngành khoa học tự nhiên. Bởi việc qui định thâm niên đào tạo có thể là hợp lí, nhưng yêu cầu tính liên tục ba năm cuối là một rào cản không cần thiết và vô lí, gây khó khăn và là rào cản cho khá nhiều người trẻ, giỏi đang nghiên cứu ở nước ngoài? GS nghĩ thế nào?
Theo tôi, yêu cầu về tính liên tục đào tạo 3 năm cuối là hợp lý. Bởi vì, người được phong GS, PGS phải hoàn thành và có thành tích cả hai nhiệm vụ là đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cả một quá trình phù hợp với quy định về nhiệm vụ của giảng viên đại học.
Hơn nữa, thành tích về đào tạo và nghiên cứu khoa học được hiểu là cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và khoa học công nghệ của Việt Nam.
Vậy những người đang công tác nghiên cứu ở nước ngoài thì đó là nghiên cứu cho Việt Nam hay quốc gia, tổ chức nào? Có cống hiến cho Việt Nam hay không? Việc này cũng cần phải có sự nghiên cứu nghiêm túc. Bất cứ sự thay đổi nào cũng phải chỉ ra được cơ sở khoa học và lý do thuyết phục.
Theo ông có nên bỏ Hội đồng chức danh cấp cơ sở?
Bỏ hội đồng chức danh GS cấp cơ sở? Cá nhân tôi không đồng ý quan điểm này. Người được phong GS, PGS phải có uy tín và nhận được sự tín nhiệm rộng rãi, trước hết là sự tín nhiệm của các đồng nghiệp, các nhà khoa học nơi cơ quan, tổ chức mình công tác. Hiểu hơn ai hết, đầy đủ nhất, toàn diện nhất về một con người là cấp cơ sở.
Về điều này, theo tôi nếu có điều chỉnh thì nên theo hướng vẫn duy trì Hội đồng GS cấp cơ sở nhưng cơ cấu thành viên hội đồng nên có tỷ lệ % bắt buộc là thành viên bên ngoài.
Và thành viên bên ngoài không được là thành viên của Hội đồng ngành, liên ngành. Điều này để tránh tình trạng muốn thuận lợi cho khâu sau thì mời thành viên Hội đồng ngành, liên ngành tham gia ngay từ Hội đồng cơ sở.
Hội đồng ngành, liên ngành nên độc lập với hội đồng cấp cơ sở thì tính khách quan khi xét, công nhận chức danh GS, PGS sẽ cao hơn, góp phần tạo công bằng xã hội trong việc xét và công nhận chức danh GS, PGS hàng năm.
Xin trân trọng cám ơn GS!