Hơn 300 thí sinh đoạt giải kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố
- Chủ nhật - 29/11/2015 19:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1980 tại Nga. Mục đích chính của kỳ thi là tạo ra cơ hội cho nhiều học sinh có thể tham gia vào một kỳ thi chuẩn quốc tế. Điều này là không thể dưới sự chọn lọc kỹ càng qua nhiều vòng như đối với những kỳ thi Học sinh giỏi hiện nay. Cách thức tổ chức của kì thi nhằm giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh cho thí sinh bằng cách cho phép Ban tổ chức (BTC) địa phương tự tổ chức, chấm và trao giải. Sau đó, các bài làm tốt nhất sẽ được dịch và gửi sang BTC tại Nga để xét tặng Bằng chứng nhận Quốc tế.
Năm 1984, kỳ thi giành được nhiều sự chú ý trên toàn thế giới khi trở thành một ủy ban trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Số lượng thí sinh tham gia tiếp tục phát triển nhanh chóng với khoảng một trăm nghìn học sinh đến từ 120 thành phố trên 25 nước đã tham gia thường niên, trong đó có 1500 thí sinh đạt được Bằng chứng nhận của Viện hàn lâm khoa học Nga.
Năm 2015, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là đơn vị đại diện tổ chức Kỳ thi Toán học quốc tế giữa các thành phố lần đầu tiên tại Việt Nam. Kì thi đã thu hút được 13 trường THPT chuyên trên cả nước: 5 trường trên địa bàn HN là chuyên KHTN, chuyên ĐHSP, chuyên HN-Amsterdam, chuyên Nguyên Huệ, Chu Văn An, và 8 trường khách mời: chuyên Hà Tĩnh, chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An, chuyên ĐH Vinh, chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa, chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định, chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương, chuyên Trần Phú - Hải Phòng và chuyên Hùng Vương - Phú Thọ. Tổng số thí sinh khối THPT là 234 thí sinh (trong đó các đội đều cử đội tuyển thi Học sinh giỏi Toàn quốc tham gia).
Khối THCS thu hút được 315 thí sinh đến từ 11 trường THCS giàu thành tích trên địa bàn HN như khối THCS Amsterdam, trường THCS Giảng Võ, Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Nguyễn Trường Tộ, Lê Lợi, THCS Chu Văn An, Nguyễn Du, Nghĩa Tân.
Kì thi đã diễn ra vào hai ngày 11/10 và 25/10 tại địa điểm trường THCS Giảng Võ.
PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN), Trưởng BTC kỳ thi tại Việt Nam chia sẻ: Mặc dù mới năm đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nhưng kỳ thi đã thành công tốt đẹp. Năm nay do gấp rút về thời gian nên BTC đã gửi chỉ định giấy mời cho một số trường có bề dày truyền thống tham gia. Sau khi chốt danh sách rồi thì rất nhiều đơn vị, cá nhân muốn đăng ký dự thi nhưng chưa được đáp ứng. Năm tới, Ban tổ chức sẽ mở rộng quy mô để các trường THCS, THPT có thể đăng ký dự thi.
“Có thể nói đây là lần đầu tiên có sự kết hợp trực tiếp của trường phổ thông với trường ĐH để tổ chức một kỳ thi chung mang tính chất quốc tế và tự nguyện. Điều đặc biệt là lần đầu tiên học sinh phổ thông Việt Nam dự thi và làm bài với thời gian làm bài chưa từng có đó là 4-5 tiếng. Lần đầu tiên kết quả của kỳ thi được công bố theo cách ai biết điểm người đó, không so sánh với người khác. Như vậy nó phù hợp với tiêu chí học để vượt qua chính mình, để làm công dân tốt trong xã hội ngày càng phát triển” – PGS.TS Lê Kim Long nói về những cái nhất của kỳ thi.
Cũng theo PGS.TS Long, thành công của kỳ thi là kết quả chung của tất cả những người tham dự, những người yêu Toán, say sưa với môn Toán và hi vọng môn học này sẽ mãi là niềm tự hào của Việt Nam.
Đánh giá về kết quả kỳ thi, PGS.TS Lê Anh Vinh – Trưởng Ban giám khảo kỳ thi cho biết: Sau khi Ban giám khảo hoàn thành công tác chấm thi và có sự thống nhất với BTC kì thi tại Nga, đã đề xuất xét giải cho các thí sinh xuất sắc với tỉ lệ đạt giải không quá 60% và tỉ lệ giải nhất : nhì : ba tương ứng 1:2:3 theo thông lệ quốc tế. Các thí sinh đạt điểm tiêu chuẩn sẽ được dịch bài ra tiếng Anh và gửi sang Viên Hà lâm Khoa học Nga để xét tặng bằng khen của Viện.
Ngoài giải cá nhân, BTC cũng có xét giải đồng đội dựa trên điểm TB của 10 thí sinh cao điểm nhất mỗi đội. Ở khối THCS, 3 trường dẫn đầu là HN-Amsterdam, Cầu Giấy và Giảng Võ. Ở khối THPT, 3 trường dẫn đầu là THPT chuyên KHTN, THPT chuyên HN-Amsterdam và chuyên ĐH Sư phạm.
Khối THCS: Giải Nhất: 33 giải (từ 15 điểm trở lên – đây cũng sẽ là điểm dự kiến được trao bằng khen của Nga). Giải Nhì: 63 giải (từ 12 điểm trở lên). Giải Ba: 93 giải (từ 6.67 điểm trở lên). Như vậy có tổng cộng 189 giải chính thức. Tỉ lệ đạt giải là 60%.
Khối THPT: Xét giải dựa theo điểm của khối 11/12. Sau đó, các thí sinh lớp 10 sẽ được xếp giải tương ứng. Giải Nhất: 33 giải (từ 18 điểm trở lên), trong đó 11 thí sinh học lớp 10 và 22 bạn lớp 11/12. Giải Nhì: 40 giải (từ 15 điểm trở lên). Giải Ba: 60 giải (từ 12 điểm trở lên). Tổng số giải chính thức là 133 giải, tỉ lệ đạt giải là 56%.
“Mặc dù mới năm đầu Việt Nam tham dự nhưng kết quả rất tốt. Dự kiến lúc đầu BTC chỉ lựa chọn khoảng 70 bài thi xuất sắc dịch sang tiếng Anh để gửi sang BTC tại Nga xem xét tặng bằng chứng nhận Quốc tế. Tuy nhiên với kết quả rất khả quan nên BTC đã quyết định dịch gấp đôi số bài thi để tăng thêm cơ hội cho các thí sinh được nhận bằng chứng nhận” – PGS.TS Lê Anh Vinh tiết lộ.
Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn )