Ngăn chặn hiện tượng “vơ bèo vạt tép” để đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư

Ngăn chặn hiện tượng “vơ bèo vạt tép” để đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư
“Đúng là để đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư có hiện tượng “vơ bèo vạt tép”. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành, Hội đồng chức danh GS Nhà nước chính là phân biệt cho được những người đạt chuẩn nhờ “bèo, tép” như vậy”.

Đó là ý kiến của GS Hà Huy Khoái, Ủy viên Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS ngành Toán học, trước một số ý kiến trái chiều xung quanh về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS Hà Huy Khoái về vấn đề này.

Không nên có tiêu chuẩn “cứng” cho tất cả các ngành

+ Vừa qua một số Giáo sư ngành Toán học, trong đó có ý kiến của Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đề nghị trong tiêu chuẩn GS, PGS cần bỏ tiêu chuẩn về viết sách, đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH), hướng dẫn NCS, thâm niên. Những quy định về các tiêu chuẩn trên được cho là “không giống ai”. Xin Giáo sư cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Trong nhiều năm tham gia Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN), tôi nhận thấy quan niệm của các Hội đồng ngành có nhiều chỗ khác biệt.

Nếu như đối với ngành Toán, việc đăng công trình trên tạp chí quốc tế khó hơn nhiều so với viết một cuốn giáo trình chất lượng “tầm tầm”, thì đối với nhiều ngành khác, việc viết sách, đặc biệt là sách chuyên khảo, lại thể hiện đóng góp chính của tác giả, có khi là đóng góp trọn đời của họ. Vì thế, không nên có tiêu chuẩn “cứng” chung cho tất cả các ngành. Việc HĐCDGSNN dự định phân ra khối ngành Tự nhiên và Xã hội là một bước tiến bộ, thể hiện rõ quan điểm xét đến đặc thù của từng ngành.

Tuy nhiên, theo tôi cần phân chia chi tiết hơn nữa, cụ thể là mỗi Hội đồng ngành, trên cơ sở tham khảo ý kiến cộng đồng, tự đề xuất tiêu chuẩn thích hợp cho ngành mình, và HĐCDGSNN xem xét phê duyệt. Trong khi chờ đợi, đối với những ngành có tính quốc tế cao, như ngành Toán, nên có quy định thay thế các tiêu chuẩn “cứng” về sách, đề tài, NCS, thâm niên, bằng việc bổ sung thành tích nghiên cứu khoa học.

Chẳng hạn, thay cho một “điểm” hay “một năm thâm niên”, có thể bù bởi 1,0 điểm nhận được từ bài báo trên tạp chí quốc tế. Làm như vậy, các bạn trẻ có thành tích xuất sắc có thể đạt các chức danh khoa học PGS, GS mà không phải chờ thâm niên, trong khi những người lớn tuổi cũng được xem xét đến thành tích trong quá trình công tác. Qua từng năm, giảm nhẹ dần các “tiêu chuẩn cứng” nêu trên, đồng thời nâng cao dần tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học. Và điểu này nên thực hiện từng bước với tất cả các ngành.

 

GS Hà Huy Khoái (ảnh: NVCC)
GS Hà Huy Khoái (ảnh: NVCC)

Điều kiện "không giống ai" của Việt Nam

Trong định nghĩa, Giáo sư không chỉ là người NCKH, mà còn phải tham gia giảng dạy, đào tạo, nhất là giảng dạy sau đại học, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Một ứng viên nếu chỉ có NCKH, chỉ có công bố quốc tế, mà không tham gia đào tạo, hướng dẫn NCS thì có đúng với danh xưng Giáo sư không? Ý kiến của Giáo sư như thế nào?

- Ở điểm này, chúng ta đang có phần khác với thế giới, và điều này cũng xuất phát từ điều kiện “không giống ai” của Việt Nam. Trong khi ở Việt Nam, nhiều người chưa có học vị Tiến sĩ vẫn làm công tác giảng dạy ở đại học, thì ở các nước phát triển, chỉ khi đã là tiến sĩ mới bắt đầu đi “xin” một chân giảng dạy (theo cách gọi của ta là PGS, GS). Vì thế, việc lựa chọn của nước ngoài vào các chức danh chỉ dựa vào tiêu chí NCKH, và khi đã được chọn, thì giảng dạy, hướng dẫn NCS là nhiệm vụ đương nhiên của họ.

Ở Việt Nam, người đăng ký chức danh GS, PGS thường đã là người đang tham gia giảng dạy, hướng dẫn NCS. Trường hợp chỉ NCKH, chưa hề kinh qua công tác đào tạo rất ít. Với những trường hợp đó, cần có quy định (như tôi đã đề cập trên đây) để đảm bảo những nhà khoa học xuất sắc có thể được phong chức danh PGS, GS. Sau khi được phong, đương nhiên họ phải làm nhiệm vụ đào tạo, vì đó chính là nhiệm vụ của các chức danh trên.

Trong các ý kiến về dự thảo tiêu chuẩn, quy trình công nhận, bổ nhiệm GS, PGS, một số GS yêu cầu tiêu chuẩn Giáo sư nhất thiết phải có nhiều công bố quốc tế; Còn một số Giáo sư các ngành KHXH thì đề nghị có yêu cầu công bố quốc tế nhưng phải có lộ trình. Mặt khác, không nên quá nhấn mạnh vấn đề công bố quốc tế, mà cần nhấn mạnh sách chuyên khảo và nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước, tổ chức các hội thảo quốc gia, quốc tế để công bố quốc tế ngay trên các sách, báo của chúng ta. Quan điểm của GS về vấn đề này ra sao?

- Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, cũng nên nhìn vào lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam. Tôi chỉ lấy ví dụ trong ngành Toán. Một số giáo sư đầu tiên của ngành Toán, như giáo sư Nguyễn Thúc Hào, giáo sư Ngô Thúc Lanh không có nhiều công bố quốc tế. Tuy nhiên, chắc không ai trong ngành Toán cho rằng họ không xứng đáng với chức danh giáo sư.

Ngày nay, Toán học Việt Nam đã phát triển đến mức độ nhất định, thì để có chức danh GS, PGS nhất thiết phải có công bố quốc tế (đủ nhiều, theo nghĩa nào đó). Trong xu thế hội nhập, tôi nghĩ tất cả các ngành cần hướng đến tiêu chí như vậy, bằng cách chú trọng công bố quốc tế và nâng dần tiêu chuẩn này khi xét PGS, GS.

Việc quyết định tiêu chuẩn thế nào cho phù hợp với lịch sử phát triển và mức độ hội nhập quốc tế của từng ngành thì nên để các Hội đồng Ngành đề xuất, và HĐCDGSNN xem xét quyết định, trên cơ sở cân đối giữa các ngành khác nhau.

Tất nhiên, việc nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước là điều hết sức quan trọng. Hiện nay đã có nhiều tạp chí “trong nước”, nhưng thực chất là tạp chí quốc tế có uy tín nhất định, chẳng hạn trong ngành Toán có hai tạp chí như vậy là Acta mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Mathematics.

 

GS Hà Huy Khoái (áo xanh) cùng GS Ngô Bảo Châu và các cộng sự.
GS Hà Huy Khoái (áo xanh) cùng GS Ngô Bảo Châu và các cộng sự.

Có hiện tượng “vơ bèo vạt tép”

Trên diễn đàn vừa qua, có ý kiến cho rằng có những trường hợp Giáo sư “rởm” chấm Giáo sư “thật”. Giáo sư cho biết quan điểm của mình về ý kiến được cho là có phần cực đoan, thái quá này?

- Để nói một ai đó là “rởm” hay “thật” thì cần dựa vào tiêu chí nào đó. Chúng ta đang tiến đến có một “tiêu chí” mà cả xã hội thấy là hợp lý. Việc HĐCDGSNN lần này mạnh dạn cải cách, đưa ra công khai lấy ý kiến dư luận xã hội là việc làm để tiến đến một tiêu chí hợp lý cho việc phong chức danh PGS, GS. Khi có tiêu chí như vậy thì “rởm”, “thật” là hiểu theo tiêu chí đó. Còn bây giờ, mỗi người đang dùng thước đo của họ!

Có Giáo sư trong bài báo gần đây nêu vấn đề “vơ bèo vạt tép” để đạt chuẩn, đặc biệt nêu hiện tượng “Đi hội đồng tốn kém tiền trăm triệu đồng, lấy đâu ra”. Ý kiến của Giáo sư ra sao?

- Đúng là để đạt chuẩn, có hiện tượng “vơ bèo vạt tép”. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành, HĐCSGSNN chính là phân biệt cho được những người đạt chuẩn nhờ “bèo, tép” như vậy.

Bởi thế nên có nhiều ứng viên đạt chuẩn, thậm chí đạt cao về “chuẩn điểm” vẫn không được các cấp Hội đồng thông qua. Chẳng hạn trong Hội đồng Toán, khi làm việc, chúng tôi thường không chỉ xem ứng viên có bao nhiêu “điểm”, mà còn quan tâm các điểm đó đến từ đâu, sau đó xem cụ thể từng bài, đặc biệt đối với những trường hợp chưa thật chắc chắn.

Còn về hiện tượng “Đi hội đồng tốn kém tiền trăm triệu đồng, lấy đâu ra” thì tôi thấy không có cơ sở để xem là hiện tượng phổ biến. Phát biểu như vậy có thể làm tổn thương lòng tự trọng của hầu hết các PGS, GS được phong trong những năm qua.

Có ý kiến đề nghị việc công nhận, bổ nhiệm Giáo sư, Phó giáo sư nên giao ngay về cho các cơ sở giáo dục đại học như các nước đã làm, không cần HĐCDGS ngành, liên ngành và HĐCDGS nhà nước. Quan điểm của GS về đề nghị này như thế nào?

- Về lâu dài, việc bổ nhiệm, công nhận các chức danh là việc của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, trong khi trình độ phát triển của khoa học chưa đạt đến mức nào đó, thì vẫn cần một cơ quan, chẳng hạn HĐCDGSNN, công nhận “đạt chuẩn” để ứng viên có thể đệ đơn ứng cử chức danh GS, PGS của đại học nào đó. Việc làm đó nhằm đảm bảo chuẩn tối thiểu của các chức danh, tránh việc bổ nhiệm tuỳ tiện. Nhà nước có thể phân bổ hạn ngạch chức danh GS, PGS cho các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Ngay ở một nước phát triển như nước Pháp, sau khi có bằng tiến sĩ, cần phải nộp luận án qua một Hội đồng để được cấp “qualification” mới được quyền đi ứng cử chức danh “maitre de conférence” (có thể xem là PGS) ở các đại học. Trên thế giới không chỉ có một mô hình, và Việt Nam cần nghiên cứu để lựa chọn mô hình thích hợp, mạnh dạn cải cách dần với mục tiêu nhanh chóng hội nhập quốc tế.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Tác giả bài viết: Mỹ Hà (thực hiện)

Nguồn tin: Dân trí