Từ "lo lắng" xuất hiện với mật độ dày đặc trong mọi phát ngôn ở mọi tình huống, từ thí sinh, phụ huynh đến đơn vị tổ chức thi, các trường ĐH và Bộ GD ĐT.
Khởi đầu "mùa lo" năm nay là từ giữa tháng 6, trong kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã lo năm nay tỷ lệ tốt nghiệp sẽ thấp vì khi cụm thi được giao cho các trường đại học chủ trì thì kỳ thi sẽ diễn ra chặt chẽ, nghiêm túc, dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp thấp.
Nỗi lo này xuất phát từ sự kiện năm 2007 khi Bộ Giáo dục đưa lực lượng thanh tra uỷ quyền là giảng viên ở các trường cao đẳng, đại học về giám sát kỳ thi tốt nghiệp phổ thông khiến tỷ lệ tốt nghiệp bất ngờ giảm thảm hại dù đề thi được đánh giá dễ tương đương các năm trước. Bởi vậy, Bộ trấn an thế nào thì sát ngày thi năm nay, lãnh đạo nhiều địa phương vẫn lo chuyện tỷ lệ tốt nghiệp, lo ‘thật thà sẽ thua thiệt’, lo không công bằng vì nơi làm nghiêm, nơi làm không nghiêm.
Nỗi lo của lãnh đạo lan như virus đến giáo viên, phụ huynh và cả học sinh. Sát ngày thi, dạo qua không ít trường lẫn trung tâm luyện thi, 8-9h tối đèn vẫn trưng, cả thầy và trò bơ phờ, căng thẳng, cố gắng nhồi nhét những nội dung ôn tập cuối cùng. Thầy cô vừa động viên, vừa doạ dẫm, vừa vắt óc suy nghĩ những bí quyết giúp học trò vượt qua kỳ thi.
Đó là nỗi lo của những người trong ngành giáo dục. Còn các phụ huynh thì sao? Nhiều cha mẹ vốn có truyền thống lo lắng chuyện ăn học của con cái, năm nay lại có cơ hội lo lắng gấp bội vì tâm lý sợ kỳ thi "2 trong 1" coi như ‘được ăn cả, ngã về không’. Ngoài đầu tư tiền bạc cho con luyện thi, nhiều phụ huynh đầu tư thời gian đưa đón, chăm sóc con toàn tâm toàn ý cho việc học.
Người trong họ của tôi ở quê chỉ chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập đủ ăn, nhưng một năm qua, chị đã miễn hoàn toàn việc nhà cho con gái để cô bé tập trung học, sẵn sàng cho con xuống thành phố luyện thi tiền triệu.
Những ngày này, quanh các điểm thi, từng lớp phụ huynh bỏ công việc, nhà cửa, tay xách nách mang theo con đi thi và chầu chực vỉa hè, bất an giữa cái nóng nắng 40 độ.
Tôi tự hỏi, liệu các con của mình có thực sự thấy sung sướng, hạnh phúc khi nhận được sự lo lắng quá mức ấy của cha mẹ? Phải chăng nỗi lo ấy đang trở thành một áp lực nặng nề cho các em?
Trước kỳ thi, tôi dành một ngày tư vấn cho các em học sinh lớp 12 ở một trường điểm. Hầu hết đều bày tỏ sự lo âu về chuyện đậu rớt. Một nghịch lý là những em học sinh giỏi, phụ huynh có con học tốt lại lo gấp bội so với các em học kém hoặc phụ huynh có con trường kỳ học lẹt đẹt. Mới cách đây vài ngày, có em nhắn với tôi: nếu con rớt đại học, con thà chết chứ không về nhà gặp ba mẹ con đâu cô ơi. Con không phải làm gì cả, ba mẹ chỉ cần con học thôi mà con học không xong. Một đồng nghiệp cũng nhắn cho tôi: Làm sao bây giờ, chỉ còn một ngày nữa thi mà học trò đứa nào cũng lo mất ăn, mất ngủ. Có em đạt giải quốc gia môn Toán mà vẫn lo thi Toán không tốt.
Tại sao việc học và thi cử lại biến thành nỗi lo âu, sợ hãi nặng nề đến thế?
Tại sao một kỳ thi có nhiều người, nhiều lực lượng cùng chung tay lo lắng bao năm nhưng vẫn không ai đủ tự tin khẳng định là nó khách quan, công bằng?
Câu hỏi này, không khó để trả lời. Một xã hội được kết nối bởi những lòng tin chắp vá thì sự bất an đến từ mỗi cá nhân là điều dễ hiểu