Tại sao giáo viên Phần Lan được tự chủ?

Tại sao giáo viên Phần Lan được tự chủ?
Đào tạo sinh viên sư phạm đạt trình độ cao là cơ sở để trao cho họ quyền tự chủ trong tương lai, để họ quyết định dạy theo cách mà họ muốn.
Phần Lan, giáo dục, giáo viên, đào tạo, sư phạm, tự chủ

Maria Hyväri - giáo viên thực tập tại Trường Normal Lyceum thuộc ĐH Helsinki. "Ở đây, chúng tôi có thể thử những thứ mới" - Hyväri chia sẻ

Trong một phòng học yên tĩnh với những đồ trang trí sáng tạo, vui mắt của các em nhỏ, Ville Sallinen đang học hỏi những thứ giúp đưa các trường học của Phần Lan trở thành đối tượng đáng ghen tị của thế giới.

Sallinen, 22 tuổi đang dạy một nhóm trẻ 8 tuổi cách đọc. Anh sắp kết thúc khóa thực tập ngắn này – một phần trong chương trình Thạc sỹ ngành sư phạm tiểu học kéo dài 5 năm của anh.

Trường sư phạm Viikki ở miền đông Helsinki tự giới thiệu mình như một phòng thí nghiệm dành cho sinh viên sư phạm. Ở đây, Sallinen có thể thực hành những lý thuyết mà anh học được ở trường đại học mà trường Viikki là thành viên. Nó giống như các bệnh viện trực thuộc trường đại học dành cho sinh viên y khoa.

Phần Lan, giáo dục, giáo viên, đào tạo, sư phạm, tự chủ

Ville Sallinen thực tập tại trường Viikki. Trường này cho anh cơ hội được thử nghiệm những lý thuyết mà anh học được ở trường đại học.

Hiệu trưởng Viikki – ông Kimmo Koskinen phát biểu: “Đây là một trong những cách để chúng tôi cho thấy chúng tôi tôn trọng ngành sư phạm đến mức nào. Nó quan trọng giống như đào tạo ra các bác sĩ”.

Chào mừng tới một quốc gia – nơi mà giảng dạy thực sự là một nghề nghiệp cao quý. Giáo viên Phần Lan giúp đất nước họ luôn nằm trong tốp đầu của xếp hạng Pisa kể từ khi xếp hạng này được công bố năm 2001. Bảng xếp hạng có ảnh hưởng này giúp Phần Lan thu hút một lượng “khách du lịch giáo dục” đáng kể bởi vì giáo viên của các quốc gia khác luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm của Phần Lan.

Phần Lan đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, và các trường của họ cũng chịu nhiều áp lực tài chính. Tuy nhiên, đầu vào chương trình Thạc sĩ 5 năm ngành sư phạm tiểu học vẫn cạnh tranh khốc liệt. Chỉ có 7% ứng viên ở ĐH Helsinki được nhận trong năm nay, có nghĩa là hơn 1.400 sinh viên ra về trong thất vọng.

Chương trình đào tạo cao cấp là cơ sở để trao cho các giáo viên trẻ sự tự chủ để họ có thể chọn phương pháp nào mà họ sẽ sử dụng trong lớp học – trái ngược với Anh, nơi mà bà Leena Krokfors – giáo sư ở Helsinki cảm thấy rằng giảng dạy chỉ là thứ gì đó giữa tuyển sinh đầu vào và thi cuối kỳ, cuối năm”. Ở Phần Lan, giáo viên phần lớn không bị ràng buộc bởi các thủ tục như thanh tra, kỳ thi chuẩn hóa hay sự kiểm soát của chính phủ. Việc thanh tra trường học đã bị loại bỏ từ những năm 1990.

“Giáo viên cần phải được đào tạo chất lượng cao để họ thực sự biết cách sử dụng sự tự do mà họ được trao, và để học cách giải quyết vấn đề một cách khoa học” – bà Krokfors nói. “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi dạy sinh viên là đưa ra những quyết định và đánh giá sư phạm cho chính mình”.

Ngược lại, ở Anh, các học viện, trường tư và trường miễn phí có thể thuê người dạy, thậm chí là họ không hề đủ trình độ. Đảng Lao động Anh từng tuyên bố vào năm 2013 rằng trở thành giáo viên ở Anh bây giờ còn dễ hơn lật bánh mỳ kẹp thịt.

Phần Lan, giáo dục, giáo viên, đào tạo, sư phạm, tự chủ

Olli Mättää, người hướng dẫn giáo viên thực tập tại Trường Normal Lyceum. “Khi chúng tôi nhận kết quả này, chúng tôi chỉ nghĩ nếu chúng tôi mà tốt đến vậy thì các quốc gia khác tệ đến mức nào? Chúng tôi rất bất ngờ”

Đối với một quốc gia nông nghiệp, nhỏ và tương đối nghèo, việc giáo dục tất cả người trẻ ở mức tốt đều được đánh giá là cách tốt nhất để bắt kịp các quốc gia công nghiệp khác – theo ông Pasi Sahlberg – một nhà giáo dục Phần Lan tại Harvard, người đã có nhiều đóng góp trong việc phổ biến phương pháp giáo dục của Phần Lan ra quốc tế.

Giấc mơ Phần Lan – cái tên mà ông tự đặt – là dành cho tất cả trẻ em bất kể hoàn cảnh gia đình hay điều kiện cá nhân.

 

Ở giai đoạn đầu – suốt những năm 70 và 80, Phần Lan kiểm soát rất chặt các trường học cũng như chương trình giảng dạy, thường xuyên thanh tra, kiểm tra và đặt ra nhiều quy định cụ thể. Các trường và giáo viên bị Chính phủ kìm kẹp chặt chẽ.

Đến giai đoạn hai, từ đầu những năm 90, Phần Lan nhận ra rằng cần tạo ra một nền văn hóa mới cho giáo dục dựa trên sự tin tưởng giữa các cơ quan giáo dục, các trường học, sự kiểm soát địa phương, tính chuyên nghiệp và tự chủ. Các trường phải tự chịu trách nhiệm cho chương trình giảng dạy của mình và tự đánh giá học sinh, trong khi việc thanh tra của các cơ quan cấp trên bị loại bỏ hoàn toàn. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có trình độ học thuật cao và được đối xử như các chuyên gia.

Bà Krokfors giải thích thêm về sự quan tâm đặc biệt mà Phần Lan dành cho các giáo viên: “Nếu nhìn lại lịch sử Phần Lan, các nhà giáo luôn được xem là người mang đến nền văn minh cho những ngôi làng nhỏ” bởi vì đất nước này hiện đại hóa vào giữa thế kỷ trước, bà nói.

Đặc điểm của đào tạo giáo viên ở Phần Lan không chỉ là dựa trên các nghiên cứu, mà tất cả sinh viên học Thạc sĩ ngành Sư phạm tiểu học còn phải tự nghiên cứu – một điều mà ông Patrik Scheinin, chủ nhiệm khoa Sư phạm tiểu học rất tự hào.

“Nhiệm vụ của một nhà giáo dục giỏi là ngăn chặn suy nghĩ của những người cho rằng họ biết mọi thứ về giảng dạy” – ông Scheinin nói. “Chỉ vì bạn đã làm gì đó trong 20 năm và nó có hiệu quả với bạn không có nghĩa là nó hiệu quả với những giáo viên khác, những học sinh khác hay ở những môn học khác”.

Phần Lan, giáo dục, giáo viên, đào tạo, sư phạm, tự chủ

Trường Normal Lyceum thuộc ĐH Helsinki

Ở Trường Normal Lyceum thuộc ĐH Helsinki – một trường khác trong số 11 trường thí nghiệm ở Phần Lan, giáo viên thực tập đang tổ chức các hội thảo đa ngành dài ngày dành cho học sinh từ 13 tới 19 tuổi. Ở một hội thảo, Maria Hyväri, 24 tuổi đang thảo luận về các phương pháp giáo dục Dewey, Steiner và Montessori. Cô đang đề nghị học sinh suy nghĩ nghiêm túc về các phương pháp giảng dạy ở trường này. Những lớp học không hề có phân loại học sinh theo năng lực.

“Tôi muốn tạo sự khác biệt. Có tất cả các công cụ và ý tưởng giảng dạy mới. Thật tuyệt vì ở đây chúng tôi có thể thử nhiều thứ khác nhau. Nó làm tôi cảm thấy hứng thú”. Bởi vì ngôi trường này đầy các giáo viên thực tập nên học sinh “cũng quen với việc bị thử nghiệm”, mặc dù đôi khi các em có thể hơi mệt với việc bị quay vòng – Hyväri nói.

Hyväri đang học năm thứ 3 ngành cử nhân tiếng Pháp và tiếng Anh. Trong một năm đi thực tập, cô dành một nửa thời gian ở trường thí nghiệm, một nửa thời gian ở trường đại học.

Đối với Olli Mättää – người hướng dẫn giáo viên ở trường này, điểm Pisa của Phần Lan chỉ là một sản phẩm phụ của hệ thống giáo dục chứ không phải là mục tiêu chính. “Khi chúng tôi nhận kết quả này, chúng tôi chỉ nghĩ nếu chúng tôi mà tốt đến vậy thì các quốc gia khác tệ đến mức nào? Chúng tôi rất bất ngờ” – anh nói.

Điều đó cho thấy đất nước này đang đi đúng hướng và đang chứng minh quyết định thay đổi của những năm 70 là đúng đắn. Các trường thí nghiệm của chúng tôi cũng được các phụ huynh đánh giá cao – ông Mättää chia sẻ.

Các nhà giáo dục chỉ ra rằng những yếu tố lịch sử đặc biệt đã giúp hình thành nên các trường học Phần Lan, như dân số ít, sự chấp nhận các giá trị như bình đẳng… Tuy nhiên quyết định đưa giảng dạy trở thành một văn bằng cao cấp đã giúp công việc này trở thành một nghề nghiệp cao cấp trong xã hội Phần Lan.

“Giáo viên ở Phần Lan là các chuyên gia độc lập, được tôn trọng vì đã tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của người trẻ” – ông Sahberg nhận định. Cho nên, những người đã chọn giảng dạy thường cống hiến cho công việc này cả đời, ông nói.

Phần Lan, giáo dục, giáo viên, đào tạo, sư phạm, tự chủ
Trường Viikki thuộc ĐH Helsinki

Quay trở lại với trường thí nghiệm Viikki, Ville Sallinen nhận ra sự hứng thú của mình với công việc giảng dạy cách đây 8 năm khi bắt đầu dạy học sinh môn bóng đá. Mặc dù không phải là một môn học thuật, nhưng giống như nhiều sinh viên, sự hứng thú khi làm việc với bọn trẻ khiến anh đăng ký chương trình Thạc sĩ.

“Tôi muốn có nhiều kinh nghiệm hơn ở những trường giống như thế này. Năm sau, chúng tôi sẽ không còn thực tập nữa. Thật tốt khi được trải nghiệm ở một ngôi trường thực sự”.

Vào cuối ngày, Sallinen thường ngồi với thầy của mình là Tunja Tuominen để tái hiện lại những tình huống giảng dạy trong ngày và lý thuyết hóa chúng. Ông Tuominen nói: “Các giáo viên thực tập tới đây giống như những chú gà con luôn mở miệng và ham học hỏi”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo (Theo Guardian)

Nguồn tin: Vietnamnet