Tiến sĩ 8x Nguyễn Thị Hiệp: Mỗi bài báo quốc tế là bạc thêm một cọng tóc
- Thứ sáu - 02/12/2016 01:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TS. Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981) đã có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô với 26 công bố khoa học thuộc ISI, 6 công bố khoa học thuộc Tạp chí Quốc tế, 6 bài báo trong nước và hơn 40 bài báo khoa học trong các Hội nghị Quốc tế.
Tiến sĩ 8x Nguyễn Thị Hiệp
TS. Nguyễn Thị Hiệp vừa được vinh danh trong khuôn khổ của giải thưởng khoa học L’Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học. Hội đồng Khoa học Giải thưởng Khoa học L'Oréal - UNESCO đánh giá TS Hiệp có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, có tâm huyết với nghiên cứu khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học.
Hướng nghiên cứu mới đầu tiên tại Việt Nam
Đề tài nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Hiệp về tính tiềm năng của đề tài trong những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi.
Hiện nay, titanium (Ti) implant trong xương dạng chân đang là sự lựa chọn tốt nhất trong nha khoa phục hồi.
Tuy nhiên, giới hạn mà Titanium implant chưa khắc phục được chính là khả năng tạo một tương tác tốt giữa gingival tissue vào abutment và khả năng bám dính kém mang lại rất nhiều rủi ro trong quá trình phục hồi và tái tạo mô, bên cạnh đó là rủi ro lớn về quy trình đào thải Titanium implant sau thời gian cấy. Vì thế, biến tính bề mặt Titanium là một thách thức cho các nhà khoa học hiện nay.
Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Hiệp đã tập trung vào phương pháp điện hóa để điều chỉnh lực bám, bề dày và độ phân rã. Từ đó, khảo sát ảnh hưởng của 3 yếu tố này lên sự phát triển và sự phân bố hai loại tế bào fibroblast và mesenchymal stem cells.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tập trung vào loại vật liệu được sử dụng làm abutment phổ biến hiện nay là Titanium vì Titanium là vật liệu trơ về mặt sinh học nên không xảy ra phản ứng mô tích cực; đồng thời cũng không có đáp ứng mô tiêu cực, nghĩa là Titanium có tính tương hợp sinh học tốt hơn, phản ứng kháng nguyên kháng thể ít hơn so với những vật liệu khác.
TS Hiệp cho biết, đây là lý do chính cho phép Titanium kết dính vào xương mà không bị loại trừ ra khỏi cơ thể. Nhưng vì Titanium là vật liệu trơ nên không có khả năng thu hút các tế bào đến bề mặt implant, việc này vô tình làm giảm khả năng bám dính giữa gingival tissue và Titanium abutment.
Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Khoa học L'Oréal - UNESCO, nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Hiệp sẽ giúp mang đến các hiểu biết mới trong nỗ lực cải tiến bề mặt của Titanium implant nhằm khắc phục đặc điểm trơ về mặt sinh học này, để tăng tốc và tối ưu hoá sự tích hợp mô nhằm đáp ứng lực nhai ở giai đoạn sớm sau khi cấy ghép implant.
Phải đam mê mới làm được khoa học
TS. Nguyễn Thị Hiệp, trước đây tốt nghiệp ĐH Khoa Học Tự Nhiên –TP-HCM sau đó sang Hàn Quốc học sau đại học và làm nghiên cứu sinh. Năm 2012, TS Hiệp trở về nước làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh trường ĐH Quốc Tế - ĐH QG TP.HCM.
Mặc dù được ĐH QGTP.HCM hỗ trợ một số máy móc nhưng với điều kiện cơ sở vật chất trong trường còn nhiều khó khăn nên việc nghiên cứu khoa học của TS Hiệp cũng gặp nhiều trở ngại.
Để tiếp tục thực hiện hướng nghiên cứu mới mà mình đang theo đuổi, TS Hiệp đã phải tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài để hỗ trợ nhóm nghiên cứu của mình.
"Hiện tại, nghiên cứu của tôi chủ yếu nhận kinh phí ở nước ngoài. Hy vọng, nhà nước thấy được tiềm năng của hướng nghiên cứu mới này để tài trợ" - TS Hiệp bày tỏ.
Đến nay, TS Hiệp đã có 32 bài báo công bố quốc tế. Đối với TS Hiệp, việc viết báo là niềm vui, cho nên lúc nào rảnh rỗi là chị viết.
"Nhiều khi viết cũng để chiêm nghiệm cuộc sống của mình. Mỗi năm tôi viết khoảng 3 - 4 bài theo yêu cầu của nhà khoa học. Mỗi bài báo tôi tập trung viết liên tục 1 tuần sau khi các dữ liệu đã ổn và thường phải bạc đi 1 đến 2 cọng tóc" - TS. Hiệp hóm hỉnh nói.
Chia sẻ cách viết bài báo công bố quốc tế thành công, TS Hiệp cho rằng, cần thảo luận trong nhóm (hoặc thảo luận với người nước ngoài) vì 1 bài báo quốc tế phải có cái mới hoặc giải quyết một vấn đề nan giải nào đó chứ không phải cứ muốn viết là được. Khi viết cần tìm hiểu trên thế giới xem vấn đề mình viết có mới hay không, lúc đó mới bắt tay vào làm.
Bất cứ làm công việc gì đôi khi gặp khó khăn sẽ nản và với nghiên cứu khoa học nếu nản sẽ thất bại. Chị Hiệp tâm sự: "Muốn nghiên cứu khoa học thành công thì phải có đam mê vì có rất nhiều lúc, mình rất mệt mỏi nhưng ngay lúc đó mình nghĩ, rồi nó sẽ qua, mình phải cố gắng lên".
Với chị Hiệp rất may mắn được chồng và gia đình chồng thấu hiểu công việc nên đã chăm lo con giúp để chị yên tâm công tác. Đó cũng là một hạnh phúc, là động lực để chị Hiệp mang hết tâm huyết ra theo đuổi ngành mình đã chọn là nghiên cứu khoa học.