Trao quyền tự chủ cho các trường sẽ tránh 'vỡ trận' tuyển sinh đại học
- Chủ nhật - 23/08/2015 12:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chia sẻ với VnExpress, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội Lê Quốc Hạnh đánh giá, kỳ xét tuyển đại học năm nay thật "khác thường" với cách làm chưa từng có trong ngành giáo dục Việt Nam. "Tôi đã đi nhiều quốc gia, tìm hiểu nền giáo dục nhiều nước, nhưng cũng chưa thấy ở đâu tuyển sinh theo phương thức này", thầy Hạnh, người có nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh, nói.
Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội Lê Quốc Hạnh đề xuất trao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thầy Hạnh cho rằng, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được coi là thành công, tuy nhiên khâu xét tuyển đại học lại thất bại. Thứ nhất là gây mệt mỏi kéo dài cho toàn xã hội, đặc biệt là thí sinh, phụ huynh và cán bộ trực tiếp tuyển sinh tại các trường. Ý tưởng của Bộ Giáo dục - tăng cường sự tự chủ trong lựa chọn tương lai cho học sinh là tốt, nhưng không tổ chức chu đáo dẫn đến mất kiểm soát, phản tác dụng.
"Thay vì trải nghiệm trái ngọt để trưởng thành hơn thì cái thí sinh thu về chỉ là sự bối rối, thất vọng rồi bi quan. Một trải nghiệm đầu đời không thể phai", ông Hạnh nói và cho rằng việc để thí sinh chọn 4 nguyện vọng vào một trường là quá nhiều, gây mất định hướng nghề nghiệp vì nhiều em chọn chỉ vì sự đỗ đạt chứ không vì yêu thích.
Lý do quan trọng nhất dẫn đến náo loạn trong xét tuyển 2015, theo ông Hạnh là các đại học bị phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dữ liệu duy nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm giữ. "Cơ quan quản lý nhà nước mà lại quyết định tất cả công tác tuyển sinh của các trường, để cả thí sinh, phụ huynh phụ thuộc vào nguồn dữ liệu duy nhất. Cuối cùng hoá ra cả nước chỉ có một trường đại học?", ông Hạnh nói.
Nhà quản lý giáo dục này đánh giá, những năm qua ngành giáo dục đã có những việc làm thực thi ý tưởng giao quyền tự chủ cho các trường, nhưng kỳ tuyển sinh năm nay dường như "đi ngược lại". Ông đề xuất năm sau Bộ Giáo dục nên giao quyền tự chủ xét tuyển cho các cơ sở đào tạo. Trong khi chưa có phương án khả thi, phù hợp, nên để thí sinh đăng ký trường, ngành theo cách truyền thống - trước khi thi THPT quốc gia.
"Không nên để thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng vào một trường mà nên cân nhắc cho chọn một ngành ở nhiều trường. Như vậy các em sẽ không bị mất định hướng nghề nghiệp, chỉ là ưu tiên xếp trường nào số một thôi", ông Hạnh nói.
Thí sinh mệt mỏi chờ đăng ký xét tuyển vào Đại học Kinh tế quốc dân vào chiều 20/8. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cùng quan điểm, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dânNguyễn Quang Dong cho rằng để tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh, Bộ chỉ nên tổ chức thi THPT quốc gia, việc xét tuyển để các trường thực hiện. Bộ cần có quy định hạn chế số lần rút, điều chỉnh nguyện vọng của các thí sinh để tránh mục tiêu định hướng nghề nghiệp bị phá vỡ. Kỳ thi THPT nên tổ chức sớm hơn, vào khoảng đầu tuần tháng 6 để đảm bảo thời gian tuyển sinh không bị gấp rút.
Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng đề xuất rút ngắn thời gian xét tuyển đợt 1 để tránh tâm lý nghe ngóng, đến phút chót mới nộp hồ sơ gây náo loạn. Theo ông chỉ nên cho thí sinh có 2-3 nguyện vọng mỗi đợt hoặc có 4 nguyện vọng một đợt, nhưng không được thay đổi.
Từ ngày 1 đến 20/8, các trường đại học, cao đẳng cả nước thực hiện xét tuyển đợt 1 từ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Theo quy định, thí sinh được quyền đăng ký 4 nguyện vọng trong một trường và có thể thay đổi. Các trường 3 ngày một lần cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp, thí sinh căn cứ vào đó biết được vị trí mình, từ đó cân nhắc lựa chọn nộp - rút hồ sơ. Đến 20/8, ngày cuối của xét tuyển đợt 1, thí sinh nháo nhào nộp - rút gây ra cảnh hỗn loạn ở nhiều trường.
Quỳnh Trang