Trường Đại học Đà Lạt: Thầm lặng và chuyên tâm
- Thứ hai - 27/05/2019 18:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tháp chuông là một trong những đặc trưng trong khuôn viên trường Đại học Đà Lạt. Trước kia, đây là nguyện đường Năng Tĩnh của Viện Đại học Đà Lạt, bây giờ trở thành một khu giảng đường. Ảnh: Tạp chí Kiến trúc
Khi nhắc đến một trường đại học tốt ở Việt Nam, trường Đại học Đà Lạt không phải là một cái tên ấn tượng. Ngôi trường này không có một ví trị đáng chú ý trên các bảng xếp hạng đại học ở Việt Nam (trường Đại học Đà Lạt xếp thứ 25 theo Webometrics và xếp thứ 47 theo Unirank). Xét về số lượng công bố quốc tế trên các tạp chí trong danh mục Scopus, trường xếp thứ 45 Việt Nam trong năm 2019. Trường đại học Đà Lạt cũng chưa nằm trong danh sách hơn 100 trường đại học Việt Nam được kiểm định chất lượng. Vậy có điều gì đáng kể ở đây?
Một trường hợp ngoại lệ
“Việc hội nhập, phát triển của một nhà trường đúng là rất khó, đặc biệt là những trường giống như chúng tôi ở phía Tây Nguyên, cái gì cũng xa xôi hết” – PGS. Nguyễn Văn Kết mở đầu câu chuyện với chúng tôi. “Xa” ở đây, có lẽ không chỉ là khoảng cách địa lý với Hà Nội mà còn nằm ngoài tầm với của các ưu đãi. Trong một loạt các văn bản mang tính chỉ đạo phát triển đại học trên cả nước, như Nghị quyết 04 TW năm 1993 về đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo đến Quyết định 47 năm 2001 về quy hoạch mạng lưới các trường đại học và Nghị quyết 29 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đều thống nhất tập trung đầu tư vào các đại học trọng điểm và hai đại học ở miền núi là Đại học Tây Bắc và Đại học Tây Nguyên. Những đại học này vô hình trung trở thành “thỏi nam châm” thu hút đa phần các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các dự án, đề tài lớn của nhà nước và cả tài trợ của các tổ chức quốc tế. Ai nằm ngoài danh sách này và không ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, giống như trường Đại học Đà Lạt, sẽ cảm thấy như…bị bỏ rơi. Ngoài ra, Tây Nguyên, một khu vực có hơn 40% là người dân tộc thiểu số, đồng nghĩa sẽ có một tỉ lệ tương đối các sinh viên trường Đại học Đà Lạt là sinh viên thuộc diện chính sách. Với ngân sách eo hẹp, có những năm trường trả học phí cho gần 3000 sinh viên, tương đương gần ¼ tổng số sinh viên của trường.
Không khó để tưởng tượng rằng, vì gặp nhiều khó khăn như vậy, nhiều trường đại học tỉnh thường lựa chọn chỉ tập trung vào đào tạo là chính, còn nghiên cứu và chuyển giao tri thức, công nghệ là phụ. Nhưng trường Đại học Đà Lạt là một trong số ít các ngoại lệ. Nhìn kĩ vào trong các bảng xếp hạng một lần nữa, sẽ thấy rằng, trường Đại học Đà Lạt là một trong hai trường đại học tỉnh có công bố quốc tế nhiều nhất và số lượng bài báo nằm trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất thế giới trong năm năm 2012-2016 của trường còn vượt Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng – hai đại học trọng điểm quốc gia. Nhưng, điều ấn tượng nhất, đó là hiếm có một trường đại học nào mà dấu ấn của nó hiển hiện trong đời sống người dân của tỉnh tràn ngập và rõ ràng đến thế: Những nhà vườn và homestay trăm hoa đua nở ven Đà Lạt được khởi xướng từ một mô hình của Khoa Du lịch, nhiều tour du lịch mạo hiểm đang gây sốt trong giới trẻ, chẳng hạn như trò high rope course – đu dây qua rừng thông bên cạnh thác Datanla là xuất phát từ các nghiên cứu của khoa này. Trường Đại học Đà Lạt cũng là một mảnh ghép lớn trong bức tranh nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng, 90% giám đốc của các trung tâm nuôi cấy mô ở tỉnh đều là cựu sinh viên trường và hơn một nửa nhân lực của Đà Lạt Hasfarm, một trong những công ty hoa lớn nhất Đông Nam Á đều tốt nghiệp trường Đại học Đà Lạt. Thomas Hooft, người sáng lập Đà Lạt Hasfarm, một trong những công ty hoa lớn nhất Đông Nam Á, đã viết trong di chúc của mình là dành ít nhất 15 tỉ đồng để đầu tư nhà kính thông minh cho trường Đại học Đà Lạt, như một cách tri ân cho hoạt động đào tạo của trường.
Tìm được thị trường ngách
Trường Đại học Đà Lạt ở Tây Nguyên giống như con cá lớn trong một cái ao nhỏ. So với các đại học trong cùng khu vực, trường Đại học Đà Lạt có một lịch sử lâu đời và một xuất phát điểm thuận lợi hơn. Trường được thành lập trên nền của Viện Đại học Đà Lạt, một đại học tư thục có tiếng và danh giá trong khu vực miền Trung – Nam Bộ dưới thời Việt Nam Cộng hòa từ năm 1958, đào tạo đa ngành, theo định hướng giáo dục khai phóng với bốn trường/khoa gồm: Trường Sư phạm, Trường Văn khoa, Trường Khoa học và Trường Chính trị Kinh doanh. Các trưởng khoa trước đây đều được đào tạo từ các trường danh tiếng trên thế giới ở Mỹ và Pháp. Sau năm 1976, mặc dù không theo định hướng cũ, toàn bộ sinh viên và giảng viên trước đây cũng không một ai còn ở lại nhưng trường Đại học Đà Lạt được kế thừa một cơ sở vật chất khang trang và cách quản lí các khoa bài bản và là một trong bốn trường đại học tổng hợp đầu tiên của Việt Nam (bên cạnh Đại học Tổng hợp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế). Không ngạc nhiên khi trường vẫn giữ vị trí số một Tây Nguyên từ trước đến nay.
Điều kiện tự nhiên và kinh tế đặc thù ở tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên khiến những gì được đào tạo và nghiên cứu ở trường dễ dàng được chuyển giao ra ngoài thực tế. Lâm Đồng có lẽ là tỉnh duy nhất có một lịch sử lâu đời sản xuất nông sản giá trị cao, chuyên cung cấp rau và hoa cho toàn bộ miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng hòa bởi khí hậu giống như những vùng ôn đới. Giờ đây, khác với hầu hết các tỉnh thành khác trên cả nước, sản xuất nông nghiệp ở đây gần như đã đạt đến một chuỗi khép kín chuyên nghiệp từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường đầu ra. Người nông dân, các chủ trang trại ở đây không chỉ nhạy bén với công nghệ mới mà còn sẵn sàng chịu rủi ro, bỏ tiền ra thử nghiệm. Các trang trại lúc nào cũng trong tình trạng khan hiếm nhân lực. Du lịch ở Đà Lạt cũng đặc biệt, luôn trong tình trạng khách du lịch cao kỉ lục, vượt trên cả Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, gọi là hội chứng “Nghiện Đà Lạt” (Dalat Holic), nhưng số lượng khách sạn 3-5 sao chỉ chiếm 1/3 - 1/7 so với các địa danh trên và tỉnh cũng hạn chế những dự án khách sạn cao tầng vì e ngại phá vỡ cảnh quan thành phố, mở ra cơ hội “chen chân” cho các homestay và nhà vườn.
Phòng thí nghiệm tự sắm của TS. Nguyễn Công Nguyên, để thực hiện các phân tích màng mỏng lọc nước của mình, mỗi mùa hè, anh phải “chạy sang Đài Loan” vì ở đây không có đủ thiết bị.
Lối đi trong đào tạo nông nghiệp của trường Đại học Đà Lạt được PGS. Kết tuyên bố rất rõ ràng, “chỉ hướng đến rau và hoa công nghệ cao” và “chuyên tâm những gì phục vụ cho kinh tế của tỉnh trước”. Điều này được thể hiện xuyên suốt ở khoa sinh học và khoa nông lâm. TS. Trần Văn Tiến, trưởng khoa sinh học cho biết, các hướng nghiên cứu của khoa, về cơ bản đều dựa trên điều kiện tự nhiên và đa dạng sinh thái của vùng miền Trung – Tây Nguyên. Chẳng hạn, họ chỉ tập trung chọn tạo giống rau, hoa và đưa ra các chế phẩm vi sinh phục vụ canh tác hữu cơ đặc biệt phù hợp với khu vực này. Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Tuân, khoa nông lâm đang có thế mạnh về ngành công nghệ bảo quản rau, hoa sau thu hoạch – một trong những ngành đang khát nhân lực nhất ở Lâm Đông. Hay Viện Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ sinh học, được cho là đầu mối chuyển giao công nghệ của trường trong tương lai, sẽ chỉ tập trung vào công nghệ trồng tối ưu nhất cho nấm và dâu tây, hai loại thực vật rất khó trồng nhưng nhiều người quan tâm vì giá trị cao.
Kể cả các ngành khác, việc đào tạo hay nghiên cứu của họ cũng gắn liền với nhu cầu của Lâm Đồng và Tây Nguyên. Như đã nói ở trên, Khoa Du lịch là một ví dụ. Một trong những đóng góp lớn của họ đó là tạo ra những loại hình du lịch mới tận dụng những nguồn lực sẵn có của Tây Nguyên, thay đổi bộ mặt du lịch của Đà Lạt. Từ những đề tài chưa đến 190 triệu của tỉnh, họ tự điều tra khảo sát, nghiên cứu tiềm năng địa điểm, thuyết phục doanh nghiệp, người dân bỏ tiền đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật, thiết kế chương trình kết hợp với các công ty lữ hành để đưa khách du lịch đến tận nơi thử nghiệm, và đưa ra đánh giá hiệu quả đầu tư. Với cách nghiên cứu bài bản, họ là người khởi xướng mô hình tham quan nhà vườn giờ đang trở thành trào lưu lan rộng khắp tỉnh Lâm Đồng. Bộ tiêu chí đánh giá nhà vườn của UBND tỉnh Lâm Đồng cũng xuất phát từ nghiên cứu của khoa. Một trường hợp khác là khoa kĩ thuật hạt nhân, sau khi chính phủ tuyên bố ngừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận vào năm 2016, đã chuyển hướng sang ứng dụng kĩ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống cây trồng.
Sự thông hiểu những đặc trưng bản địa không chỉ khiến cho trường tìm được một thị trường đào tạo và nghiên cứu riêng biệt mà còn khiến họ trở thành “điểm đến” của các doanh nghiệp trên địa bàn mỗi khi gặp khó khăn. “Chúng tôi hơi một tí là nhận được cuộc gọi ‘cô ơi cái này phải làm thế nào’ cái kia ‘phải làm thế nào’, thế là mình lại tư vấn” – chị Trương Thị Lan Hương, giảng viên Khoa Quản trị du lịch chia sẻ. Chính vì vậy, chị không gặp khó khăn gì khi hợp tác và kể cả thuyết phục doanh nghiệp bỏ vốn đối ứng đầu tư thử nghiệm các mô hình du lịch mới trong nghiên cứu của mình. Thậm chí, cả khóa luận tốt nghiệp của sinh viên cũng thuyết phục được doanh nghiệp ứng dụng, ví dụ như tuyến du lịch sinh thái ở Bidoup Núi Bà. Đối với nhiều khoa của trường Đại học Đà Lạt, việc trao đổi giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, cởi mở và tự nhiên tới mức, họ không để ý đó là quá trình chuyển giao tri thức – vốn là khó khăn không ai muốn nhắc đến ở các trường đại học lớn khác. TS. Nguyễn Công Nguyên, khi dẫn chúng tôi tới thăm phòng thí nghiệm của Khoa Môi trường, chỉ vào những chai đựng nước thải xếp ngay ngắn dưới các bàn thí nghiệm và cho biết, khoa anh giúp thiết kế hệ thống xử lý nước thải cho hầu hết các bệnh viện, khu chăn nuôi và khách sạn ở tỉnh Lâm Đồng.
Có thể, mối quan hệ khăng khít với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm đã giúp cho trường Đại học Đà Lạt không bị rơi vào lối dạy “tầm chương trích cú”. Nhưng đến năm 2014, trường mới áp dụng CDIO – một giải pháp thiết kế chương trình đào tạo hết sức khắt khe được khởi xướng bởi những trường kĩ thuật hàng đầu Mỹ và châu Âu, dựa trên các tiêu chuẩn đầu ra. Lúc đó, các doanh nghiệp mới thực sự được tham gia thảo luận cùng xây dựng chương trình. Trong trường hợp của ngành nông học, khoa nông lâm, trường mời tới 200 chuyên gia, doanh nghiệp và cựu sinh viên tới góp ý về khung chương trình và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Vượt ra khỏi sự “cô lập”
Trong ấn tượng của nhiều người, trường Đại học Đà Lạt là một cơ sở đào tạo quá chuyên biệt và tự giới hạn mình trong đường biên của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Trên thực tế, vì vị trí địa lý và điều kiện đầu tư của nhà nước, ngôi trường này, ở một khía cạnh nào đó, trong một thời gian dài, gần như bị “cô lập”, không hề có hợp tác quốc tế. Đến cuối những năm 90, số lượng tiến sĩ của trường chỉ đếm trên đầu ngón tay, toàn là những người tập kết ra Bắc trước năm 1975 rồi đi học ở các nước Xã hội Chủ nghĩa. Những giảng viên khác thì không có cơ hội bởi lúc đó, “Các công văn để thi đi học nước ngoài thì ngoài bộ gửi qua đây là đã hết hạn rồi. 31 hết hạn thì 30 công văn mới tới, lấy đâu ra, không đi được”. Đó còn chưa kể, vì chưa từng nói tiếng anh nên các giảng viên “cứ thấy khách nước ngoài là trốn.” – PGS. Kết kể lại.
TS. Lee Hyun Suk tới trường Đại học Đà Lạt làm việc được bốn năm và lập ra bảo tàng côn trùng ở đây.
Đến những năm 2000, trường Đại học Đà Lạt mới có hợp tác quốc tế, nhờ nỗ lực của cố GS. Nguyễn Hữu Đức. Ông là học trò của nhà toán học Việt kiều nổi tiếng Frederic Phạm và là một thành viên kì cựu của nhóm nghiên cứu kì dị tại Việt Nam bên cạnh những GS đầu ngành như Hà Huy Vui, Nguyễn Tự Cường tại Viện Toán học dưới thời GS. Lê Văn Thiêm. PGS. Kết đánh giá về ông là một người “quan hệ rộng và open-minded (cởi mở)”. Qua mối quan hệ cá nhân, dự án đầu tiên mà ông mang đến cho trường Đại học Đà Lạt vào năm 2005 do Hàn Quốc tài trợ bốn tỷ đồng, liên quan đến phát triển công nghệ sinh học được dành cho khoa nông lâm và khoa sinh học. Các đối tác quan trọng nhất đối với trường Đại học Đà Lạt, chủ yếu đến từ các quốc gia/vùng lãnh thổ ở Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản – cũng là các quốc gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh. Sau khi qua đời vào năm 2007, ông đã thiết lập được mối quan hệ với 35 viện, trường, công ty Hàn Quốc.
Cho đến hiện nay, các mối quan hệ hợp tác quốc tế của trường Đại học Đà Lạt chủ yếu đến từ các mối quan hệ cá nhân. Nhiều khi vì cảm mến cung cách làm việc của những giảng viên ở đây mà họ tới hợp tác. Chẳng hạn, Lee Hyun Suk, tiến sĩ sinh vật nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Việt Nam đã tới trường Đại học Đà Lạt làm việc bốn năm và lập một bảo tàng côn trùng ở đây chỉ vì “lời mời của thầy Kết”. Hay công ty Saponia, lựa chọn trường Đại học Đà Lạt để thử nghiệm trồng sâm của Hàn Quốc tại Việt Nam, nếu thành công sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ cho trường chỉ vì “TS. Tuân là người làm việc chính xác và có tấm lòng”.
Nhờ vào những mối quan hệ cá nhân đó mà trường Đại học Đà Lạt xây dựng được hệ thống phòng thí nghiệm và gửi các giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Năm 2009, nhờ vào mối quan hệ của mình mà PGS. Nguyễn Văn Kết đã giành được một dự án ODA của Hàn Quốc và nhờ đó xây dựng phòng thí nghiệm của khoa nông lâm với máy móc hiện đại nhất, “máy phân tích ở nước ngoài có gì thì mình đều có hết” – TS. Tuân, từng làm nghiên cứu sinh ở Đại học Hannover, Đức cho biết. Nhưng không phải tất cả các khoa đều có may mắn như vậy, phần lớn các thiết bị hiện nay không đủ để phục vụ cho họ công bố quốc tế. TS. Tiến ở Khoa Sinh học cho biết, nếu muốn giải trình tự gene phức tạp là phải nhờ phía Hàn Quốc. Còn TS. Nguyên ở Khoa Môi trường phải “tranh thủ mấy tháng hè” qua làm việc với giáo sư của anh ở Đài Loan để tiếp tục hướng nghiên cứu về màng mỏng lọc nước biển thành nước uống của anh. Anh chia sẻ rằng, anh sẽ mua lại một trong hai máy làm màng lọc của ông. Ở trong tình trạng khó khăn hơn, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao, suốt nhiều năm mới sắm được một thiết bị cơ bản là nồi hấp để tiệt trùng trong phòng thí nghiệm, còn những thứ khác, dù đơn giản như kính hiển vi… cũng chưa có. Nhưng ngay cả khi được hỗ trợ bởi đối tác, nhận được máy móc của họ từ nước ngoài là cả một chặng đường khó khăn đối với trường Đại học Đà Lạt. PGS. Nguyễn Văn Kết thốt lên “ôi thôi thôi” mấy lần, lắc đầu đầy chán nản khi nhớ lại năm 2014 tiếp nhận thiết bị mô phỏng lõi lò phản ứng hạt nhân OPR 1000 Core Simulator từ phía Hàn Quốc, về cơ bản chỉ là một chiếc máy tính, ông phải chạy khắp các bộ ngành xin một loạt giấy tờ “trời ơi đất hỡi” từ an toàn bức xạ đến phòng cháy chữa cháy để có thể thông quan.
Có được cơ sở vật chất, thiết bị là một chuyện, duy trì nó lại là việc khác. Khác với nhiều trường lớn, có một khoản kinh phí thường xuyên để bảo trì phòng thí nghiệm của mình, các giảng viên trường Đại học Đà Lạt hoàn toàn phải tự lo cho phòng thí nghiệm của mình. Mặc dù có mối liên kết với doanh nghiệp khăng khít nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Lạt chưa đủ tiềm lực để dám đồng nghiên cứu. Đa số trường hợp, trường vẫn tư vấn miễn phí. Kinh phí để “nuôi” các phòng thí nghiệm, không gì ngoài các đề tài, dự án. Tuy nhiên dù năng lực nghiên cứu không phải bàn cãi, chưa bao giờ trường nhận được đề tài nhà nước về khu vực Tây Nguyên. Từ năm 2013-2017, 100% số đề tài của trường là đề tài cấp tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo với tổng kinh phí mỗi năm được nhận, là những con số khiêm tốn ở khoảng 2 tỉ - 6 tỉ đồng.
Nhưng mặc dù phải xoay sở với những nguồn tài trợ ít ỏi và nỗ lực gấp nhiều lần những nơi khác để có được các mối quan hệ quốc tế, những giảng viên của trường Đại học Đà Lạt, theo cảm nhận của tôi, đầy hạnh phúc khi làm việc ở đây, trong không khí gần gũi gần giống như một gia đình. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi 90% giảng viên được gửi đi học ở nước ngoài sẽ quay trở lại tiếp tục làm việc tại Đà Lạt, dù nhận được nhiều lời mời chào từ các nơi khác.
“Vì mọi người thích Đà Lạt, chọn ở Đà Lạt” – chị Trương Thị Lan Hương nói, không cần đến một giây suy nghĩ. Có lẽ người Đà Lạt chọn sự thư thái tinh thần hơn là tiền bạc? Khi lý giải tại sao trường Đại học Đà Lạt quyết không tăng học phí dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và tại sao vẫn giữ nhiệm vụ đào tạo kĩ thuật hạt nhân, giữ nguyên ưu đãi cho sinh viên khi nhà nước chưa hỗ trợ một đồng nào, PGS. Kết trả lời: “cái tính cách của người Đà Lạt nó như thế”. □