Tư nhân đầu tư vào giáo dục đại học và nghiên cứu: Bây giờ chính là thời cơ
- Thứ bảy - 11/08/2018 10:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước sự kiện này, Ấn phẩm Tia Sáng đã tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển PRATI & TIAS” kết nối lãnh đạo của Phenikaa, người đứng đầu các viện nghiên cứu mới thành lập và một số nhà khoa học uy tín. Buổi thảo luận, tuy vậy, không chỉ xoay quanh câu chuyện của Phenikaa mà còn là lời góp ý cho tham vọng đầu tư vào nghiên cứu khoa học của khối tư nhân.
Thời khắc của khối tư nhân
Xây dựng một trường đại học “đẳng cấp quốc tế” là vấn đề được bàn luận ở Việt Nam từ lâu nhưng những nỗ lực thực hiện chưa đem lại một kết quả khả quan.
Từng là thành viên trong tổ tư vấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong việc xây dựng đại học tiêu chuẩn quốc tế và của dự án tài trợ 300 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Á để hỗ trợ xây dựng mô hình đại học chất lượng cao ở Việt Nam (Trong đó, một trường đại học hợp tác với Chính phủ Pháp, đặt tại Hà Nội, chính là Đại học Việt Pháp hiện nay và một trường đại học hợp tác với Chính phủ Nhật, đặt tại Đà Nẵng), GS Phạm Duy Hiển nhận định rằng, kết quả của những dự án này, đều không được như kì vọng: “Tôi rút ra kết luận: trong điều kiện hiện nay nhà nước đừng đứng ra tổ chức các đại học quốc tế mà hãy để cho khu vực tư nhân, các hãng, các công ty thực hiện việc này. Hệ thống nhà nước quan liêu và có nhiều cản trở” – ông nói.
Nhưng không chỉ trong giáo dục đại học, khối công lập của Việt Nam cũng chưa có nhiều thành công trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi, tạo điều kiện cho những nhà khoa học có năng lực. Những lí do sâu xa của vấn đề này, được GS.Pierre Darriulat, người sáng lập ra Phòng thí nghiệm Đào tạo Việt Nam - Auger (Vietnam Auger Training LaboratorY – VATLY) nghiên cứu về tia vũ trụ đầu tiên tại Việt Nam nhắc đến nhiều lần trên Tia Sáng, chủ yếu là thiếu kinh phí nghiên cứu cho những lĩnh vực cần ưu tiên, thiếu sự tôn trọng với những kỷ luật và đạo đức khoa học và sự quan liêu (mà Trung Quốc đã giải quyết được nhưng Việt Nam thì chưa) trong khối công lập.
GS Pierre Darriulat. Ảnh: Thanh Nhàn
Điều này cũng nhận được sự đồng tình của nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trong buổi tọa đàm. Bộ KH&CN cũng có những vận động thay đổi quy chế tài chính (cơ chế quỹ và nâng cao mức trần đầu tư cho KH&CN trong doanh nghiệp) và cơ chế tuyển chọn người vào các cơ quan nghiên cứu nhưng bị vướng Luật Thuế, Luật Ngân sách, Luật Công chức Viên chức nên không thành hiện thực. Viện VKIST được lập ra như một “ngoại lệ” để thử nghiệm chính sách, tạo ra một môi trường thân thiện với nhà khoa học, nhưng vẫn vướng những quy định trên. Chính vì vậy, theo GS. Pierre Darriulat, khối tư nhân có thể tránh khỏi những vấn đề trên và nói một cách lạc quan, nếu thành công, có thể là một ví dụ để khối nhà nước thay đổi phương thức và thái độ đối với việc quản lý và tài trợ nghiên cứu khoa học.
Đa số những người có mặt ở hội thảo đều tin rằng, khi đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đào tạo, khu vực tư nhân có thể tránh được những điểm yếu của khối công lập. Với nguồn lực tài chính mạnh, người nắm quyền và người thực thi thu về một mối, cơ chế quản lí có thể linh hoạt, khối tư nhân có những lợi thế nhất định trong việc tạo ra một môi trường đổi mới sáng tạo cho các cá nhân có năng lực. Là doanh nghiệp với số lượng nhân viên lớn trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, họ cũng là những người nhanh nhạy với thị trường và nắm được yêu cầu đầu ra cần có của sinh viên để có một chương trình và cách thức đào tạo phù hợp.
Trường hợp này, Phenikaa có một tham vọng rất lớn, họ dự định sẽ xây dựng Đại học Thành Tây thành đại học nghiên cứu, và lọt vào top 30 các trường đại học châu Á trong vòng 30 năm nữa. Ngoài ra, hai viện nghiên cứu PRATI và TIAS đang dự kiến theo đuổi những hướng nghiên cứu cập nhật trên thế giới, thậm chí vượt ra ngoài những lĩnh vực thế mạnh của Phenikaa và không trực tiếp gắn liền với sản xuất và sản phẩm của tập đoàn như Y, dược và nông nghiệp.
TS Hồ Xuân Năng (đứng), Tổng giám đốc Phenikaa. Ảnh: Thanh Nhàn.
Đại học Thành Tây, PRATI và TIAS đều có ba hội đồng khoa học: một hội đồng quốc tế độc lập, gồm những nhà khoa học Việt kiều và nước ngoài, riêng PRATI có cả những doanh nhân của các tập đoàn công nghệ từ Đài Loan (Công ty TNHH Công nghệ Syskey), Pháp (Tập đoàn HORIBA), Hàn Quốc (Effucel Inc) và hai hội đồng khoa học gồm những nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài tập đoàn. Trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa Hồ Xuân Năng chia sẻ rằng, thời điểm này ở Việt Nam là cơ hội tốt để ông thực hiện những điều trên.
Hiện nay chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam còn hạn chế, trong khi nhu cầu của người Việt Nam mong muốn học trường đại học chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế mà không phải đi du học vẫn rất lớn, hơn nữa, rất nhiều những nhà khoa học Việt Nam tài năng ở nước ngoài và cả trong nước muốn trở về và tìm kiếm một nơi có điều kiện làm việc tốt trong điều kiện như vậy “Không phải lúc này thì là lúc nào [đầu tư cho đại học]?” - ông nói.
Dung hòa những xung đột
Vấn đề lớn nhất mà các nhà khoa học nêu ra đối với doanh nghiệp khi muốn tạo lập một tổ chức đào tạo chất lượng cao đó là con người - trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh. Đây cũng là điều mà bản thân Phenikaa cũng đã lường trước nhưng chưa chắc họ đã “thấm thía” sự khó khăn trong việc tìm kiếm những nhân vật đủ tố chất để điều hành và phát triển một tổ chức nghiên cứu mạnh.
GS. Phạm Duy Hiển cho rằng điều đó không dễ khi trong cộng đồng khoa học Việt Nam, có rất nhiều người có xu hướng làm việc một mình với một máy tính mạnh và phần mềm tốt để làm việc trên các kho dữ liệu của thế giới. Họ vẫn công bố nhiều nhưng không nâng tầm một nền khoa học khi không tạo ra một nhóm nghiên cứu cũng như đưa ra một hướng nghiên cứu mang tính đa ngành.
GS Phạm Duy Hiển (trái) và GS Võ Tòng Xuân. Ảnh: Thanh Nhàn
GS. Pierre Darriulat cũng đồng tình với ý kiến này. Ông cho rằng, điều đầu tiên phải làm là tìm người, biết cách thiết lập và triển khai các chương trình nghiên cứu, tuy nhiên trên thực tế “không nhiều người có thể làm được điều này”.
GS. Trần Đức Viên (Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đưa ra những tiêu chí chọn người cụ thể hơn, trong điều kiện Việt Nam, người trưởng nhóm nghiên cứu không chỉ phải đáp ứng năng lực khoa học mà cả về đạo đức: Phải có tầm nhìn chiến lược, không “ăn đong” mà phải theo đuổi định hướng nghiên cứu mình đặt ra đến cùng; phải dũng cảm và dám chịu khổ, chịu thiệt, vừa biết tạo ra thách thức để tạo hứng khởi cho đồng nghiệp nhưng cũng vừa tự nhận về mình việc khó, việc khổ và chấp nhận hưởng lợi ít hơn người khác, không chạy theo chức quyền để rồi bỏ mặc nhóm nghiên cứu tan vỡ. Theo GS. Pierre, cách tốt nhất để chọn đúng người là xin lời khuyên từ những người có uy tín lớn, kinh nghiệm lâu năm trong cộng đồng khoa học quốc tế.
Các nhà khoa học trong buổi hội thảo cũng cho rằng, khi doanh nghiệp bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, cần thiết phải đặt mục tiêu khiêm tốn. GS. Pierre cho rằng, cần thiết phải bắt đầu từ quy mô nhỏ và chỉ cần đặt mục tiêu chỉ phát triển 2 – 3 nhóm nghiên cứu mạnh. Không cần phải đầu tư nhiều tiền bạc vào cơ sở vật chất (không cần xây riêng một tòa nhà) và đội ngũ hành chính (chỉ nên có một người đóng vai trò liên lạc với các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu bên ngoài) nhưng phải có một dự án dài hơi và một khoản ngân sách rõ ràng để tài trợ cho nó. Việc chi tiêu khoản ngân sách này không nhất thiết phải đặt ra một cách chính xác (độ chính xác chỉ cần 30% là đủ) và tập đoàn có nghĩa vụ giám sát, giải ngân cùng với sự tư vấn của hội đồng khoa học quốc tế và các quyết định đưa ra cần phải công khai, minh bạch với các nhà khoa học.
GS Trần Đức Viên.
Nếu trong vòng 5 năm, họ xây dựng và ổn định được các nhóm nghiên cứu và sau 10 năm có tiếng tăm nhất định trên thế giới, theo GS. Pierre, đã là một thành công lớn và nó đòi hỏi tập đoàn phải tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức và kỷ luật khoa học, đặc biệt là đặt niềm tin cho những nhà nghiên cứu. “Đừng kì vọng họ có thể tạo ra lợi nhuận sớm mà nó sẽ mất rất nhiều thời gian” – ông nói. Ngoài ra, trong làn sóng coi trọng công bố quốc tế quá mức và có trường hợp các trường đại học tư nhân sẵn sàng bỏ kinh phí ra để “mua” công bố, thay vì tự thân xây dựng đội ngũ của mình, một viện/trường mới lập ra cần đủ tỉnh táo để hiểu rằng số lượng công bố quốc tế không phải là thước đo duy nhất cho năng lực khoa học của mình.
Việc cân bằng giữa lợi ích của tập đoàn và sự tự do của nhà khoa học cũng sẽ là một thách thức lớn mà Phenikaa phải đối mặt. TS. Nguyễn Trần Thuật, Trung tâm Công nghệ Nano và Năng lượng (ĐHQGHN) cho rằng giá trị cốt lõi của đại học và nghiên cứu khoa học cơ bản là tự do học thuật, có thể nghiên cứu hàng chục năm mới ra kết quả trong khi doanh nghiệp chỉ có thể tập trung cho những gì có lợi cho mình, kể cả nghiên cứu cũng chỉ có thể ưu tiên cho hướng gần với sản xuất của mình và có thể ra sản phẩm ngay.
Vậy doanh nghiệp có dung hòa được hai thái cực này không khi trên thế giới hiện nay, không có tập đoàn công nghệ nào dám đầu tư cho trường đại học và viện nghiên cứu cơ bản? GS. Trần Xuân Hoài, Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng (Viện hàn lâm KH&CN VN) cũng chia sẻ rằng, mô hình viện nghiên cứu mà Phenikaa theo đuổi hiện nay cũng giống như những gì hãng máy tính IBM làm cách đây hơn 70 năm với Phòng thí nghiệm Khoa học tính toán Watson. Nhưng liệu bây giờ theo đuổi một mô hình 70 năm trước thì có phù hợp?
“Các anh phải làm thế nào để các anh sống trước đã. Phải ‘Phenikaa first’” – GS. Trần Xuân Hoài nói. Đa số mọi người cho rằng, các viện/trường tư nhân chỉ nên lựa chọn một vài hướng nghiên cứu và lĩnh vực trọng điểm, gắn trực tiếp với lợi ích của doanh nghiệp thay vì dàn trải nhiều lĩnh vực. TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên, một nhà nghiên cứu giáo dục đại học độc lập, cũng cho biết là trường hợp Phenikaa trước hết chỉ nên tập trung đào tạo mảng khoa học – công nghệ (cho đến khi tốt mới chuyển sang y, dược và kinh tế).
Hơn nữa, cần xác định mối liên kết giữa các viện, trường và tập đoàn dựa trên đầu vào và đầu ra: viện/trường có thể đóng góp gì cho tập đoàn và ngược lại, tập đoàn có thể đóng góp gì cho viện/trường. Chỉ khi lượng hóa được đầu vào – đầu ra nói trên thì doanh nghiệp và khối viện/trường mới có thể ràng buộc với nhau về tự do học thuật và trách nhiệm giải trình, nếu không thì mối quan hệ này rất dễ đổ vỡ.