Việt Nam cần áp dụng theo hệ thống giáo dục Bologna
- Chủ nhật - 11/12/2016 18:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nơi áp dụng theo hệ thống giáo dục Bologna, sinh viên chỉ mất ba năm để có bằng đại học, nhưng trình độ tương đương với sinh viên các trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội (học trong bốn năm) và Đại học Bách khoa Hà Nội (học trong năm năm). Nguồn: http://www.usth.edu.vn.
Nhiều nhà trí thức và học giả Việt Nam đã có cơ hội bày tỏ quan điểm, kêu gọi một sự đổi mới toàn diện thay vì dần dần từng bước, trong thời gian gần đây điển hình có các ý kiến của Ngô Bảo Châu trong Nhóm Đối thoại Giáo dục Việt Nam[1], một báo cáo của UNESCO về giáo dục sau trung học ở Châu Á[2] và một số nội dung công bố tại một hội thảo chuyên đề do Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Giáo dục tổ chức hồi tháng Sáu năm 2014 tại Đại học Nguyễn Tất Thành [3].
Thay vì trình bày thật chi tiết các luận điểm về đổi mới giáo dục Việt Nam, điều mà GS Hoàng Tụy cùng nhiều người đã làm trong những năm qua, tôi chỉ xin điểm lại một vài ý quan trọng: Việt Nam nên quan tâm tới những khuyến nghị được đưa ra nhiều lần bởi các báo cáo đánh giá nhằm cải thiện giáo dục sau trung học; xác định và làm rõ về mục tiêu của các trường đại học; tìm ra điểm hài hòa giữa hai thái cực, giữa một bên là phục vụ kiến tạo tầng lớp tinh hoa, bỏ qua nhu cầu số đông, và phía ngược lại là tham vọng giáo dục bình đẳng tuyệt đối cho mọi thanh thiếu niên; Việt Nam cần xác định và thể hiện rõ các nhu cầu của đất nước đối với các ngành nghề khác nhau, theo đó phân bổ hài hòa nguồn lực, đội ngũ giảng dạy giữa các trường; công tác hướng nghiệp cần chú trọng giúp giới trẻ đưa ra lựa chọn tối ưu cho tương lai của họ; nên học từ kinh nghiệm của các nước khác, nhưng hoàn toàn không nên sao chép cứng nhắc mà phải tôn trọng những hoàn cảnh, đặc thù riêng; quy hoạch các trường đại học công lập và tư thục phù hợp với sự phát triển của đất nước, đảm bảo cả hai đối tượng đều phát triển hài hòa; nhận thức rõ rằng sinh viên trẻ ở Việt Nam là những người thông minh, không hơn cũng không kém so với ở bất kỳ quốc gia nào khác, khác biệt duy nhất chính là quá trình đào tạo mà họ nhận được từ trường đại học; nhiều nội dung giảng dạy ở trường hiện nay đã lạc hậu, cần được điều chỉnh cập nhật; các trường đại học của Việt Nam nên rèn luyện tư duy phản biện cho giới trẻ, hình thành những nhân cách tỏa sáng bởi phẩm giá, trí tuệ, và sự liêm chính, thay vì tạo ra những con người chỉ biết phục tùng.
Tôi phải thú nhận rằng qua nhiều năm, những tiến bộ mà tôi được chứng kiến là không nhiều và dường như chúng thường bị cản trở bởi sự thắng thế của tình trạng trì trệ và xơ cứng. Tôi xin đưa ra hai ví dụ gần đây.
Chúng tôi làm nghiên cứu về vật lý thiên văn, là lĩnh vực vật lý năng động nhất hiện nay, được minh chứng bởi sự gia tăng số lượng thành viên so với các lĩnh vực khác trong Hội Vật lý Hoa Kỳ: từ 2012 tới 2016, lượng thành viên ngành vật lý thiên văn tăng tới 15%, trong khi ngành vật lý tính toán chỉ tăng 5% và tất cả các ngành vật lý khác (tám ngành) đều đang giảm. Trong giai đoạn mười lăm năm qua, trung bình cứ ba năm lại có một lần Nobel Vật lý được trao cho ngành vật lý thiên văn. Vậy mà ở Việt Nam, thiên văn học và vật lý thiên văn không hề được đào tạo ở trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Gần đây, một trong các sinh viên của tôi phải trình bày luận án tiến sỹ của mình trước một hội đồng chuyên môn. Ta có thể hình dung rằng lẽ ra hội đồng này phải bàn về sự thiếu hụt trong chương trình đào tạo ở Việt Nam và sự cần thiết của việc cải tiến nó. Nhưng không, người ta tốn nhiều thời gian để bàn về các vướng mắc hành chính và cách thức để làm sao thông qua một luận án tiến sỹ ngành thiên văn học trong bối cảnh ngành này không nằm trong danh sách được quy định. Câu chuyện này đã lặp đi lặp lại tới sáu lần với các trường hợp trước đây, xảy ra trong khoảng mười hai năm nay, cho thấy vấn đề không nằm ở các thành viên cụ thể trong hội đồng, mà là ở nhận thức chung của họ về vai trò, trách nhiệm của mình, như được quy định trong thẩm quyền của họ. Để có sự tiến bộ, chúng ta phải thay đổi các luật lệ quy định đang vận hành xã hội khi mà chúng không còn phù hợp với thực tiễn; chính vì vậy chúng ta cần những con người dám thực sự đưa ra quyết định; nếu ta chỉ biết tuân theo những luật lệ sẵn có, vậy thì đâu cần đến các nhà lãnh đạo, chỉ cần những cỗ máy cũng đủ rồi. Nếu chúng ta tìm cách đưa ngành vật lý thiên văn vào chương trình đào tạo tiến sỹ từ mười hai năm trước, thì ngày nay ta đâu còn bế tắc trong sự trớ trêu lỗi thời như vậy.
Thêm một ví dụ khác. Hơn hai năm trước, tôi kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về lợi ích cho Việt Nam từ các chương trình hợp tác với các trường đại học có uy tín trên thế giới trong đào tạo tiến sỹ. Các trường này sau đó sẽ tiếp tục dõi theo sự nghiệp của những học viên này, tạo ra mối quan hệ với các trường đại học khác ở nước ngoài nơi có thể tiếp tục mở rộng triển vọng hợp tác trong tương lai, mang lại kiến thức và kỹ năng không chỉ cho một cá thể học viên mà cho cả nhóm học viên người Việt. Tôi đã kiến nghị về việc đơn giản hóa những quy định về việc trao bằng ở phía Việt Nam, sao cho học viên có thể được trao đồng thời bởi cả hai quốc gia. Thứ trưởng Bùi Văn Ga bày tỏ rằng ông hoàn toàn đồng tình và cho tôi biết người của ông đang cố gắng điều chỉnh như hướng đề xuất của kiến nghị. Thế nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện chút nào, sau khi được cấp bằng ở nước ngoài, học viên vẫn phải mất thêm một năm thực hiện các quy trình cần thiết để được xét cấp bằng trong nước. Trong đó, ngoài các yêu cầu khác, họ phải bảo vệ trước một hội đồng trong nước và phải gửi một bản tóm tắt dài khoảng 25 trang cho năm mươi (50!) tiến sỹ người Việt, trong đó tối thiểu phải có mười lăm người cho phản hồi tích cực. Trong ngành vật lý thiên văn của tôi, số lượng tiến sỹ ở Việt Nam ít hơn nhiều so với con số mười lăm. Chuyện này không chỉ đáng xấu hổ mà còn phản ánh một tâm lý ngờ vực đầy định kiến. Việc đơn giản hóa quy trình thủ tục liệu có gây tốn kém, phiền hà? Không hề, nếu không muốn nói là còn giúp giảm bớt chi phí.
Tôi có thể dẫn thêm nhiều ví dụ khác, nhưng hai trường hợp trên đây giúp minh họa khá rõ cho sự bảo thủ và trì trệ mà chúng ta đang phải đối diện khi tìm cách cải thiện giáo dục sau trung học ở Việt Nam.
Trong tình hình đó, chúng ta rất nên xem xét áp dụng các chuẩn mực của hệ thống giáo dục Bologna để tạo cơ hội chỉnh đốn và mang lại một bầu không khí trong lành hết sức cần thiết cho giáo dục sau trung học ở Việt Nam. Ở đây ta không bàn quá nhiều vào các chi tiết, nhưng có thể nói rằng việc áp dụng theo hệ thống Bologna sẽ giúp các trường đại học Việt Nam giảm thời gian đào tạo đại học từ bốn - năm năm xuống còn ba năm. Tất nhiên, đó là với các trường đại học giảng dạy khoa học – kỹ thuật; các trường khác không nhất thiết áp dụng khung thời gian này. Những ai trong chúng ta từng giảng dạy các sinh viên năm cuối trong các trường đại học ở Việt Nam có lẽ cũng nhận thấy rằng phải tới hai phần ba, nếu không muốn nói là ba phần tư các em trong lớp học được rất ít từ những năm tháng đại học của mình, thậm chí còn bị rơi rụng đi những kiến thức trung học phổ thông nền tảng.
Qua giảng dạy các lớp thạc sỹ ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (nơi áp dụng theo hệ thống Bologna), tôi thấy rằng các sinh viên có bằng đại học từ trường này chỉ mất ba năm, nhưng trình độ tương đương với sinh viên các trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội (học trong bốn năm) và Đại học Bách khoa Hà Nội (học trong năm năm). Như vậy, lợi ích quan trọng nhất của việc áp dụng hệ thống Bologna là tiết kiệm được một năm trong giai đoạn thời gian quý giá nhất đời người của thế hệ trẻ Việt Nam. Ngoài ra còn giúp tiết kiệm các nguồn lực, gồm cả nhân lực và vật lực để dành cho việc khác. Điều này còn giúp mang lại sự bình đẳng, khi mà thời lượng đào tạo đại học trên cả nước đều như nhau. Đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta xem lại và hiện đại hóa danh mục chủ đề giảng dạy trong các trường; đưa ra những chỉnh đốn mà hệ thống giáo dục đại học của chúng ta đang rất cần; giúp các bậc phụ huynh tin tưởng rằng đất nước đủ năng lực giáo dục con em họ; góp phần giảm bớt dòng sinh viên du học, qua đó hạn chế bớt sự lãng phí tài lực to lớn và nạn chảy máu chất xám mà Việt Nam đang phải gánh chịu.
Thanh Xuân dịch
Nguồn:
1. Tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học ở Việt Nam, Tháng 5, 2015
2. http://www.uis.unesco.org/Library/ Documents/higher-education-asia-graduate-univrsity-research-2014-en.pdf
3. Developing a Globally Integrated Higher Education System in Vietnam: A Nine-Point Plan, cheer/edu/vn/en.