6 nữ khoa học gia xuất sắc chưa được ghi nhận công lao

6 nữ khoa học gia xuất sắc chưa được ghi nhận công lao
Dù là người đầu tiên quan sát ẩn tinh, nghiên cứu ngôn ngữ lập trình hay chụp ảnh cấu trúc ADN, nhiều nữ khoa học gia phải ngậm ngùi để vuột giải Nobel vào tay các đồng nghiệp nam.
6-nu-khoa-hoc-gia-xuat-sac-chua-duoc-ghi-nhan-cong-lao

Jocelyn Bell Burnell, nhà vật lý thiên văn người Ireland, bắt đầu nghiên cứu thiên văn học sau khi cha bà, một kiến trúc sư, thiết kế nhà mô hình vũ trụ ở Bắc Ireland. Năm 1969, Burnell nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Cambridge, Anh, khi bà tham gia chế tạo một chiếc kính thiên văn cho phép phát hiện tín hiệu vô tuyến từ ẩn tinh, sóng tàn dư của những ngôi sao lớn.

Burnell là người đầu tiên quan sát, phân tích các ẩn tinh. Tên của bà và cộng sự xuất hiện trên nhiều ấn phẩm học thuật. Nhưng chỉ có Antony Hewish, cấp trên của Burnell và đồng nghiệp Martin Ryle, nhận giải thưởng Nobel năm 1974 dành cho những khám phá này. 

6-nu-khoa-hoc-gia-xuat-sac-chua-duoc-ghi-nhan-cong-lao-1

Ada Lovelace, con gái nhà thơ nước Anh Lord Byron và Annabella Milbanke, được cho là nhà lập trình máy tính đầu tiên trên thế giới, trong những năm đầu thế kỷ 19. Bà thậm chí còn giải thích cách thức máy tính và ngôn ngữ lập trình hỗ trợ giải quyết các vấn đề toán học, cũng như cách nó tạo ra âm nhạc và hiểu từ ngữ.

Dù có nhiều đóng góp xây dựng nền tảng lý thuyết cho ngôn ngữ lập trình, tên tuổi của Ada Lovelace ít được chú ý khi nhắc đến lịch sử máy tính. 

6-nu-khoa-hoc-gia-xuat-sac-chua-duoc-ghi-nhan-cong-lao-2

Rosalind Franklin, nhà khoa học nữ người Anh, là người đầu tiên chụp ảnh cấu trúc ADN thông qua quá trình nhiễu xạ tia X. Ngày nay, chúng ta biết ADN là một chuỗi xoắn kép, gồm hai mạch nucleotide song song, xoắn đều theo chiều từ trái sang phải.

Theo Scientific American, những bức ảnh ADN của Franklin bị sử dụng khi chưa được bà cho phép. Năm 1953, Francis Crick và James Watson công bố loạt ảnh trên ấn bản của tạp chí Nature, nhưng chỉ chú thích tên Franklin ở cuối trang. Franklin đã qua đời trước khi chứng kiến Watson và Crick nhận giải Nobel. Năm 1958, Franklin chết vì bệnh ung thư, có thể do tiếp xúc quá nhiều với tia X. 

6-nu-khoa-hoc-gia-xuat-sac-chua-duoc-ghi-nhan-cong-lao-3

Lise Meitner, nhà vật lý người Áo, làm việc cùng với nhà hóa học Otto Hahn suốt 30 năm để khám phá hiện tượng phân rã hạt nhân, nghiên cứu cho phép chế tạo quả bom nguyên tử sau này. Meitner tiến hành một phần nghiên cứu ở Thụy Điển khi chạy trốn khỏi Đức quốc xã. Dù cả hai nhà khoa học cùng nghiên cứu và được đề cử, chỉ có Hahn nhận giải Nobel vào năm 1944.

Meitner cũng có công phát hiện, bổ sung thêm một nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học, đó là nguyên tố meitneri (Mt), mang số hiệu nguyên tử 109. 

6-nu-khoa-hoc-gia-xuat-sac-chua-duoc-ghi-nhan-cong-lao-4

Cecilia Payne-Gaposchkin là chuyên gia nghiên cứu thực vật, vật lý, hóa học tại Đại học Cambridge, Anh, trong những năm đầu thế kỷ 20. Payne chuyển đến Mỹ để tốt nghiệp và nhận học vị. Tại Đại học Radcliffe trực thuộc Đại học Harvard, Mỹ, Payne trở thành người đầu tiên nhận học vị tiến sĩ vật lý thiên văn khi giải thích ngôi sao có cấu tạo từ hydro và heli.

Luận án của Payne được đánh giá là "luận án tiến sĩ xuất sắc nhất từng được viết trong lĩnh vực thiên văn học". Tuy nhiên, phải mất 5 năm sau đó khám phá của bà mới được chấp nhận rộng rãi, khi nhà khoa học Henry Norris Russell công bố kết quả tương tự. 

6-nu-khoa-hoc-gia-xuat-sac-chua-duoc-ghi-nhan-cong-lao-5

Nettie Stevens, tiến sĩ di truyền học người Mỹ, là người đầu tiên khám phá tầm quan trọng của nhiễm sắc thể Y trong việc xác định giới tính của một loài nhất định. Giới khoa học trước đó cho rằng, mẹ và các yếu tố môi trường xác định giới tính của một người.

Trong mắt nhiều người, Stevens chỉ là người làm việc cho nhà khoa học nổi tiếng Thomas Morgan, trong khi hầu hết các phát hiện của bà đều được thực hiện độc lập. Thomas Morgan mới đầu bác bỏ những suy nghĩ của Stevens về nhiễm sắc thể Y, nhưng sau đó công nhận phát hiện trên vào năm 1905. 

Lê Hùng (Ảnh: Wikimedia)

Nguồn tin: VNExpress