Bảo tàng trong thời đại số: “Hậu bảo tàng”

Bảo tàng trong thời đại số: “Hậu bảo tàng”
Công nghệ thông tin đang làm thay đổi bảo tàng trên nhiều khía cạnh, đó là thay đổi mối quan hệ giữa bảo tàng với các cơ quan và tổ chức khác, các phương pháp và cách thức quản lý hiện vật, cũng như đa dạng hóa sự tương tác giữa bảo tàng và công chúng. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến cách thức trưng bày, nghiên cứu và tương tác, thậm chí nó còn liên quan đến quyền hạn và thẩm quyền, quyền sở hữu và kiểm soát đối với việc tiếp cận di sản và tài liệu.

 


Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ áp dụng công nghệ số để phục vụ khách tham quan.Nguồn clalliance.org

Không chỉ là tổ chức văn hóa chuyên thu thập, lưu giữ và trưng bày các đồ tạo tác có giá trị thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, bảo tàng còn là nơi mà theo thời gian, ý nghĩa của đồ tạo tác cũng sẽ thay đổi dựa trên mối quan hệ giữa chính nó, cách nó được trưng bày và sự cảm nhận của người xem. Thực tế là các bảo tàng ngày nay – hoặc ít nhất là những bảo tàng nằm trong thời đại xã hội hậu công nghiệp – vận hành trong nền văn hóa số. Nói cách khác, công nghệ thông tin sẽ tham gia vào quá trình tạo nghĩa cho hiện vật, đóng góp quan trọng vào mối quan hệ giữa lượt khách tham quan tại chỗ và lượt truy cập tham quan trực tuyến, đến việc đắm mình trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt thông qua màn hình chiếc máy vi tính, và từ việc số hóa bộ sưu tập hiện có cho đến việc đứng ra tổ chức một cộng đồng tưởng niệm ảo.  

Có hai quan điểm xuyên suốt trong cách tiếp cận bảo tàng trong nền văn hóa số. Đầu tiên là các phương thức trải nghiệm giác quan mới thông qua công nghệ hiện đại trong bảo tàng – dù là tham quan tại chỗ hay trực tuyến, không chỉ đối với các tác phẩm nghệ thuật và di sản sau này, mà còn cả với những tác phẩm hiện có. Thứ hai là nghiên cứu về cách công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông xây dựng bảo tàng như một nền tảng tri thức mới, giúp mở rộng vai trò của các bảo tàng với tư cách là tổ chức văn hóa và là nơi ‘đứng ra’ hình thành các cộng đồng mới. 

Khách tham quan đồng sáng tạo tác phẩm

Đây là khái niệm chỉ có trong thời đại số hóa. Nó xuất phát từ thực tế không chỉ cung cấp những công cụ hiện đại để trưng bày các hiện vật, công nghệ thông tin còn đưa ra những phương thức mới để giúp người xem trải nghiệm và cảm nhận tác phẩm nghệ thuật, điều này đòi hỏi một vốn kiến thức nhất định bởi những hoạt động này gắn với một loạt các khái niệm liên quan: tương tác, trải nghiệm xúc giác, ekphrasis (thủ pháp mô tả tác phẩm nghệ thuật bằng cách dùng ngôn từ gợi lên hình ảnh của nó), đắm chìm, suy tưởng bằng mắt (sự tò mò), hình ảnh với tư cách là một giao diện. Quá trình tập trung để trải nghiệm và nhận thức này đã hình thành nên bản chất của bảo tàng trong nền văn hóa thị giác đương đại, đồng thời đặt ra câu hỏi về quan niệm nghệ thuật thị giác của văn hóa phương Tây, vì nó đã vượt xa quan niệm truyền thống – các tác phẩm nghệ thuật tạo hình được trưng bày là “những thứ cần phải ngắm nhìn”. 

Trong suốt những thập kỷ qua, khách tham quan đã chuyển đổi vai trò từ người quan sát thụ động trở thành người tương tác với hiện vật, đồng thời cũng là người tham gia vào quá trình tạo nên ý nghĩa của nó. Công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông đã thúc đẩy sự phát triển này, không chỉ với khách tham quan tại chỗ, mà còn với cả phòng trưng bày trực tuyến. Và điều này rõ ràng đã tác động đến các chuyên gia phụ trách chuẩn bị triển lãm và thiết kế trưng bày, nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật và người đến thăm bảo tàng. 

Do đó, công nghệ thông tin đã góp phần định hình lại ý nghĩa bảo tàng, định nghĩa lại hiện vật và bộ sưu tập, cho phép các hình thức giám tuyển và đồng sáng tạo mới trong không gian bảo tàng. Nền tảng tri thức này có thể thách thức những mối quan hệ quyền lực hiện có, và tạo cơ hội cho những hình thức tự biểu hiện và tương tác mới. Những diễn giải và phân loại của bảo tàng dựa trên lịch sử nghệ thuật, dân tộc học, khảo cổ học và các ngành học thuật khác không còn là điều hiển nhiên nữa. Công nghệ thông tin đã mở ra những cách tiếp nhận mới, nhân lên các mối quan hệ có thể có giữa nghệ thuật và tác phẩm trưng bày từ các mốc thời gian và địa điểm khác nhau, cả tham quan tại chỗ và trực tuyến. Eilean Hooper-Greenhill, giáo sư nghiên cứu về bảo tàng, đã gọi bảo tàng trong nền văn hóa số là “hậu bảo tàng”, một địa điểm của sự đồng sáng tạo, nơi du khách và bảo tàng sẽ cùng nhau tạo ra ý nghĩa. Trong nền văn hóa số, các bảo tàng sẽ làm việc với cộng đồng, chứ không phải vì cộng đồng.  

Công nghệ kỹ thuật số mang đến những trải nghiệm mới và có thể gợi ra những cảm giác sâu xa dành cho tác phẩm nghệ thuật. TS Martijn Stevens của trường Đại học Radboud ở Nijmegen đã xem xét những điều này dưới khía cạnh trải nghiệm xúc giác hình thành khi lướt web và tương tác với nội dung số. Trải nghiệm xúc giác này thực ra không nhất thiết phải có sự hiện diện vật chất của một đối tượng. Lấy trang web Tate làm ví dụ, Stevens giải thích tầm quan trọng của trải nghiệm xúc giác trong môi trường kỹ thuật số bằng cách đề cập đến sức mạnh của cơ sở dữ liệu, “bao gồm khả năng thiết lập các kết nối về mặt địa lý và lịch sử - mà trước đó đã bị bỏ qua”. Stevens nhấn mạnh điều mà một số nhà nghiên cứu khác cũng từng nhắc đến là hình ảnh có chức năng như một giao diện, nghĩa là, “như một liên kết hoặc một cửa ngõ mở ra sự đa dạng của các đối tượng, con người, và các sự kiện liên quan”. 


L’Atelier des Lumières – Bảo tàng nghệ thuật số đầu tiên ở Paris mở vào năm 2018. Nguồn: culture360.asef.org

Những trải nghiệm xúc giác mà Stevens nhắc đến ở trên càng thêm thấm thía khi chúng ta xét về nghệ thuật sắp đặt, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật tương tác, bởi tất cả đều “trở nên sống động” thông qua các chuyển động cơ thể có kiểm soát. Những thiết lập tương tác này đem lại những phản hồi sinh học và việc kết hợp với công nghệ theo dõi đo nhịp thở, nhiệt độ và/hoặc nhịp tim khiến cơ thể con người thành cầu nối với các tác phẩm. Mặt khác, các tác phẩm sắp đặt tương tác lại biến bảo tàng và các không gian nghệ thuật khác thành một loại phòng thí nghiệm nghệ thuật kiểu mới, nơi các nghệ sĩ và du khách gặp gỡ và cùng nhau tạo ra ý nghĩa. Thay vì trở thành những tác phẩm để người đời chiêm ngưỡng từ xa, nghệ thuật tương tác phản hồi sinh học tiết lộ cho khách tham quan/người đồng sáng tạo một không gian bên trong để họ tự phản ánh, khiến họ nhận thức được sự nối kết giữa tâm trí và cơ thể. 

Công cụ để cộng đồng tự cất lên tiếng nói về mình

Sự phát triển của các bảo tàng nhắc nhở chúng ta suy nghĩ về cách con người liên hệ với quá khứ trong một nền văn hóa số. Mặc dù việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số có thể là một bước đi sáng tạo, nhưng các mô hình để trình bày lịch sử (nghệ thuật) mới là yếu tố xác định liệu bảo tàng lịch sử (nghệ thuật) sẽ được gắn nhãn “cổ lỗ” hay “mới mẻ”. Để tái hiện quá khứ, có ba mô hình được người ta nghĩ tới: trưng bày các đối tượng trong chuỗi thời gian lịch sử ngắn không liên tục; trưng bày các đối tượng theo thứ tự đồng hiện dù chúng được tạo ra vào những thời điểm khác nhau; và cách trưng bày gợi lên cảm giác đắm chìm vào quá khứ. Cả ba mô hình thay thế này sẽ góp phần kích thích trí tò mò của khách tham quan, qua đó thiên về điểm nhìn đương thời vào các bộ sưu tập trong quá khứ hơn là điểm nhìn hồi tưởng, vốn là yếu tố điển hình của các cách kể chuyện lịch sử truyền thống của bảo tàng.

Những bộ dữ liệu số còn gợi ý những cách làm mới của bảo tàng, qua đó cho phép cộng đồng cùng tham gia vào quá trình đó với cảm giác như một “chứng nhân” của sự kiện. Đó là trường hợp bảo tàng đứng ra ‘quy tụ’ một cộng đồng tưởng niệm: Đài tưởng niệm số hóa cho Cộng đồng Do Thái ở Hà Lan do Bảo tàng Lịch sử Do Thái ở Amsterdam tổ chức. Đài tưởng niệm bao gồm một “bức tranh vẽ các chấm màu”, trong đó mỗi chấm tượng trưng cho một nạn nhân trong tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã ở Hà Lan suốt thời kỳ chiếm đóng 1940-1945. Bằng cách nhấp vào một dấu chấm, màn hình sẽ hiện lên trang cá nhân của nạn nhân với thông tin tiểu sử và một bức ảnh (nếu có). Do đó, đài tưởng niệm còn mang chức năng cung cấp thông tin. Ter Braake, người từng là biên tập viên cho tượng đài từ năm 2007 đến năm 2012, cho biết dự án vấp phải rất nhiều khó khăn, bắt nguồn từ sức ép giữa “sự tưởng nhớ (có phần cảm tính), lịch sử (với mong muốn chính xác và khách quan), ký ức (thường tuyên bố là chính xác và khách quan, nhưng không phải thế), [và] bộ dữ liệu (không chính xác và cũng không khẳng định là chính xác)”. Điều thú vị là, chính phản ứng đầy bất ngờ và dữ dội của những du khách muốn điều chỉnh thông tin, chỉ ra mối quan hệ giữa họ với nạn nhân, hoặc giữa nạn nhân với những người khác, cuối cùng đã biến tượng đài thành một cộng đồng tưởng niệm trực tuyến có sự tham gia, tương tác, hợp tác và đầy sống động. 


Công nghệ thông tin có thể hỗ trợ rất nhiều cho người muốn khám phá các bộ sưu tập số. Nguồn: ww.axiell.com

Nhờ sự kết nối của công nghệ thông tin, các bộ sưu tập đã có thể được hỗ trợ, trao đổi và tương tác được với nhau, qua đó bật ra những giá trị mới, ví dụ như chia sẻ quyền giám tuyển và kiến thức dân tộc học với các cộng đồng thổ dân, kết nối di sản vật thể và phi vật thể, đồng thời giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu, quyền kiểm soát (ảo). Chúng ta có hiểu sâu hơn điều này qua dự án Lịch sử Sinh sống của người Inuvialuit (người Inuit ở Tây Canada), một dự án bảo tàng ảo của Trung tâm Tài nguyên Văn hóa Inuvialuit ở Inuvik, Lãnh thổ Tây Bắc, Canada, với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu, giám tuyển và nhà sản xuất truyền thông. Bảo tàng ảo sử dụng Bộ sưu tập Smithsonian MacFarlane nhằm mục đích kết nối bộ sưu tập này với các di sản phi vật thể có liên quan. Việc dân tộc học số hóa như vậy kích thích sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu với các cộng đồng nguyên bản, điều chỉnh quá trình giám tuyển, nghiên cứu và số hóa. Dự án Lịch sử Sinh sống của người Inuvialuit không chỉ tạo ra sự tương tác giữa các cộng đồng nguyên bản với bộ sưu tập dựa trên di sản của họ, mà quan trọng hơn, nó “cho thấy cơ hội để các cộng đồng nguyên bản tái lập di sản văn hóa của họ trong các bảo tàng dưới dạng không gian số, trao cho cộng đồng thổ dân cơ hội được trình bày về chính mình”. Nó là “một công cụ để thổ dân tự cất lên tiếng nói và khôi phục quyền hạn của mình ở khía cạnh dân tộc học”. 

Các bảo tàng ngày nay phải nâng cao hiểu biết của mọi người theo nghĩa chuyển đổi tầm nhìn. Theo nghĩa đó thì công nghệ kỹ thuật số là công cụ giúp nâng cao, mở rộng hình thức trải nghiệm và chức năng của bảo tàng chứ không phải là thay thế chúng bằng thứ khác. Chính vì vậy, chúng ta nên nhìn nhận công nghệ kỹ thuật số là phương tiện để các bào tàng thực hiện mục tiêu đó.□

Anh Thư lược dịch

Nguồn: Lời giới thiệu cuốn sách “Museums in a Digital Culture: How Art and Heritage Become Meaningful” (Các bảo tàng trong văn hóa số: Nghệ thuật và di sản trở nên có ý nghĩa như thế nào).