Buổi nói chuyện “Từ các quá trình tự nhiên đến các vật liệu tiên tiến”
- Thứ tư - 13/07/2016 16:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một chiếc lá nhân tạo được thiết kế chế tạo
bởi nhóm của GS. Nocera
tại Đại học Harvard, Mỹ [3]
Tự nhiên, với lịch sử dài tiến hóa, đang nắm giữ rất nhiều bí mật. Tìm hiểu các bí mật này không chỉ thỏa mãn khao khát tìm hiểu tự nhiên của con người mà còn đặt nền tảng cho việc nghiên cứu phát triển các vật liệu mới hay thiết bị công nghệ đáp ứng nhu cầu của con người. Hiện nay, phát triển các vật liệu tiên tiến với những tính năng đặc biệt dựa trên việc học hỏi các quá trình sinh hóa tự nhiên đang thu hút được rất nhiều các nhà khoa học, ví dụ như: cửa kính thông minh tự làm sạch được thiết kế dựa trên hiệu ứng lá sen (lotus effect), sơn chống hà cho tàu thuyền được thiết kế dựa theo da cá mập, vv.
Buổi nói chuyện về “Từ các quá trình tự nhiên đến các vật liệu tiên tiến” của TS. Trần Đình Phong sẽ tập trung giới thiệu những ý tưởng chế tạo lá nhân tạo, một giải pháp công nghệ tuyệt vời cho việc chuyển hóa và sử dụng năng lượng mặt trời dựa trên hiểu biết về cấu trúc và hoạt động của lá cây xanh và quá trình tổng hợp quang hóa tự nhiên (hình minh họa). Lá nhân tạo là một “ứng viên” hàng đầu trong việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế khi vấn đề thiếu hụt năng lượng và ô nhiễm môi trường do sử dụng các loại năng lượng hóa thạch (như dầu mỏ, than đá) đang ngày một báo động. Bên cạnh đó, diễn giả sẽ giới thiệu những nghiên cứu mới nhất, trong đó có các kết quả của nhóm nghiên cứu của anh [1,2], cũng như các thách thức còn tồn tại trong việc thiết kế lá nhân tạo.
TS. Trần Đình Phong tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội năm 2003 và tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Paris Surd, Orsaey, Cộng hòa Pháp năm 2008. Sau đó, anh có 6 năm làm post-doc tại Trung tâm năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế (CEA), Grenoble, Cộng hòa Pháp và nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu năng lượng, Đại học công nghệ Nanyang Singapore.
Hiện nay, anh là giảng viên Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Hướng nghiên cứu của anh tập trung vào tính chất hóa học của các vật liệu tiên tiến, các vật liệu mô phỏng cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của quá trình sinh hóa tự nhiên và các vật liệu xúc tác ứng dụng trong chuyển hóa năng lượng và xử lý môi trường. Công trình mới nhất do anh làm tác giả liên hệ (corresponding author) về molybden sulfide vô định hình, một vật liệu rẻ tiền và dễ chế tạo có thể thay thế xúc tác bạch kim trong phản ứng điều chế H2 – nhiên liệu sạch dùng trong pin nhiên liệu đã được đăng trên tạp chí Nature Materials vào đầu năm nay. Đây là cơ sở cho các nghiên cứu hiện nay mà nhóm nghiên cứu của anh đang hướng tới chế tạo một lá nhân tạo trong tương lai.
Buổi nói chuyện do Tạp chí Tia Sáng tổ chức:
Thời gian: 15 giờ ngày thứ Bảy 16/7/2016.
Địa điểm: Cà phê Trung Nguyên, 52A Hai Bà Trưng, Hà Nội
Diễn giả: TS Trần Đình Phong
Ban tổ chức kính mời những người quan tâm tới tham dự.
Tài liệu tham khảo
1. Tran and coll., “Coordination polymer structure and revisited hydrogen evolution catalytic mechanism for amorphous molybdenum sulfide”, Nature Materials, 2016, 15, 640-646
2. Tran and coll., “Silicon Decorated with Amorphous Cobalt Molybdenum Sulfide Catalyst as an Efficient Photocathode for Solar Hydrogen Generation”, ACS Nano 2015, 9, 3829-3836
3. Nocera, “The artificial leaf”, Accounts of Chemical Research, 2012, 45, 767-776