Công nghệ nano giúp chống ung thư di căn

Công nghệ nano giúp chống ung thư di căn
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 18/1, ánh sáng phát ra trong kỹ thuật chụp ảnh ung thư truyền thống nhằm xác định vị trí khối u di căn có thể kích hoạt các loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng để tiêu diệt tế bào ung thư.

 


Samuel Achilefu, tác giả chính của nghiên cứu. Ảnh: Đại học Washington.

"Ung thư di căn là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân tử vong. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phương pháp quang trị liệu (phototherapy) đặc biệt thích hợp để tấn công các khối u nhỏ lây lan đến những bộ phận khác nhau của cơ thể, kể cả sâu trong tủy xương", Samuel Achilefu, tác giả chính của nghiên cứu tại Trường Y khoa thuộc Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ), cho biết.

Phương pháp này sử dụng một loại thuốc hóa trị liệu gọi là titanocene. Khi chỉ là một tác nhân đơn lẻ, titanocene không mang lại hiệu quả điều trị tốt trong các thử nghiệm lâm sàng, ngay cả ở liều lượng tương đối cao. Nhưng khi tiếp xúc với ánh sáng nhìn thấy được, titanocen tạo ra các phân tử phản ứng độc hại với tế bào, ngay cả ở liều lượng thấp.

Achilefu và đồng nghiệp đưa titanocen với liều lượng thấp vào bên trong các hạt nano (nanoparticle) chịu trách nhiệm nhắm mục tiêu đến những protein nằm trên bề mặt của tế bào ung thư. Họ phát hiện ra rằng, khi các hạt nano tiếp xúc với tế bào ung thư, chúng sẽ giải phóng titanocene vào bên trong tế bào.

Nhóm nghiên cứu sau đó đưa vào cơ thể một chất dùng để chỉ dấu trong các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư gọi là đường fluorodeoxyglucose (FDG). Các tế bào ung thư đói năng lượng nhanh chóng tích lũy FDG, khiến các khối u phát sáng bên trong máy chụp cắt lớp phát xạ positron (PET). Ánh sáng này kích hoạt titanocene tạo ra gốc tự do và tiêu diệt tế bào ung thư.

Do titanocene và phân tử FDG đồng thời nhắm mục tiêu đến cùng một vị trí là các khối u, kỹ thuật này được cho là ít độc hại hơn so với xạ trị và hóa trị liệu tiêu chuẩn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cơ thể tự đào thải titanocene qua gan và FDG thông qua thận. Hai thành phần này được loại bỏ tách biệt nhau để làm giảm tối đa ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác.

Nhóm nghiên cứu tiến hành điều trị cho những con chuột bị đa u tủy xương (multiple myeloma) bằng phương pháp này mỗi tuần một lần trong suốt 4 tuần. Kết quả cho thấy, chúng có khối u nhỏ hơn đáng kể và sống sót lâu hơn so với nhóm chuột đối chứng, 50% số chuột đã được điều trị sống sót qua ít nhất 90 ngày. Trong nhóm chuột đối chứng, 50% số chuột sống sót qua 62 ngày. Những con chuột bị ung thư vú cũng cho thấy hiệu quả điều trị khối u, mặc dù không rõ rệt bằng những con chuột bị đa u tủy xương. Điều này có thể là do tính chất nguy hiểm hơn của dòng tế bào ung thư vú.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, một số loại đa u tủy xương nhất định có khả năng đề kháng với kỹ thuật quang trị liệu. Nguyên nhân là do các tế bào ung thư thiếu những protein đặc biệt trên bề mặt được sử dụng làm mục tiêu hướng đến cho các hạt nano chuyên chở thuốc titanocene.

"Khi chúng tôi nhìn kỹ hơn vào các tế bào có khả năng chống lại biện pháp quang trị liệu, chúng tôi thấy rằng protein bề mặt mà chúng tôi đang nhắm mục tiêu không xuất hiện ở đó. Vì vậy, chúng tôi muốn tìm ra một protein bề mặt khác để nhắm mục tiêu trong thời gian tới, nhằm tiêu diệt hết những tế bào kháng thuốc này. Nhờ đó, bệnh nhân sau khi điều trị có thể thuyên giảm hoàn toàn", Achilefu nói.

Quốc Hùng dịch

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2018/01/180129145742.htm