Đào tạo phải song hành cùng nghiên cứu *

Đào tạo phải song hành cùng nghiên cứu *
Hồ Mạnh Dũng

TS. Hồ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc 
Trung tâm Phân tích, Viện NRI
Điều đặc biệt cần lưu ý trong phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân là mối liên hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo: nghiên cứu chính là công cụ và cơ sở cho đào tạo.

Điều đặc biệt cần lưu ý trong phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân là mối liên hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo: nghiên cứu chính là công cụ và cơ sở cho đào tạo. Lâu nay, điểm yếu của chúng ta là nghiên cứu khoa học và đăng tải bài báo chưa trở thành nhu cầu thực sự của một bộ phận cán bộ nghiên cứu. Tỷ lệ công trình đăng tải trên tổng số công bố còn thấp, đặc biệt là tỷ lệ số bài báo trên mỗi đề tài/kinh phí đề tài còn rất khiêm tốn. Sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, triển khai và đào tạo còn yếu.

Để thay đổi thực trạng này trong phát triển nhân lực điện hạt nhân, trước hết cần xác định đúng những hướng nghiên cứu và đào tạo chính yếu phục vụ cho ngành, đó là: (1) An toàn điện hạt nhân, (2) Thiết kế và xây dựng nhà máy ĐHN, (3) Vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân, và (4) Nhiên liệu hạt nhân và chu trình nhiên liệu.

Trên bốn lĩnh vực này, yêu cầu đặt ra cho đội ngũ nhân lực được đào tạo như sau:

•  An toàn điện hạt nhân: Học viên phải hiểu rõ các vấn đề về thiết kế an toàn và các hạn chế của chúng; nắm vững các phương pháp phân tích an toàn; hiểu rõ về quản lý tình trạng khẩn cấp.

•  Thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Nắm vững về quá trình thiết kế, hệ thống, lựa chọn, chấp nhận và đánh giá nhà máy điện hạt nhân; hiểu rõ về công nghệ, có khả năng tham gia xây dựng, thử nghiệm, giám sát chất lượng nhà máy điện hạt nhân.

•  Vận  hành  và  bảo  dưỡng  nhà  máy  điện hạt nhân: Hiểu rõ về vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng, lão hóa vật liệu nhà máy điện hạt nhân; các vấn đề pháp quy liên quan.

•  Nhiên liệu hạt nhân và chu trình nhiên liệu: Hiểu rõ về nhiên-vật liệu hạt nhân; tối ưu hóa thay đảo nhiên liệu; nắm vững về các chu trình nhiên liệu.

Đối với Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt, hiện nay những yêu cầu mới đang được đặt ra trong công tác đào tạo - phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình điện hạt nhân, ngoài các lĩnh vực nghiên cứu truyền thống đã đạt được một số thành tựu, sắp tới chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu về vật lý hạt nhân, vật lý neutron và Vật lý lò phản ứng để hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy điện hạt nhân: nghiên cứu kiểm chứng các bài toán mẫu cho các mô hình lý thuyết được sử dụng để  tính  toán cho lò phản ứng năng lượng (LPƯNL); phát  triển  các  thí  nghiệm trên lò phản ứng nghiên cứu (LPƯNC)  để  kiểm  tra  giới  hạn  an  toàn  cho  LPƯNL  về truyền nhiệt; sử dụng kỹ thuật ghi hình ảnh bằng neutron (neutron imaging) để thu được các số  liệu cần thiết về dòng chảy đa pha trong bài toán thủy nhiệt phục vụ cho việc phân tích an toàn, v.v..

Những giải pháp cần cân nhắc là tập hợp lại đội ngũ làm nghiên cứu về vật lý hạt nhân; tách nhóm nghiên cứu vật lý lò ra khỏi công việc vận hành thường xuyên; lập nhóm nghiên cứu neutron để tìm hiểu và chuẩn bị cho các kỹ thuật neutron mới bao gồm:

Kỹ thuật chụp ảnh neutron cho phép kiểm tra các thanh nhiên liệu hoặc dò tìm khuyết  tật  trong  các  vật  liệu,  linh  kiện  điện  tử,  kiểm  tra  chất  lượng  thiết  bị  hạt  nhân, kiểm tra các turbine khí nhiệt độ cao, kỹ thuật chụp ảnh neutron động;

Kỹ thuật kiểm tra và hiệu chuẩn dụng cụ hạt nhân: Trong vùng hoạt của LPƯNC cho phép tiến hành chiếu xạ thử nghiệm vật liệu và hiệu chuẩn các thiết bị ghi đo bức xạ dùng trong nhà máy điện hạt nhân;

Kỹ thuật thử nghiệm nhiên vật liệu hạt nhân: Nghiên cứu sự biến đổi thành phần và cấu trúc bên trong của viên gốm nhiên liệu; chiếu xạ để đánh giá tính toàn vẹn vỏ bọc thanh nhiên liệu khi xảy ra tai nạn/sự cố; nghiên cứu sự phát tán phóng xạ ra bên ngoài.

Tựu trung lại, chúng ta cần duy trì một tầm nhìn dài hạn ít nhất là 10-15 năm trở lên cho việc nghiên cứu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở nhận diện đúng nhu cầu của chương trình điện hạt nhân, cân đối và đánh giá trước một cách thận trọng những khả năng nghiên cứu và nhu cầu phát triển và đào tạo cũng như thời gian cần thiết để thực hiện nghiên cứu, đào tạo và  phát triển nhân lực trong bối cảnh ràng buộc của yêu cầu quy phạm ngày càng chặt chẽ. 

* Trích tham luận tại tọa đàm, tựa đề do Tia Sáng đặt

Nguồn tin: Tia Sáng