Giá trị của Khoa học

Trong mọi giá trị của khoa học, giá trị to lớn nhất là quyền tự do nghi ngờ.


Hình vẽ quả đất đặt trên lưng bốn con voi, và những con voi thì đứng trên lưng một con rùa, (1876, Wikipedia).

Thỉnh thoảng, người ta nói với tôi rằng những nhà khoa học nên quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, thậm chí là phải có trách nhiệm quan tâm đến tác động của khoa học đến đời sống xã hội. Có lẽ, nhiều nhà khoa học đã nghe những điều tương tự như vậy. Có vẻ như người ta tin rằng, nếu nhà khoa học chỉ tập trung vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đừng dành quá nhiều thời gian cho những vấn đề khoa học thuần túy thì sẽ đạt được những thành công vang dội.

Thật ra tôi cũng có nghĩ đến các vấn đề của xã hội, nhưng không bỏ nhiều thời gian và cố gắng để giải quyết chúng. Bởi vì, chúng ta không có một công thức thần kỳ nào để giải quyết các vấn đề đó, các vấn đề của xã hội thì khó hơn rất nhiều so với các vấn đề trong khoa học. Tôi nghĩ những nhà khoa học cũng sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều trong chuyện này. Nhà khoa học khi nói đến các vấn đề của xã hội thì cũng chỉ ngờ nghệch như người không chuyên mà thôi. Câu hỏi giá trị của khoa học là gì nằm ngoài phạm trù của khoa học tự nhiên nên bài nói này chỉ là ý kiến của cá nhân tôi mà thôi.

Giá trị thứ nhất của khoa học là nó giúp chúng ta làm nhiều việc và tạo ra nhiều thứ. Tất nhiên nếu điều chúng ta làm là tốt đẹp thì không chỉ nhờ vào khoa học mà còn nhờ vào đạo đức của chúng ta. Kiến thức khoa học, như một con dao hai lưỡi, nó cho phép làm điều tốt và cả điều xấu nữa - bản thân kiến thức khoa học không mang theo nó một hướng dẫn nào về cách dùng kiến thức đó. Điều này làm tôi liên tưởng đến một câu nói trong Phật giáo: Mọi người sống trên đời đều được nhận một chiếc chìa khóa để mở cánh cửa vào thiên đàng, nhưng cũng chính chìa khóa đó mở cánh cửa vào địa ngục. Chìa khóa đương nhiên phải có giá trị vì nếu không có chìa khóa, ta sẽ không thể vào thiên đàng. Nhưng nếu không cẩn thận, ta có thể lạc vào địa ngục. Giá trị của khoa học là vậy, nó cho phép chúng ta làm nhiều thứ, tốt và xấu.

Giá trị thứ hai của khoa học là niềm vui có được khi ta đọc, học, suy nghĩ hay trực tiếp làm khoa học. Đây là một giá trị rất quan trọng và rất thật, nhưng tiếc rằng người ta thường không đề cập đến nó khi nhắc nhở các nhà khoa học nên quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của xã hội. Thật ra tận hưởng niềm vui trong khoa học thì cũng như tận hưởng những niềm vui khác trong cuộc sống, nó cũng có giá trị của riêng nó – cần được tôn trọng.
Khoa học cho chúng ta một cái nhìn thú vị về thế giới, cái nhìn mà ngay trí tưởng tượng của nhà thơ và của những kẻ hay mơ mộng trong quá khứ cũng không đạt đến. Thế giới này thật to lớn, thú vị, và vượt xa trí tưởng tượng của con người. Chẳng phải tuyệt vời sao khi tất cả chúng ta đều dính chặt – trong đó một nửa dân số dính lộn ngược vào Trái đất nhờ vào một lực hút trọng trường bí hiểm. Quả đất được ví như một quả bóng tự quay qua hàng tỉ năm. Nhờ khoa học, chúng ta đã có một sự thay đổi cách nhìn về thế giới, cái mà truyền thuyết từng cho rằng quả đất được đặt trên những con voi, và những con voi thì đứng trên lưng một con rùa khổng lồ.
Nhờ vào khoa học mà ngày nay chúng ta có được nhiều thông tin về thế giới hơn so với những thế hệ trước. Nhìn sóng biển, ta biết rằng những phân tử nước khiêu vũ liên tục tạo thành những ngọn sóng, hết sóng này đến sóng khác, năm này qua năm khác, mà không biết mệt. Rồi thế giới của sự sống được tạo nên bởi những hạt vật chất phức tạp hơn như protein, DNA..., chúng cũng đang nhảy múa không mệt mỏi. Chính sự nhảy múa này tạo ra một cơ thể sống (như con người) - biết tự hỏi, biết tự suy nghĩ, biết tò mò về thế giới và về bản thân. Thân thể ta như một vũ trụ của các phân tử và ta cũng chính là một phân tử trong vũ trụ…

Mọi thứ trên thế giới này, nếu ta tìm hiểu về chúng đến nơi đến chốn thì sẽ gặp những điều vô cùng lí thú và bí hiểm, từ đó dẫn đến những câu hỏi mới, rồi lang thang trong thế giới tưởng tượng và mơ mộng. Đây thật sự là chuyến phiêu lưu kỳ thú của con người.

Tất nhiên những người không làm khoa học thì ít khi có những trải nghiệm như vậy. Những nhà văn hay nhà thơ, những nghệ sĩ thì không nói hay viết, miêu tả về những điều thú vị này. Tôi tự hỏi tại sao? Chẳng lẽ không ai có được cảm hứng về những điều kì thú của thế giới, của vũ trụ hay sao? Cũng không có những bài hát hay những ca sĩ hát về khoa học, đó là lí do tại sao khoa học chỉ được nghe ở những giảng đường. Và có lẽ là kỷ nguyên của khoa học vẫn chưa đến.

Khi các nhà khoa học nói rằng “khám phá này có thể đóng góp lớn vào điều trị bệnh ung thư”–thì họ chỉ đề cập giá trị sử dụng của ý tưởng, của khám phá đó chứ chưa quan tâm đến bản thân cái ý tưởng. Và cũng không nhiều người hiểu được điều tuyệt vời của ý tưởng. Nhưng thật may mắn, những đứa trẻ lại có thể. Khi chúng hiểu được ý tưởng đó, có thể chúng sẽ trở thành những nhà khoa học trong tương lai. Nhưng nếu đợi chúng lớn đến khi vào đại học thì đã trễ, vì vậy, người lớn hãy cố gắng giải thích cho chúng những ý tưởng, những khám phá càng sớm càng tốt và biết đâu chúng sẽ trở thành nhà khoa học.

Giá trị thứ ba của khoa học là những trải nghiệm về sự vô minh, về sự nghi ngờ và về những điều không chắc chắn. Điều này là vô cùng quan trọng. Khi nhà khoa học không có lời đáp cho một vấn đề nào đó, anh ta nghĩ mình tối dạ. Nhưng khi anh ta có vài tín hiệu cho lời đáp thì anh ta vẫn chưa thật chắc chắn. Và khi nào anh ta gần như có đủ tín hiệu/dữ liệu cho lời đáp thì anh ta vẫn còn nghi ngờ. Và sự thật là khi chúng ta thừa nhận sự vô minh và chừa chỗ cho sự nghi ngờ, là đã giúp chúng ta phát triển. Thật ra, khối kiến thức về khoa học chứa đựng những thông tin mà trong số đó có điều không chắc chắn, có điều gần như chắc chắn nhưng không có điều nào là tuyệt đối chắc chắn.

Đến bây giờ, các nhà khoa học đã quen với những điều không chắc chắn và sẵn sàng sống chung với sự vô minh. Người ta có biết rằng, tự do để nghi ngờ sinh ra từ thuở sơ khai của khoa học, khi con người phải chống lại quyền lực và sự cai trị áp đặt để tìm đến sự thật. Đó là một cuộc chiến mạnh mẽ và bền bỉ của con người để giành lấy quyền tự do nghi ngờ về tất cả, và hiểu rằng không điều gì là chắc chắn. Và trách nhiệm của xã hội là tiếp tục cuộc chiến để duy trì quyền tự do nghi ngờ này.

Khi bàn về giá trị của khoa học, ta thường nói đến giáo dục. Thử hỏi nếu tất cả chúng ta được giáo dục tốt thì tất cả sẽ trở thành người hiền tài chăng? Không phải vậy, giáo dục rất hiệu quả, nhưng rất tiếc là cho cả điều tốt và điều xấu. Cũng giống như giao tiếp vậy, người ta có thể truyền thông tin thật hoặc giả dối.

Khoa học, tối thiểu giúp ta đáp ứng được nhu cầu vật chất. Y học giúp chúng ta chữa bệnh –điều khiến ta tưởng chừng như khoa học chỉ mang lại những tốt đẹp? Thật ra cũng có nhiều người đang ngày đêm nghiên cứu để tạo ra các bệnh truyền nhiễm và thuốc độc – họ đang chuẩn bị cho những cuộc chiến trong tương lai.

Hầu như không ai thích chiến tranh, và ước mơ của ta là sống trong hòa bình để phát triển tối đa bản thân. Nhưng hòa bình cũng có thể tốt hoặc xấu. Biết đâu ngày nào đó người ta cảm thấy chán chường khi phải sống đằng đẵng trong hòa bình – điều khiến họ không đạt được thứ mà họ muốn trong đời?

Rõ ràng hòa bình là điều kiện lý tưởng để chúng ta làm được nhiều việc nhờ vào sức mạnh của khoa học. Thế nhưng dường như điều chúng ta đã làm được hãy còn rất nhỏ bé so với điều chúng ta có thể làm. Tại sao vậy? Bởi vì, rất tiếc, khoa học bản thân nó không mang theo một chỉ dẫn nào về cách sử dụng nó cho điều tốt và cho điều xấu.

Từ quá khứ cho đến hiện tại, người ta cố gắng tìm lời đáp cho câu hỏi: Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Ý nghĩa của sự tồn tại là gì? Thực tế, tôi nghĩ, chúng ta cần thẳng thắn trả lời rằng chúng ta không biết. Điều chúng ta có thể làm là tìm một lối ra – để giải phóng tiềm năng của con người. Triết lý này đã dẫn chúng ta đến xây dựng một xã hội dân chủ, ở đó ý tưởng mới về vận hành chính phủ có thể được phát triển, ứng dụng, thử nghiệm hoặc ngược lại có thể bị loại bỏ vì không hiệu quả. Vì sự thật là chúng ta, không ai biết chắc chắn chính phủ nên được vận hành ra sao? Nhưng điều quan trọng là chúng ta sẵn sàng tiếp nhận liên tục những khả năng mới cùng với cơ hội mới. Khi chúng ta gặp phải những vấn đề mới, thì mọi cách làm hay hướng giải quyết đều có thể mang đến kết quả tốt. Vì vậy, thảo luận và nghi ngờ là những yếu tố quan trọng để tìm lời giải tốt nhất cho vấn đề gặp phải. Hãy luôn để cánh cửa hé mở cho những ý tưởng mới cùng những cơ hội mới len lỏi vào.

Trách nhiệm của nhà khoa học là làm những gì có thể, học những gì có thể, cải tiến các giải pháp và truyền lại cho thế hệ sau. Chúng ta hiện đang ở trong giai đoạn khởi thủy của loài người thì việc mắc phải những lỗi lầm là hiểu được. Thậm chí những sai lầm này có thể khiến chúng ta chìm đắm trong ngu muội và khổ sở suốt một thời gian dài. Lịch sử đã ghi lại sự sai lầm đó và không những vậy chúng còn xảy ra nhiều lần. Để hạn chế những tác hại này, chúng ta hãy cởi mở, sẵn sàng thảo luận và nghi ngờ, đừng tự nhốt mình trong cái trí tưởng tượng của hiện tại. Tự do suy nghĩ và tự do nghi ngờ dường như là giải pháp cho nhiều vấn đề của xã hội. Nhà khoa học cần có trách nhiệm duy trì cái quyền tự do này, cho hôm nay và cho mai sau.

Lê Quốc Chơn (Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao – Đại học Duy tân).
Phạm Xuân Yêm hiệu đính
--------------

Lược thuật từ “The Value of Science”–bài phát biểu của Richard P. Feynman tại lần họp tháng 11 năm 1955 của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, diễn ra ở khuôn viên Đại học Caltech, Pasadena, California.

Tác giả bài viết: Richard Feynman

Nguồn tin: Tia Sáng