Giải Nobel đầu tiên trao cho toàn nữ

Giải Nobel đầu tiên trao cho toàn nữ
Với giải Nobel Hóa học 2020, hai nhà khoa học nữ từ Pháp và Mỹ trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những phụ nữ trẻ theo đuổi khoa học.

 

Nhà khoa học Jennifer Doudna (trái) và Emmanuelle Charpentier (phải). Ảnh: Alexander Heinl/AP.

Nhà khoa học Jennifer Doudna (trái) và Emmanuelle Charpentier (phải). Ảnh: Alexander Heinl/AP.

Khi biết tin đoạt giải Nobel Hóa học 2020, Jennifer Doudna (56 tuổi) và Emmanuelle Charpentier (52 tuổi) hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ phụ nữ mới trong lĩnh vực khoa học, Science Alert hôm nay đưa tin. Việc tìm ra và phát triển CRISPR/Cas9, công cụ cho phép các nhà khoa học cắt ADN và chỉnh sửa mã gene của động vật, thực vật và vi sinh vật mang lại cho họ giải thưởng danh giá này.

Đây là nhóm nhận giải Nobel gồm toàn nữ đầu tiên trong lịch sử. Charpentier và Doudna là người phụ nữ thứ 6 và 7 được vinh danh trong lĩnh vực hóa học kể từ khi giải Nobel đầu tiên được trao năm 1901.

Giải thưởng trao cho hai nhà khoa học nữ là một khoảnh khắc lịch sử, Pernilla Wittung Stafsheden, chuyên gia tại Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển, tổ chức lựa chọn người đoạt giải Nobel Hóa học, nhận xét.

Charpentier và Doudna hy vọng giải Nobel sẽ giúp mở đường cho những phụ nữ trẻ tham gia lĩnh vực mà nam giới vẫn thống lĩnh. "Nguyện vọng của tôi là điều này sẽ mang đến thông điệp tích cực cho những phụ nữ trẻ muốn dấn thân vào con đường khoa học, đồng thời cho họ thấy phụ nữ trong khoa học cũng có thể tạo ra sức ảnh hưởng qua nghiên cứu mà họ đang thực hiện", Charpentier chia sẻ.

Trong khi đó, Doudna mong rằng những cô gái trẻ sẽ nhìn vào và thấy công việc của mình cũng có thể được ghi nhận như với phái nam. "Tôi nghĩ nhiều phụ nữ cảm thấy rằng bất kể họ làm gì, họ cũng không bao giờ được thừa nhận giống như nam giới. Dĩ nhiên tôi muốn thấy điều đó thay đổi. Tôi cho rằng đây là một bước đi đúng hướng", bà nói.

Cơ chế hoạt động của kéo phân tử CRISPR/Cas9. Ảnh: Nobel Prize.

Cơ chế hoạt động của kéo phân tử CRISPR/Cas9. Ảnh: Nobel Prize.

Charpentier sinh ra và lớn lên tại Paris. Cha của bà, một quản lý công viên, và mẹ, người làm việc trong ngành tâm thần, đều khuyến khích bà khám phá niềm đam mê riêng của bản thân. "Tôi là một học sinh nghiêm túc. Tôi hứng thú với nhiều lĩnh vực. Tôi thích khoa học thuần túy và toán học, nhưng cũng quan tâm đến khoa học con người gồm tâm lý học, xã hội học và triết học", Charpentier chia sẻ. Cha của Charpentier cũng dạy bà tên tiếng Latin của nhiều loài thực vật. "Có lẽ điều này đã thôi thúc tôi theo đuổi khoa học", bà nói thêm.

Charpentier theo học tại Đại học Pierre and Marie Curie, nhận bằng cử nhân sinh hóa năm 1991 và bằng tiến sĩ vi sinh năm 1995. Hiện bà là giáo sư và làm việc tại Khoa Khoa học Mầm bệnh thuộc Viện Max Planck, Đức.

Cộng sự của Charpentier, Doudna, sinh ra tại Washington D.C. Năm lên 7 tuổi, bà theo gia đình chuyển tới Hilo, một thị trấn nhỏ trên đảo lớn nhất của Hawaii. Cha mẹ của Doudna yêu thích thiên văn, địa lý và sự tiến hóa. Cả hai cùng ủng hộ đam mê của Doudna đối với khoa học, mua cho bà sách về nhiều lĩnh vực và đưa bà tới thăm các bảo tàng. Bà bắt đầu hứng thú với hóa sinh khi 12 hoặc 13 tuổi.

Năm 1985, Doudna nhận bằng cử nhân hóa học tại Học viện Pomona. 4 năm sau, bà nhận bằng tiến sĩ sinh hóa tại Đại học Harvard. Năm 2002, bà tới nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley, trở thành giáo sư hóa sinh và sinh học phân tử.

Giải Nobel Hóa học năm nay sẽ giúp thay đổi quan niệm cũ về đặc điểm của một nhà khoa học xuất sắc. "Tôi hoàn toàn đồng ý rằng Charpentier và Doudna sẽ trở thành những hình mẫu cho phụ nữ trẻ trong khoa học. Thành tựu của họ cho thấy chuyện phụ nữ đoạt giải thưởng như vậy đang trở nên phổ biến hơn, đồng thời giúp các nhà khoa học trẻ không nghĩ rằng đây là lĩnh vực của những người đàn ông da trắng lớn tuổi", Roisin Owens, kỹ sư sinh hóa tại Đại học Cambridge, nhận định.

Thu Thảo (Theo Science Alert, Gruber Foundation)

Nguồn tin: VNExpress