Giành được giải thưởng giá trị nhất vì khám phá chân lý tuyệt đối trong toán học

Giành được giải thưởng giá trị nhất vì khám phá chân lý tuyệt đối trong toán học
Giáo sư Martin Hairer, thiên tài toán học đang công tác ở Đại học Hoàng gia London (Anh), đã trở thành chủ nhân của giải thưởng Đột phá 2021 về toán học, với số tiền thưởng lên đến 3 triệu USD.

 

Giáo sư Martin Hairer
Đại học Hoàng gia London
 
Khó ai có thể ngờ rằng hành động vô cùng đơn giản trong đời sống thường ngày như dùng muỗng khuấy tách trà đã có thể mang lại giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực toán học cho vị giáo sư mang quốc tịch đôi Anh - Áo, theo Sky News hôm 11.9.

Kiến thức... ngoài hành tinh

Giáo sư Hairer đã giành được giải thưởng toán học có giá trị nhất trên thế giới hiện nay nhờ vào công trình phân tích sự ngẫu nhiên.
Công việc của ông “tập trung vào việc viết nên các phương trình để mô tả chính xác chuyển động dường như ngẫu nhiên trong thời gian và không gian”.
"Những chuyển động ngẫu nhiên có thể là cách các giọt nước lan tỏa bên trên bề mặt của khăn ăn, sự tăng trưởng của vi khuẩn trên đĩa thí nghiệm, hoặc hoạt động hỗn loạn của hàng triệu giao dịch cá nhân trên thị trường chứng khoán”, theo Đại học Hoàng gia London.
Thông qua báo cáo dài 180 trang, giáo sư đã giới thiệu cho thế giới khái niệm hoàn toàn mới về cái gọi là “các cấu trúc cân đối”. Các đồng nghiệp vô cùng ấn tượng trước nghiên cứu của ông đến nỗi một người nói đùa rằng đây phải là kiến thức thuộc về một nền văn minh ngoài Trái đất có trí thông minh hơn nhân loại.
Tuy nhiên, bản thân giáo sư Hairer rất bất ngờ sau khi nhận được thông báo qua Skype của hội đồng giải thưởng vào thời điểm Anh vẫn còn áp dụng phong tỏa chống dịch Covid-19.“Tôi hoàn toàn sốc. Chúng tôi không thể ra ngoài hay làm gì khác, nên chúng tôi ăn mừng tại nhà”, ông cho hay.
Số tiền thưởng trên sẽ mang đến cơ hội có được một mái nhà riêng cho hai vợ chồng ông. Hiện giáo sư Hairer và vợ vẫn đang chia phòng thuê với một đồng nghiệp ở Đại học Hoàng gia London.
 
Toán học là chân lý tuyệt đối
Giáo sư Hairer lớn lên ở Geneva và được công nhận là thiên tài. Bài dự thi tranh giải thưởng khoa học ở trường khi ông còn đi học đã trở thành Amadeus - được mệnh danh là “con dao Thụy Sĩ cho lĩnh vực điều chỉnh âm thanh". Hiện phiên bản nâng cao của Amadeus vẫn được sử dụng trong giới các nhà sản xuất âm nhạc và thiết kế trò chơi.
Sau thời gian theo đuổi vật lý ở bậc đại học, ông Hairer đã chuyển sang toán học, bởi vì ông nhận ra rằng, “trong toán học, nếu bạn đạt được một kết quả thì nó là đúng như thế. Toán học mang tính phổ quát, bạn sẽ khám phá ra những chân lý tuyệt đối”.
Giải thưởng Đột phá về Toán học thuộc các giải thưởng Đột phá về lĩnh vực khoa học, là sáng kiến của nhóm doanh nhân và tỉ phú nổi tiếng thế giới, bao gồm tỉ phú Facebook Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan, nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin, doanh nhân người Nga Yuri Milner và vợ Julie Milner, và bà Wojcicki, nhà đồng sáng lập 23andMe.
Nếu xét về khía cạnh danh giá và sự nổi tiếng, giải thưởng Đột phá có thể được so sánh như hệ thống giải Nobel.

Tác giả bài viết: Hạo Nhiên

Nguồn tin: Thanh Niên