Giáo dục đại học Trung Quốc: Ba bước cải tổ

Giáo dục đại học Trung Quốc: Ba bước cải tổ
Đội ngũ giảng viên chất lượng cao, được coi trọng và thưởng công xứng đáng - đó chính là chìa khóa để xây dựng một viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Ví dụ từ Đại học Giao thông Thượng Hải đã chứng minh điều này.

Hiệu trưởng ĐH Giao thông Thượng Hải Jie Zhang
(bên phải) trao bằng tiến sĩ danh dự cho
hiệu trưởng ĐH Yale Peter Salovey

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại sau 35 năm phát triển nhanh chóng. Sự phát triển bền vững sẽ phụ thuộc vào khả năng chuyển sự tăng trưởng đó thành đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, chính phủ Trung Quốc đã tăng đáng kể đầu tư vào các trường đại học và viện nghiên cứu. Ví dụ như trong năm 2012, chính phủ đã chi hơn 1 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 161 tỉ USD) cho nghiên cứu và phát triển và hơn 700 tỉ nhân dân tệ cho giáo dục đại học.

Kết quả là, năng lực và năng suất nghiên cứu đã tăng. Từ năm 2005 đến năm 2012, số nghiên cứu sinh toàn thời gian ở Trung Quốc đã tăng 38% (đạt con số 314.000). Cũng trong khoảng thời gian đó, số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố từ các viện giáo dục đại học của Trung Quốc đã tăng 54% (đạt con số 1.117.742) và lượng bằng sáng chế được cấp đã tăng tám lần (đạt 66.755).

Tuy nhiên, chất lượng nghiên cứu, được biểu thị bởi số lượng các trích dẫn, lại tụt lại phía sau và việc chuyển giao công nghệ còn chậm chạp. Những thực hành cứng nhắc trong việc đánh giá và khuyến khích - ví dụ như khen thưởng số lượng các công bố hơn là chất lượng - đang kìm hãm sự phát triển của các trường đại học Trung Quốc.

Là hiệu trưởng của một đại học nghiên cứu ở Trung Quốc, tôi tin rằng xây dựng một đội ngũ giảng viên chất lượng cao chính là chìa khóa để phát triển một đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Vì vậy, trong 10 năm qua, Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU) của tôi đã xây dựng một nền văn hóa đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua những cải cách trong phát triển con đường sự nghiệp của những giảng viên đương nhiệm và giảng viên mới.

Những đại học hàng đầu khác của Trung Quốc cũng đang từng bước tìm cách gia tăng năng suất nghiên cứu của mình bằng các giải pháp: thành lập những viện nghiên cứu mới; thuê các học giả nước ngoài tên tuổi với mức lương cao và đưa vào hệ thống bổ nhiệm giảng viên chính thức (tenure system). Nhưng “nhập khẩu” vài ba giáo sư “sao” là không đủ để thay đổi nền văn hóa đại học mà còn có thể làm các giảng viên khác cảm thấy mình không được nhìn nhận đúng mức, bởi vậy cần có những cải tổ cơ bản hơn.

Ba bước cải tổ

Kinh nghiệm của tôi tại SJTU cho thấy việc áp dụng một hệ thống khuyến khích trong toàn trường để làm động lực thúc đẩy tất cả các giảng viên, nhân viên và sinh viên phấn đấu cho mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển được một đội ngũ giảng viên chất lượng cao tương đương với chất lượng của những đại học phương Tây tốt nhất đã đạt kết quả khả quan.

Các thay đổi bắt đầu từ năm 2007 khi chúng tôi bắt đầu tiến hành phân tích những thách thức cấp quốc gia và toàn cầu trong tương lai, tổ chức những thảo luận mở giữa các giảng viên và nhân viên, và đưa ra một xét toán tính khả thi. Từ những phân tích, thảo luận này, một số ưu tiên đã nổi bật lên, bao gồm: lôi kéo những đầu óc sáng tạo, ươm tạo những ý tưởng đổi mới, và liên kết các ngành khoa học với xã hội để phục vụ đất nước và thế giới một cách tốt nhất. Để duy trì sự hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên, trong vài năm qua, chúng tôi đã tiến hành một số cải tổ nền tảng theo từng bước sau đây.

Một: tuyển dụng và hướng dẫn đội ngũ giảng viên mới vào nghề. Những nhà khoa học đẳng cấp thế giới được thuê để xây dựng những nhóm nghiên cứu tập trung vào những vấn đề khoa học và kỹ thuật tiên tiến và đặt ra mức tiêu chuẩn hàn lâm cao hơn. Đội ngũ giảng viên trẻ được tuyển dụng một cách cạnh tranh trong thị trường việc làm quốc tế. Để khởi động, các nhóm nghiên cứu này được nhận những hỗ trợ tài chính hào phóng trong một vài năm đầu cho đến khi họ có thể thu hút tài trợ từ các cơ quan chính phủ Trung Quốc hoặc từ các ngành công nghiệp và bắt đầu cho ra kết quả và gây dựng tiếng tăm.

Năm 2007 bắt đầu một hệ thống bổ nhiệm giảng viên chính thức cho những thành viên mới với chế độ bổ nhiệm thời hạn sáu năm cho những giảng viên trẻ, dựa vào các đánh giá giữa và cuối kỳ của một hội đồng quốc tế.

Năm 2008, chúng tôi khởi động một chương trình cố vấn cho các giảng viên trẻ dưới 35 tuổi và từ đó đến nay đã có 1.251 giảng viên được nhận hỗ trợ thêm cho việc nghiên cứu cũng như cho việc ăn ở từ quỹ trợ cấp trị giá 150 triệu nhân dân tệ.

Hai: ba con đường phát triển sự nghiệp cho giảng viên đương nhiệm. Việc thăng tiến và mức lương được xét ba năm một lần dựa theo những chỉ số thành tích được xây dựng bởi mỗi khoa hoặc ban.

Đối với những giảng viên đương nhiệm, có ba hướng phát triển sự nghiệp được đặt ra từ năm 2010 là: giảng dạy, nghiên cứu, và giảng viên chính thức. Những người đi theo con đường giảng dạy sẽ không cần phải tham gia nghiên cứu; còn những nhà khoa học không có nghĩa vụ giảng dạy sẽ phải tìm nguồn thu nhập từ những trợ cấp nghiên cứu cạnh tranh. Các giáo sư đi theo con đường giảng viên chính thức sẽ vừa dạy vừa nghiên cứu và sẽ được đánh giá theo những tiêu chuẩn kết hợp. Cả ba hướng này đều có những tỉ lệ mức lương khởi điểm tương đương nhau.

Các giảng viên sẽ tự chọn con đường phát triển cho mình và có quyền thay đổi sau này nếu các đánh giá của đồng nghiệp cho phép. Tất cả các giảng viên đều có thể đăng ký xin chuyển sang chế độ giảng viên chính thức khi họ đã đạt những tiêu chuẩn cao hơn, và những người giỏi nhất sẽ được khuyến khích làm như vậy. Mức lương trung bình của giảng viên đã tăng 60% trong bốn năm vừa qua và sẽ còn tăng nữa trong bốn năm tới.

Trường đã phân quyền quản trị về các khoa và ban để các khoa, ban có được quyền tự chủ nhiều hơn trong việc tuyển dụng, phát triển và đánh giá đội ngũ nhân viên. Đồng thời, những cải cách về ngân sách đã cho mỗi khoa và ban cơ hội tiếp cận và sử dụng trực tiếp các nguồn vốn.

Ba: một hệ thống bổ nhiệm giảng viên chính thức hợp nhất. Việc xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng quốc tế mới đã tạo ra sự phân hóa trong trường: nhóm các học giả đi theo những tiêu chuẩn và chế độ đãi ngộ phương Tây, và nhóm các giảng viên đương nhiệm đi theo ba con đường nêu trên. Năm 2013, sáu khoa/ban thí điểm đã bắt đầu hợp nhất hai hệ thống này thành một chế độ bổ nhiệm giảng viên chính thức duy nhất giống như các trường đại học ở Bắc Mỹ. Một số kết quả đáng khích lệ đã có thể nhìn thấy được ở các môn vật lý, toán học, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật sinh y, luật và quản lý.

“Nhập khẩu” vài ba giáo sư “sao” là không đủ để thay đổi nền văn hóa đại học mà còn có thể làm các giảng viên khác cảm thấy không được nhìn nhận, bởi vậy cần có những cải tổ cơ bản hơn.

Dựa vào những kinh nghiệm này, từ năm 2015 đến 2018, toàn đại học sẽ chuyển sang hệ thống bổ nhiệm giảng viên chính thức. Việc đột ngột tăng gấp đôi gấp ba hệ số lương cho toàn bộ 3.000 giảng viên của trường là điều không thể, nên chúng tôi đã bắt đầu xây dựng các cơ chế để trả những mức lương cạnh tranh trong hệ thống bổ nhiệm, ví dụ như thành lập các chức danh giáo sư và nghiên cứu sinh từ một quỹ trợ cấp 500 triệu nhân dân tệ.

Những giảng viên không đạt tiêu chuẩn để đi theo con đường giảng viên chính thức có thể chọn thôi việc luôn hoặc ở lại theo hợp đồng cho đến khi hệ thống này bị loại bỏ vào năm 2018. Điều này thể hiện sự chú trọng của trường tới việc đối xử công bằng và tôn trọng những giảng viên đã phục vụ trường tốt nhưng không thể đạt được những tiêu chuẩn mới, đồng thời cung cấp cho họ một cơ hội để tiếp tục cống hiến cho trường.

Những kết quả đã được kiểm chứng

Ngày nay, SJTU đang trên đà trở thành một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới. Từ năm 2007, 450 giáo sư đẳng cấp thế giới và giảng viên trẻ cao cấp có vị thế quốc tế đã gia nhập trường, hơn 200 giảng viên hiện có đã chuyển sang chế độ giảng viên chính thức, và 85% giảng viên có bằng tiến sĩ (tăng từ 50% vào năm 2006).

Tổng thu nhập hằng năm của trường đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2007 lên 7 tỷ nhân dân tệ; thu nhập từ những nghiên cứu có tính cạnh tranh đã tăng gấp ba lần lên hơn 2,5 tỉ nhân dân tệ. Số lượng những ngành được dạy tại trường được xếp hạng top 1% toàn cầu về Chỉ số Khoa học Thiết yếu (ESI) của Thomson Reuters đã nhảy từ năm ngành trong năm 2007 lên 16 ngành vào năm 2014. Các môn khoa học xã hội cũng gia nhập hàng top 1% cùng các môn khoa học kĩ thuật, tự nhiên, sự sống và y học, khiến trường trở nên toàn diện hơn.

Về số lượng các công trình nghiên cứu được công bố, hàng năm xếp thứ hai toàn cầu trong ngành kỹ thuật từ năm 2007. Ngành khoa học tự nhiên tiến lên từ vị trí 57 năm 2007 lên 40 năm 2013; khoa học sự sống và nông nghiệp tiến từ vị trí 136 lên 43; và y học hiện đang giữ vị trí 27. Số lượng trích dẫn cũng đang tăng và nhiều phát minh đang được cấp bằng sáng chế hơn.

Những cải tổ tại Đại học Giao thông Thượng Hải đã thúc đẩy một sự thay đổi về trọng tâm giáo dục. Chúng tôi đang rời xa việc truyền kiến thức để tiến đến tạo ra kiến thức, chuyển từ phong cách dạy lấy việc hướng dẫn làm trọng tâm sang phong cách học lấy sinh viên làm trung tâm. Triết lý của chúng tôi là đào tạo sinh viên trở nên những công dân toàn cầu năng động và có khả năng. Một nền văn hóa coi trọng và tôn vinh đổi mới sáng tạo đã thực sự bén rễ.

Khánh Minh dịch

Theo Nature

Nguồn:http://www.nature.com/news/developing-excellence-chinese-university-reform-in-three-steps-1.16128

Nguồn tin: Tia Sáng