Hành trình cổ xưa đem DNA của người châu Mỹ bản địa đến quần đảo Thái bình dương xa xôi

Hành trình cổ xưa đem DNA của người châu Mỹ bản địa đến quần đảo Thái bình dương xa xôi
Việc phát hiện ra một số người Polynesia có tổ tiên di truyền từ Nam Mỹ đã ủng hộ lý thuyết đã tồn tại từ lâu về việc dân cư cổ đại hòa huyết và tạo ra thế hệ con cháu.

 

Tượng đá trên đảo Phục Sinh. Nguồn: Gregory Boissy/AFP/Getty

Người ta đã tìm ra những dấu vết tổ tiên châu Mỹ bản địa trong các hệ gene dân cư hiện đại của một số hòn đảo Polynesia, đề xuất những cư dân cổ đại đã gặp gỡ và hòa huyết với những người Nam Mỹ hàng trăm năm trước.

Polynesia là một trong những góc khuất cuối cùng của thế giới mà con người định cư, một nhóm các quần đảo được con người ‘chiếm ngữ” sau một loạt hành trình từ đảo này sang đảo khác, bắt đầu khoảng 1.000 năm trước đây. Một nghiên cứu “Native American gene flow into Polynesia predating Easter Island settlement” mới xuất bản trên Nature đã ủng hộ thuyết đã tồn tại trong một thời gian dài nhưng chưa được chứng minh là người Polynesia cổ đại đã giao tiếp với người châu Mỹ bản địa. Các nhà khoa học đã cho rằng phần lớn điều này đã diễn ra tại đảo Phục Sinh, hay còn gọi là Rapa Nui, bởi vì nó tương đối gần với Nam Mỹ. Tuy nhiên dữ liệu mới nhất đã đề xuất là các cuộc gặp gỡ đó – hoặc có lẽ là một cuộc gặp gỡ - đã xảy ra trên các hòn đảo cách lục địa này hàng trăm km.

Bằng chứng khảo cổ và di truyền phong phú đã chỉ dấu là các đảo Polynesia là nơi định cư đầu tiên của những người di chuyển từ Đông Á nhưng một vài nhóm đã giao tiếp với người Nam Mỹ. Các củ khoai lang, vốn có nguồn gốc từ cao nguyên Andes, đã được trồng khắp Đông Polynesia, và các mẫu khoai lang Polynesia từ thế kỷ 18 cũng có cùng chỉ thị di truyền với nhiều loài khoai lang ở bờ biển Nam Mỹ. Một nghiên cứu hệ gene năm 2014 đã tìm thấy các tổ tiên của cư dân hiện đại ở Rapa Nui đã hòa huyết với người châu Mỹ bản địa và sinh con đẻ cháu nhưng DNA được tìm thấy từ những hài cốt người cổ đại từ đảo này và đảo khác ở vùng Polynesia thuộc Pháp lại không có nhiều biểu hiện mong muốn.

Thời điểm hòa huyết

Để mở rộng cuộc tìm kiếm, một nhóm nghiên cứu do nhà di truyền học quần thể Andrés Moreno-Estrada, tại Phòng thí nghiệm quốc gia về Hệ gene cho đa dạng sinh học ở Irapuato, Mexico, đã phân tích DNA từ 166 người hiện sống ở Rapa Nui cũng như 188 người ở hơn 10 còn đảo quanh Thái Bình Dương. Họ nhận diện dấu vết tổ tiên châu Mỹ không chỉ ở người sống tại Rapa Nui mà còn ở người từ vùng đảo Đông Polynesia xa xôi như Palliser, Nuku Hiva thuộc Northern Marquesas, Fatu Hiva thuộc Nam Marquesas và Mangareva. Những so sánh vật liệu di truyền này với những nhóm người châu Mỹ bản địa cho thấy người Zenu, một nhóm người Anh điêng ở Colombia, mang DNA giống như những người Polynesia.

Nhóm nghiên cứu của Moreno-Estrada sau đó đã nỗ lực xác định khi nào những nhóm dân cư này giao phối để tạo ra thế hệ con cháu – để phân biệt sự tiếp xúc thời kỳ ‘tiền Columbia’ giữa các nhóm với sự hòa quyện được tiến hành trong nhiều thế kỷ sau quá trình thực dân hóa Nam Mỹ và Polynesia của người châu Âu. Trên cơ sở độ dài của những đoạn DNA được chia sẻ- vốn trở nên ngắn hơn trong các hế hệ kế tiếp – các nhà nghiên cứu đã ước tính người sống ở các đảo Đông Polynesia xa xôi đã hòa huyết với người Nam Mỹ để tạo ra các thế hệ con cháu vào giữa năm 1150 và 1230, ngược lại những người ở Rapa Nui thì lại hòa huyết vào gần mốc năm 1380. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về sự hòa huyết ở thế kỷ 18 và 19.

Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất là chuyến viễn du của những người Polynesia tới bờ biển Nam Mỹ nhưng Moreno-Estrada nghĩ rằng sự tiếp xúc xảy ra ở Polynesia – và nó có thể bao gồm một nhóm người châu Mỹ bản địa. Nhóm nghiên cứu đã tính toán các thời điểm tương tự cho sự xuất hiện của tổ tiên châu Mỹ bản địa trên các hòn đảo khác nhau và phân tích khác đã tìm thấy các đoạn DNA người Nam Mỹ trong các hệ gene người từ những đảo Polynesia khác nhau đều xuất phát từ người châu Mỹ bản địa. Bằng chứng khảo cổ cho thấy có các tuyến đường thương mại trên biển giữa Mexico và Ecuador vào thời điểm này, Moreno-Estrada nói. “Có thể một lượng lớn thủy thủ châu Mỹ bản địa đã trôi dạt đến Thái Bình Dương,” ông cho biết thêm.

Moreno-Estrada nghĩ rằng người Polynesia định cư ở Rapa Nui vào khoảng năm 1200 đã mang gene của tổ tiên Nam Mỹ. Nhưng Paul Wallin, một nhà khảo cổ ở đại học Uppsala Thụy Điển, nghi ngờ là  liệu các nhóm người châu Mỹ bản địa có thể di chuyển từ Nam Mỹ ở thời điểm muộn hơn. Các di tích bằng đá lớn, tương tự như những thứ ở Nam Mỹ, đã được xây dựng trên Rapa Nui vào khoảng năm 1300 và 1400,  hàng trăm năm sau khi xuất hiện trên các đảo Polynesia khác, ông lưu ý.

“Các kết quả này rất thuyết phục”, Lars Fehren-Schmitz, một nhà di truyền học nhân học tại trường đại học California, Santa Cruz, cho biết. Anh nghĩ việc tiếp xúc giữa hai bên có thể xuất hiện ở một nơi nào khác ở Polynesia.

“Đây là một câu chuyện rất hấp dẫn”, Cosimo Posth, một nhà cổ sinh học hệ gene tại trường đại học Tübingen, Đức, nhận xét. Anh và đồng nghiệp đang tìm kiếm những bộ xương cư dân đảo cổ xưa, những người mang ‘dấu vết’ sự hòa huyết giữa hai tổ tiên – hoặc tốt hơn những người Nam Mỹ có thể là những người đã thực hiện hành trình dài trên biển. “Chỉ có DNA cổ xưa của người từ Đông Polynesia mới có thể

Ông và các đồng nghiệp của ông đang lùng sục khắp khu vực để tìm hài cốt của những người dân đảo cổ xưa, người mang theo sự pha trộn của hai tổ tiên - hay tốt hơn nữa là những người Nam Mỹ có thể đã thực hiện chuyến đi dài. Chỉ có DNA cổ từ người ở đông Polynesia mới có thể giải quyết bài toán khó này”, anh nói.

Tô Vân dịch

Nguồnhttps://www.nature.com/articles/d41586-020-02055-4#ref-CR1