Khủng hoảng đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng đến hàng tỉ người

Khủng hoảng đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng đến hàng tỉ người
Dù cho thấy một số điểm sáng nhưng đánh giá mới nhất về sự suy giảm trong đời sống sinh vật trên toàn cầu cho thấy những thay đổi đáng kể của việc đánh bắt cũng như các biện pháp khai thác tự nhiên khác sẽ vẫn dẫn đến rủi ro.

 

Một số loài chim hoang dã được bán ở chợ dân sinh ở Việt Nam. Nguồn: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty

Hàng tỉ người trên khắp thế giới sống phụ thuộc vào khoảng 50.000 loài trong tự nhiên với mục tiêu sử dụng làm thực phẩm, năng lượng, thuốc và thu nhập, theo một báo cáo khoa học mới của Nền tảng khoa học–chính sách Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái Liên hợp quốc (IPBES). Báo cáo này đi đến kết luận là con người phải có những thành động thay đổi để giải quyết khủng hoảng về đa dạng sinh học đang ngày một gia tốc.

Báo cáo này, do 85 chuyên gia từ 33 quốc gia thực hiện trong vòng bốn năm, là một cái nhìn mang tính toàn diện vào các cách khai thác các loài sinh vật hoang dã một cách bền vững hoặc cách không dẫn đến suy giảm dài hạn với các nguồn tự nhiên đó và đảm bảo chúng vẫn tồn tại cho các thế hệ tương lai. Nó được rút ra từ hàng ngàn nghiên cứu khoa học và những tài liệu liên quan, bao gồm tri thức bản địa. Những cộng đồng nghèo thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất khi các loài sinh vật bị khai thác kiểu tận diệt.

“Một nửa lợi ích con người có được từ khai thác các loài sinh vật hoang dã nhưng thường con người lại không hiểu gì về điều đó”, Marla R. Emery, một trong số những người phụ trách báo cáo, cho biết. Một báo cáo rút gọn đã được trình bày trước đại diện của 139 quốc gia và bản đầy đủ sẽ được công bố sau vài tháng nữa.

Đánh giá mới được xây dựng trên cơ sở báo cáo năm 2019 của IPBES, trong đó kết luận là con người đã làm thay đổi thế giới tự nhiên một cách trầm trọng khiến một triệu cây và loài vật có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2020, một báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy nhiều quốc gia mới chỉ làm được chút ít để thực hiện các cam kết quốc tế từ năm 2010 nhằm khắc phục nguy cơ sụp đổ đa dạng sinh học.

Trong đánh giá mới cũng có thể thấy một số triển vọng tích cực, khi nhìn vào cách con người có thể sử dụng các loài sinh vật hoang dã một cách bền vững, theo nhận định của Jean-Marc Fromentin, một trong số đồng phụ trách báo cáo.

Một phần ba các loài sinh vật hoang dã có tên trong “danh sách đỏ” đang tồn tại một cách ổn định hoặc có xu hướng gia tăng số lượng, bất chấp việc con người khai thác, theo một nghiên cứu mà báo cáo trích dẫn. Điều này cho thấy “việc khai thác các loài cụ thể không ảnh hưởng một cách trực tiếp đến sự tồn tại của chúng”, Sophie Marsh, một học viên cao học về đa dạng sinh học tại University College London và là tác giả đầu một nghiên cứu về các loài bị đe dọa tuyệt chủng được xuất bản vào năm 2021.

Tri thức bản địa là điều cốt lõi để học hỏi về những biện pháp hữu hiệu nhất cho khai thác bền vững, báo cáo cho biết nhưng từ trước đến nay chưa được coi trọng. Các cộng đồng bản địa ở châu Mỹ từ lâu đã tích hợp cách khai thác bền vững trong những thực hành văn hóa của mình, và ước tính có 15% các khu rừng toàn cầu được quản lý như “những nguồn lực cộng đồng” bởi những người dân bản địa châu Mỹ và các cộng đồng địa phương.

Báo cáo đã chỉ ra những thực hành như những cách vẫn được sử dụng ở vùng Cordillera ở Luzon, hòn đảo lớn nhất ở Philippines. Ở đó, “toàn bộ cộng đồng di chuyển để bảo vệ lấy khu rừng”, Victoria Tauli-Corpuz, một nhà hoạt động về quyền người bản địa và cũng lớn lên từ vùng này, nói. Biện pháp này là Batangan, một hệ thống quản lý nguồn lực có sự tham gia giám sát đa dạng sinh học trong các khu rừng và lập kế hoạch trồng các cây mới thay thế các cây cũ bị bệnh.

Lạc đà vicuña được nuôi tại Puyo Puyo, Bolivia. Nguồn: Juan Karita/Associated Press

Và không chỉ là cây cối, “đó còn là về nước, cây và động vật, vi sinh vật”, và cả về biến đổi khí hậu vì các khu rừng đóng một vai trò quan trọng trong lưu trữ carbon, bà Tauli-Corpuz nói.

Khai thác các loài hoang dã bền vững nằm ở tâm điểm của sự nhận biết và tồn tại của nhiều cộng đồng bản địa, báo cáo lưu ý.

“Nếu thế giới hoang dã biến mất, văn hóa của chúng ta sẽ gặp rủi ro, đời sống của chúng ta và sinh kế của chúng ta cũng vậy”, Viviana Figueroa, một luật sư người châu Mĩ bản địa và tham gia vào các cuộc đối thoại với các tác giả bản báo cáo với vai trò thành viên của Diễn đàn Đa dạng sinh học bản địa quốc tế, nói. “Có quá nhiều việc phải làm nhưng chỉ một số ít được thừa nhận”, Figueroa nói.

Chính sách của các chính phủ trong tương lai về việc khai thác các loài hoang dã cần tính đến chiều lịch sử và xã hội và lợi ích từ đó có được phân bố một cách công bằng không. Ví dụ, lông lạc đà vicuña, nguyên liệu cho các sản phẩm xa xỉ, có giá rất cao và được lấy từ những con lạc đà vicuña do những cộng đồng bản địa thu nhập thấp ở Nam Mỹ nuôi nấng nên cần bảo tồn vicuña. Nhưng “gần như là không thể” với một cộng đồng vùng Andes xa xôi có thể thỏa thuận với một công ty quốc tế hoặc đơn giản là đặt sản phẩm của mình lên thị trường quốc tế, báo cáo cho biết. Điều đó có nghĩa là phần lớn lợi ích thương mại từ lông lạc đà vicuña đều thuộc về giới thương nhân và các công ty vải sợi.

Ngành công nghiệp đánh bắt hải sản sẽ cần giảm thiểu tình trạng khai thác cá bừa bãi và phi luật pháp, hỗ trợ nhiều hơn cho những người đánh bắt nhỏ và loại bỏ hỗ trợ đối với những bên khai thác quá mức, báo cáo đề xuất. Ngành công nghiệp khai thác gỗ sẽ cần phải đầu tư vào công nghệ giảm thiểu chất thải trong quản lý các sản phẩm từ gỗ và các chính phủ có thể cần gia tăng các lệnh cấm hoặc các quy định về săn bắt động vật hoang dã làm thực phẩm ở một số vùng song song với việc đánh giá một số chính sách có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở các vùng đó.

Việc khai thác quá mức động vật hoang dã không chỉ là nguyên nhân duy nhất dẫn đến suy giảm số lượng các loài; biến đổi khí hậu do nguyên nhân con người cũng là một tác động đáng kể, báo cáo cho biết. Dân số không ngừng tăng lên và việc tiêu thụ các sản vật, cùng với những tiên tiến về mặt công nghệ có thể khiến các biện pháp ngày một hiệu quả hơn, cũng đặt sức ép lớn hơn lên các loài hoang dã.

“Chúng ta phải đảm bảo các công cụ chính sach đem lại lợi ích cho mọi người”, Emma Archer, một giáo sư trường đại học Pretoria Nam Phi và là một trong những tác giả chính của báo cáo, nói. “Không thể có cả người chiến thắng và kẻ thua cuộc”.

Thanh Phương tổng hợp

Nguồnhttps://www.nytimes.com/2022/07/08/climate/species-biodiversity-united-nations.html

https://www.nature.com/articles/d41586-022-01917-3

Nguồn tin: Tia Sáng