Lĩnh vực khoa học tự nhiên dẫn đầu công bố khoa học quốc tế

Lĩnh vực khoa học tự nhiên dẫn đầu công bố khoa học quốc tế
Theo thống kê, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, 67 cơ sở giáo dục đại học đã công bố hơn 10.000 bài báo khoa học trên Scopus, chiếm 84,45% số bài báo của cả nước.

 

 

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Chia sẻ tại hội nghị Giáo dục đại học năm 2024 diễn ra sáng 9-8 ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết trong những năm vừa qua, kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có xu hướng tăng vững chắc và bền vững ổn định, trong đó các cơ sở giáo dục đại học cũng luôn đóng vai trò chủ đạo trong công bố khoa học của cả nước.

Trong năm 2023, các đơn vị trực thuộc bộ đã công bố 1.159 bài báo Q1,1.052 bài báo Q2 trên tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS; 3.244 bài báo trên tạp chí khoa học Scopus.

Về số bài báo công bố trên các ấn phẩm Scopus trong 3 năm (từ tháng 1-2022 đến hết tháng 7-2024), chỉ 67 cơ sở giáo dục đại học đã chiếm 83,5% số bài của cả nước.

Kết quả công bố khoa học quốc tế của 67 cơ sở giáo dục đại học theo lĩnh vực, tính từ tháng 1-2022 đến tháng 7-2024 - Ảnh: MOET

Kết quả công bố khoa học quốc tế của 67 cơ sở giáo dục đại học theo lĩnh vực, tính từ tháng 1-2022 đến tháng 7-2024 - Ảnh: MOET

Kết quả cũng cho thấy mảng khoa học tự nhiên và kỹ thuật đang là thế mạnh lớn trong công bố khoa học của các cơ sở giáo dục đại học.

Bà Thủy nhận định, từ xu hướng này, có thể thấy các trường đang hướng vào những tạp chí chất lượng chứ không còn chỉ chạy theo số lượng, nhiều đề tài đóng góp quan trọng cho các ngành công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội...

Tuy nhiên, theo bà Thủy, vẫn còn những tồn tại từ các năm trước chưa khắc phục ngay được, các hoạt động nghiên cứu khoa học tương đối nhỏ lẻ, tản mạn, chưa đóng góp nổi bật.

Đặc biệt, sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình hợp tác với các trường đại học trong đặt hàng nghiên cứu còn hạn chế so với nhu cầu thực tiễn.
Kết quả công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024 - Ảnh: MOET

Kết quả công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024 - Ảnh: MOET

Thêm nhiều tạp chí vào nhóm tạp chí uy tín quốc tế

Năm 2024, hệ thống ACI đã thông báo kết quả đánh giá tạp chí, Việt Nam có thêm 11 tạp chí được gia nhập hệ thống.

Trong đó, có 4 tạp chí của Đại học Quốc gia Hà Nội là Tạp chí Toán Lý, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, Tạp chí Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tạp chí Khoa học Y Dược; Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế của Trường đại học Ngoại thương; Tạp chí Khoa học của Trường đại học Quy Nhơn; Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển của Trường đại học Nông Lâm TP.HCM; Tạp chí Khoa học của Trường đại học Trà Vinh.

Trước đó ngày 10-12-2023, Tạp chí Kinh tế và Phát triển (JED) của Trường đại học Kinh tế quốc dân chính thức được ghi tên vào danh mục Scopus. Đây là tạp chí thứ 2 trong số tạp chí của các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gia nhập danh mục Scopus thành công.

Với việc tạp chí JED được gia nhập Scopus, từ nay các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam có thể tham gia công bố tạp chí quốc tế tại JED, chứ không phải chỉ công bố tại các tạp chí quốc tế như trước đây.

Tác giả bài viết: NGUYÊN BẢO

Nguồn tin: Tuổi Trẻ