"Mục đích của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại"

"Mục đích của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại"
Phát biểu sau khi nhận giải Tạ Quang Bửu 2016, PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã dẫn lại lời của học giả Bleiste về mục đích của khoa học để khẳng định các nghiên cứu của ông sẽ không có gì khác ngoài việc hướng đến những tìm tòi giúp ích cho người dân cải thiện cuộc sống.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh là một trong 2 tác giả đoạt giải Tạ Quảng Bửu 2016 cho các nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc với công trình Nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ. Lễ trao giải vừa diễn ra chiều nay, 18/5.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016, tiến sĩ Việt, nghiên cứu khoa học
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho 2 tác giả đoạt giải chính năm nay. Ảnh: Lê Văn.

Cho biết mình vừa trở về Việt Nam sau 9 tháng tham gia chương trình trao đổi học giả Fulbright tại Hoa Kỳ, PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh khẳng định, giải thưởng Tạ Quang Bửu không những có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với những người làm nghiên cứu, mà còn là động lực để các nhà khoa học nghĩ đến việc nâng cao chất lượng các công bố của mình.

"Điều này góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học nói chung của nước nhà", ông Minh nói.

Ông Minh cũng khẳng định, "giảm bớt vất vả cho nhân loại" chính là trách nhiệm và nghĩa vụ mà các nhà khoa học như ông được giao phó. "Nghiên cứu của tôi sẽ không có gì khác ngoài việc hướng đến những tìm tòi, khám phá giúp ích cho người dân cải thiện cuộc sống, xây dựng một môi trường sống trong lành hơn, một nền nông nghiệp bền vững và nhiều triển vọng hơn", ông Minh nói.

Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Hiếu, vị GS trẻ tuổi nhất Việt Nam năm 2015, tác giả chính thứ 2 nhận giải Tạ Quang Bửu năm nay, cho biết, việc nhận giải thưởng đối với ông không chỉ là vinh dự mà còn là động lực đối với bản thân cũng như các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam.

Ông Hiếu cũng cho biết, những người nghiên cứu thực nghiệm trọng lĩnh vực vật lý - khoa học vật liệu như ông ở Việt Nam rất khó để được tặng giải thưởng do việc công bố các kết quả thực nghiệm tại Việt Nam trên các tạp chí đỉnh cao là rất khó và để cộng đồng khoa học quốc tế trích dẫn các công trình thực nghiệm thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam lại càng khó hơn.

"Trong hơn 10 năm nghiên cứu khoa học của tôi, đây là lần đầu tiên tôi được khen thưởng", GS Hiếu nói. Do đó, với bản thân GS Hiếu, giải thưởng này với ông là nguồn cảm hứng và động lực rất lớn.

"Giải thưởng này là nguồn cảm hứng và động lực mới cho các nhà khoa học đẩy mạnh việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế ISI, đưa hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam tiến kịp các trường đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới", GS Hiếu nói.

TS Phùng Văn Đồng, người đoạt giải thưởng nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) có công trình xuất sắc năm nay có bài phát biểu nhận giả khá ngắn gọn, trong đó, anh cho rằng, giải thưởng Tạ Quang Bửu có một ý nghĩa quan trọng: Phát triển khoa học cá nhân sẽ thúc đẩy khoa học nước nhà tiến bộ.

TS Đồng cho rằng, hiện nay, nền khoa học Việt Nam chưa có được những cá nhân hay những nhóm nghiên cứu mạnh, do đó, việc hội nhập quốc tế đang gặp nhiều khó khăn.

"Với kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng những bài giảng hay, những công trình nổi trội, và tạo dựng được một nhóm nghiên cứu mạnh, đó là những gì khoa học nước nhà đang cần", TS Đồng nói.

Đưa nền khoa học vào tốp đầu khu vực

Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và những chính sách khác đang bám sát mục tiêu đã được định hướng rõ ràng là làm sao đưa nền khoa học nước ta vào trình độ của nhóm tốp đầu khu vực ASEAN.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Chu Ngọc Anh, việc đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản là hết sức quan trọng.

Ông Anh cho hay, từ năm 2006 tới nay, các nhà khoa học Việt Nam đã có sự vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Số lượng công bố quốc tế ISI thường niên đều tăng từ 15-20%. Số lượng các công bố ISI trong giai đoạn 2011-2015 gấp trên 2 lần giai đoạn 2006-2010.

"Đó là những con số biết nói cho thấy nền khoa học của chúng ta từng bước vươn lên tiếp cận với trình độ quốc tế", ông Chu Ngọc Anh khẳng định.

Tuy nhiên, ông Anh cũng cho biết, mặc dù đang vươn lên song chúng ta vẫn thuộc tốp dưới trong khu vực và "vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước ở tốp đầu như Malaysia, Thái Lan hay Phillipines".

"Trách nhiệm của chúng ta là phải tạo thêm các điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu, thêm các yếu tố cần thiết để phát huy sức sáng tạo của mình và đặc biệt hơn đẩy mạnh ngay việc tăng cường hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài, các tổ chức khoa học nước ngoài để dần nâng bước trình độ, tiếp cận với quốc tế", ông Anh nói.

Các tác giả đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016

Hai giải thưởng chính:

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016, tiến sĩ Việt, nghiên cứu khoa học

GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Công trình đoạt giải: "Thiết kế chế tạo cấu nano rẽ nhánh SnO2/ZnO nhằm tăng cường tính chất nhạy khí với hơi cồn" (Design of SnO2/ZnO hierarchical nanostructures for enhanced ethanol gas-sensing performance)

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016, tiến sĩ Việt, nghiên cứu khoa học

PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Công trình đoạt giải: "Nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ" ( Release of potassium accompanying the dissolution of rice straw phytolith).

Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ:

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016, tiến sĩ Việt, nghiên cứu khoa học

TS Phùng Văn Đồng, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam

Công trình đoạt giải: "Mô hình 3-3-1-1 của vật chất tối" (3-3-1-1 model for dark matter)

Lê Văn (ghi)