Người Trung Quốc nói gì về giải Nobel khoa học đầu tiên của mình?
- Thứ ba - 13/10/2015 20:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có tin sau khi được tặng giải Nobel, Đồ U U đã
thay số điện thoại và không ai biết hiện giờ
bà ở đâu, kể cả cô trợ lý riêng của bà.
Lâu nay người Trung Quốc vẫn nói họ “không bén duyên” với giải Nobel. Có lẽ như thế thật! Giải Nobel khoa học đầu tiên họ được trao chẳng những không làm toàn dân nước này nhất trí hân hoan đón chào mà còn gây ra nhiều tranh cãi chia rẽ dư luận chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Sự kiện công dân nước CHND Trung Hoa đầu tiên được trao giải Nobel khoa học đang gây sóng gió trong dư luận nước này. Đại để họ đang bàn luận sôi nổi về mấy vấn đề sau:
Cần thay đổi cơ chế nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc
Nhiều người đã bình luận về việc “nhà khoa học ba không” Đồ U U được tặng giải Nobel. Họ cho rằng câu chuyện của bà Đồ nói lên một vấn đề nhức nhối đã lâu, đó là sự tồn tại một QUY TẮC NGẦM trong giới khoa học, giới trí thức Trung Quốc: “những người không có năng lực nhưng có nhiều mối quan hệ xã hội thì vô cùng mát mày mát mặt, còn những người có năng lực nhưng không quen biết ai thì bị chèn ép”. Nay đã đến lúc quy tắc ngầm này không thể tiếp tục tồn tại; cần thay đổi cơ chế nghiên cứu khoa học để những người chỉ say mê nghiên cứu mà không chú ý móc nối quan hệ vẫn có thể được coi trọng.
Đồ U U âm thầm làm việc suốt đời, không mấy ai biết tên tuổi bà. Chính quyền chưa tặng bà giải thưởng nào. Giờ đây chắc hẳn 720 viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc (có 131 viện sĩ Sinh học và Y học), cùng 611 viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc đều ngạc nhiên khi thấy giải thưởng khoa học quốc tế cao quý nhất đầu tiên trao cho người nước mình lại vào tay một bà lão 85 tuổi chưa có học vị tiến sĩ, ba lần bầu viện sĩ đều trượt, chưa lần nào được ra nước ngoài học tập, nghiên cứu.
Nhưng người Mỹ đã nhận ra tài năng ấy: năm 2011 Quỹ Lasker tặng bà Giải Nghiên cứu y học lâm sàng Lasker, còn gọi là giải Nobel y học của nước Mỹ, trị giá 250.000 USD. Đây là giải y học có uy tín cao chỉ sau giải Nobel. Giờ đây, với việc trao Nobel Y học 2015, giới y học quốc tế dành lời tuyên dương cao nhất cho các cống hiến của Đồ U U. Lần đầu tiên bà trở thành nhân vật của công chúng.
Thành công của Đồ U U bắt rễ sâu trên mảnh đất tổ quốc mình. Sau 55 năm sưu tầm chỉnh lý các thư tịch y học cổ, các loại thảo dược, các bài thuốc dân gian, phác đồ điều trị của sách thuốc địa phương, phỏng vấn các chuyên gia Trung y, lặp lại nhiều thí nghiệm... cuối cùng bà đã sáng chế ra loại thuốc mới chữa sốt rét - Artemisinin và Dihydroartemisinine. Đây là một thí dụ xuất sắc của sự nghiên cứu kết hợp Trung y với Tây y. Vinh dự này không chỉ thuộc về một cá nhân bà Đồ mà đằng sau bà còn có cả một đội ngũ nhà khoa học trình độ cao tuy chưa có học vị, học hàm cao.
Giải Nobel trao cho Đồ U U phải chăng đã khẳng định vai trò của Trung y?
Từ sau phong trào Ngũ Tứ, rất nhiều người Trung Quốc hoài nghi thậm chí phủ định Trung y và Trung dược, tức y dược cổ truyền Trung Quốc. Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn (vốn là bác sĩ Tây y) đặc biệt không tin Trung y, cho là trò bịp. Nhiều nhà khoa học phương Tây cũng hoài nghi Trung y. Thành công của Đồ U U chưa đủ bác bỏ quan niệm trên, mà chỉ chứng tỏ nếu biết nghiên cứu kết hợp Trung-Tây y thì có thể phát huy được tác dụng của Trung y. Quan trọng nhất là phải áp dụng phương pháp khoa học của Tây y, đặc biệt là phương pháp chiết xuất hiện đại.
Đồ U U nói bài thuốc của Cát Hồng, một đạo sĩ luyện đan và thầy lang thời cổ (AD 265-317) đã đem lại gợi ý cho bà. Sách Trửu hậu bị cấp phương 肘后备急方của ông có nói tới việc dùng Thanh hao chữa sốt rét, nhưng đồng thời cũng nêu lên 40 phương pháp chữa bệnh này rất phản khoa học (như nuốt nhện sống). Đồ U U chỉ chọn dùng Thanh hao. Câu “Lá Thanh hao một nắm, ngâm nước 2 thăng, vắt lấy nước” trong sách này đã đem lại cảm hứng cho bà. Nhưng Trung y thời xưa đều đem thảo dược sắc thuốc, nhiệt độ cao làm hỏng chất quý trong dược liệu. Tuy có công tìm ra mối liên quan giữa Thanh hao với bệnh sốt rét nhưng thực tế Trung y lại chưa hề dùng Thanh hao chữa bệnh này. Chỉ sau khi dùng phương pháp chiết xuất hiện đại (dùng Ether có độ sôi 60 độ C), Đồ U U mới tách được thành phần hữu hiệu của Thanh hao là chất Artemisinin, nhờ đó mới làm ra thuốc. Nhiều người nói không thể gọi Artemisinin là thảo dược Trung Quốc. Người Pháp chẳng đã chiết xuất được chất Alkaloid từ vỏ cây Canh-ki-na để làm ra thuốc Ký-ninh (Quinine) đấy ư.
Khi có nhà báo hỏi giải Nobel trao cho Đồ U U có phải là sự khẳng định Trung y không, bà Juleen Zierath, Chủ tịch Ủy ban Nobel Y học đã nói tránh: “Youyou Tu chiết xuất được chất Artemisinin dùng để điều trị bệnh sốt rét. Điều đó chứng tỏ thảo dược truyền thống của Trung Quốc cũng có thể đem lại những gợi ý mới cho các nhà khoa học.” Bà nói, nhờ kết hợp công nghệ chiết xuất hiện đại với y học hiện đại, thảo dược Trung Y đã lập được thành tựu “rất xuất sắc” về chữa bệnh.
Một tác giả Trung Quốc cũng cho rằng chất Thanh hao (Artemisinin) có thành tựu lớn như vậy là công trạng của y học hiện đại. Artemisinin không phải là Trung dược, nó là dược phẩm hóa chất, cũng như Aspirin, Quinine mà thôi, có dược chất lấy từ thực vật.
Tóm lại, giải Nobel trao cho Đồ U U là thắng lợi của việc hiện đại hóa y học cổ truyền Trung Hoa.
Không ít người cho rằng việc chiết xuất chất Artemisinin là thành tích của hàng trăm người tham gia Dự án 523, một mình Đồ U U được hưởng vinh quang là vô lý.
Nếu bà có thành tích nổi bật thì chính phủ Trung Quốc đã tặng bà giải thưởng nào đấy. Thập niên 1970 nước này chưa có chế độ bản quyền trí tuệ, các báo cáo khoa học đều ký tên một tập thể nào đó, không có tên cá nhân. Năm 1978, hội nghị giám định thành quả Dự án 523 cũng nói việc chế tạo chất Thanh hao là vinh dự của tập thể, hoàn toàn không nhắc đến tên bất cứ người nào.
Sau khi Đồ U U được tặng giải Lasker, trang mạng tạp chí Science viết: Giải Lasker tái châm ngòi cho cuộc tranh cãi về chuyện Dự án 523 quy mô lớn do Chính phủ tổ chức đã làm ra loại thuốc có hiệu quả chống sốt rét, thành tích ấy có nên quy công cho một người hay không?
Giờ đây cuộc tranh cãi ấy lại bùng lên mạnh mẽ sau khi Đồ U U được trao giải Nobel Y học. Người hăng hái phát biểu nhất là Phương Châu Tử, nhà khoa học nổi tiếng trực ngôn, từng dũng cảm vạch mặt nhiều nhà khoa học giả hiệu. Ông nhiều lần phát biểu trên Twitter, cho rằng Đồ U U không phải người đầu tiên chiết xuất được chất Thanh hao; bà ba lần không đủ phiếu bầu nhận học hàm Viện sĩ vì các viện sĩ nghi ngờ vai trò của bà trong một dự án nghiên cứu có rất nhiều người tham gia, vả lại nhiều người không đánh giá cao trình độ và tác phong học thuật của bà. Phương Châu Tử cũng cho biết các đại công ty dược hiện nay về cơ bản cũng không nghiên cứu thảo dược nữa.
Riêng về Đồ U U, sau khi có tin được tặng giải Nobel bà đã thay số điện thoại và không ai biết hiện giờ bà ở đâu, kể cả cô trợ lý riêng của bà.
Thời báo Hoàn cầu ngày 8/10 có đăng bình luận đề nghị người Trung Quốc chớ nên “quấy rầy” Đồ U U, nhân vật được họ quan tâm nhất hiện nay, vì chính bà đã nói đây là thành tựu của tập thể các nhà khoa học Trung Quốc. Bài báo nhắc nhở mọi người nhớ rằng cho tới nay đã có 21 người Nhật được trao giải Nobel khoa học, nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ ; Trung Quốc mới chỉ có một người. Dư luận nên tập trung suy nghĩ về vấn đề tạo dựng môi trường và cơ chế nghiên cứu khoa học tốt hơn, sao cho Trung Quốc ngày càng có nhiều người đoạt giải Nobel khoa học.