Người trẻ nói về cơ chế ngành khoa học
- Thứ tư - 09/09/2015 22:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TS Lê Hoàng Sơn (trái), Đại học KHTN, Đại học QG Hà Nội cho rằng, những đổi mới trong cơ chế cho ngành khoa học cần phải được nhân rộng hơn nữa. |
TS Nguyễn Thiên Tạo cho rằng, hiện nay, mặc dù hàng loạt các quy định chính sách mới đã được ban hành, song, các cơ chế cũ vẫn tồn tại, các văn bản trong hệ thống pháp luật vẫn chồng chéo, chưa đồng bộ.
“Điều này phần nào đã cản trở việc cải cách”, TS Tạo nói. “Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học còn quá nặng nề và mất rất nhiều thời gian trong khâu thanh quyết toán…”
Theo TS Tạo, để KHCN Việt Nam phát triển, cần phải tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho những người trẻ tuổi nghiên cứu khoa học phát huy được hết khả năng của họ.
“Các nhà quản lý, các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, lão thành cần đặt niềm tin hơn nữa vào lớp trẻ”, TS chia sẻ. “Ngoài ra chế độ đãi ngộ cũng cần cải thiện để chúng ta không phải đặt câu hỏi là có thể sống bằng nghề nghiên cứu khoa học được không?”
Chia sẻ quan điểm này, TS Lê Hoàng Sơn cũng cho rằng, sự đổi mới trong ngành KHCN hiện nay còn khá khiêm tốn và cần được nhân rộng để giúp KHCN có bước phát triển vượt bậc hơn nữa.
Chẳng hạn như Quỹ NAFOSTED được coi là một cơ chế mới giúp các nhà khoa học trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm có cơ hội cạnh tranh công bằng với các nhà khoa học khác, song theo TS Sơn Quỹ NAFOSTED vẫn chưa giải quyết được hoàn toàn vấn đề của những người trẻ.
Theo TS Sơn, nguồn kinh phí của Quỹ khá hạn hẹp so với các đề tài, dự án sản xuất khác khiến các nhà khoa học trẻ thường gặp nhiều khó khăn hơn khi đặt trên bàn cân so sánh với các nhà khoa học có tiếng.
Bên cạnh đó, mặc dù Quỹ đã khoán đầu ra nhưng các kinh phí thực hiện đề tài vẫn bị áp theo các thông tư, nghị định quản lý với khung giá trần cho các hoạt động. Ngoài ra, thời gian xử lý hồ sơ của quỹ cũng tương đối lâu, cập nhật kết quả chậm và cuối cùng là cơ chế đánh giá sản phẩm đầu ra cũng chưa thống nhất.
“Về cơ bản, Quỹ NAFOSTED đã là một hình thức quản lý rất tốt rồi, nhưng nếu cải thiện thêm được điều này nữa thì tôi nghĩ các nhà khoa học sẽ tập trung nhiều hơn để đưa ra các sản phẩm có chất lượng tốt hơn nữa”, TS Sơn chia sẻ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng (VAST) chỉ ra khá nhiều bất cập trong cơ chế ngàn khoa học hiện nay như lượng tiền sử dụng cho nghiên cứu còn ít trong tổng số tiền chi cho KHCN; Cơ chế xét duyệt đề tài, dự án còn rất bất cập, không minh bạch, mang tính cảm tính. Đề tài xét duyệt thắt chặt đầu vào, thả nổi đầu ra; Lãng phí do sự trùng lặp các nghiên cứu, lãng phí nguồn nhân lực do bố trí, sử dụng không khoa học.
Bên cạnh đó, thu Thu nhập cho nghiên cứu viên thấp, không đảm bảo cho cuộc sống nên ngành KHCN ít thu hút được nhân tài, những người làm việc trong hệ thống không yên tâm công tác nên phải làm thêm để kiếm sống, không tập trung cho chuyên môn, sáng tạo.
“Có thể nói, Bộ KHCN Việt Nam đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Quân đã làm được nhiều việc, tuy vậy, còn rất nhiều việc phải làm”, TS Hùng chia sẻ.
Lê Văn