Trên trang tin của Hội toán học châu Âu vừa đăng tải danh sách 10 nhà toán học được giải thưởng chính thức của hội (giải thưởng Hội toán học châu Âu - EMS), trong đó có tên GS Phan Thành Nam, một nhà toán học trẻ người Việt, hiện là giáo sư Đại học Ludwig-Maximlians, Đức.
Theo kế hoạch, giải thưởng sẽ được trao tặng tại kỳ đại hội toán học châu Âu năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đại hội được lùi lại vào tháng 6.2021. Tại đại hội, GS Phan Thành Nam sẽ thực hiện một bài giảng.
|
GS Phan Thành Nam sinh năm 1985, trong một gia đình có truyền thống học tập và là cựu học sinh Trường THPT Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên; cựu sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2007, Phan Thành Nam chỉ mất 1 năm để nhận được bằng thạc sĩ toán học tại Đại học Orleans, Pháp. 3 năm sau đó, Phan Thành Nam nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch.
Sau một thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại các trung tâm toán học ở châu Âu, năm 2017, Phan Thành Nam trở thành giáo sư tại Đại học Ludwig-Maximlians, thành phố Munchen, Đức.
Lĩnh vực nghiên cứu của GS Nam là giải tích và vật lý toán, đặc biệt là cơ học lượng tử nhiều hạt, lý thuyết phổ, phép tính biến phân và phương trình đạo hàm riêng, giải tích số.
Trước khi là giáo sư tại Đức, GS Nam là trợ lý giáo sư tại Đại học Masaryk (Brno, Cộng hòa Séc) và là học giả IST tại Viện Khoa học và Công nghệ Áo.
|
Với một nhà toán học trẻ như GS Nam, việc được mời báo cáo 2 lần tại hội nghị danh giá này là vinh dự lớn lao, là minh chứng cho thấy những đóng góp của GS Nam đã được ghi nhận và đánh giá cao bởi các nhà vật lý toán thế giới.
Năm 2018, GS Nam đã được trao tặng giải thưởng nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý toán được trao tặng bởi Hội quốc tế về vật lý ứng dụng và lý thuyết (viết tắt IUPAP). GS Nam được trao giải thưởng này vì đã đạt các kết quả tiên phong với chất lượng khoa học xuất sắc trong vật lý toán.
Cụ thể hơn, GS Nam đã có những đóng góp nền tảng cho lý thuyết toán học của các hệ lượng tử nhiều hạt, đặc biệt đã chứng minh giả thuyết ion hóa trong lý thuyết Thomas-Fermi-Dirac-von Weizsacker và chứng minh sự xấp xỉ Bogoliubov cho một lớp các hệ tương tác Bose.
Theo số liệu trên trang MathScinet của Hội toán học Mỹ, GS Nam đã công bố 39 công trình khoa học. Đa phần trong số đó là các công bố trên các tạp chí danh tiếng thế giới, chẳng hạn: Comm. Math. Phys., Jour. Eur. Math. Soc., Comm. Pure Appl. Math. Jour. Funct. Anal., Arch. Rational Mech. Anal., Amer. Jour. Math… Các công bố của GS Nam và đồng nghiệp đã được trích dẫn 346 lần. Còn theo trang Google Scholar, các công bố của GS Nam được trích dẫn 913 lần, với chỉ số h-index là 17.
Bên cạnh việc đang chứng minh mình là một nhà khoa học thực sự, nghiêm túc và có những bước tiến chắc chắn trong nghề nghiệp, GS Nam cũng tham gia tích cực vào công tác giáo dục và đào tạo.
Hiện nay, GS Nam đang hướng dẫn 2 thực tập sinh sau tiến sĩ, hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh. Đặc biệt, một trong 2 nghiên cứu sinh này là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (trường cũ của GS Nam).
Giải thưởng EMS là giải thưởng chính thức của Hội toán học châu Âu, được xét 4 năm 1 lần, và được trao tặng tại đại hội toán học châu Âu. Mỗi kỳ xét sẽ có 10 nhà toán học được trao giải. Họ đều là những nhà toán học trẻ không quá 35 tuổi, có quốc tịch châu Âu hoặc đang làm việc tại châu Âu, có những đóng góp xuất sắc trong toán học.
Giải thưởng được tạo lập bởi Hội đồng tổ chức của hội nghị toán học châu Âu lần thứ nhất năm 1989 và được tài trợ bởi cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac, lúc ấy đang là thị trưởng Paris. Đợt trao giải đầu tiên được diễn ra đại hội toán học châu Âu năm 1992.
Với quy trình và chu kỳ tổ chức tương tự như đại hội toán học thế giới, nhiều nhà toán học Việt Nam nhận định giải thưởng EMS của Hội toán học châu Âu là một giải thưởng toán học uy tín bậc nhất thể giới.
Xét về sự danh giá, giải thưởng này gần như chỉ xếp sau giải thưởng Fields của Hội toán học thế giới. Hầu hết các nhà toán học được giải thưởng EMS đều trở thành những nhà toán học lớn của thế giới.
Thống kê cho thấy, có 11 nhà toán học được giải thưởng EMS sau đó được giải thưởng Fields (giới hạn độ tuổi của giải thưởn Fields là từ 40 tuổi trở xuống, có “độ trễ” 5 năm so với giải thưởng EMS). GS Cédric Villani, người được trao giải thưởng Fields cùng năm 2010 với GS Ngô Bảo Châu, cũng được trao tặng giải thưởng EMS năm 2008.