Những vấn đề cốt lõi của nhóm nghiên cứu mạnh
- Thứ năm - 31/08/2017 22:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có thể thấy sau gần 10 năm triển khai tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, số lượng công bố của chúng ta đã tăng nhiều so với trước đây (theo số liệu của Quỹ Nafosted là 802 bài báo ISI năm 2016 còn trước đó, khi Quỹ Nafosted mới bắt đầu hoạt động là 45 bài báo ISI năm 2009) nhưng so với một số quốc gia khác trong khu vực thì số lượng đó cũng chưa nhiều. Do đó, một mặt chúng ta vẫn cần đến số lượng công bố nhưng mặt khác cũng nên quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng công bố. Muốn đáp ứng được yêu cầu mới đó thì chúng ta cần phải có những nhóm nghiên cứu mạnh với hạt nhân là những nhà khoa học đã tích lũy được kinh nghiệm nghiên cứu và có được một số công bố trên tạp chí ISI uy tín.
Khi bàn về việc thúc đẩy hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, chúng ta có thể thấy là hiện nay mới chỉ có một văn bản đề cập đến vấn đề này là Thông tư 37 quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản được Quỹ Nafosted tài trợ do Bộ KH&CN ban hành vào tháng 12/2014, trong đó nêu những nội dung cơ bản về tiêu chuẩn nhóm nghiên cứu mạnh, còn những mục tiêu của việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh là gì thì chưa có văn bản nào nói rõ. Mọi việc cũng chỉ mới bắt đầu khởi động nên hiện cũng chưa có gì để tổng kết, đánh giá.
Theo tôi thì việc ra đời của nhóm nghiên cứu mạnh là vấn đề mới của khoa học Việt Nam nên việc đầu tư để hình thành nhóm nghiên cứu mạnh cần được xem xét ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ.
Thứ nhất, theo Thông tư 37, thành phần nhóm nghiên cứu mạnh ngoài trưởng nhóm có công bố trên tạp chí ISI uy tín trong vòng 5 năm trở lại đây còn có ít nhất hai thành viên chủ chốt khác cũng đáp ứng được yêu cầu đó, tức là từng làm chủ nhiệm đề tài của Quỹ. Nhóm nghiên cứu mạnh phải có hướng nghiên cứu lâu dài và có chiến lược phát triển hướng nghiên cứu đó theo từng giai đoạn, chứ không phải thực hiện nghiên cứu một cách ngẫu nhiên (các hướng nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu mạnh cũng cần thuộc định hướng nghiên cứu của Quỹ).
Thứ hai, một nhóm nghiên cứu mạnh có hướng đi lâu dài đã tốt nhưng nó cũng cần tập hợp được nhân lực có đủ khả năng giải quyết được vấn đề đó. Việc kết nối các thành viên trong công việc cần khoa học, có sự phân công nhiệm vụ thật rõ ràng bởi muốn cho ra được một bài báo chất lượng tốt thì phải có kế hoạch làm việc rõ ràng, trong đó quy định rõ những ai làm công đoạn gì, nó hoàn toàn khác so với một nhóm nghiên cứu thông thường, nhiều khi là trưởng nhóm đảm trách phần lớn công việc với sự hỗ trợ của một vài học viên, nghiên cứu sinh.
Thứ ba, để nhóm nghiên cứu mạnh có thể giải quyết được những vấn đề lớn thì thời gian thực hiện đề tài phải đủ dài. Trước đây, Quỹ quy định thời gian thực hiện các đề tài do Quỹ tài trợ thường là hai đến ba năm (thông thường là hai năm). Hai năm là quãng thời gian phù hợp với các đề tài lý thuyết, còn trong lĩnh vực thực nghiệm hai năm thực hiện đề tài thì rõ ràng là rất ít để nghiên cứu vấn đề nào đó thật sâu và có được những kết quả thật tốt. Ví dụ trong ngành khoa học vật liệu, chỉ cần chụp ảnh vật liệu nghiên cứu trên kính hiển vi điện tử quét (SEM) là có được kết quả đạt yêu cầu, nhưng nếu nâng cao yêu cầu hơn cần chụp ảnh trên kính hiển vi điện tử truyền qua có độ phân giải cao (HRTEM) chẳng hạn, việc đó cũng cần có thời gian thực hiện.
Thứ tư là vấn đề quyền lợi của những người tham gia nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là vấn đề hết sức tế nhị, bởi dù là nhóm mạnh thì quyền lợi mà mọi thành viên được hưởng vẫn theo quy chế chung, ví dụ như tính điểm chủ nhiệm đề tài thì chỉ có một người được hưởng điều này, các thành viên chủ chốt khác không được hưởng điều đó. Do liên quan mật thiết đến tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư và một số quyền lợi khác, nên việc áp dụng cách tính điểm này sẽ khiến các thành viên chủ chốt thiệt thòi, trong khi họ cũng từng là chủ nhiệm đề tài và kết quả nghiên cứu cũng rất tốt.
Và cuối cùng, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh phải chịu áp lực rất nặng nề. Bản thân anh đã có sản phẩm nghiên cứu tốt với nhóm nghiên cứu trước đây, nhưng nay là nhóm nghiên cứu mạnh thì sản phẩm đầu ra của anh phải có chất lượng cao hơn hẳn, không chỉ đáp ứng yêu cầu của hội đồng khoa học mà còn là danh dự của anh trước cộng đồng khoa học.
Ở góc độ một nhà nghiên cứu, tôi thấy có đầy đủ lý do để giải thích tại sao mới chỉ có ba nhóm nghiên cứu đăng ký nhóm nghiên cứu mạnh: nhóm về khoa học vật liệu của GS. TS Nguyễn Văn Hiếu (Viện ITIMS, Đại học Bách khoa Hà Nội), nhóm về Toán học của GS. TS Phan Quốc Khánh (Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) và nhóm về Y sinh của PGS. TS Hoàng Văn Tổng (Học viện Quân y). Đây là ba nhóm dũng cảm tiên phong: trưởng nhóm nhận trách nhiệm phải có bài tốt hơn, các thành viên chủ chốt dám chấp nhận thiệt thòi… Khi bắt đầu, cái mới nào cũng thấy khó, trong trường hợp này phải là những người “sống chết” với khoa học mới có thể làm được. Về phía các hội đồng khoa học ngành của Quỹ, tôi nghĩ có đủ dữ liệu về năng lực nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của trưởng nhóm và các thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu mạnh trong một thời gian khá dài. Do đó, không sợ hội đồng ngành “nhận lầm” nhóm nghiên cứu mạnh.
--------
* GS. TS, Đại học Bách khoa Hà Nội