Phát hiện chủng cúm lợn ở Trung Quốc có khả năng gây đại dịch cho con người

Phát hiện chủng cúm lợn ở Trung Quốc có khả năng gây đại dịch cho con người
Trong bối cảnh toàn thế giới hiện đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, việc có thêm một dịch bệnh nữa xuất hiện là điều không một quốc gia nào mong muốn. Do đó, mới đây, các nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới đã xôn xao trước những thông tin về một chủng cúm lợn có khả năng lây bệnh cho con người.

 

Robert Webster, nhà nghiên cứu bệnh cúm vừa nghỉ hưu gần đây của Bệnh viện Nghiên cứu Nhi St.Jude, nhận định, câu hỏi liệu chủng virus này có biến đổi và dễ dàng lây truyền giữa người với người hay không vẫn đang là một “trò chơi dự đoán” bởi điều này vẫn chưa xảy ra. “Chúng ta không biết khi nào thì một đại dịch sẽ xuất hiện, cho đến khi điều tồi tệ đó xảy đến”, Webster nói và lưu ý, Trung Quốc là quốc gia nhiều lợn nhất trên thế giới. “Liệu điều này có xảy ra hay không? Có Chúa mới biết”.

Khi có nhiều chủng virus cúm cùng lây nhiễm trên một con lợn, chúng sẽ dễ dàng trao đổi gen với nhau. Quá trình này thường được biết đến với tên gọi là sự “tái tổ hợp”. Nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí khoa học “Proceedings of the National Academy of Sciences” đã tập trung vào một loại virus cúm có tên là G4. Đây là virus độc nhất có sự pha trộn giữa 3 dòng: một dòng giống với chủng được phát hiện ở những con chim châu Á và côôhâu Âu, dòng thứ hai là chủng H1N1 đã gây ra đại dịch năm 2009 và dòng cuối cùng là chủng H1N1 Bắc Mỹ có các gen từ virus cúm gia cầm, cúm lợn và cúm ở người.

Biến thể G4 này đặc biệt đáng lo ngại ở chỗ, lõi của nó là sự kết hợp của một virus cúm gia cầm mà con người không có khả năng miễn dịch cùng với các chủng virus của động vật có vú. “Từ những dữ liệu được đưa ra, có vẻ như virus cúm lợn này đã sẵn sàng để truyền sang cho con người”, Edward Holmes, một nhà sinh học tiến hóa chuyên nghiên cứu về các mầm bệnh ở đại học Sydney, cho biết. “Rõ ràng đây là một trường hợp cần được theo dõi cẩn trọng”.

Với một trong những mục tiêu của dự án là xác định được các chủng cúm có khả năng gây đại dịch, nhóm nghiên cứu do Liu Jinhua từ Đại học Nông nghiệp Trung Quốc dẫn dắt đã phân tích gần 30,000 mẫu dịch mũi từ những con lợn tại các lò mổ ở 10 tỉnh thành của Trung Quốc, cùng với 1000 mẫu dịch nữa từ những con có các triệu chứng của bệnh hô hấp  ở khoa thú y của bệnh viện. Những mẫu dịch này được thu thập từ năm 2011 đến 2018, cung cấp 179 virus cúm lợn, trong số đó phần lớn là chủng G4 hoặc một trong năm chủng G khác bắt nguồn từ dòng giống với gia cầm Á-Âu. “Virus G4 đã có sự gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2016, và là kiểu gen chiếm ưu thế trong số những con heo được phát hiện tại ít nhất 10 tỉnh thành”, các nhà khoa học viết trong bài báo.

Sun Honglei, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, việc các gen từ đại dịch H1N1 năm 2009 có trong G4 “có thể thúc đẩy khả năng thích ứng của virus”, qua đó dẫn đến sự lây truyền giữa người với người. Bởi vậy, theo ông Sun, cần phải tăng cường giám sát các đàn lợn tại Trung Quốc để phát hiện các loại virus cúm.

Trước đây, các virus cúm thường xuyên truyền từ lợn sang người, tuy nhiên hầu như không có sự lây truyền giữa con người với nhau. Cả hai trường hợp nhiễm G4 ở người đã được ghi nhận đều không lây truyền sang người khác. “Khả năng biến thể đặc biệt này sẽ gây ra đại dịch là khá thấp”, Martha Nelson, nhà sinh học tiến hóa ở Trung tâm Quốc tế Fogarty thuộc Viện nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, người chuyên nghiên cứu về các virus cúm lợn và khả năng lây lan của chúng sang con người, đánh giá. Tuy nhiên, bà Nelson lưu ý rằng, không ai biết về chủng cúm đại dịch H1N1 - chủng cúm đã lây truyền từ lợn sang người, cho đến khi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào năm 2009. Bà Nelson cho biết: “Bệnh cúm có khả năng làm chúng ta ngạc nhiên. Không may thay, chúng ta có thể sẽ bỏ qua nó và những mối đe dọa khác do thời điểm này đang có dịch Covid-19”.

Nghiên cứu mới cũng đã đưa ra cái nhìn sơ lược về các chủng cúm lợn tại Trung Quốc - quốc gia hiện sở hữu đàn lợn hơn 500 triệu con. Mặc dù bà Nelson cho rằng sự xuất hiện áp đảo của chủng G4 trong các kết quả phân tích của họ là một phát hiện thú vị, rất khó để biết được liệu sự lây lan của virus này có phải là một vấn đề đang lớn dần hay không, bởi số lượng mẫu được đưa vào khảo sát khá nhỏ. “Chúng ta thực sự chưa có được một bức tranh toàn cảnh về đàn lợn ở Trung Quốc”, bà cho biết và nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc phải có thêm các mẫu để nghiên cứu.

Trong bài báo của mình, Sun và các cộng sự - bao gồm George Gao, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc - đã mô tả lại các nghiên cứu lab dish (đĩa/thiết bị trong phòng thí nghiệm) về cách G4 trở nên thuần thục trong việc lây nhiễm và sao chép chính mình trong các tế bào biểu mô đường dẫn khí ở con người (airway epithelial cells). Các virus cũng cho thấy khả năng lây nhiễm và truyền bệnh giữa những con chồn sương - một mô hình động vật phổ biến được sử dụng để nghiên cứu về bệnh cúm ở người. Không chỉ vậy, trong một khảo sát ở quy mô hộ gia đình, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy kháng thể đối với chủng G4 ở 4,4% trong số 230 người được nghiên cứu, và tỉ lệ này còn cao hơn gấp 2 lần ở những người chăn nuôi lợn.

Bởi vậy, bên cạnh việc tăng cường giám sát, ông Sun cho rằng việc phát triển vắc-xin chống lại G4 ở cả lợn và con người cũng là một điều cần thiết. Ông Webster nhận định, ít nhất, những “hạt giống” dùng để tạo ra vắc-xin cho con người - các biến thể của một chủng mà phát triển nhanh chóng trong các quả trứng để làm ra vắc-xin phòng cúm - nên được sản xuất ngay bây giờ. “Việc tạo ra những ‘hạt giống’ không phải là vấn đề lớn, do đó chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng”, ông Webster nói.

Trung Quốc hiếm khi dùng vắc-xin cúm cho lợn, trong khi theo Nelson, nông dân Mỹ lại sử dụng rất nhiều. Tuy nhiên, những vắc-xin này hầu như không có tác dụng bởi chúng thường đã lạc hậu và không còn phù hợp với các chủng bệnh đang lưu hành.

Lý tưởng nhất, theo Nelson, chúng ta cần sản xuất được vắc-xin G4 cho con người và dự trữ sẵn, tuy nhiên đó lại là một quá trình đòi hỏi phải có nguồn kinh phí đáng kể. “Chúng ta cần phải cảnh giác với các mối đe dọa từ các loại bệnh truyền nhiễm khác nhau kể cả khi dịch Covid vẫn còn đang hoành hành, bởi virus không quan tâm đến việc chúng ta có đang phải đối mặt với một dịch bệnh khác từ trước hay không”, bà Nelson nói.

Mỹ Hạnh dịch

Nguồnhttps://www.sciencemag.org/news/2020/06/swine-flu-strain-human-pandemic-potential-increasingly-found-pigs-china