Suy nghĩ về nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam

Suy nghĩ về nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam
Ngay sau khi dự lễ kỷ niệm 25 năm thành lập tạp chí Tia Sáng, GS. TS Đào Tiến Khoa (Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân), một cộng tác viên thân thiết của Tia Sáng, đã gửi tới tòa soạn bài viết ông đã nung nấu gần 10 năm, "Suy nghĩ về nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam", trong đó nhấn mạnh đến vai trò của khoa học cơ bản và sự cần thiết vào cuộc của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức xã hội... bên cạnh sự đầu tư của nhà nước. 

Trong thế kỷ 21, chất lượng cuộc sống của con người đã được nâng cao đáng kể nhờ những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển của khoa học và kỹ thuật trên thế giới. Mặc dù những tiện nghi hàng ngày như điện thoại và TV thông minh, máy tính bảng... đã trở nên rất quen thuộc như những đồ dùng tất yếu của cuộc sống nhưng không phải ai trong chúng ta cũng nhận thức được rằng những sản phẩm kỹ thuật trên chỉ có thể có được nhờ những phát minh quan trọng trong nghiên cứu vật lý cơ bản, với nền tảng cơ sở được các nhà vật lý tiền bối như Einstein, Bohr, Dirac, Heisenberg... xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Là một lĩnh vực trọng yếu của khoa học cơ bản (KHCB), vật lý hiện đại đang được phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với đối tượng nghiên cứu bao gồm các dạng thể vật chất từ nhỏ nhất (với kích thước < 10-17 m) cho đến lớn nhất (>1025 m) mà con người có thể biết đến. Ngoài chức năng cơ bản là mở rộng sự hiểu biết của nhân loại về nguồn gốc và cấu trúc của vật chất, nghiên cứu vật lý cơ bản vẫn luôn là một trong những hướng nghiên cứu KHCB mũi nhọn của nhân loại, với vai trò đặc biệt quan trọng của vật lý trong việc xây dựng và phát triển của nhiều ngành khoa học và công nghệ khác nhau như khoa học vật liệu, hoá học lượng tử,công nghệ sinh học... Sự phát triển của vật lý hiện đại chắc chắn sẽ tiếp tục có những phát minh mà có thể dẫn tới những bước đột phá của nhiều ngành công nghệ cao, thí dụ như mạng Internet mà thực tế đã ra đời như một sản phẩm hỗ trợ nghiên cứudo các nhà vật lý năng lượng cao ở trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN) kiến tạo ra cuối thế kỷ 20 nhằm đáp ứng nhu cầu tải chuyển dung lượng lớn số liệu thực nghiệm giữa các phòng thí nghiệm trên của thế giới. Chúng ta cũng có thể dễ dàng chỉ ra những minh chứng tương tự về vai trò quan trọng của các lĩnh vực KHCB khác đối với phát triển khoa học & công nghệ (KHCN), thí dụ như hiện diện rộng rãi của các phương pháp tính toán số, mô phỏng của Toán học hiện đại trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ dự báo thời tiết cho đến nghiên cứu động học các quá trình sinh hóa xảy ra trong cơ thể sống…

 

Một chiến lược phát triển điều hoà và hợp lý cho KHCB và khoa học ứng dụng là rất quan trọng đối với một nước đang phát triển, nó sẽ giúp tạo ra được một cơ chế tương tác tự nhiên và hỗ trợ lâu dài trong việc duy trì nền tảng tri thức khoa học trình độ cao làm cơ sở nuôi dưỡng nhân lực cho việc phát triển các ngành công nghệ hiện đại nhất như công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu, hạt nhân...
Tuy nhiên, nhịp sống sôi động của xã hội hiện đại luôn trong sức ép thời gian, với trọng lượng rất lớn của đồng tiền trong các hoạt động và giao lưu xã hội... đang có khuynh hướng làm mất đi sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với nghiên cứu và phát triển KHCB ở Việt Nam. Thậm chí đã có không ít ý kiến (kể cả trong giới lãnh đạo quản lý nhà nước) coi KHCB chỉ như là "trang sức" cho nền khoa học nước nhà và do đó các hoạt động nghiên cứu KHCB không được quan tâm và đầu tư đúng mức. Chúng ta dễ thấy, từ kinh nghiệm phát triển KH&CN của thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay, một quốc gia với một nền khoa học ứng dụng và công nghệ phát triển cao cũng luôn có một nền KHCB hưng thịnh, được đầu tư và phát triển thích đáng. Một chiến lược phát triển điều hoà và hợp lý cho KHCB và khoa học ứng dụng là rất quan trọng đối với một nước đang phát triển, nó sẽ giúp tạo ra được một cơ chế tương tác tự nhiên và hỗ trợ lâu dài trong việc duy trì nền tảng tri thức khoa học trình độ cao làm cơ sở nuôi dưỡng nhân lực cho việc phát triển các ngành công nghệ hiện đại nhất như công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu, hạt nhân... Một minh chứng điển hình là cơ chế đầu tư và phát triển KHCB của Hoa Kỳ: với một thâm thụt ngân sách quốc gia khổng lồ, chính phủ liên bang Hoa Kỳ vẫn đầu tư hàng năm trên 30 tỷ USD cho nghiên cứu KHCB ở các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học quốc gia (đây chưa tính đến nguồn hỗ trợ tài chính khá lớn từ phía các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu tư nhân...). Đó là những hướng nghiên cứu trong tất cả các ngành KHCB, với yêu cầu phải có được những công bố khoa học chất lượng rất cao, phát triển được các ý tưởng, mô hình, hình thức luận mới... đồng thời gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho cộng đồng KHCN của đất nước. Những nghiên cứu khoa học ứng dụng được ngân sách liên bang Hoa Kỳ cấp một khoản kinh phí gấp khoảng 5 lần số kinh phí cho KHCB, với yêu cầu nghiên cứu, xây dựng và triển khai mạnh mẽ các ngành công nghệ hiện đại nhất phục vụ kinh tế, xã hội và quốc phòng. Như vậy kết cấu tự nhiên và hỗ trợ cho KHCB và khoa học ứng dụng ở Hoa Kỳ là một cơ chế có cấu trúc hình chóp, với đỉnh chóp là KHCB, như tinh hoa của toàn bộ nền khoa học và là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của toàn bộ nền KHCN. Tuy vẫn có những khía cạnh chưa thật sự hoàn hảo, cơ chế này đã giúp các nhà khoa học của Mỹ đoạt nhiều giải thưởng Nobel nhất so với các nước khác, cũng như một số lượng rất lớn các bằng phát minh và sáng chế kỹ thuật được các cơ sở R&D của Hoa Kỳ đăng ký hàng năm.

 

 

Hi vọng rằng cũng sẽ đến lúc KHCB của Việt Nam có được sự hỗ trợ và đầu tư kinh phí thích đáng không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ đối tượng xã hội khác nhau, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp tư nhân lớn.
Trong khoảng 10 năm gần đây Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học để động viên cao nhất nỗ lực của cộng đồng KH&CN nước nhà vào công cuộc xây dưng và phát triển KH&CN. Đặc biệt, sự ra đời và triển khai rất thành công các hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN quốc gia NAFOSTED đã có đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền KHCN nước nhà, đặc biệt là các hướng nghiên cứu KHCB. Tuy nhiên những hoạt động này vẫn chỉ được triển khai từ phía quản lý nhà nước, chưacóđược đầu tư cho KHCN từ phía các doanh nghiệp kinh tế và các cá nhân, tổ chức xã hội. Chắc không nhiều người biết rằng những hãng công nghiệp ô tô lớn của Đức như Mercedes, Volkswagens vẫn chi hàng năm hàng triệu EUR để hỗ trợ những dự án nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học... với mục đích duy nhất là mang lại được những hiểu biết khoa học ngày càng sâu hơn cho nhân loại và đồng thời duy trì vị thế hàng đầu của nền khoa học Đức. Hi vọng rằng cũng sẽ đến lúc KHCB của Việt Nam có được sự hỗ trợ và đầu tư kinh phí thích đáng không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ đối tượng xã hội khác nhau, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp tư nhân lớn. Nếu như các doanh nghiệp hảo tâm đã từng hỗ trợ, thưởng hàng tỷ đồng cho các đội bóng, các vận động viên đoạt huy chương mang lại vinh quang cho Việt Nam tại SEA Games, Asiad... thì họ hoàn toàn có thể làm những việc tương tự để hỗ trợ và động viên các nhà khoa học của đất nước đã và đang thu được những kết quả nghiên cứu xuất sắc, mang lại vinh quang và tự hào cho nền tri thức và khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta cần hiểu được rằng tri thức và khoa học không chỉ là thiết yếu đối với sự phát triển KHCN của đất nước mà còn là vốn trí tuệ quí báu của dân tộc và việc nâng niu, hỗ trợ và phát triển vốn trí tuệ đó phải là sự nghiệp của toàn dân tộc Việt Nam.

 

 

Tác giả bài viết: Đào Tiến Khoa

Nguồn tin: Tia Sáng