Tái cơ cấu nền KH&CN: Đổi sao cho mới ?

Tái cơ cấu nền KH&CN: Đổi sao cho mới ?
 

Nhà khoa học chỉ nên coi đề tài khoa học như một
hướng nhỏ trong tầm nhìn. Họ phải là người có vai
trò lãnh đạo, dẫn dắt tầm nhìn khoa học .
Mới đây, Bộ KH&CN đã khởi động việc soạn thảo đề án tái cơ cấu nền KH&CN Việt Nam, một nhiệm vụ mà Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định là khó khăn nhưng rất quan trọng của Bộ trong năm 2015. Cuộc gặp gỡ với khoảng 30 nhà khoa học hôm 23/1 vừa qua có thể coi là cuộc tiếp thu ý kiến giới khoa học đầu tiên của Bộ cho đề án dự kiến phải hoàn tất vào tháng Năm tới.


Phát biểu mở đầu cuộc gặp diễn ra tại trụ sở Bộ KH&CN theo sáng kiến của tạp chí Tia Sáng, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nhiều năm qua, nền KH&CN Việt Nam đã được sự quan tâm lớn của Nhà nước và bản thân cộng đồng khoa học cũng có không ít nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều mặt yếu kém, bất cập cản trở sự phát triển không chỉ riêng của ngành mà cả sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng, là do mặc dù đã đặt một chân vào kinh tế thị trường nhưng tư duy của chúng ta vẫn mang nặng dấu ấn của giai đoạn quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, kế hoạch hóa trước đây. 
 


Việc tái cơ cấu nền KH&CN Việt Nam phải bao gồm các nội dung: Tái cơ cấu hệ thống tổ chức KH&CN công lập và toàn bộ hệ thống các tổ chức KH&CN nói chung; Tái cơ cấu nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau, và các lĩnh vực khác nhau; Tái cơ cấu đầu tư cho hoạt động KH&CN để không còn tình trạng gần như chỉ có một nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách nhà nước; Tái cơ cấu nền tài chính dành cho KH&CN, chuyển mạnh sang cấp phát theo cơ chế quỹ, giao cho các tổ chức KH&CN thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và toàn ngành phải thực hiện cơ chế đặt hàng để xây dựng các nhiệm vụ KH&CN từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở; Tái cơ cấu hệ thống luật pháp về KH&CN để phù hợp với bối cảnh đất nước thực sự chuyển sang kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Quân

 

“Có những đột phá như Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được coi là khoán 10 trong KH&CN, nhưng sự hưởng ứng từ giới quản lý và ngay cả những người làm khoa học cũng chỉ ở mức độ khiêm tốn, khiến cho Nghị định chưa thật sự đi vào cuộc sống sau 10 năm thực hiện. Hay như Nghị định 80 về doanh nghiệp KH&CN được ban hành đã hơn bảy năm nhưng không tạo ra đột biến nào về số lượng doanh nghiệp KH&CN, chỉ tiêu tới năm 2015 có ít nhất 3.000 doanh nghiệp KH&CN mà Chiến lược phát triển KH&CN đặt ra có thể thấy trước là không đạt,” Bộ trưởng dẫn chứng.

Khi những nỗ lực riêng lẻ nhằm đưa nền KH&CN Việt Nam thoát khỏi cái quán tính của một thời không đem lại kết quả như mong đợi, vấn đề tái cơ cấu toàn bộ hệ thống được đặt ra một cách cấp bách hơn bao giờ hết, và việc chuyển đổi “tư duy của những người lãnh đạo, quản lý và những người trực tiếp làm nghiên cứu, ứng dụng có ý nghĩa quyết định thành công của đề án tái cơ cấu”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Cần một tư duy mới: tự chủ cùng tầm nhìn dài hạn

Tại cuộc trao đổi thẳng thắn với những lãnh đạo cao nhất của Bộ KH&CN, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra những lối tư duy mà họ cho rằng cần từ bỏ để bảo đảm cuộc tái cơ cấu tới đây không chỉ là một “cuộc tắm gội từ đầu gối trở xuống”. Họ đánh giá rằng dù đã qua nhiều lần đổi mới nhưng về cơ bản, hệ thống KH&CN của Việt Nam vẫn thuộc quyền sở hữu và chỉ huy tập trung của Nhà nước, bởi vậy công việc tái cấu trúc sẽ phải đi theo hướng từ mô hình một nhà nước độc tôn làm KH&CN sang nền KH&CN tự chủ.

Theo đó, trước hết cần thoát ly tư duy hành chính, mệnh lệnh vì nó khiến hầu hết các hoạt động phải tiến hành theo quy hoạch có sẵn, hoặc phải được đăng ký, xin phép. GS.TSKH Trần Xuân Hoài, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học, cho rằng tư duy này đi ngược với bản tính sáng tạo, tự do và tự chủ của khoa học và giờ là lúc phải đổi hẳn từ quản lý kiểu hành chính sang quản lý theo đặc thù, có như vậy administration (quản lý) mới trở thành promotion (thúc đẩy) được.

Còn GS.TS Dương Nguyên Vũ, Viện trưởng Viện John von Neumann – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, người từng có nhiều năm làm nghiên cứu và quản lý khoa học ở nước ngoài, thì cho rằng cần loại trừ những tư duy có tính ngắn hạn, ăn xổi, ví dụ tư duy thương phẩm trong nghiên cứu khoa học. “Nghiên cứu khoa học là làm ra tri thức, tiền đề cho thương phẩm, chứ không phải làm ra thương phẩm. Nếu tôi làm thương phẩm thì tôi phải có thêm kỹ năng bán hàng, đóng gói, phân phối…, mà đó không phải là những kỹ năng của người làm khoa học. Một viện nghiên cứu chỉ tập trung làm ra thương phẩm thì dần dần nó sẽ trở thành một công ty mà không có gì bảo đảm sự phát triển bền vững của nó,” ông nói. Tuy nhiên, mặt khác, theo ông, bản thân nhà khoa học phải nghĩ đến mối liên hệ hợp tác với khu vực sản xuất, thương mại với nhận thức rằng giá trị đỉnh cao của nghiên cứu khoa học là ở chỗ nó thay đổi xã hội, thay đổi cuộc sống chứ không phải ở chỗ chỉ tạo ra những tri thức mới.

Một tư duy ngắn hạn khác phổ biến ở Việt Nam mà GS.TS Dương Nguyên Vũ cho rằng cần được thay thế, đó là tư duy nghiên cứu theo đề tài, bởi nó dễ khiến nhà khoa học chỉ nghĩ đến mục tiêu đầu ra trước mắt hơn là có một tầm nhìn xa. “Nhà khoa học chỉ nên coi đề tài khoa học như một hướng nhỏ trong tầm nhìn. Họ phải là người có vai trò lãnh đạo, dẫn dắt tầm nhìn khoa học chứ không tùy thuộc vào việc ra đề tài của Bộ hay một quỹ nào đó,” ông nói. Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng nếu lấy những cái đích ngắn hạn làm thước đo thì nền khoa học của chúng ta vĩnh viễn ăn đong, không thể hình thành được tiềm lực quốc gia. “Hiện giờ chúng ta đang đi theo hướng các đề tài ngắn hạn chứ không phải theo cái đích phát triển cho cả một chuyên ngành,” ông nhận định.

GS.TS Trần Đức Viên cho rằng nếu lấy những cái đích ngắn hạn làm thước đo thì nền khoa học của chúng ta vĩnh viễn ăn đong, không thể hình thành được tiềm lực quốc gia. “Mà hiện giờ chúng ta đang đi theo hướng các đề tài ngắn hạn chứ không phải theo cái đích phát triển cho cả một chuyên ngành,” ông nói.

Tăng cường gắn kết KH&CN với giáo dục - đào tạo và sản xuất

Theo GS.TS Vũ Cao Đàm, Khoa Khoa học Quản lí - Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, quá trình tái cấu trúc phải gắn kết khoa học và giáo dục bởi đây là hai người anh em song sinh, khoa học sản xuất tri thức, còn giáo dục thì truyền bá tri thức đó để tiếp tục tái tạo lực lượng sản xuất ra tri thức mới. Ông cho rằng lâu nay do chịu ảnh hưởng từ mô hình của các nước XHCN, một số lượng lớn viện nghiên cứu ở Việt Nam nằm tách rời trường đại học trong những tổ chức kinh viện theo mô hình “viện hàn lâm”. Nhưng ông nhận định, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nên không thể cưỡng được việc kết hợp nghiên cứu với đào tạo như xu hướng chung của thế giới. “Gần đây, tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã xuất hiện các đơn vị đào tạo sau đại học. Điều này cho thấy đang bắt đầu một quá trình tự tái cấu trúc rất ngoạn mục, và quá trình các viện hàn lâm tự biến thể không còn là điều lạ lẫm,” ông nói.

Đồng tình với GS Vũ Cao Đàm, GS Dương Nguyên Vũ cho rằng nghiên cứu khoa học có mối quan hệ mật thiết với đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học bởi các sinh viên cao học và nghiên cứu sinh là nguồn nhân lực quan trọng để giải quyết các vấn đề nghiên cứu đặt ra thông qua các luận án tốt nghiệp. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh mối quan hệ của khoa học với phát triển công nghiệp. Sự phát triển của công nghiệp cần có nghiên cứu khoa học để đổi mới sáng tạo các qui trình và sản phẩm; ngược lại, công nghiệp có tài lực để đầu tư cho các nghiên cứu khoa học vốn mang tính rủi ro nhưng nếu thành công sẽ đem lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với kinh phí đầu tư. Ba yếu tố nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, và đổi mới sáng tạo làm thành tam giác tri thức với trọng tâm là vai trò quản trị của viện nghiên cứu, chính là mô hình làm kim chỉ nam trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các viện nghiên cứu. “Đề án tái cơ cấu nền KH&CN Việt Nam nhất thiết phải tạo ra được sự phối hợp giữa ba yếu tố nói trên, tạo ra được đòn bẩy để đưa doanh nghiệp vào [liên kết với các tổ chức] nghiên cứu khoa học và đào tạo”, GS.TS Dương Nguyên Vũ nhìn nhận.

Cùng quan điểm đề cao mối quan hệ giữa khoa học với sản xuất, PGS.TS Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến KH&CN – Đại học Bách khoa Hà Nội, tin rằng tiềm năng hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp là rất lớn. “Hiện chúng ta có rất nhiều khoáng sản, giờ cần phải đột phá vào khâu khai thác và tinh chế. Chúng ta cũng đang cần những hợp kim đặc biệt phục vụ xây dựng và quốc phòng. Và nếu sản xuất được kính cao cấp, chúng ta có thể chiếm lĩnh thị trường 200 triệu m2 kính phải nhập khẩu mỗi năm. Những vấn đề này chúng ta chưa làm được nhưng nếu được đầu tư tới ngưỡng, chúng ta sẽ làm được.”

Bởi vậy, PGS.TS Phạm Thành Huy đề xuất tăng cường hơn nữa những chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp và tăng cường vai trò của R&D trong doanh nghiệp, chẳng hạn như quy định bắt buộc doanh nghiệp phải dành một tỉ lệ nhất định lợi nhuận sau thuế cho nghiên cứu khoa học. Mặt khác, ông đề nghị xây dựng chính sách khuyến khích các nhà khoa học đến làm việc tại doanh nghiệp. “Khi đến gần doanh nghiệp, chúng ta mới biết chúng ta có thể làm được nhiều hơn những cái chúng ta đang làm. Ở nước ngoài, cứ ba hoặc năm năm, nhà khoa học lại có thể dành sáu tháng đến doanh nghiệp làm việc. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, chỉ có đến doanh nghiệp chúng ta mới thật sự biết mình làm được gì,” ông nói.

Tuy nhiên, để hình thành mối liên kết giữa viện/trường và doanh nghiệp một cách thực chất và bền vững, theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh BSA, người từng tiếp xúc nhiều với cả viện/trường và doanh nghiệp, cần có những tổ chức môi giới có khả năng bảo chứng về lòng tin cho cả hai bên, và những mô hình đồng hành tăng tính tương tác trao đổi thông tin như những sàn thông tin hay mạng xã hội để bên cung và bên cầu ở các tầng khác nhau, các ngành khác nhau có thể gặp nhau dễ dàng.

***

Qua cuộc tọa đàm, có thể thấy đa số các nhà khoa học kỳ vọng cuộc tái cơ cấu nền KH&CN Việt Nam sắp tới sẽ đem lại thay đổi thật sự chứ không chỉ mang tính chất sửa sai là chính, “đổi” mà không “mới”, như đã diễn ra thời gian qua ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến bày tỏ thái độ dè dặt, với nhận định rằng thành công của tái cơ cấu KH&CN chỉ đến khi vai trò của KH&CN được Nhà nước chú trọng đúng mức, mà điều đó đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường thẩm quyền, vai trò tự chủ của Bộ KH&CN, cùng tính hiệu lực của các chính sách KH&CN.

Mặt khác, các nhà khoa học cũng cho rằng, tái cơ cấu cả một nền KH&CN là việc hết sức lớn, cần phải lôi kéo sự tham gia ý kiến của đông đảo các chuyên gia, thậm chí không nên tiếc tiền tư vấn chuyên gia nước ngoài, để có được đề án tốt nhất, khả thi nhất. 

 

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc:

Giai đoạn 1960-1972, cùng với sự ra đời của Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) và Viện KH&CN Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), chính phủ Hàn Quốc giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển KH&CN. Tuy nhiên vai trò này đã dần được chia sẻ với sự tham gia của khu vực tư nhân kể từ giai đoạn 1972-1980 khi các tập đoàn lớn như HYUNDAI, SAMSUNG… ra đời. Đến giai đoạn 1980-1987, khu vực tư nhân trở thành đối tác chính của chính phủ trong phát triển KH&CN; và từ năm 1987 thì bắt đầu thật sự giữ vai trò dẫn dắt. Vai trò của khu vực tư nhân trong tiến trình phát triển KH&CN ở Hàn Quốc thể hiện rõ nhất qua việc tăng ngoạn mục tỷ lệ đầu tư cho R&D so với khu vực công, trong đó giai đoạn 1980-1985 có thể coi là giai đoạn bước ngoặt khi tỷ lệ này từ 36:64 đảo ngược thành 75:25 và được duy trì đến tận ngày nay. Nếu xét theo GDP trên đầu người thì hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển tương đương với Hàn Quốc những năm đầu 1980, giai đoạn nước này đạt được đột phá về đầu tư cho KH&CN nhờ sự gắn kết với doanh nghiệp. (Theo bài trình bày của GS Hyungsun Kim, Đại học Inha, tại Hà Nội sáng 21/1

 

 

Tác giả bài viết: Thái Thanh

Nguồn tin: Tia Sáng