Thạch Chính Lệ và nguồn gốc của Covid-19 (phần 4)
- Thứ tư - 06/07/2022 19:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với các phòng thí nghiệm khắp thế giới, việc nuôi cấy virus động vật chưa rõ đặc tính ở các cơ sở có độ an toàn sinh học cấp 2 là điều hoàn toàn bình thường. Trong một email, Ebright kể tôi nghe rằng những hướng dẫn gần đây của Mỹ chỉ đưa ra ba loại coronavirus trong thực hành quy chuẩn an toàn sinh học cấp 3 – SARS-CoV-1, SARS-CoV-2 và MERS-CoV. Một số coronavirus trên động vật có thể lây lan và có khả năng lây nhiễm cho tế bào người trong môi trường đĩa petri, bao gồm những virus gây tử vong ở lợn có nguồn gốc từ dơi giống như virus của Thạch Chính Lệ – được xác định là triển khai ở phòng an toàn sinh học cấp hai là đủ. (Ở Mỹ, nuôi cấy virus dại, một tác nhân gây bệnh chết người khác thường sinh sống ở dơi, cũng chỉ yêu cầu thực hiện trong yêu cầu an toàn sinh học cấp 2, dù virus này có tỉ lệ tử vong gần như 100% ở con người).
Rasmussen nói với tôi rằng sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải đánh giá lại những quy chuẩn an toàn sinh học cho những virus chưa rõ nguy cơ. “Tôi nghĩ đại dịch đã thay đổi vấn đề cân bằng rủi ro – lợi ích trước đây”, bà nói.
Bên cạnh khó khăn phải tự mình siết chặt các quy tắc an toàn sinh học, những phòng thí nghiệm cấp cao của Trung Quốc đối diện những thử thách khác. Kinh phí là một vấn đề lớn. Trong khi thừa đầu tư để mua thiết bị hiện đại nhất hay xây dựng phòng thí nghiệm tối tân như cơ sở an toàn sinh học cấp 4 của Viện Vũ Hán, thì các nhà khoa học rất chật vật trong việc xin tài trợ để đào tạo nhân viên hoặc để lo chi phí điều hành các cơ sở này.
Những khó khăn trên thì chẳng có gì là bí mật. Khi Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cử một đoàn đại biểu đến Viện Virus Vũ Hán đầu năm 2018, những quản lý của Viện đã trần tình về những khó khăn trên với nhân viên đại sứ quán. Và, Yuan Zhiming, người điều hành cơ sở an toàn sinh học cấp 4, đã trình bày chi tiết về những thử thách của các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp cao Trung Quốc trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2019.
Một số bài viết đã mô tả những thách thức này là chỉ dấu rõ ràng của việc buông lỏng các tiêu chuẩn. Trong một bài viết thể hiện ý kiến cá nhân đăng tải vào tháng 4/2020, nhà báo Josh Rogin đến từ báo Washington Post viết rằng, sau chuyến ghé thăm của quan chức Hoa Kỳ đến viện Vũ Hán năm 2018, họ “đã gửi hai cảnh báo chính thức tới Washington về sự thiếu an toàn ở phòng thí nghiệm.” Theo Rogin, những nguồn tin không nêu tên có hiểu biết về tuyên bố từ sứ quán “nói rằng mục đích của hai cảnh báo này nhằm báo động về những quan ngại an toàn nghiêm trọng”, và một đại diện ẩn danh từ cơ quan quản lý nhà nước của Trump nói với Rogin rằng các tuyên bố của sứ quán đã “cung cấp thêm một phần bằng chứng để ủng hộ khả năng rằng đại dịch là kết quả của tai nạn thí nghiệm ở Vũ Hán”.
Bài báo đó đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc tranh cãi về nguồn gốc covid-19, phát tán thuyết rò rỉ càng thêm sâu rộng trong cộng đồng. Nhiều phương tiện truyền thông chính thống khác đã sử dụng niềm tin mù quáng trong bài báo như bằng chứng cho thấy rằng Viện Vũ Hán có một lịch sử “vết nhơ” hay sự kém cỏi trong thực hành an toàn sinh học.
Bản thân chính các tuyên bố của sứ quán nhiều tháng sau đó (kèm một số phần đã đính chính lại) cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nhân lực trong phòng thí nghiệm nhưng cũng không phát hiện bất kỳ thực hành an toàn sinh học nguy hiểm đặc trưng nào. Một tuyên bố phát vào ngày 19/1/2018, đề cập đến sự thiếu hụt các nhân viên được đào tạo “để vận hành phòng thí nghiệm có nguy cơ cao” trong một mục nhằm thảo luận rằng liệu điều đó có “cản trở nghiên cứu” hay không. Ba tháng sau đó, một tuyên bố thứ hai lại cho rằng điều này “mở ra nhiều cơ hội hơn cho việc trao đổi các chuyên gia”. Tuyên bố tháng một cũng lưu ý rằng khả năng của Viện Vũ Hán trong việc “thực hiện nghiên cứu năng suất bất chấp những hạn chế trước mắt” và nói rằng công việc của họ “khiến việc tiếp tục tầm soát các virus corona giống SARS ở dơi và nghiên cứu về sự lây truyền giữa người và động vật là cần thiết cho dự đoán và phòng ngừa bùng nổ dịch coronavirus trong tương lai.”
Một số nhà khoa học cảm thấy bức xúc bởi những gì họ đọc từ trước đến nay là sự diễn giải sai lệch từ các tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ. “Những quan ngại dấy lên từ các thông báo có vẻ không tập trung vào mối nguy nào cụ thể hay những vi phạm nghiêm trọng của nhân viên trong phòng thí nghiệm hiện tại,” Jason Kindrachuk, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Manitoba ở Winnipeg, Canada trả lời tôi trong một email. Ông bổ sung thêm rằng, những tuyên bố từ đại sứ quán còn nhấn mạnh “những hạn chế hiện tại có thể được giải quyết nhờ” sự tiếp sức từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ. Dù thế nào chăng nữa, Bill Hanage, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Harvard, kể cho tôi trong một email rằng ông không nghĩ những tin từ đại sứ quán có ích trong việc làm sáng tỏ cuộc tranh cãi về nguồn gốc của covid-19.
Rogin nói với MIT Technology Review trong một email rằng ông vẫn giữ nguyên lập trường với bài báo năm 2020 của mình.
Thạch Chính Lệ bảo rằng sự thiếu hụt nhân viên được huấn luyện đồng nghĩa rằng Trung Quốc không thể tận dụng tối đa cơ sở vật chất, nhưng điều đó không có nghĩa rằng đất nước đang sử dụng nhân lực nghiệp dư để làm việc trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 hay cấp độ 4. “RaTG13 là họ hàng gần nhất với SARS-CoV-2 mà chúng ta có được,” bà nói. “Chúng tôi không thể để rò rỉ ra ngoài thứ mà chúng tôi không có”.
Bà cũng phủ nhận những nghi vấn cho rằng quá trình lây nhiễm sang người đầu tiên có thể dính dáng đến một ai đó trong đội của mình – người đã dính phải virus trong phòng thí nghiệm hay trên thực địa. Thạch Chính Lệ bảo tôi, trong khoảng thời gian từ lúc khởi đầu của đại dịch ở Vũ Hán đến những mũi vaccine đầu tiên, mọi thành viên trong đội bà được xét nghiệm tìm kiếm acid nucleic của virus rất nhiều lần nhằm kiểm tra liệu họ có đang bị nhiễm bệnh và xét nghiệm kháng thể để xác định liệu họ có từng bị nhiễm trước đó. “Không ai trong đội có kết quả dương tính”, bà bảo. “Không ai trong chúng tôi bị lây nhiễm coronavirus dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả lúc thu thập mẫu dơi trong khu vực”.
Chính trị của sự bất tín
Nhiều nhà khoa học rất khó chịu về cách truyền thông phương Tây khắc họa Thạch Chính Lệ và Viện Virus Vũ Hán. Ngay cả khi chưa từng liên lạc với Thạch Chính Lệ hay viện Vũ Hán, hai nhà khoa học Robertson từ Đại học Glasgow và Rasmussen từ Đại học Saskatchewan vẫn gọi đây là thiên kiến gây sốc và nhận định điều này được điều hướng một phần bởi động cơ địa chính trị và những định kiến thâm căn cố đế.
Với những chuyên gia người Trung Quốc như Joy Zhang, nhà xã hội học tại Đại học Kent ở Cantebury, Anh, người chuyên nghiên cứu về quản trị khoa học ở Trung Quốc, thật khó để tách biệt những cáo buộc cụ thể chống lại Lệ khỏi những nghi ngờ nói chung về Trung Quốc. “Thạch Chính Lệ là nạn nhân của sự mất tin tưởng của phương Tây về Trung Quốc và khoa học của nước này”, bà nói.
Trong sự mất lòng tin đó, sự mất niềm tin vào thực hành khoa học Trung Quốc là hiển nhiên hơn cả. Filippa Lentzos, một chuyên viên an ninh sinh học tại King’s College London, chia sẻ với tôi vào tháng hai năm ngoái rằng “chỉ đơn giản là quá trễ” để tìm hiểu điều gì đã xảy ra vì “mọi thứ, ví dụ, tủ đông ở Viện Virus Vũ Hán có thể đã được dọn dẹp sạch sẽ. Dữ liệu có khi đã bị sửa chữa hay tô vẽ.” Đến hiện nay, đây vẫn là quan điểm của bà. Thạch Chính Lệ nhìn thấy những cáo buộc của Lentzos cho rằng phòng thí nghiệm của mình có thể đã hủy những thông tin cần thiết là “thiếu cơ sở và đáng sợ”.
“Nếu đó là điều họ nghĩ, thì không có cách gì chúng tôi có thể làm để thuyết phục họ”, bà bảo tôi. “Ngay cả khi chúng tôi đưa ra mọi chứng cứ, họ vẫn sẽ nói nhóm đã che đậy điều gì đó hay chúng tôi đã xóa bỏ các bằng chứng”.
Một số người phương Tây đồng tình với nhận định này. “Tôi khá thất vọng về cách người ta lan truyền những cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng kiểu này,” Nancy Connell, một nhà vi sinh học và thành viên của Bộ phận cố vấn khoa học quốc gia về An toàn sinh học của Viện Y tế quốc tế chia sẻ với tôi vào tháng hai năm ngoái khi bà đang làm việc cùng với Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Sức khỏe. “Điều này vô cùng thiếu trách nhiệm.”
Nhưng kể cả sự thiếu niềm tin của quốc tế với Trung Quốc chỉ là một phần lí do châm ngòi cho thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, lịch sử hành động bất tín và những bước đi sai lầm của nước này càng khiến điều đó trầm trọng hơn.
Trong đợt bùng nổ dịch SARS từ năm 2002 đến năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã cố hạ thấp quy mô lây lan trong nhiều tháng trời cho đến khi một phẫu thuật viên quân đội có tiếng tăm quyết định tiết lộ sự thật. Ở thời điểm mới khởi đầu đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã mập mờ thông tin về những ca bệnh đầu tiên và dập tắt tranh luận trong nước. Điều này còn trở nên tồi tệ hơn khi vào tháng 3/2020, một loạt các bộ, ngành Trung Quốc yêu cầu các nhà khoa học phải xin phép cơ quan chức năng khi công bố các nghiên cứu liên quan đến COVID-19.
Trong khi đó, nhiều cơ quan học thuật Trung Quốc, bao gồm Viện Virus Vũ Hán, chỉ đạo các nhà khoa học – trừ một số trường hợp hiếm hoi – không được nói chuyện với báo chí. Với một vài người sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Việc trả lời những phỏng vấn về chủ đề nhạy cảm chính trị bằng tiếng Anh là cực kì đáng sợ với nhiều người nói tiếng Trung, vì bất kì lỗi ngôn ngữ nào, đặc biệt về ngữ pháp (hiện tại, quá khứ) và trợ động từ, vốn nhiều khả năng bị dùng sai – sẽ dẫn tới hậu quả khủng khiếp. Cùng thời điểm đó, nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã trở nên ngần ngại khi nói chuyện với những nhà báo phương Tây vì những nguyên do thẳng thừng: đại đa số các phóng viên đã liên hệ với họ dường như không hiểu rõ vấn đề phức tạp của khoa học và cho thấy những thành kiến mạnh mẽ.
“Tôi chỉ muốn dồn sức tập trung vào công việc của mình,” Thạch Chính Lệ bảo tôi. “Tôi nghĩ cơn bão rồi sẽ dịu xuống sau một thời gian”.
Một số hành vi của viện Vũ Hán chắc chắn đã gây ra báo động đỏ. Ví dụ, vào tháng 2/2020, Viện tự nhiên ngắt kết nối trực tuyến cơ sở dữ liệu virus, và đến giờ người ngoài viện vẫn chưa được tiếp cận – khiến một số người nghi ngờ rằng các dữ liệu này có thể chứa thông tin mật thiết với nguồn gốc của COVID-19. Thạch Chính Lệ bảo tôi rằng một phần dữ liệu đã được công khai trước đại dịch chỉ chứa những thông tin đã được xuất bản; Viện Vũ Hán, như những tổ chức nghiên cứu ở các nơi khác trên thế giới, có cả dữ liệu chưa được xuất bản nhưng vẫn có thể chia sẻ theo yêu cầu thông qua các cổng thông tin dành cho hợp tác học thuật. Bà bảo, viện để dữ liệu ngoại tuyến vì những mối lo ngại về bảo mật; bởi đã có hàng nghìn nỗ lực hack dữ liệu từ khi bắt đầu đại dịch. “Những người phụ trách công nghệ thông tin thực sự lo lắng rằng có ai đó có thể phá hủy cơ sở dữ liệu, hay tệ hơn, cài cắm trình tự virus từ ngoài vào với mục đích xấu,” bà nói.
Đến hiện tại, Zhang từ Đại học Kent nhận định, hành vi của Trung Quốc phải được đặt trong ở bối cảnh lớn hơn liên quan chính trị, truyền thống và văn hóa của quốc gia này. Sở hữu truyền thống truyền thông hoàn toàn khác biệt, Trung Quốc “không có cả vốn từ lẫn ngữ pháp của truyền thông phương Tây để đối phó với một khủng hoảng đại chúng,” bà bảo tôi. “Linh tính đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc là luôn luôn đóng cửa các kênh truyền thông.” Bà chia sẻ thêm, với họ, điều này thường có vẻ an toàn hơn là chủ động đối mặt với tình huống. Hàng loạt nhà khoa học hàng đầu, những người yêu cầu không nêu rõ tên do sợ bị trù dập chính trị, nói với tôi rằng điều này cũng phản ánh việc thiếu sự tự tin ở các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. “Trong khi thể hiện bản thân như một thế lực ảnh hưởng toàn cầu, Trung Quốc vẫn cực kỳ bất an”, một trong số họ nhận định.
Thay vì thẳng thừng đối diện với khủng hoảng đại chúng, Trung Quốc lại càng tô đậm tính bất tín của mình bằng việc tự triển khai chiến dịch truyền thông mơ hồ và sai lệch. Ví dụ, phía Bộ Ngoại giao đã ám chỉ rằng những phòng thí nghiệm y sinh tại căn cứ quân sử ở Maryland, Mỹ mới là nơi có thể tạo ra con SARS-CoV-2 và làm rò rỉ ra ngoài. Rồi có một loạt các tin bịa đặt khác. Những thành viên Trung Quốc trong nhóm làm việc của WHO nhấn mạnh trong báo cáo của mình rằng “không tìm thấy thông tin được kiểm chứng nào khẳng định động vật có vú bị bán (ở chợ Hải Nam) ở thời điểm năm 2019”. Tuy nhiên vào tháng 6/2021, một bài báo đăng tải trên Scientific Reports nói rằng rất nhiều tiểu thương đã bán động vật có vú sống bất hợp pháp tại nhiều chợ ở Vũ Hán, bao gồm chợ Hải Nam trước khi có đại dịch.
Nhiều nhà khoa học phương Tây cảm thấy thất vọng bởi sự mơ hồ này. Ngay cả những người nhìn nhận giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm cực kỳ khó xảy ra, họ cũng quả quyết rằng những động thái của chính phủ thật khó chấp nhận. “Nếu Trung Quốc đang không trung thực vì điều này, vậy đất nước này còn nói dối điều gì khác nữa?” một nhà virus học ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết COVID-19 có nguồn gốc tự nhiên phát biểu.
Wu Zhiqiang – một nhà virus học tại Viện Sinh học Mầm bệnh tại Học viện Y khoa Trung Quốc, đặt tại Bắc Kinh và là một thành viên trong đội đặc nhiệm của WHO phủ định về việc nhóm của anh đã nói dối. Anh cho hay việc truy vết việc kinh doanh động vật hoang dã trái phép đã nằm quá phạm vi của nhiệm vụ nghiên cứu. “Chúng tôi chỉ có thể làm việc với những thông tin đươc cung cấp từ nhiều bộ, ban ngành và không có khả năng xác minh việc buôn bán những động vật sống có vú tại chợ Hải Nam.” Anh bổ sung thêm, các nghiên cứu về nguồn gốc của bệnh dịch luôn dựa vào dữ liệu không hoàn thiện, nhưng các nhà khoa học Trung Quốc đang lần theo các manh mối để dò ra được mối liên kết các chợ: “Mất thời gian và sự kiên nhẫn để hiểu được sự thật khoa học”.
Tuy nhiên, xoáy sâu thêm vào sự thiếu tin tưởng Trung Quốc là vai trò của Daszak đến từ EcoHealth Alliance. Mối quan hệ chặt chẽ của ông với Thạch Chính Lệ và vai trò thành viên của ông trong nhóm quốc tế của đội đặc nhiệm WHO có thể mâu thuẫn. Những người chỉ trích cũng nói rằng ông sẽ không dám nói một cách thẳng thắn. Ví dụ, vào tháng hai, ông trả lời nhiều tờ báo rằng ông ấn tượng bởi sự cởi mở của Trung Quốc – tại thời điểm mà cả đội đang bị đặt dưới áp lực khủng khiếp bị buộc phải chấp nhận lời kể của chính phủ nước này. Trong khi tỏ ra rằng mình hiểu rất rõ điều gì đang diễn ra ở Viện Vũ Hán, Daszak và tổ chức của ông đồng thời cũng đưa ra những phát ngôn không chính xác về các hoạt động nghiên cứu của viện này.
Những người chỉ trích cho hay những sự kiện như thế này đã dấy lên câu hỏi liệu Daszak có một vai trò lấn át hay thậm chí là đánh lạc hướng trong ủy ban WHO. Nhưng những nhà khoa học như Goldstein từ Đại học Utah, người không cộng tác với Daszak chia sẻ với tôi rằng không có bằng chứng nào cho thấy Daszak “đã sử dụng sức ảnh hưởng lấn át” trong nhóm 11 thành viên.
“Giờ đây đã hơn hai năm trôi qua kể từ khi những âm mưu đầu tiên xuất hiện nhằm cố tình chính trị hóa nguồn gốc đại dịch, và hạ thấp khoa học cũng như nghiên cứu mà những nhà khoa học thực hiện trong những tình huống vốn đã khó khăn.” theo lời Daszak. “Tất cả chúng ta đều phải chịu mất mát trước sự chính trị hóa này. Khi chúng ta trộn lẫn chính trị với khoa học, thứ có được chỉ là chính trị”. □ (Còn tiếp)
Phạm Vĩnh Anh dịch
Nguồn: https://www.technologyreview.com/2022/02/09/ 1044985/shi-zhengli-covid-lab-leak-wuhan/